Lãng phí tuổi 20 trong phòng, lên mạng, chơi game... cả ngày, đến tương lai tuổi 30 bạn nghĩ mình sẽ ngồi ở đâu?
Vị thế hôm nay bạn ngồi có thể là kết quả lựa chọn từ nhiều năm trước
Một cậu con trai đã hỏi bố khi đi qua ngã tư đường rằng: "Tại sao có người phải đứng phơi nắng giữa đường phát quảng cáo, lại có người thì được ngồi trong cửa hàng hưởng máy lạnh ạ?"
Người bố trả lời: "Đó là lựa chọn của họ."
Cậu con trai tiếp tục hỏi: "Vậy sao họ không chọn ngồi trong phòng điều hòa nhỉ?"
Người bố giải thích: "Lựa chọn mà bố nói không dựa vào hiện tại, mà là sự lựa chọn từ nhiều năm trước của họ cơ. Còn bây giờ, không phải he là có thể thay đổi lựa chọn của mình."
Không chỉ cậu bé trai mà có lẽ, rất nhiều người trẻ bây giờ đều chưa hiểu đạo lý này. Đa số thanh niên ngoài kia chỉ cần kiếm được công việc đã tự thấy mình giỏi giang, chỉ cần nhận lương mỗi tháng đủ nuôi sống mình thì đã hài lòng với hiện tại. Ít ai tự hỏi bản thân rằng: Đến năm 30 tuổi, vị thế của mình sẽ nằm ở đâu?
Mỗi sự lựa chọn trong đời đều dẫn đến vị thế của chính bạn sau này.
Rất nhiều người cho dù làm việc lâu đến mấy, thậm chí là 10 hoặc 20 năm, vẫn chỉ dừng ở vị trí công nhân hoặc nhân viên bình thường. Trong công ty nọ, có anh công nhân cho rằng mình đã có 25 năm kinh nghiệm nên đề nghị ông chủ tăng lương cao hơn. Tuy nhiên, ông chủ đã trả lời rằng: "Anh không có 25 năm kinh nghiệm, mà đó chỉ là một kinh nghiệm duy nhất anh có được trong 25 năm." Số kinh nghiệm của anh ta không hề được tích lũy sau một thời gian rất dài. Chúng chỉ đơn giản lặp đi lặp lại mỗi ngày một cách nhàm chán mà thôi.
Trong môi trường làm việc ngày càng tư nhân hóa và nhiều cạnh tranh hơn, cho dù chúng ta có kiên trì làm việc trong một công ty 25 năm đi nữa, đãi ngộ nhận về chưa chắc đã có nhiều thay đổi. Công ty chỉ quan tâm đến năng lực và mức độ cống hiến của mỗi người. Ai càng tài giỏi, mang về càng nhiều lợi ích cho công ty thì sẽ được hưởng càng nhiều. Đây là thời đại mà thực lực quyết định tất cả, thâm niên hay kinh nghiệm chỉ là một phần nền tảng ban đầu mà thôi. Nếu để bản thân trì trệ không tiến, tiếp tục "chôn chân" trong một vị trí quá lâu, bạn đang phí hoài thời gian, công sức và tuổi trẻ của mình một cách vô ích.
Tại sao 20 tuổi bạn không xông xáo mà muốn ổn định như người già về hưu?
Nếu được hỏi "Sau khi tan ca, bạn có làm thêm việc ở nhà hay không?", đa phần giới trẻ đều lắc đầu từ chối. Họ cho rằng công việc và nghỉ ngơi phải được duy trì ở mức cân bằng để có được sức khỏe ổn định nhất, cho nên, sau khi hết giờ làm, họ không bao giờ mang thêm công việc về nhà giải quyết mà chỉ tắm rửa cơm nước xong thì ở nhà lên mạng, xem phim hoặc đi chơi với bạn bè. Cho dù công việc còn chưa giải quyết xong, họ vẫn có thể gác lại đến hôm sau và tình nguyện bớt thời gian để bản thân có thể vui chơi giải trí. Cho đến khi kỳ hạn hoàn thành đã hết sạch, họ mới cuống cuồng lao đầu vào làm việc trong vội vã mà chẳng cần biết đúng sai thành bại như thế nào.
Cho dù đang ở thời tuổi trẻ sung sức, sức khỏe đỉnh cao, cuộc sống của đa số thanh niên vẫn rập khuôn như vậy, lặp đi lặp lại mỗi ngày mà không có gì đổi mới. Thay vì hăng hái chinh phục những đỉnh cao mới lạ của cuộc đời, họ lại chọn cho mình cách sống an nhàn, ổn định như các cụ già bước vào tuổi nghỉ hưu. Để đến khi thời gian qua đi, tuổi trẻ đã hết, họ mới bắt đầu ảo não: Suốt thời gian qua, chúng ta đã làm được gì?
Sử dụng thời gian thế nào cho ý nghĩa, hữu ích cho tương lai rất quan trọng.
Những tháng ngày "không làm gì cả" nhìn qua tưởng chừng có vẻ sung sướng, nhưng thực chất đó là thời gian bất ổn nhất của đời người. Ai cũng chỉ có một lần tuổi trẻ duy nhất trong đời, bạn đừng đốt cháy nó một cách lãng phí bằng những sự lựa chọn chỉ mang tính an nhàn, ổn định trong lúc có thể chịu khó chịu khổ nhất, để rồi tương lai phải hối hận không thôi.