Không chỉ Jordan sợ tuyển Việt Nam trong giải đấu Asian Cup 2019, mà trên các bàn đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA), nhiều nước khi ngồi đàm phán với Việt Nam coi Việt Nam là một nước rất mạnh, và họ cũng rất ngại nông nghiệp Việt Nam, thường đàm phán rất sâu, TS. Võ Trí Thành nói vui. Thực tế, có quốc gia dành 3 - 4 ngày đêm chỉ để bàn chuyện tỏi, ớt với Việt Nam, thậm chí trước khi tuyên bố kết thúc đàm phán tầm vài tiếng, còn đề nghị rút lại một số cam kết…
Tại buổi họp báo mới đây, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Cạnh tranh - đã chia sẻ một góc nhìn khác về nông nghiệp Việt Nam.
Chúng ta không thể phủ nhận những vấn đề nổi cộm của nông nghiệp nước nhà như tình trạng giải cứu nông sản đều đặn hàng năm, vấn đề chất lượng nông sản, đặc biệt trước thêm các hiệp định thương mại tự do (FTA). Nhưng bên cạnh đó, nông nghiệp Việt Nam cũng có điểm đáng tự hào, với thế mạnh về sản xuất nông - thủy sản.
Nhiều nước khi ngồi đàm phán coi Việt Nam là một nước rất mạnh, và họ cũng rất ngại nông nghiệp Việt Nam
"Không chỉ Jordan sợ tuyển Việt Nam trong giải đấu Asian Cup 2019, mà trên các bàn đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA), nhiều nước khi ngồi đàm phán với Việt Nam coi Việt Nam là một nước rất mạnh, và họ cũng rất ngại nông nghiệp Việt Nam, thường đàm phán rất sâu", TS. Võ Trí Thành ví von.
"Nông dân Brasil cũng ngại nông dân Việt Nam và ngược lại, khi hai nước đàm phán về lĩnh vực cà phê. Đấy là câu chuyện thị trường. Đấy là câu chuyện đáng tự hào cũng như chúng ta tự hào về U23 hay đội tuyển Việt Nam, dù rằng nông nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề".
Thực tế, có quốc gia dành 3 - 4 ngày đêm chỉ để bàn chuyện tỏi, ớt với Việt Nam, thậm chí trước khi tuyên bố kết thúc đàm phán tầm vài tiếng, còn đề nghị rút lại một số cam kết…
Ảnh minh họa.
Một yếu tố quan trọng mà TS. Thành mong muốn thể hiện trong các báo cáo về nông nghiệp: Vấn đề không phải ở kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 42 - 43 tỷ USD, mà là giá trị gia tăng trong đó là bao nhiêu? Và trong giá trị gia tăng ấy, doanh nghiệp Việt, nông dân Việt được hưởng lợi thế nào?
Bức tranh toàn cảnh về sản xuất và tiêu thụ nông sản sẽ được phác hoạ tại Diễn đàn "Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019", tổ chức ngày 22/2 tới đây. Ông Nguyễn Quốc Toản - Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, diễn đàn sẽ là nơi trao đổi các giải pháp thúc đẩy, mở cửa thị trường nông sản và nâng cao tính cạnh tranh của nông sản Việt trong bối cảnh hội nhập quốc tế, thu hút các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy mô hàng hóa lớn gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi.
Diễn đàn có sự tham gia của ba khối: Khối Bộ (gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương), khối Cơ quan nghiên cứu và tổ chức quốc tế gồm Ngân hàng thế giới (World Bank) và Viện nghiên cứu Chiến lược và Cạnh tranh, khối Doanh nghiệp - Địa phương gồm các doanh nghiệp lớn như tập đoàn Masan, Thủy sản Minh Phú, Vinacafe Biên Hòa, Aeon, Auchan… và đại diện các tỉnh Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bình Thuận…
"Theo chủ trương của Bộ, đây sẽ là diễn đàn thường niên, nhìn nhận lại một năm về bức tranh sản xuất gắn với tiêu thụ - xuất khẩu nông sản", Quyền Cục trưởng Toản nói.
Năm 2018, ngành nông nghiệp đã hoàn thành và vượt 5/5 chỉ tiêu với mức cao. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,76% (Chính phủ giao từ 2,8 đến 3%); giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,86% (kịch bản tăng trưởng đề ra là 3,25%); kim ngạch xuất khẩu đạt 40,02 tỷ USD (Chính phủ giao từ 36 đến 37 tỷ USD); tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65% (Quốc hội, Chính phủ giao là 41,6%); tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 42,4% (Chính phủ giao là 37%).
Năm 2019, ngành đặt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 42-43 tỷ USD.
Bảo Bảo
Theo Trí Thức Trẻ