Mô hình kinh doanh gia đình: Thế hệ kế thừa trước thách thức đổi mới

Mô hình kinh doanh gia đình xuất hiện khá sớm và phát triển không ngừng khi kinh tế tư nhân được thừa nhận vào đầu thập niên 1990. Sau ba thập niên nhiều công ty đã trở nên lớn mạnh và ở thời điểm chuyển giao. Vưu Lệ Quyên (1980) – tổng giám đốc Biti’s; Đặng Huỳnh Ức My (1981) – chủ tịch công ty cổ phần Đầu tư Thành Thành Công; Nguyễn Duy (1990) – tổng giám đốc Kova Trading nói về chuyện kế thừa.

Forbes Việt Nam: Hoàn cảnh bạn tham gia kinh doanh cùng gia đình như thế nào?

Ức My: Với tôi, việc gánh vác cùng gia đình trong mọi hoạt động là một trách nhiệm khi là một thành viên. Khi xác định trách nhiệm, tâm thế là chủ động, cho dù có thể bị động trước hoàn cảnh. Năm 2007, tôi bắt đầu hành trình đầu tiên của mình với TTC. Trong quá trình đó, tôi từng bước lắp những mảnh ghép vào bức tranh TTC hiện hữu qua việc chuyển đổi mô hình hoạt động ở lĩnh vực tài chính, nhân sự, thương hiệu, quản lý hệ thống...

Tôi nghĩ rằng ở đây không phải là khái niệm “chuyển giao” mà chính là sự tham gia tất yếu của nhiều thế hệ vào một quá trình chuyển đổi, trưởng thành của một tổ chức đó sự thành công là kết quả của giao thoa giữa những giá trị, thế mạnh của các thế hệ khác nhau, không chỉ giới hạn ở một gia đình mà là ở phạm vi một lực lượng lao động của xã hội.

Lệ Quyên: Thật ra, gia đình luôn có sự chuẩn bị cho chuyển giao thế hệ nhưng với tôi thời điểm chuyển giao mang tính bất ngờ. Tôi được gia đình chuẩn bị kỹ càng. Từ khi còn đi học tôi đã được thực tập ở công ty trong những kỳ nghỉ hè, được rèn luyện học tập và tự làm các công đoạn thiết kế của đôi giày, cũng như một số công đoạn khác của công nhân. Tôi đã làm việc ở Biti’s trọn vẹn được 14 năm cho đến khi tiếp nhận chức danh CEO.

Nguyễn Duy: Tôi sinh ra không phải mọi thứ đã có sẵn, khi đó gia đình vẫn còn nhiều khó khăn. Khi tôi 4 – 5 tuổi thì mọi người trong gia đình mới bắt đầu gầy dựng Kova, vì vậy những ngày đầu bà, ba mẹ và các bác đã lập nghiệp vất vả thế nào, mình có quá trình để cảm nhận và cũng hiểu được đâu là thứ mọi người cần. Cả gia đình tôi từ nhiều thế hệ đã có truyền thống đi theo con đường nghiên cứu, kỹ thuật, bà Hòe (Nguyễn Thị Hòe, sáng lập sơn Kova) và mẹ Duy là nguyên giảng viên ngành Hóa ĐH Bách khoa TP.HCM, bố cũng từng giảng dạy tại khoa Cơ khí đại học Bách khoa TP.HCM.

Học xong cấp 3, tôi qua Singapore và Anh để học ngành kinh tế vì ngành này khá phù hợp với mình. Các bài luận văn của tôi trong mấy năm học đều là nghiên cứu về mô hình kinh doanh gia đình của Kova. Quay về làm cho công ty gia đình, tôi không nghĩ đó là trách nhiệm mà là điều nên làm, đúng người và đúng thời điểm. Mọi thứ diễn ra tự nhiên chứ không hề có sự gượng ép hay cả gia đình đã chuẩn bị quá kỹ càng ngay từ đầu.

Forbes Việt Nam: Bạn có được gia đình chuẩn bị kỹ càng cho quá trình chuyển giao? Cụ thể như thế nào?

Ức My: Ba mẹ tôi luôn dành cho chúng tôi sự chủ động cần thiết. Một gia đình lớn hạnh phúc chính là nền tảng vững chắc giúp cho các thành viên được phát triển tốt hơn. Thực tế trong quá trình hơn 10 năm qua, sự phát triển của mỗi cá nhân cũng như của riêng tôi phần lớn dựa vào kỹ năng tự học và chịu học để nhận diện vấn đề và tìm giải pháp cho từng giai đoạn. Khi có kiến thức cần thiết, mình có thể tìm lời giải đúng. Ở TTC và đặc biệt là ở vai trò lãnh đạo ngành mía đường, giáo dục, nông sản… tôi có một môi trường để từng bước hiện thực hóa những mục tiêu của mình.

Mô hình kinh doanh gia đình: Thế hệ kế thừa trước thách thức đổi mới - ảnh 1

Đặng Huỳnh Ức My, chủ tịch công ty cổ phần Đầu tư Thành Thành Công - Ảnh: Forbes Vietnam

Lệ Quyên: Giai đoạn 2004 – 2006 tôi phụ trách khách hàng xuất khẩu của công ty, giúp tôi học và hiểu nhiều về ngành do khách hàng là một trong những công ty lớn, lâu đời và bài bản nhất thế giới trong lĩnh vực giày dép. Đây cũng là khách hàng xuất khẩu quan trọng và lớn nhất tôi đem về cho công ty. Từng lập thương hiệu riêng, tôi trải nghiệm toàn bộ quá trình của một công ty khởi nghiệp. Năm 2010 tôi triển khai dự án Biti’s ERP 1st – SAP cho công ty, đây là hệ thống công nghệ thông tin xương sống của công ty, vì vậy tôi có được kinh nghiệm triển khai công nghệ.

Giữa năm 2015, tôi phụ trách lĩnh vực tiếp thị và kinh doanh, cũng như triển khai các dự án hợp tác chiến lược với các đối tác quốc tế như Disney, DC Comics, Doraemon… Giữa năm 2017, tôi tiếp tục triển khai dự án chuỗi cung ứng nâng cao năng lực vận hành nội bộ cho hơn 160 cửa hàng tiếp thị của Biti’s. Năm 2018, tôi triển khai dự án HappyBiti’s trong lĩnh vực HR với mục tiêu mang lại nguồn nhân lực hiệu quả và hạnh phúc cho Biti’s. Dự án này đi song song kèm với dự án xã hội HappySchool mà Biti’s hỗ trợ đang triển khai cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên ở Huế.

Nguyễn Duy: Tôi được cả nhà tạo điều kiện để có một sân chơi riêng bằng cách thành lập công ty Kova Trading, cánh tay mới để phân phối sơn Kova ở thị trường miền Nam và quốc tế. Bố mẹ chuyển giao hết cho tôi toàn bộ kênh phân phối, khách hàng, sản phẩm cũng đã có sẵn, vấn đề còn lại của tôi là bán hàng và mở thị trường. Có thể nói, hoàn cảnh kế nghiệp của tôi khá thuận lợi, gia đình đã tạo điều kiện cho mình được trải nghiệm xuyên suốt, trọn vẹn, ngay lập tức được tham gia vào chuỗi giá trị.

Nhưng đi kèm đó là áp lực khá lớn, bản thân tôi tự tạo áp lực vì sự tin tưởng của mọi người quá lớn. Toàn bộ mảng kinh doanh do tôi nắm trong khi mình chưa có gì ngoài mớ lý thuyết ở nước ngoài, nhiều lúc cũng sợ hay lo. May mắn là bên cạnh tôi lúc đó đã có những người hướng dẫn hết lòng chỉ dẫn, mà tôi xem họ như những người thầy thực sự của mình.

Forbes Việt Nam: Các thách thức lớn nhất, theo bạn, khi nhận chuyển giao là gì? Vì sao?

Ức My: Tôi cho rằng thách thức lớn nhất chính là tâm thế của bản thân mình. Nếu bạn cho rằng mình đang nhận thì mọi thứ đều trở nên khó khăn. Khi mình sợ thất bại và không dám làm gì thì mình mới thất bại thật sự. Còn trong môi trường doanh nghiệp hoạt động tại một hoặc nhiều thị trường, sự thay đổi các điều kiện ở từng thời điểm là chuyện đương nhiên, và quan trọng nhất vẫn chính là cách bạn chuẩn bị và phản ứng lại với những thay đổi ấy.

Lệ Quyên: Ba thách thức lớn nhất: độ chênh lệch trong tư duy và phong cách lãnh đạo; độ rộng và sâu của Biti’s; nguồn nhân sự cần nhiều cải thiện. Thứ nhất, mặc dù tôi và thế hệ sáng lập có cùng chung mục tiêu phục vụ cho cộng đồng 8.200 cán bộ, công nhân viên Biti’s, nhưng cách thức thực hiện và tư duy dùng người lại khác nhau.

Thứ hai, Biti’s có chuỗi cung ứng khép kín từ vật tư, nguyên phụ liệu đến khâu sản xuất và cung ứng cho đến người tiêu dùng. Các sản phẩm Biti’s dành cho đại chúng từ đôi giày cho trẻ sơ sinh, tập đi cho đến ông bà cụ, từ sản phẩm dép lào đơn giản cho đến chủng loại giày thể thao phức tạp hơn 100 công đoạn.

Thứ ba, nhiều vị trí quản lý và lãnh đạo Biti’s trưởng thành từ thực tế nên cần nâng cao năng lực để giúp họ có thể thực hiện được nhiệm vụ được giao. May mắn là tư duy nguồn nhân lực rất tốt, luôn có tính kỷ luật chấp hành cao, luôn cố gắng đóng góp.

Mô hình kinh doanh gia đình: Thế hệ kế thừa trước thách thức đổi mới - ảnh 2

  Vưu Lệ Quyên, tổng giám đốc Biti’s - Ảnh: Forbes Vietnam

Nguyễn Duy: Khi bắt đầu, tôi có hai thách thức lớn, một là kinh nghiệm, hai là độ thấu hiểu về toàn bộ chuỗi giá trị. Lúc đó tôi bắt đầu tầm 24 tuổi, chưa quen với việc điều hành, thiếu kinh nghiệm, lại bị áp lực nên dễ dẫn tới nóng vội, muốn nhanh chóng cho mọi người thấy đóng góp của mình.

Tôi còn nhớ lúc mới đi học về, khoảng cuối năm 2013, lập Kova Trading xong tôi có đề xuất thay đổi ngay logo đã tồn tại hàng chục năm nay bằng một ý tưởng mới. Đơn giản tôi nghĩ logo Kova tại thời điểm đó không có gì nổi bật, mình phải học theo, làm theo chuẩn mực của các thương hiệu quốc tế.

Ngay lập tức tôi nhận được sự phản ứng của mọi người trong nhà. Sau này khi đủ hiểu về thương hiệu gia đình, tôi thấy đó là bài học đáng nhớ khi chưa biết cách tôn trọng truyền thống, cũng như chưa cân bằng giữa những cái mình muốn, cái mình thật sự có thể làm được và mong muốn của các thế hệ trước. Sau này thì logo cũng đã được thay đổi, tất nhiên là tôi phải tiếp cận bằng một cách khác.

Ngoài ra, khi nhận chuyển giao, đa số đối tác mấy chục năm trời đã quen làm việc với bố mẹ cũng như chứng kiến tôi lớn lên. Để mọi người hiểu và quen dần với sự tham gia của tôi cũng như những định hướng mới của Kova cũng cần có thời gian và sự nỗ lực nhất định. Tôi rất tôn trọng họ vì đó là bậc cha chú, mọi người gắn bó với Kova không phải chỉ vì lợi ích mà còn là một phần như tình thân gia đình.

Tôi biết bất cứ sự thay đổi hay cải tiến nào cũng mang lại sự phản ứng nhất định của thị trường và phản ứng nếu có cũng là điều không tránh khỏi. Để cùng phát triển và bền vững thì mình buộc phải chấp nhận thay đổi.

Forbes Việt Nam: Bạn làm cách nào để vượt qua thách thức đó?

Ức My: Trong mỗi sự việc khó khăn, thách thức, cách để vượt qua đó chính là thẳng thắn đối diện. Và thành thật với vấn đề nếu có. Khi chúng ta nghiêm túc đối diện, nhìn nhận vấn đề, đặt ra những câu hỏi đúng, thì chúng ta sẽ dễ dàng phát hiện những điểm cần phải thay đổi và tìm ra giải pháp.

Lệ Quyên: Tôi vận hành công ty thông qua sự thấu hiểu, yêu thương và may mắn là người Biti’s đã có kỷ luật tốt nên mọi việc đang tiến triển tốt. Với thách thức độ rộng và độ sâu của Biti’s, cần có thời gian, có sự dấn thân và sự tập trung cao độ thì mới nắm bắt được hết các hoạt động. Riêng nguồn nhân sự tôi tập trung đào tạo kiến thức, kỹ năng, cũng như nỗ lực thiết lập hệ thống và công cụ tốt giúp tất cả cán bộ công nhân viên có thể hoàn thành được công việc được giao và từ đó phát huy xa hơn.

Nguyễn Duy: Tôi nghĩ mình may mắn được phép làm nhiều thứ, có đủ không gian để trải nghiệm những cái mới, dám sai và dám chịu trách nhiệm. Ví dụ có những mô hình, chiến lược kinh doanh không phải lúc nào cũng chạy trơn tru nhưng quan trọng là tôi và đội ngũ dám thử, nếu sợ thì mãi không thể biết cái gì phù hợp. Thứ hai, tôi cố gắng học hỏi, phát triển bản thân nhiều hơn. Mỗi năm tôi đều dành 1-2 lần để đi học.

Càng làm tôi thấy mình càng thiếu, nên phải tìm cách đi học, tìm hiểu sâu hơn về mô hình kinh doanh gia đình của nhiều nước khác, xem những gia đình kinh doanh hàng trăm năm tuổi đã chuyển giao qua các thế hệ ra sao. Đi để xem mình còn nhỏ bé như thế nào. Tôi nhận ra rằng những khó khăn mà mình đối mặt hiện tại thế hệ kế thừa nào cũng gặp phải. Và khi mình kết nối được với các công ty gia đình khác trên thế giới, thật sự nó mang đến rất nhiều điều hữu ích, không chỉ có thể cùng chia sẻ những bài học, trải nghiệm mà còn mở ra các cơ hội hợp tác, làm ăn.

Forbes Việt Nam: Thời gian đảm nhiệm công việc của bạn đã đủ dài, bạn có thể nêu 2-3 thay đổi đáng ghi nhận sau khi tiếp nhận công việc quản lý?

Ức My: Khi thay đổi mô hình từ công ty sản xuất, thương mại sang mô hình đầu tư đa lĩnh vực: sản xuất, thương mại và dịch vụ. Sự đa dạng ngành nghề từ mía đường, nông sản, bất động sản, du lịch, giáo dục, năng lượng. Từ việc quản lý danh mục đầu tư thủ công và bị động, chúng tôi tiến vào giai đoạn vận hành ngành và nghề.

Từ hoạt động công ty trách nhiệm hữu hạn sang cổ phần rồi hình thành tập đoàn TTC đến năm 2017, chúng tôi chuyển từ mô hình ủy ban ngành sang mô hình tổng công ty ngành. Đây cũng là một sự thay đổi giúp chúng tôi từ bị động sang thế chủ động trong công tác quản trị, điều hành ở quy mô lớn hơn trong xu thế hội nhập.

Và một điểm đáng ghi nhận khi nhắc đến TTC là hoạt động M&A liên tục trong các doanh nghiệp cùng ngành. Điều này giúp chúng tôi tối ưu các nguồn lực, đẩy nhanh thị phần và gia tăng các chuỗi giá trị sản phẩm dịch vụ khép kín. Với tôi thì dự án công nghệ hóa hệ thống quản lý tại TTC là một hành trình 10 năm với nhiều tâm lực, trí lực và tài lực, và là dự án “hài lòng”. Dự án này đã giúp TTC hoạt động có nền tảng và có tính hệ thống tốt. Năm 2009, TTC bắt đầu nâng cấp cơ sở hạ tầng và triển khai hệ thống email có bản quyền. Năm 2010 – 2011, chúng tôi đưa các ứng dụng vào quản lý văn bản, tài sản, quỹ…

Chính thức chuyển đổi mô hình quản trị TTC từ “văn phòng truyền thống” thành “văn phòng số”. Năm 2012, TTC triển khai ứng dụng Portal, đồng thời mở rộng hạ tầng cho các ứng dụng hoạt động. Từ nền tảng cơ sở dữ liệu Portal, chúng tôi triển khai ứng dụng E-Office, xây dựng cơ sở hạ tầng tại các đơn vị. Từ 2015 đến nay, lần lượt các phiên bản ứng dụng E-Office Version 1.0, Office Version 2.0, Office Version 3.0 đã được triển khai áp dụng trên giao diện máy tính và điện thoại (mobile app). Đây cũng là dự án khởi đầu cho việc tối ưu các nguồn lực, nâng cao hiệu suất lao động và khả năng tầm soát, giám sát ở cấp độ cao.

Lệ Quyên: Với tôi quan trọng nhất là dự án ERP SAP của Biti’s, dự án dòng giày thể thao Biti’s Hunter, dự án phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ offline và online.

Nguyễn Duy: Kênh phân phối của Kova đã được mở rộng hơn, cả trong và ngoài nước, tỉ lệ doanh số tăng trưởng hai chữ số mỗi năm. Hiện chúng tôi dành sự quan tâm và phân bổ nguồn lực đều cho các kênh bán lẻ, B2B, dự án và cả kênh xuất khẩu, không phải chỉ tập trung vào 1 – 2 kênh như trước đây.

Ngoài thị trường truyền thống là Singapore và Malaysia, mới đây sản phẩm Kova đã đến Nga và Cuba, trong đó Nga được xác định là thị trường sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới. Sự ra đời của Kova Trading mấy năm nay ít nhiều được công nhận là luồng gió mới. Không chỉ trong chuyện thương mại, bán hàng, mà còn ở các hoạt động cộng đồng được đầu tư chất lượng, như giải thưởng và học bổng Kova.

Đây không chỉ đơn thuần là hoạt động xã hội mà ở doanh nghiệp nào cũng có. Mỗi năm chúng tôi trao giải, khuyến khích cho các công trình khoa học ứng dụng, các việc làm tử tế và đặc biệt là giúp đỡ hàng trăm sinh viên trên cả nước, như năm vừa rồi là 60 trường đại học. Mấy năm gần đây, nhiều người cũng biết tới Kova nhiều hơn qua hoạt động xã hội ý nghĩa này.

Mô hình kinh doanh gia đình: Thế hệ kế thừa trước thách thức đổi mới - ảnh 3

  Nguyễn Duy, tổng giám đốc Kova Trading - Ảnh: Forbes Vietnam

Forbes Việt Nam: Sự khác biệt của hai thế hệ có dẫn tới sự khác biệt trong phong cách lãnh đạo, cách quản lý?

Ức My: Chắc chắn có. Cách biệt thế hệ thì không thể nào đồng thuận trên mọi quan điểm. Với tôi, sự khác biệt trong phong cách lãnh đạo, cách quản lý không hẳn vì sự tuổi tác hay thế hệ. Mỗi người sẽ tự xác định cho mình một phong cách, văn hóa riêng biệt. Đó là bản chất đa dạng, muôn vẻ của cuộc sống. Đồng thời, ở từng thời kỳ của môi trường xã hội, các yếu tố chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế, công nghệ… cũng có tác động và điều chỉnh phong cách quản lý của lãnh đạo các tổ chức.

Tại TTC, dù là sự riêng biệt, đặc biệt của mỗi cá nhân, chúng tôi quán triệt theo quan điểm quản trị của TTC: “Quản trị tập trung, chuẩn mực; Điều hành phân cấp, chuyên nghiệp; Kiểm soát độc lập, trách nhiệm”. Do đó, dù có sự khác biệt trong lãnh đạo hay quản lý thì cũng đều hướng đến một mục tiêu chung. Xã hội đang ngày càng phát triển, những giá trị doanh nghiệp đóng góp cho cộng đồng sẽ quyết định sự tồn tại và tính bền vững.

Lệ Quyên: Ở thế hệ trước, mọi người dựa vào tính kỷ luật, tuân thủ cao, và sự “sợ” để làm việc và vận hành công ty. Bản thân tôi tin rằng, nếu một nhân viên nào đó thật sự yêu thích công việc, yêu thích cộng đồng mà họ đang làm việc, cảm thấy ý nghĩa, hạnh phúc trong công việc họ làm, và họ dấn thân sở hữu được nó thì tự nhiên kết quả công việc sẽ tốt.

Forbes Việt Nam: Bạn có đối mặt với tình trạng giải quyết xung đột văn hóa, quan điểm về thứ bậc ảnh hưởng đến việc điều hành, quản trị doanh nghiệp? Tỉ lệ cấp quản lý nghỉ việc trong quá trình chuyển giao như thế nào?

Lệ Quyên: Tôi có gặp phải tình trạng giải quyết xung đột văn hóa, quan điểm về thứ bậc nhưng tất cả các mâu thuẫn đều được cố gắng giải quyết dựa vào sự thật những gì đang diễn ra, dựa vào số liệu và nhu cầu thực tế để đưa ra hướng giải quyết thấu tình đạt lý. Hiện tại tỉ lệ cấp quản lý nghỉ việc rất thấp trong quá trình chuyển giao. Vì tôi tin ai cũng có năng lực vượt trội riêng của họ, và nếu đặt đúng vị trí thì họ đều có khả  năng tỏa sáng. Và các bố trí nhân sự phải dựa trên sự tôn trọng và phù hợp.

Nguyễn Duy: Khác biệt giữa các thành viên trong gia đình về cách lãnh đạo và cách tiếp cận, giải quyết vấn đề là điều chắc chắn vì khác biệt thế hệ, môi trường kinh doanh hiện tại cũng khác rất nhiều so với trước. Có những điều không thay đổi là sự chính trực, trách nhiệm và tôn trọng giá trị cốt lõi của gia đình, những điều đó gắn kết mọi người trong suốt nhiều năm nay, và tạo ra sức mạnh cho Kova.

Tôi may mắn thành lập, tự gầy dựng đội ngũ và tự chịu trách nhiệm với công ty Kova Trading nên không xảy ra việc nhân sự trước đó nghỉ việc vì vấn đề chuyển giao. Ngược lại, tôi còn nhận được sự giúp đỡ, chỉ dẫn của rất nhiều nhân sự, những người đang làm việc bên cạnh bố mẹ tôi hàng chục năm nay.

Forbes Việt Nam: Công ty gia đình thường gặp vấn đề trong đón nhận nhân tài từ bên ngoài tham gia quản lý. Bạn làm gì để giải quyết (nếu có) vấn đề đó?

Lệ Quyên: Tôi khá may mắn trong việc thu hút và đón nhận nhân tài từ ngoài tham gia lãnh đạo quản lý. Thường đối với những lĩnh vực mà Biti’s yếu và cần tuyển dụng nhân tài bên ngoài vào thì mình đều nghiên cứu rất kỹ về nhân sự đó thông qua quá trình làm việc (nếu có) với họ, thông qua sự giới thiệu của bạn bè, và tôi luôn chuẩn bị các nhân sự trong tổ chức đã am hiểu hệ thống công ty để hỗ trợ họ tiếp cận công việc nhanh chóng, phát huy được hết năng lực. Các quyết định đều được dựa trên sự tôn trọng và lợi ích chung của tổ chức.

Khi đã tuyển chọn đúng người, thì tin họ, cho họ làm và luôn hỗ trợ hết mức. Một điều quan trọng là trước khi họ bắt đầu công việc, chúng tôi luôn chia sẻ về mục tiêu, mong muốn đóng góp ra sao cho công việc, tổ chức, cho cộng đồng và cho xã hội. Và các chủ đích này luôn được kiểm soát, chia sẻ, nhắc nhớ trong suốt quá trình cộng tác để đảm bảo không bị sai lệch sau thời gian làm việc. Tôi luôn chào đón nhân tài đến với cộng đồng Biti’s.

Nguyễn Duy: Trên danh nghĩa là thành viên của một công ty gia đình, trên thực tế, cách thức vận hành Kova Trading cũng tương tự như môi trường các công ty khởi nghiệp, ở đó có lãnh đạo trẻ, cả đội ngũ cũng còn rất trẻ, không ai bị giới hạn về khuôn khổ hay những cách làm truyền thống nên đủ sân chơi để mọi người sáng tạo và cống hiến. Họ được phép thử nghiệm những cái mới, có sai thì cùng rút ra bài học và có tôi cùng chịu trách nhiệm. Vì vậy môi trường này cũng thu hút được nhiều bạn trẻ tài năng.

Cố gắng để tìm hiểu sâu hơn về đồng đội của mình, tôi thà chậm lại một số mục tiêu để tập trung vào việc xây dựng đội ngũ, giúp họ phát huy tốt nhất những mặt mạnh, ghép vào chỗ còn yếu, cũng giống như cách tôi phát triển bản thân mình. Thứ hai là tôi nỗ lực chứng minh cho họ thấy được triển vọng trong công việc cũng như con đường sắp tới của Kova và họ thực sự ở đâu trong câu chuyện đó.

Ngoài Kova, tôi còn hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp, vì vậy họ sẽ không sợ bị nhàm chán. Tôi sẵn sàng tạo thêm cơ hội khác để họ thử sức và cống hiến ở môi trường xung quanh đó. Có cái hay là nhờ tham gia hỗ trợ khởi nghiệp, Kova Trading cũng có cơ hội tiếp xúc với các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

Từ đây tôi cũng chiêu mộ được nhiều tài năng để hỗ trợ cho Kova, một số ý tưởng hay giải pháp phù hợp của họ cũng được chọn để áp dụng cho Kova, ví dụ như công nghệ xử lý nước thải ở nhà máy mới nhất của Kova hiện nay, chúng tôi đang cân nhắc để phối hợp cùng một nhóm các bạn khởi nghiệp công nghệ người Việt ở Úc.

Forbes Việt Nam: Theo bạn, công ty có thay đổi chiến lược nào trong thời gian vừa qua và trong thời gian tới?

Lệ Quyên: Công ty có sự thay đổi trong chiến lược sản phẩm với dòng Biti’s Hunter, Biti’s Kids với việc cộng tác với các đối tác bản quyền quốc tế như Disney, Marvel, DC Comics, Doraemon. Công ty có sự thay đổi trong chiến lược phân phối sản phẩm như mở rộng kênh bán lẻ, kênh online. Công ty có sự thay đổi trong chiến lược marketing tập trung vào marketing online, digital và social.

Thời gian tới, sau 37 năm hình thành và phát triển, tôi hi vọng Biti’s sẽ tạo được nhiều giá trị tốt đẹp hơn cho cộng đồng, thay vì chỉ tập trung giá trị sản phẩm và kinh tế. Mô hình nhắm tới là mô hình bền vững 3P – lợi nhuận (profit), con người (people), môi trường (planet). Tôi đang từng bước hiện thực hóa nó với những bước đi cụ thể đầu tiên thông qua dự án HappyBiti’s. Tôi cũng mong đưa sản phẩm Biti’s đến gần cộng đồng quốc tế hơn nữa. Hiện tại sản phẩm đã được kinh doanh tại Trung Quốc, Nga, Ukraine, Campuchia và Lào.

Nguyễn Duy: Trong thời gian sắp tới, Kova sẽ nói nhiều đến chiến lược phát triển bền vững, dựa trên cốt lõi và thế mạnh về khoa học. Tôi không nghĩ rằng Kova Trading ra đời với một sứ mệnh gì đó lớn lao, phải thay đổi hay bỏ hết cái cũ, chỉ đơn giản là tôi muốn giúp những giá trị của gia đình được tỏa sáng và bền vững hơn.

Hiện tại, với mũi nhọn là các sản phẩm nano vỏ trấu, chúng tôi sẽ nỗ lực để làm sao thay đổi được quan niệm vốn có của mọi người về hàng Việt, cũng như dần tạo thói quen cho thị trường về việc sử dụng sơn chất lượng cao, do chính người Việt mình làm ra, và làm sao để mọi người tin vào điều đó, tin là người Việt mình làm được.

Theo Forbes Vietnam

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/mo-hinh-kinh-doanh-gia-dinh-the-he-ke-thua-truoc-thach-thuc-doi-moi-a70306.html