Samsung và những con số biết nói

Những gì Samsung làm được cho Việt Nam còn lớn hơn nhiều con số xuất khẩu hàng chục tỷ đô la.

Samsung đã đưa Việt Nam lên “bản đồ công nghiệp hóa” của thế giới

Nơi khởi đầu của những giấc mơ

Nguyễn Thị Huyền, 31 tuổi, sinh ra và lớn lên ở một huyện nghèo của tỉnh Bắc Giang. Nhà nghèo, Huyền lấy chồng cũng nghèo. Tiền chả có, cả nhà vẫn phải sống trong một căn nhà nhỏ xiêu vẹo nơi cuối xóm. Lại thêm chồng cô bị bệnh, chỉ quanh quẩn ở nhà trồng rau, nuôi lợn, chăm con nên gần như mọi gánh nặng kinh tế trong gia đình đổ hết lên đôi vai gầy của Huyền. Vậy nhưng, dù cố gắng đến mấy, cuộc sống vẫn chật vật lắm. Đến ước mơ tưởng chừng rất đơn giản của cậu con trai là có một chiếc xe đạp đến trường, Huyền cũng không lo nổi.

Tất cả chỉ thay đổi khi ít năm trước đây, Huyền được nhận vào làm việc ở nhà máy Samsung Thái Nguyên. Không chỉ được đứng chân trong một dây chuyền sản xuất hiện đại, mà ngay cả trong giấc mơ trước đây cô cũng chẳng dám nghĩ tới, Huyền còn được sống trong một môi trường làm việc vui vẻ, được hưởng chế độ phúc lợi tốt và một mức thu nhập “cả đời chưa từng dám mơ”. Mức thu nhập ấy đủ để cô phụ giúp bố mẹ chồng, chồng và các con nhỏ của mình có một cuộc sống yên bình, đủ đầy, không còn phải ăn bữa nay lo bữa mai như trước.

“Em đang tích cóp để có thể xây căn nhà mới cho cả gia đình”, Huyền mỉm cười khoe như vậy và bảo rằng, ước mơ có chiếc xe đạp đến trường của cậu con trai cũng đã được toại nguyện. Bởi Huyền là một nhân viên chăm chỉ, nên cô đã được mời bố mẹ chồng tới tham dự Ngày hội Gia đình, mà Samsung vẫn thường xuyên tổ chức cho các nhân viên xuất sắc. Tại đấy, món quà nhỏ là chiếc xe đạp cho cậu con trai đã được trao tặng, khiến Huyền rưng rưng cảm động. Bố mẹ chồng Huyền cũng vừa quệt những giọt nước mắt hạnh phúc vừa mỉm cười mãn nguyện.

“Cuộc sống của gia đình em thực sự đã tốt lên rất nhiều từ ngày đi làm cho Samsung”, Huyền nói.

Còn Đào Thị Thanh Hoa lại mới 26 tuổi. Cô sinh ra ở ngay Thuận Thành (Bắc Ninh) thôi, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn lắm. Vì nghèo nên Hoa đã bỏ dở giấc mơ đại học để vào làm việc trong nhà máy của Samsung.

Những tưởng ước mơ học tập mãi không thể thực hiện được, khiến tương lai có thể đóng sập trước mắt. Nhưng không, vào làm nhân viên sản xuất của Samsung một thời gian, Hoa được Công ty tạo điều kiện cho đi học chương trình cao đẳng nội bộ mà Samsung đã liên kết với các trường cao đẳng trên địa phương để tổ chức nhiều năm qua. Tấm bằng cao đẳng giúp Hoa có cơ hội được chuyển lên khối văn phòng làm việc, với mức thu nhập cao hơn. Thế nên, Hoa mừng lắm. Cô bảo, cô tự tin với một tương lai tươi sáng ở phía trước.

Nhưng ở Samsung, không chỉ có Hoa hay Huyền, mà có hàng ngàn, đúng hơn là cả trăm ngàn những chàng trai, cô gái đều bước ra từ ruộng đồng, từ nghèo khó để rồi đã thay đổi được cuộc sống nhờ có công việc với thu nhập tốt, cơ hội học hỏi và nâng cao tay nghề.

Ở góc độ này, dường như, Samsung Việt Nam chẳng khác nào là nơi khởi đầu giấc mơ của những chàng trai, cô gái Việt, dù đó chỉ là những giấc mơ bé con là có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nhưng giấc mơ của họ cũng chính là giấc mơ của Việt Nam, để không ai bị bỏ lại phía sau, để mỗi người dân đều có cuộc sống tốt hơn.

Khơi nguồn công nghiệp hóa

Sẽ là hơi quá nếu nói Samsung “khơi nguồn công nghiệp hóa” ở Việt Nam, bởi thực tế, hành trình công nghiệp hóa đã bắt đầu ở Việt Nam từ rất lâu, còn Samsung chỉ mới đầu tư lớn tại Việt Nam gần 11 năm. Nhưng sẽ là không sai khi nói rằng, Samsung đã đưa Việt Nam lên “bản đồ công nghiệp hóa” của thế giới.

Kể từ khi Samsung đầu tư lớn vào Việt Nam cho đến nay, với tổng vốn đầu tư trên 17,3 tỷ USD, Việt Nam không chỉ được tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của Samsung, mà còn trở thành trung tâm sản xuất thiết bị di động của thế giới. Hiện nay mỗi năm, khoảng 150 triệu thiết bị di động được xuất xưởng từ Việt Nam và xuất khẩu đi toàn thế giới, chiếm khoảng 40% số thiết bị di động mà Samsung bán ra trên toàn cầu. Ngoài Samsung, các nhà sản xuất khác như LG, Nokia cũng sản xuất thiết bị di động ở Việt Nam. Sự xuất hiện của các tên tuổi lớn này cũng đã khơi nguồn cảm hứng để Bkav, rồi mới đây là Vinsmart bắt tay vào sản xuất smartphone “made in Vietnam”.

“Đó là điều mà trước nay, chưa từng ai có thể tưởng tượng được, nhất là ở một nước nông nghiệp như Việt Nam”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hồ hởi nói.

Nguyễn Mại, vị chuyên gia lâu năm về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng là người luôn đánh giá cao các dự án đầu tư của Samsung tại Việt Nam, không phải chỉ vì những khoản đầu tư lớn, mà còn vì những gì mà các dự án này mang lại cho kinh tế - xã hội Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà khi kinh tế khó khăn trong những năm gần đây, Samsung luôn được coi là một trong những động lực quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu, gia tăng xuất siêu… và luôn có một nỗi lo ngại mơ hồ rằng, nếu Samsung “xổ mũi” thì kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Sự có mặt của Samsung cũng được ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá cao, bởi Samsung xuất hiện đã kéo theo hàng tỷ USD vốn đầu tư từ các nhà sản xuất vệ tinh khác, qua đó góp phần phát triển ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam. Chưa hết, Samsung - với nỗ lực của mình cũng đã hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình sản xuất, để có thể trở thành các nhà cung cấp cho Samsung.

Hiện tại, số lượng doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 của Samsung gia tăng mạnh mẽ. Từ 4 doanh nghiệp vào năm 2014, hiện đã có 35 doanh nghiệp, và dự kiến sẽ có 50 doanh nghiệp vào năm 2020. Còn số lượng các nhà cung cấp cấp hai đã lên tới hơn 200 doanh nghiệp.

“Chúng tôi đã không ngừng tìm kiếm các doanh nghiệp Việt Nam có tiềm năng để tham gia các chương trình tư vấn doanh nghiệp cùng chuyên gia Hàn Quốc. Đây là bước chuẩn bị vô cùng quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực cạnh tranh tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung”, ông Shim Won Hwan, người vừa rời vị trí Tổng giám đốc Samsung Việt Nam trở về Hàn Quốc nhận nhiệm vụ mới đã nói như vậy.

Tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung không chỉ giúp các doanh nghiệp Việt nâng cao doanh thu, hay lợi nhuận, mà nói như ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Thang Long Tech, là từ ngày làm ăn với Samsung, LG, “chúng tôi trở thành người khác”. Khác ở đây chính là tư duy tốt lên, làm ăn bài bản hơn, hiệu quả hơn, tiếp cận với kinh doanh quốc tế tốt hơn... Đó là những tác động to lớn mà khó có thể đong đếm được của Samsung đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, dù có thể chưa được như kỳ vọng.

Nhà máy Sam Sung tại Bắc Ninh

Nhưng nếu cần đong đếm, có lẽ, các nhà lãnh đạo của Thái Nguyên hay Bắc Ninh sẽ là những người “đong đếm” giỏi nhất những tác động của Samsung đối với kinh tế - xã hội của địa phương.

Con số mới nhất, năm 2018, tốc độ tăng trưởng GRDP trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ước đạt 10,44%. Đóng góp lớn cho mức tăng trưởng cao này chính là sản xuất công nghiệp. Năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp của Thái Nguyên đạt hơn 670 nghìn tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó của riêng khu vực nước ngoài là 627,6 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu trên 25 tỷ USD, mà đóng góp cho con số này của các doanh nghiệp địa phương chỉ là 448 triệu USD. Nhìn vào những con số trên có thể thấy, đóng góp của khu vực nước ngoài cho kinh tế Thái Nguyên, mà chủ yếu là Samsung, lớn như thế nào.

Ông Nguyễn Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên hẳn biết rằng, 5-6 năm trước, Thái Nguyên chỉ được biết đến có sắt, thép, chè, xuất khẩu chỉ hơn 130 triệu USD. Nhưng nay thì con số đã “một trời một vực”. Và Samsung thì đóng góp tới 99% kim ngạch xuất khẩu của Thái Nguyên.

“Từ khi Canon, Foxconn, đặc biệt là Samsung… đầu tư vào Bắc Ninh, các ngành công nghiệp mũi nhọn, trọng tâm là công nghiệp điện, điện tử, viễn thông đã được hình thành tại đây. Những dự án lớn của các tập đoàn đa quốc gia đã tạo nên hình ảnh năng động, phát triển và cũng chính là thương hiệu của Bắc Ninh trong quá trình hội nhập”, ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã nói như vậy. Hiện Samsung đóng góp tới 75% kim ngạch xuất khẩu của Bắc Ninh.

Và những con số biết nói

Có những con số thật thú vị khi chúng tôi tò mò về các hoạt động ngoài kinh doanh của Samsung. Và khi các con số này được cung cấp, dù không phải là lần đầu tiên được tiếp cận, vẫn khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên. Nếu tính cả hai nhà máy Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên, mỗi ngày các nhà máy tiêu thụ 16,9 tấn gạo, 20,1 tấn rau, 11 tấn thịt/cá, 10,5 tấn dưa hấu và 30.979 quả trứng. Chưa kể, còn hàng ngàn cuộn giấy vệ sinh… Một con số “khổng lồ” cho thấy mức độ tiêu thụ nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt của các nhân viên Samsung lớn đến như thế nào.

Con số này chính là con số biết nói. Nó không chỉ cho thấy Samsung đã giải quyết được một lượng việc làm rất lớn (110.000 người nếu tính riêng hai nhà máy Samsung Bắc Ninh và Thái Nguyên, 160.000 người nếu tính toàn hệ thống Samsung Việt Nam), thấy quy mô các nhà máy không ngừng được mở rộng, mà còn thấy cả những cơ hội kinh doanh cho các nhà cung cấp khác.

Thăm nhà máy Samsung, chúng tôi cứ nói vui với nhau rằng, chỉ cần ký được hợp đồng cung cấp giấy vệ sinh cho Samsung thôi, cơ hội làm giàu đã trong tầm tay. Đằng này, còn là gạo, là thịt, cá, trứng, sữa, rau củ… Mỗi một tấn nhu yếu phẩm được cung cấp, là cơ hội kinh doanh cho rất nhiều nhà cung cấp Việt Nam khác. Đã có thêm những doanh nghiệp vận tải được thành lập để cho Samsung thuê hàng trăm chiếc xe bus cỡ lớn mỗi ngày để đưa đón nhân viên. Đã có những công ty cung cấp thực phẩm được phát triển và lớn mạnh từng ngày nhờ các hợp đồng bán gạo, bán thịt cho Samsung…

Và cả những người dân quanh vùng cũng đã giàu lên nhanh chóng. Nếu có dịp đi vòng quanh khu vực các nhà máy của Samsung ở Thái Nguyên hay Bắc Ninh, có thể thấy những khu phố sầm uất mới được xây dựng kể từ khi Samsung đặt chân đến đây, thay vì những khoảnh đất bỏ hoang, cỏ mọc um tùm trước đây. Con số hơn 100.000 nhân viên Samsung cũng đã mang lại cơ hội kinh doanh các dịch vụ thiết yếu, đặc biệt là dịch vụ cho thuê nhà trọ, cho những người dân quanh vùng. Có gia đình đất rộng có thể thu vài chục triệu đồng mỗi tháng, đủ để có một cuộc sống sung túc…

Con số được cập nhật mới nhất, năm 2018, Samsung đã đạt kim ngạch xuất khẩu lên tới trên 60 tỷ USD, đóng góp gần 1/4 trong tổng kim ngạch xuất khẩu 244,7 tỷ USD của Việt Nam trong năm 2018. Và với tỷ lệ nội địa hóa được xác định khoảng 58%, thì tính toán một cách số học, Samsung đã góp phần mang lại giá trị gia tăng rất lớn cho kinh tế - xã hội Việt Nam, và chắc chắn đóng góp lực đẩy quan trọng cho mức xuất siêu kỷ lục 7,2 tỷ USD của Việt Nam trong năm 2018.

Lê Thanh/Nhà Quản trị

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/samsung-va-nhung-con-so-biet-noi-a70120.html