Quyết định gây sốc của Sun Group
Từ đầu những năm 2000, ý tưởng xây dựng sân bay tại Vân Đồn đã được nhen nhóm. Ngày 31/5/2006, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 786 phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh”, trong đó đưa ra lộ trình cụ thể để phát triển hạ tầng tại đây, như giai đoạn 2006 – 2010 sẽ hoàn thành cơ bản các công trình then chốt, gồm quy hoạch chi tiết, khởi công và hoàn thành một số hạng mục công trình như sân bay, cảng biển, một số khu du lịch… Từ 2011-2015 sẽ hoàn thành sân bay giai đoạn I. Tuy nhiên, phải đến năm 2012, tại hội nghị xúc tiến đầu tư lần đầu tiên được tổ chức tại Quảng Ninh, quyết tâm xây sân bay tại Vân Đồn mới được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khẳng định mạnh mẽ.
Sau một thời gian tìm kiếm, Quảng Ninh đã nhận được khá nhiều đề xuất của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, “nặng ký” nhất phải kể đến Tập đoàn Rockingham (Mỹ) và Joinus Việt (liên doanh với Tổng công ty Cảng hàng không Hàn Quốc và Posco E&C).
Thế nhưng, câu chuyện phát triển các tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng trước để hút khách rồi mới xây sân bay, hay xây sân bay trước rồi mới đến các tổ hợp đã khiến các nhà đầu tư “chùn chân”, dự án đi vào bế tắc. Chỉ đến khi, Tập đoàn Sun Group xuất hiện với tuyên bố được cho là “gây sốc” vào thời điểm đó: Cùng lúc xây cả sân bay và các dự án phát triển kinh tế tại Vân Đồn thì “lối ra” cho sân bay Vân Đồn mới xuất hiện.
Sở dĩ phải nói Sun Group “gây sốc” khi quyết định đầu tư xây dựng sân bay Vân Đồn là bởi dù thời điểm đó, Sun Group đã rất thành công trong lĩnh vực du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng… song với hàng không, cụ thể là đầu tư cảng hàng không, Tập đoàn này gần như là một “tay mơ” trong lĩnh vực hàng không.
Những nghi ngờ, e ngại, những câu hỏi lớn về việc Sun Group có thực sự đủ quyết tâm, năng lực để thực hiện một dự án mà ngay cả người Mỹ, người Hàn còn thoái lui? Chỉ đến tháng 3/2016, khi dự án chính thức được khởi công, dư luận mới thực sự tin vào sự “dấn thân” của Tập đoàn “tay ngang” này. Và đến ngày 11/7/2018 vừa qua, khi chuyến bay đầu tiên thực hiện việc kiểm tra hiệu chuẩn hạ cánh tại Vân Đồn, cái tên Sun Group đã thực sự “ghi dấu” trên bản đồ hàng không trong nước.
Được biết, cảng hàng không quốc tế này dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm 2018 với lượng khách dự kiến đón trong thời gian đầu vào khoảng 2,5 triệu khách/năm và có thể được xây dựng, mở rộng về lâu dài để đón được khoảng 5 triệu khách/năm.
“Tốc độ chóng mặt” của sân bay tư nhân
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được xây dựng tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), trên diện tích 325 ha, được đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư khoảng 7.700 tỷ đồng. Đây là một trong những công trình trọng điểm nằm trong quy hoạch phát triển chiến lược kinh tế xã hội của Quảng Ninh.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là cảng hàng không đạt cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II - có thể đón các máy bay lớn.
Sân bay dự kiến khai thác các đường bay đến và đi từ các nước Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan) và Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Singapore, Campuchia). Tại thị trường trong nước, chủ đầu tư tập trung vào khu vực miền Trung và miền Nam như Huế, Đà Nẵng, Cam Ranh, Đà Lạt, Phú Quốc. Nhà ga hành khách giai đoạn một quy mô 25.000 m2, công suất 2,5 triệu lượt hành khách/năm. Trong giai đoạn 2 (2020-2025) và giai đoạn 3 (2025-2030), công suất sẽ nâng lên lần lượt 5-10 triệu lượt hành khách/năm. Các công trình như nhà ga hàng hoá, sân đỗ máy bay, đường băng mới... cũng sẽ được xây dựng trong các giai đoạn tiếp theo.
Vân Đồn là sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam được đầu tư theo hình thức BOT, sân bay quốc tế Vân Đồn sẽ do chính doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư trực tiếp vận hành, khai thác thay vì trực thuộc sự quản lý của ACV. Đây cũng là điểm khác biệt của Vân Đồn so với 21 sân bay đang hoạt động trong cả nước.
Riêng hoạt động điều hành bay, giá dịch vụ chuyên ngành hàng không tại sân bay Vân Đồn vẫn do Nhà nước thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật. Giá dịch vụ hàng không tại sân bay Vân Đồn sẽ được xác định trên cơ sở phương án tài chính của dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và các điều khoản quy định trong hợp đồng BOT, đảm bảo thu hồi vốn đầu tư, phù hợp với chất lượng dịch vụ, tình hình thị trường.
Trong buổi làm việc tại Bộ Giao thông vận tải cuối năm 2017, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã đưa ra ví von: “Sân bay Vân Đồn không thể so sánh với Nội Bài hay Tân Sơn Nhất về quy mô song đẳng cấp thì như nhau. Thời gian làm sân bay Vân Đồn rất nhanh. Trong khi đó, việc cấp bách “gấp vạn lần” là cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất và xây dựng sân bay Long Thành, thì chỉ riêng thời gian bàn bạc đã gấp mấy lần thời gian xây dựng sân bay Vân Đồn. Đó chính là “nút thắt”, là bài học về tư nhân hóa”.
Chỉ nửa năm sau buổi họp kể trên, ngày 11/7 vừa qua, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã đón thành công chuyến bay hiệu chuẩn đầu tiên, đánh dấu mốc quan trọng để chuẩn bị chuyển sang giai đoạn khai thác thương mại dự kiến vào tháng 12/2018. Đây cũng là Cảng hàng không quốc tế đầu tiên của Việt Nam do tư nhân đầu tư với tổng số vốn lên tới 7.700 tỷ đồng theo hình thức BOT, được phê duyệt là Cảng hàng không cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO) và là sân bay quân sự cấp II.
Chủ đầu tư sân bay này chỉ mất 27 tháng để hoàn tất những hạng mục cơ bản nhất như đường băng, sân đỗ, các công trình đảm bảo hoạt động bay như nhà ga, tháp không lưu, hệ thống trang thiết bị cơ bản hoàn thiện… Trong khi đó, điều kiện thi công Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn khó khăn hơn nhiều so với các sân bay khác.
Theo ông Arjan Kuin- cố vấn cấp cao của NACO- công ty tư vấn xây dựng thiết kế sân bay Hà Lan, vị trí cảng hàng không Vân Đồn ở rất xa các thành phố lớn, nguyên vật liệu phải chuyển từ nhiều tỉnh thành khác, thậm chí là từ nước ngoài về nên khó khăn, tốn kém bội phần. Chưa kể, sân bay được xây dựng tại một khu vực trước đó là vùng đất trũng…
Về vai trò của tư nhân trong xây dựng hạ tầng, góp phần thúc đẩy kinh tế, ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng: “Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, việc đa dạng hóa hình thức đầu tư, thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là sự tham gia của tư nhân là cần thiết, cũng là giải pháp tối ưu giảm áp lực lên ngân sách, thúc đẩy các dự án hạ tầng triển khai thuận lợi, chất lượng, đúng tiến độ”.
Theo Nhà đầu tư
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/sun-group-va-cang-hang-khong-tu-nhan-van-don-a67972.html