Đại gia ăn chay Xuân Trường: Doanh nhân kín tiếng rước xá lợi Phật, mua thiên thạch mặt trăng, xây ngôi chùa lớn nhất thế giới

Tại Ninh Bình, chùa Bái Đính đã khiến du lịch tỉnh liên tục tăng trưởng mạnh mẽ trong hơn chục năm trở lại đây. Đối với Hà Nam, chùa Tam Chúc dù rất nhiều hạng mục vẫn đang được gấp rút thi công, nhưng đã đón cả vạn lượt du khách chỉ trong những ngày Tết Kỷ Hợi.


Tại Ninh Bình, chùa Bái Đính đã khiến du lịch tỉnh liên tục tăng trưởng mạnh mẽ trong hơn chục năm trở lại đây. Đối với Hà Nam, chùa Tam Chúc dù rất nhiều hạng mục vẫn đang được gấp rút thi công, nhưng đã đón cả vạn lượt du khách chỉ trong những ngày Tết Kỷ Hợi.

Ông Nguyễn Văn Trường là doanh nhân sinh năm 1964 tại Ninh Bình. Ông là chủ của nhiều doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, trong đó nổi tiếng nhất là Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Xuân Trường. Cũng chính vì doanh nghiệp này mà ông còn được gọi với cái tên đại gia Xuân Trường.

Ngoài công ty Xuân Trường, ông còn sở hữu nhiều doanh nghiệp khác như Công ty du lịch Hoa Lư, Khách sạn Hoa Lư, Công ty Đầu tư Thương mại Dịch vụ Tràng An, sân golf Tràng An, khu du lịch hồ Đồng Chương...

Đại gia Xuân Trường là người giản dị, ăn chay trường từ nhiều năm nay. Ông nổi tiếng với câu nói: “Đại gia thì cũng chỉ ăn được 3 bữa cơm một ngày thôi, cái khác biệt là họ sẽ để lại cái gì cho đời. Và cái để lại đó, nếu nó thực sự đáng quý, thì cũng chẳng cần khoa trương, nó vẫn quý”.

Với triết lý đó, trong hơn chục năm qua, công ty Xuân Trường của ông đã liên tục xây các công trình to lớn, để đời, như là một cách để lưu lại tên tuổi của mình.

Bái Đính - Tràng An

Khu du lịch Bái Đính - Tràng An khởi công năm 2006 với số vốn đầu tư 17.000 tỷ đồng. Trong đó, dự án Chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam được xác lập như chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, chùa có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á...

Năm 2010 chùa Bái Đính là nơi tổ chức Đại lễ đón xá lợi Phật đầu tiên từ Ấn Độ về Việt Nam. Ông Trường đã phải chi tới 100.000 USD, đích thân sang Ấn Độ để đón xá lợi về Việt Nam. Ở sân bay Nội Bài ông đã sắp xếp thuế 3 chiếc xe Limousine, Hummer, Lincol để chở xá lợi và các cao tăng về Ninh Bình. "100.000 USD để cùng Giáo hội Phật Giáo Việt Nam rước xá lợi Phật về hay là hàng triệu USD cũng không thể mua được cái tâm của những người hướng Phật", ông Trường nói.

Đại gia ăn chay Xuân Trường: Doanh nhân kín tiếng rước xá lợi Phật, mua thiên thạch mặt trăng, xây ngôi chùa lớn nhất thế giới - Ảnh 1.

Quang cảnh tại Chùa Bái Đính

Đến năm 2014, Chùa Bái Đính đã được Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng và UNESCO công nhận là di sản thế giới kép. Đây cũng là ngôi chùa nổi tiếng với những kỷ lục châu Á và khu vực như tượng phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, tượng phật Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á.

Ngoài ra, chùa còn giữ nhiều kỷ lục của Việt Nam như chuông đồng lớn nhất Việt Nam 36 tấn, khu chùa rộng nhất Việt Nam với 539 ha, khu chùa có hành lang La Hán 3 km dài nhất châu Á, khu chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam với 500 vị bằng đá xanh cao khoảng 2m, khu chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam. Bên cạnh đó, đây cũng là khu chùa có số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam,100 cây bồ đề được chiết từ cây bồ đề Ấn Độ.

Đại gia ăn chay Xuân Trường: Doanh nhân kín tiếng rước xá lợi Phật, mua thiên thạch mặt trăng, xây ngôi chùa lớn nhất thế giới - Ảnh 2.

Dãy 500 vị La Hán bằng đá xanh

Bái Đính - Tràng An là dự án tâm linh khẳng định tên tuổi của Xuân Trường, và đã thay đổi hoàn toàn diện mạo du lịch tỉnh Ninh Bình. Trước đây, du khách có các lựa chọn gồm Tam Cốc - Bích Động, nhà thờ đá Phát Diệm, rừng quốc gia Cúc Phương, Vân Long - kênh Gà thì đến nay, hầu hết đổ dồn về Bái Đính và Tràng An.

Theo thống kê, năm 2007 Ninh Bình đón gần 2,4 triệu khách du lịch thì đến năm 2018 vừa qua đã lên tới 7,3 triệu lượt khách, đem về doanh thu 3.200 tỷ đồng cho tỉnh.

Riêng trong dịp Tết năm 2018, có ngày Bái Đính đón tới hơn 221 nghìn lượt khách và Tràng An có ngày đón hơn 31 nghìn lượt khách.

Tam Chúc - Ba Sao

Mục tiêu là xây dựng ngôi chùa lớn nhất thế giới, khu du lịch Tam Chúc nằm tại thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng có diện tích 5.100ha (bằng kích thước của gần 300 sân vận động quốc gia Mỹ Đình cộng lại), ba mặt được bao bọc bởi dãy núi Thất Tinh hình tay ngai, dưới lòng hồ là 6 quả núi nhô lên, xung quanh là những đầm sen. Đứng từ trên cao nhìn xuống, Tam Chúc được ví như ”Vịnh Hạ Long” trên cạn.

Năm 2006, cùng thời điểm khởi công dự án Bái Đính - Tràng An, cũng là lúc đại gia Xuân Trường được tỉnh Hà Nam phê duyệt quy hoạch Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao với chức năng văn hóa tâm linh - nghỉ dưỡng sinh thái - vui chơi giải trí, quy mô cấp vùng Thủ đô và định hướng phát triển cấp quốc gia. Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới  11.000 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư của các nhà đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng.

Đại gia ăn chay Xuân Trường: Doanh nhân kín tiếng rước xá lợi Phật, mua thiên thạch mặt trăng, xây ngôi chùa lớn nhất thế giới - Ảnh 3.

Chính điện có sức chứa tới 5.000 Phật tử hành lễ cùng một lúc.

Để thu hút sự chú ý dành cho dự án, tháng 10/2018 vừa qua, doanh nghiệp Xuân Trường đã mua đấu giá mảnh thiên thạch có tên "Mảnh ghép Mặt Trăng" tại Mỹ, với mức giá 612.500 USD (khoảng 14,3 tỷ đồng). Khối đá này được Xuân Trường mua để tặng lại cho chùa Tam Chúc.

Ông Trường từng cho biết, Bái Đính kiến trúc 1 ngôi chùa lớn thì Tam Chúc - Ba Sao khi hoàn thành có hàng trăm chùa tháp với hàng ngàn bức tượng Phật. “Nơi đây còn có cả một không gian tâm linh phụ trợ như Động Vòng, Động Cô Đôi, Chùa Thiên Phúc và khu vườn Phật 300 ha - nơi ngự của tứ Thánh đế với hàng ngàn đệ tử chắp tay hướng tới cõi niết bàn, nghĩa là đến đây du khách như đến một trung tâm Phật giáo quy mô lớn nhất hàng châu lục”, ông Trường nói.

Đại gia ăn chay Xuân Trường: Doanh nhân kín tiếng rước xá lợi Phật, mua thiên thạch mặt trăng, xây ngôi chùa lớn nhất thế giới - Ảnh 4.

Chính giữa của điện thờ ba pho Tam Thế Phật: Quá khứ, hiện tại và tương lai.

Công trình dự kiến hoàn thành vào năm 2020 và thu hút trên 1,8 triệu lượt khách/năm về tham quan du lịch; đồng thời chuyển dịch từ 3.000 - 5.000 lao động nông nghiệp sang chuyên phục vụ ngành dịch vụ, du lịch.

Ngay trong dịp Tết 2019, rất đông du khách đã tới Tam Chúc, dù cho nhiều hạng mục vẫn đang trong quá trình thi công. Theo thống kê trong dịp Tết Kỷ Hợi, trung bình mỗi ngày có trên 2.000 vé được bán ra.

Tháng 5/2019 tới đây, chùa Tam Chúc sẽ đăng cai Đại lễ Vesak năm 2019 (Đại hội Phật giáo thế giới). Đại lễ dự kiến có 1.500 chức sắc và lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, nhà khoa học, nhà nghiên cứu Phật học… tại 90 – 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và khoảng 10.000 Phật tử và người dân tham dự. Đây cũng là thời điểm khánh thành giai đoạn 1 của dự án. Công trình dự kiến hoàn thành vào năm 2048 (xây dựng trong gần 50 năm).

Dự án Hồ Núi Cốc và Cái Tráp

Ngoài 2 dự án tại Ninh Bình và Hà Nam, Xuân Trường còn có ý định đầu tư 2 dự án tâm linh khác là dự án Hồ Núi Cốc tại Thái Nguyên và dự án đảo Cái Tráp tại Hải Phòng.

Tại Hồ Núi Cốc, Xuân Trường dự kiến dự án sẽ có mức đầu tư lên tới 15.000 tỷ đồng để nạo vét các dòng chảy để tạo đường thủy khoảng 20km (giống như Tràng An); khôi phục, tôn tạo đền chùa miếu mạo trong khu vực; xây dựng một tháp mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế cao 100m để thờ Xá Phật Lợi (tâm điểm là tháp đá đỏ granit); xây dựng hệ thống dịch vụ, khách sạn, nhà hàng…

Còn đối với Cái Tráp, Xuân Trường dự kiến đầu tư 9,8 nghìn tỷ đồng, phát triển đảo Cái Tráp thành quần thể du lịch tổng hợp. Trong đó, nổi bật là khu tâm linh với diện tích 88,7ha gồm các hạng mục: chùa Cái Tráp, tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao 150m, điện Pháp chủ, điện Tam quan, hai nhà tả hữu vu, nhà tăng ni; khu dịch vụ đón tiếp 108ha gồm: trung tâm đón tiếp, khu ẩm thực, khách sạn 5 sao, bến xe điện, khu biệt thự; phần diện tích còn lại sẽ đầu tư xây dựng CLB thủy thủ, Casino và các thảm cây, cỏ xanh để đảm bảo cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường.

Lý giải về việc xây tượng Phật cao 150m, ông Nguyễn Văn Trường cho rằng, tượng Phật có ý nghĩa là biểu tượng đặc trưng của Phật giáo và tín ngưỡng đạo Phật, phù hợp với văn hóa đồng bằng sông Hồng nói riêng và cộng đồng người Việt Nam nói chung. Hiện kỷ lục công trình tượng cao nhất đang thuộc về Trung Quốc, vì vậy doanh nghiệp quyết định đầu tư xây dựng công trình lớn hơn, tiến tới đề nghị công nhận kỷ lục thế giới, tạo sức lan tỏa để thu hút du khách.

Đại gia ăn chay Xuân Trường: Doanh nhân kín tiếng rước xá lợi Phật, mua thiên thạch mặt trăng, xây ngôi chùa lớn nhất thế giới - Ảnh 5.

Phối cảnh dự án khu du lịch tâm linh đảo Cái Tráp, Hải Phòng


Hà My

Theo Trí Thức Trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/dai-gia-an-chay-xuan-truong-doanh-nhan-kin-tieng-ruoc-xa-loi-phat-mua-thien-thach-mat-trang-xay-ngoi-chua-lon-nhat-the-gioi-a70096.html