Những giai thoại ly kỳ, bí ẩn xung quanh nơi an nghỉ của danh tướng Triệu Vân đã khiến ngôi mộ này trở thành nỗi ám ảnh trong giới mộ tặc.
Triệu Vân (? – 229), tự Tử Long, người đất Thường Sơn, là danh tướng cuối thời Đông Hán và thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa.
Không chỉ có tên tuổi gắn liền với nhiều chiến công khi còn theo phò tá Tiên chủ Lưu Bị. Triệu Tử Long cũng được biết tới là một trong những đại công thần góp công vào việc thành lập tập đoàn chính trị Thục Hán.
Ngày nay, mỗi khi nhắc tới nhân vật này, người đời không chỉ nhớ tới sự trung thành, kiêu dũng của ông mà còn thường xuyên nhắc tới giai thoại bí ẩn liên quan tới ngôi mộ ngàn năm không ai dám xâm phạm của viên hổ tướng họ Triệu ấy.
Thậm chí có giai thoại còn truyền lại rằng, nơi an nghỉ của Triệu Tử Long từ lâu đã trở thành ám ảnh trong giới mộ tặc một thời. Vậy phía sau ngôi mộ không ai dám trộm ấy thực sự ẩn chứ bí mật gì?
Ngôi mộ của "hổ tướng" Thục Hán - nơi cất giấu một trong những thần khí lợi hại nhất Tam Quốc
Triệu Vân được đánh giá là vị tướng uy dũng, lập nhiều công lao cho nhà Thục Hán và cũng được biết tới là tấm gương nổi tiếng về lòng trung nghĩa. (Ảnh: Nguồn Internet).
Nhìn lại cuộc đời của "Võ thần" Triệu Tử Long, có thể thấy ông dành gần nửa cuộc đời mình để phò tá cơ nghiệp của Tiên chủ Lưu Bị. Danh tiếng của Triệu Vân lưu danh sử sách thông qua nhiều trận đánh tiêu biểu như Bác Vọng, Trường Bản, Hán Thủy…
Bên cạnh tài năng võ thuật được người đời ca tụng, Triệu Vân còn nổi danh với lòng trung thành khó ai sánh được. Cũng bởi vậy mà không ít người từng ca ngợi Triệu Tử Long là nhân vật hoàn mỹ nhất trong số các anh hùng Tam Quốc.
Năm 229 dưới thời Lưu Thiện, Triệu Vân lâm bệnh và không may qua đời tại Hán Trung, để lại muôn vàn nuối tiếc cho quân sĩ nước Thục. Sau khi tạ thế, ông được Lưu Thiện an táng trịnh trọng, cất mộ tại Đại Ấp, nay là chân núi Cẩm Bình, thuộc huyện Đại Ấp, nằm ở phía tây Thành Đô, Tứ Xuyên.
Theo sử sách miêu tả, ngôi mộ của Triệu Tử Long hết sức bề thế, từ xa nhìn lại trông như một gò cao, xây dọc theo thế núi, bốn phía còn xây tường chắn và còn có từ đường để thờ phụng. Nơi an nghỉ quy mô này đã gián tiếp khẳng định sự kính trọng mà Tân đế Lưu Thiện dành cho một đại công thần như Triệu Vân.
Sinh thời, Triệu Tử Long mặc dù không sở hữu địa vị cao như Quan Vũ, Trương Phi, nhưng bàn về võ lực hay lòng trung thành, ông không hề thua kém bất kỳ khai quốc công thần nào của Thục Hán.
Hơn nữa, những chiến tích và công lao của Triệu Tử Long đã tạo thành những dấu ấn không thể xóa nhòa trong lịch sử. Vì vậy ngay cả khi quan tước không cao, tang lễ, mộ phần và những vật tùy táng theo vị tướng họ Triệu này chắc chắn phải xếp vào hàng thượng hạng thời bấy giờ.
Đặc biệt, nơi an nghỉ của Triệu Vân được khẳng định là có chôn theo món thần khí từng theo ông nam chinh bắc chiến cả một đời. Đó chính là một trong những vũ khí nổi danh Tam Quốc – Long Đảm Lượng ngân thương.
Thế nhưng điều kỳ lạ nằm ở chỗ, mặc dù là ngôi mộ của một nhân vật nổi danh thời bấy giờ, hơn nữa lại được xác định có chôn theo nhiều món đồ giá trị, nhưng nơi Triệu Vân an nghỉ cả ngàn năm qua lại chưa hề bị mộ tặc xâm phạm.
Phải chăng ngôi mộ này sở hữu một bí mật nào đó khiến những kẻ trộm mộ không dám bén mảng đến gần?
Giai thoại ly kỳ xoay quanh nơi an nghỉ của Triệu Tử Long: Mộ tặc ngàn năm không dám xâm phạm vì sợ điều này
Sự uy dũng, trung nghĩa của Triệu Tử Long lúc sinh thời cũng là một trong những nguyên nhân khiến mộ tặc không dám xâm phạm nơi an nghỉ của ông. (Ảnh: Nguồn Internet).
Tại Trung Hoa cổ đại xưa, nhiều nhân vật có tiền bạc và quyền lực thời bấy giờ thường chôn theo trân kỳ dị bảo trong mộ phần của mình. Đây chính là nguyên nhân khiến trộm mộ dần trở thành một "nghề" từng rất lộng hành trong xã hội phong kiến.
Bởi vậy mà đã từng có giai đoạn, những ngôi mộ cổ tại đất nước này bị xâm hại nhiều tới mức "cứ 10 mộ thì có tới 9 mộ rỗng".
Thế nhưng võ tướng nổi danh Tam Quốc Triệu Tử Long lại được xem là ngoại lệ trong số đó. Có giai thoại còn truyền lại rằng, nơi an nghỉ của Triệu Vân thậm chí đã từng trở thành nỗi ám ảnh của giới mộ tặc suốt một thời gian dài.
Xung quanh ngôi mộ không ai dám xâm phạm của Triệu Vân đã từng có không ít giai thoại ly kỳ, bí ẩn. Trong số đó, ba câu chuyện dưới đây được hậu thế lưu truyền nhiều hơn cả.
Giai thoại thứ nhất kể lại rằng, nơi an nghỉ của Triệu Tử Long có chôn theo rất nhiều trân bảo, đáng giá nhất chính là cây ngân thương – thần khí Tam Quốc từng theo vị tướng này chinh chiến sa trường.
Một trong những nguyên nhân khiến mộ Triệu Vân không ai dám trộm cũng bởi nhân vật này lúc sinh thời có danh tiếng vô cùng tốt đẹp, ngay tới giới mộ tặc cũng đem lòng ngưỡng mộ. Chính sự kính trọng của đông đảo hậu thế đã trở thành một trong những nguyên nhân khiến không ai dám phá vỡ giấc ngủ ngàn thu của viên hổ tướng ấy.
Còn theo giai thoại thứ hai, năm xưa sau khi Trung Quốc được giải phóng, có người từng muốn phá mộ Triệu Vân. Nào ngờ người này mới đào bới được nửa ngày thì trời bất ngờ đổ mưa lớn, nước mưa khiến số đất vừa đào trôi vào chỗ cũ.
Cứ như vậy, công sức đào bới của người kia coi như công cốc. Người đó cho rằng đó là "điềm trời" nên cũng lấp lại cẩn thận và không dám động vào ngôi mộ ấy nữa.
Khu lăng mộ của Triệu Vân tại Tứ Xuyên ngày nay. (Ảnh: Nguồn Baidu).
Giai thoại thứ ba cũng là giai thoại ly kỳ nhất về ngôi mộ của Triệu Vân. Theo đó, vào những năm 50 của thế kỷ trước, nơi an nghỉ của viên hổ tướng này từng nằm trong khu đất được quy hoạch để xây dựng một trường học.
Bấy giờ, nhân công xây dựng định "giải tỏa" mộ Triệu Vân để tiến hành thi công. Họ không ngờ rằng khi mới đụng vào một góc của ngôi mộ thì ngay hôm sau trời đã nổi mưa rền gió dữ liên tiếp ba ngày.
Tuy nhiên mọi chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó. Khi mưa gió đã qua đi, phía trên ngôi mộ của Triệu Vân có rất nhiều rắn bò đến, quây kín đỉnh mộ như có ý muốn bảo vệ. Nơi an nghỉ của Triệu Tử Long sau đó đã không bị giải tỏa mà vẫn được giữ nguyên trong khuôn viên trường học.
Xuất phát từ những giai thoại ly kỳ ấy, ngôi mộ của Triệu Tử Long đã dần trở thành nỗi ám ảnh của giới mộ tặc. Hậu thế mỗi khi nhắc tới mộ phần của viên hổ tướng này cũng đều cho rằng, nơi đây nhờ có thần khí bảo vệ mà đã trở thành vùng đất linh thiêng nên không ai có dũng khí mạo phạm.
*Tổng hợp.
Theo Trần Quỳnh
Trí thức trẻ
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/bi-an-ngoi-mo-ho-mua-goi-gio-cua-trieu-van-khien-ke-trom-ngan-nam-khong-dam-ben-mang-a69815.html