Chuyện Làng thanh niên lập nghiệp An Mã: Cưa bom, xẻ núi, dựng cơ đồ tiền tỉ

Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) An Mã được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khởi công xây dựng cuối năm 2001, với tổng kinh phí đầu tư gần 15 tỉ đồng. Đến nay, Làng TNLN An Mã có 91 hộ với kinh tế khá giả, nhiều gia đình giàu lên nhờ đầu tư trồng rừng và thực hiện mô hình nông - lâm kết hợp.


Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) An Mã được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khởi công xây dựng cuối năm 2001, với tổng kinh phí đầu tư gần 15 tỉ đồng. Đến nay, Làng TNLN An Mã có 91 hộ với kinh tế khá giả, nhiều gia đình giàu lên nhờ đầu tư trồng rừng và thực hiện mô hình nông - lâm kết hợp.

Gian nan buổi đầu khai hoang

Làng TNLN An Mã (nay gọi là thôn An Mã) có quy mô diện tích 6.273 ha (trong đó gần 4.000 ha lòng hồ An Mã) nằm trên địa phận hai xã Thái Thủy và Kim Thủy (huyện Lệ Thủy).

Theo thiết kế, Làng TNLN đưa 150 hộ gia đình trẻ lên tham xây dựng đầy đủ mô hình kinh tế nông, lâm nghiệp kết hợp. Đây là một trong bốn làng thí điểm mô hình thanh niên lập nghiệp dọc đường Hồ Chí Minh do Trung ương Đoàn tổ chức theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Quy mô thiết kế 150 hộ, nhưng hiện nay Làng chỉ có 91 hộ nằm sát thôn Cồn Cùng, xã Kim Thủy (huyện Lệ Thủy) đến khu vực giáp ranh xã Vĩnh Khê, (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị). Bình quân mỗi hộ dân có đến 10 ha đất trồng rừng và vài ha để trồng cây công nghiệp.

Chuyện Làng thanh niên lập nghiệp An Mã: Cưa bom, xẻ núi, dựng cơ đồ tiền tỉ - Ảnh 1.
Anh Võ Vĩnh Hải bên 2 ha cao su 10 năm tuổi của mình.

Anh Võ Vĩnh Hải – Trưởng thôn An Mã cho biết ngày trước Làng TNLN có 125 hộ dân, nhưng vì điều kiện rừng núi cheo leo, cuộc sống khó khăn nên hơn 30 hộ đã rời bỏ làng đi nơi khác. Hơn 90 hộ quyết tâm bám trụ lại rồi dựa vào trồng cây ngắn ngày sinh sống để kiếm vốn mở mang trồng rừng.

Nhờ "lấy ngắn nuôi dài", các hộ dân tăng dần diện tích trồng keo, tràm, rồi đến diện tích trồng cao su. Giờ ngoài việc trồng mới 1.500 ha rừng tập trung, rừng phân tán, Làng TNLN An Mã đã có hơn 200 ha cây cao su. Những hộ trồng nhiều như gia đình anh Nguyễn Trường Giang trồng 7 ha, anh Nguyễn Văn Đồng trồng 7 ha, anh Lê Văn Sáng trồng 5 ha.

Anh Hải nhớ lại "Gia đình tôi ở xã An Thủy (Lệ Thủy), đăng ký theo Dự án nên vợ chồng tôi lên đây lập nghiệp cùng những gia đình trẻ khác. Ngày mới lên, núi rừng hoang vu, cây bụi um tùm, nhờ sức trẻ nên cả hai vợ chồng ngày đêm đào bới cây bụi và khuân dọn đá để trồng cây.

Có lúc, chúng tôi đào phải bom đạn còn sót lại trong lòng đất. Khu vực vườn nhà tôi đã có 3 quả bom được đào thấy. Mấy năm đầu gian khổ quá, một số hộ bỏ làng đi nơi khác, nhưng chúng tôi quyết tâm chọn nơi này để gắn bó. Chúng tôi chỉ có sức người và cây cuốc trong tay và đã làm thay đổi mảnh đất này, hình thành nên những cánh rừng cây cao su, keo tràm như bây giờ ".

Chuyện Làng thanh niên lập nghiệp An Mã: Cưa bom, xẻ núi, dựng cơ đồ tiền tỉ - Ảnh 2.
Những cánh rừng trồng lên xanh bạt ngàn bên cạnh hồ An Mã.

Trong 91 hộ dân trong thôn, thì có duy nhất gia đình anh Đinh Quý Thắng là người gốc khác tỉnh đến lập nghiệp. Ngày trước, 2 vợ chồng anh cùng đứa con nhỏ quê Ninh Bình vào vùng đất Lệ Thủy để mua đất sinh sống. Tài của gia đình vỏn vẹn được 35 triệu đồng nhưng đã bị mất khi đi tàu. Đến Lệ Thủy, 2 anh chị phải ở nhờ nhà người dân, đi làm thuê để sinh sống. Nghe tin, có hộ trên làng TNLN khó khăn quá nên bỏ làng, bán đất, anh chị đã lên mua lại. Thấy hoàn cảnh anh Thắng khó khăn, những gia đình trong làng TNLN giúp đỡ, động viên nên vợ chồng anh chị ổn định làm ăn.

"Gia đình anh Thắng chịu thương chịu khó lắm, từ 2 bàn tay trắng lên đây, giờ anh chị là hộ khá giả rồi, xe cộ, trang thiết bị sắm sửa đầy đủ. Đứa con lớn có công việc làm ăn, còn đứa nhỏ khi lên đây mới sinh giờ đang học và thi đấu thể dục thể thao của ngành quân đội" – trưởng thôn Võ Vĩnh Hải kể.

Những ngôi nhà tiền tỷ giữa rừng

Con đường đường đất vào làng TNLN An Mã rộng lớn hằn dấu bánh xe tải chở gỗ keo, tràm sau trận mưa. Những lối mòn nhỏ, loanh quanh dẫn vào những căn nhà dân nằm sâu hun hút giữa bạt ngàn rừng cây cao su, tràm, keo. Làng TNLN ẩn trong những ngọn núi nhấp nhô, bên lòng hồ An Mã.

Chuyện Làng thanh niên lập nghiệp An Mã: Cưa bom, xẻ núi, dựng cơ đồ tiền tỉ - Ảnh 3.
Người dân Làng TNLN An Mã khai thác rừng nguyên liệu

Trưởng thôn An Mã cho biết nhiều hộ đã chuyển ra làm nhà mới ở gần sát đường mòn Hồ Chí Minh, còn nhà cũ dùng để chăm coi trang trại. "Cuộc sống dân làng ở đây dựa vào trồng rừng và khai thác mủ cao su. Nhờ bán rừng kinh tế keo, tràm nên các hộ dân có tiền tái đầu tư, mở rộng trồng các loại cây, nuôi các loại con cho năng suất kinh tế cao hơn. Trong làng giờ có 13 nhà có xe ô tô đi lại, 5 nhà có xe tải lớn phục vụ vận chuyển khai thác gỗ keo tràm. Nhiều ngôi nhà mới được xây tiền tỉ mọc lên giữa rừng cây thay thế cho những ngôi nhà nhỏ gắn bó nhiều năm nay".

Những gia đình như anh Lê Văn Bằng, Nguyễn Đình Sanh hiện tại đang xây dựng nhà mới khang trang, hiện đại. Anh Bằng cho biết "ngôi nhà của gia đình anh có mức đầu tư dự kiến 1,2 tỉ đồng, xong phần thô thợ nghỉ tết rồi ra năm làm tiếp. Để làm được nhà, gia đình có vay mượn thêm, rồi đến khi keo đến tuổi thu hoạch thì mình bán trả dần".

Kinh tế phát triển, các gia đình có điều kiện đầu tư cho con cái học hành. Phụ huynh nhiều gia đình còn gửi con đi học các trường chất lượng trong địa phương. Năm học 2017-2018 Làng TNLN có nhiều học sinh đạt học sinh giỏi tỉnh, giỏi huyện như em Trần Thị Lý giải nhì tỉnh môn Sinh lớp 12, em Võ Lê Hướng Dương giải khuyến khích tỉnh môn văn lớp 10, em Nguyễn Thị Mai Sương lớp 9 giải nhì huyện môn Văn.…

Chuyện Làng thanh niên lập nghiệp An Mã: Cưa bom, xẻ núi, dựng cơ đồ tiền tỉ - Ảnh 4.
Ở Làng TNLN An Mã, những ngôi nhà khang trang, hiện đại mọc lên giữa rừng, thay thế dần những ngôi nhà nhỏ ngày trước.

Ông Hồ Văn Tuyên – Chủ tịch UBN xã Kim Thủy cho biết: "Làng TNLN An Mã trước đây khó khăn nhất thì nay bứt phá thành thôn có điều kiện kinh tế khá nhất xã, thu nhập đầu người tăng nhất. Để có bước phát triển kinh tế như hôm nay, người dân đã có đất sản xuất, nhân lực lao động trẻ nên việc tiếp thu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mạnh dạn vay vốn ngân hàng để làm ăn, chuyển đổi cây trồng hiệu quả…"

Làng TNLN mới có một số hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhà ở và đất rừng. Nguyên nhân là do vướng mắc về địa giới hành chính. Hộ khẩu thuộc xã Kim Thủy nhưng đất lại nằm trên địa phận của cả hai xã Kim Thủy và Thái Thủy. "Hiện có 42/91 hộ trong thôn đã được cấp bìa đất, sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp để hoàn thành việc cấp bìa đất cho các hộ để yên tâm sản xuất" – Chủ tịch UBND xã Kim Thủy cho biết.

Gần 20 năm khi thành lập Dự án Làng TNLN An Mã, bằng sức người và đôi bàn tay lao động, những gia đình trẻ đã kiên cường bám trụ để mưu sinh. Đất không phụ lòng người, từ một mảnh đất hoang sơ phải chuyển mình thay da đổi thịt, để cho đời sống của hàng trăm con người nơi đây bỗng chốc trở nên khấm khá như trong những câu chuyện cổ tích thần kỳ.


Theo Thanh Hà

Infonet

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chuyen-lang-thanh-nien-lap-nghiep-an-ma-cua-bom-xe-nui-dung-co-do-tien-ti-a68316.html