Tác giả của những chậu kiểng dừa bonsai là em Nguyễn Minh Chí (24 tuổi, ngụ xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre). Với niềm đam mê cây kiểng từ nhỏ, lại lớn lên ở xứ dừa, chàng trai trẻ luôn muốn tìm tòi nghiên cứu ra sản phẩm bonsai riêng từ chính loại cây đặc sản của quê hương mình.
Minh Chí bên những cây dừa bonsai lạ mắt của mình. Ảnh: Kim Hà. |
Chí cho biết, trong khoảng hơn một năm nay, giá dừa quê cậu rất rẻ. Do đó, nhiều nhà vườn bỏ mặc cho dừa rụng, rồi mọc khắp nơi. Thấy tiếc, Chí đã xin về trồng. Sau đó, em lên mạng thấy ở Indonesia, Malaysia có loại dừa bonsai làm kiểng để bàn rất đẹp. Thế là chàng trai trẻ quyết định ứng dụng trên những trái dừa tưởng chừng như “bỏ đi”.
“Thường mấy trái dừa lên cây là người ta không còn sử dụng làm gì được nữa. Với lại, giá dừa quá rẻ nên cũng không ai trồng, mà để nó rụng khắp nơi. Thấy vậy em mới xin về trồng thử, lúc đó cũng không ai biết cây dừa bonsai là gì. Nhiều người nói “Mấy trái dừa đó lấy về làm gì, bỏ đi”, em cũng nín thinh", Chí kể.
Hoàn thành một chậu dừa bonsai mất khoảng 6 tháng. Nhìn thì đơn giản nhưng tỉ lệ thành công để cây có thể sống được lại khá thấp và chàng trai 9X phải trải qua cả một quá trình dày công nghiên cứu.
Do tiền đề của cây dừa bonsai là trái dừa đã lên cây, vì vậy khâu lột vỏ là vô cùng quan trọng quyết định sự thành bại của cây dừa bonsai sau này. Ban đầu do không biết kĩ thuật và chưa có kinh nghiệm nên tỉ lệ dừa hao hụt rất nhiều. Chí nói: “Do trái dừa có rễ có thân nó dính vào gáo dừa nên ban đầu không biết, em lột mạnh nó bị động, bị dập rễ, rồi nứt trái, xứt đọt. Trong khoảng 7 – 8 tháng đầu, số lượng chết hầu như là khoảng 90%”.
Bonsai dừa khắc chữ - Ảnh: Kim Hà. |
Tiếp theo là công đoạn ươm cây vào chậu. Tùy theo thế bonsai người chơi muốn tạo như: Nghiêng hoặc đứng thì sẽ cho trái dừa vào chậu và tạo dáng từ khi ươm. Bởi bonsai có những thế căn bản, dừa bonsai cũng tuân theo những thế như vậy. Nhưng ở đây cái khó là do dừa vốn tự nhiên nên không thể uốn kẽm hay ghép tháp được. Chính vì vậy, Chí đã trồng theo cái thế tự nhiên của dừa, không tác động nhiều, mà chỉ sắp xếp các rễ cho phù hợp. Đến khoảng hơn 1 tháng thì bắt đầu cơi rễ cao lên một lần để gáo dừa không bị ẩm, mục. Khi cây đạt được thế, dáng như mong muốn thì sẽ bắt đầu chà nhám để phần gáo dừa có độ bóng đẹp.
Những chậu dừa bonsai thành phẩm - Ảnh: Kim Hà. |
Theo Chí, các tiêu chí để làm nên một cây dừa bonsai đẹp đòi hỏi trái phải còn nguyên dính với thân, rễ phải cơi lên cao cho gáo không bị ẩm thấp và mục để có thể chơi được lâu hơn. Tiếp theo là lá, thân phải đều, thanh mảnh nhìn ra dáng một chậu bonsai để bàn. Ngoài ra, Chí còn nghiên cứu thêm bonsai dừa thủy canh độc đáo, với những bộ rễ dừa trắng tinh rất lạ mắt. Khách hàng còn có thể nuôi cá cảnh trong chậu.
Dừa bonsai rất dễ chăm sóc và có thể chơi được rất lâu. Năm 2019 là năm đầu tiên chàng trai trẻ cho ra thị trường loại cây này. Do đó, số lượng còn hạn chế chỉ khoảng 150 cây với giá bán dao động từ 200 – 600 ngàn đồng/chậu, tùy loại.
Dừa bonsai trồng thủy canh - Ảnh: Kim Hà. |
Đây sẽ là sản phẩm mà Minh Chí sẽ dùng để dự thi khởi nghiệp của tỉnh Bến Tre. “Em sẽ tiếp tục phát triển loại cây này. Em muốn mọi người nhắc tới dừa Bến Tre là biết thêm một cây dừa bonsai nữa” – Chí chia sẻ.
Theo Tiền Phong
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/bonsai-dua-doc-dao-san-pham-khoi-nghiep-cua-chang-trai-9x-ben-tre-a69212.html