Kỹ sư nghe kinh, ăn chay trường để chế tạo robot giải đáp Phật pháp

Đầu tháng 2/2019, đông đảo Phật từ trên cả nước ngóng chờ sự ra mắt của robot chú tiểu Giác Ngộ 4.0, một sản phẩm công nghệ trí thông minh nhân tạo có tác dụng hỗ trợ hoạt động tu học Phật pháp của các Phật tử, người quan tâm đến Phật học.

Đầu tháng 2/2019, đông đảo Phật từ trên cả nước ngóng chờ sự ra mắt của robot chú tiểu Giác Ngộ 4.0, một sản phẩm công nghệ trí thông minh nhân tạo có tác dụng hỗ trợ hoạt động tu học Phật pháp của các Phật tử, người quan tâm đến Phật học.

TS.Nguyễn Bá Hải và Thượng tọa Thích Nhật Từ giới thiệu, thực nghiệm robot chú tiểu Giác Ngộ 4.0 tại buổi ra mắt.

Và ngay tại buổi ra mắt ngày 4/2 tại ngôi chùa Giác Ngộ ở TP HCM, Phật tử đã hào hứng khi xem robot chú tiểu Giác Ngộ 4.0 trình diễn. Phật tử trực diện tiếp xúc, đặt ra các câu hỏi về Phật pháp và được robot chú tiểu Giác Ngộ 4.0 giải đáp. Bên cạnh đó, khi có yêu cầu được nghe nhạc thiền, robot chú tiểu Giác Ngộ cũng tiếp nhận thông tin và đáp ứng chuẩn xác.

Chú tiểu Giác Ngộ 4.0 là robot đầu tiên và đến nay là duy nhất trên thế giới có thể giao tiếp, tụng khoảng 100 bài kinh và trả lời 3.000 câu hỏi về Phật pháp, theo phiên bản thuyết giảng Phật pháp của Thượng tọa Thích Nhật Từ, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, trụ trì chùa Giác Ngộ.

“Việc áp dụng công nghệ robot vào hoạt động giải đáp Phật pháp là một hoạt động nghiên cứu khoa học mang tính nhân văn cao cả, một giải pháp hỗ trợ phần nào cho hoạt động thuyết pháp, giảng dạy Phật pháp của các giảng sư Phật học vốn còn chịu nhiều ảnh hưởng của giới hạn sức khỏe, tuổi tác và thời gian” – Thượng tọa Thích Nhật Từ trao đổi với phóng viên.

Thượng tọa Thích Nhật Từ cũng kỳ vọng: “Nếu mô hình này thành công thì sẽ phổ biến robot chú tiểu Giác Ngộ 4.0 này đến 18.683 ngôi chùa trên toàn nước Việt Nam hiện nay”. Được biết, trên thế giới hiện chỉ có 3 mô hình robot này. Ngoài robot chú tiểu Giác Ngộ 4.0, tại Nhật Bản có robot chú tiểu tụng kinh cầu an và cầu siêu, tại Trung Quốc có robot chú tiểu tiếp tân.

Robot chú tiểu Giác Ngộ 4.0 do Tiến sỹ - kỹ sư Nguyễn Bá Hải, Trưởng Khoa Sáng tạo khởi nghiệp, Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh thiết kế theo nhu cầu tìm hiểu Phật pháp của phật tử.

TS.Nguyễn Bá Hải thông tin, mất 1 năm toàn tâm để thực hiện robot chú tiểu Giác Ngộ 4.0, với kinh phí sản xuất đơn lẻ khoảng 80 triệu đồng. “Khi nghiên cứu và thực hiện chú robot này, mong muốn làm ra chỉ là muốn được nghe mỗi ngày. Trong quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu đều nghe kinh và ăn chay trường vào các buổi trưa. Mong muốn, trăn trở bây giờ của nhóm là làm sao sản xuất được hàng loạt để chi phí rẻ hơn và có thể đưa đến các chùa”, TS.Hải chia sẻ.

Được biết, trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục cập nhật tri thức Phật pháp cho chú tiểu Giác Ngộ 4.0, các kỹ sư sẽ tiếp tục hoàn thiện khả năng giao tiếp của chú tiểu Giác Ngộ 4.0, nghiên cứu đến việc có thể sản xuất hàng loạt trong tương lai để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về Phật pháp của các tăng, ni, phật tử.

Có một câu hỏi vui rằng nhỡ đâu với tính năng ưu việt của robot chú tiểu Giác Ngộ 4.0 như vậy mà Phật tử ỷ vào robot, sẽ lười biếng tụng kinh, học kinh thì sao. Trả lời câu hỏi này, Thượng tọa Thích Nhật Từ một lần nữa nhấn mạnh lại, đây là một giải pháp hỗ trợ phần nào cho hoạt động thuyết pháp, giảng dạy Phật pháp của các giảng sư Phật học vốn còn chịu nhiều ảnh hưởng của giới hạn sức khỏe, tuổi tác và thời gian.

Do đó, Phật tử chỉ nên xem robot như một phương tiện hỗ trợ cho tu học.

Diệu Hương

Theo Pháp luật VN

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ky-su-nghe-kinh-an-chay-truong-de-che-tao-robot-giai-dap-phat-phap-a70986.html