Gia Cát Lượng mượn lực của Tào Tháo và 3 bài học về nghệ thuật nhờ vả ai cũng nên áp dụng

Nếu bạn thấy cuộc sống của mình thật khó khăn, vất vả nhưng chưa đâu vào đâu thì hãy đọc những câu chuyện dưới đây nhé.


Nếu bạn thấy cuộc sống của mình thật khó khăn, vất vả nhưng chưa đâu vào đâu thì hãy đọc những câu chuyện dưới đây nhé.

Con đường tìm đến thành công vốn không phải là một lối đi bằng phẳng và dễ dàng. Để có thể vượt qua những chông gai trên con đường ấy, sẽ có lúc chúng ta cần đến sự tương trợ và giúp đỡ từ những người xung quanh.

Thế nhưng từ trước tới nay, việc nhờ vả luôn được xem là vấn đề khó mở miệng. Nghệ thuật tìm kiếm sự trợ giúp thông qua những câu chuyện dưới đây sẽ giúp bạn có thể kịp thời nhận được sự tương trợ và tận dụng nguồn lực này một cách đúng lúc đúng chỗ.

Câu chuyện thứ nhất: Thế nào mới là "dốc toàn lực"?

Trong sân nhà, cậu con trai đang gắng sức để nhấc một hòn đá lớn, người cha đứng bên cạnh liên tục khích lệ:

"Con trai, chỉ cần con dốc hết sức, nhất định con sẽ nhấc được hòn đá này".

Thế nhưng hòn đá kia quả thực quả nặng, cậu bé cuối cùng vẫn không thể nhấc nổi. Khi đã nghĩ tới việc bỏ cuộc, cậu quay lại nói với cha mình:

"Cha ơi, hòn đá này nặng quá, con đã cố gắng hết sức rồi mà vẫn không nhấc lên nổi".

Người cha lắc đầu đáp:

"Con vẫn chưa dốc toàn lực đâu".

Thấy con trai tỏ vẻ không hiểu, người cha liền mỉm cười và nói tiếp:

"Bởi vì cha đang đứng ngay cạnh con, mà con thì đã nhờ cha giúp đỡ đâu nào?"

Bài học rút ra: Sự thực là không ít người trong số chúng ta vẫn thường tự biến mình trở thành cậu bé ngây ngô trong câu chuyện trên. Bởi mỗi khi phán đoán xem mình có khả năng hoàn thành một việc nào đó hay không, ta thường chỉ đánh giá năng lực của bản thân mà quên rằng mình còn có không ít nguồn trợ lực bên cạnh.

Ít ai thực sự hiểu được rằng, trên con đường đi tới thành công chưa hề có "quy định" chỉ được dựa vào năng lực của mình.

Thực tế đã chứng minh, có rất nhiều người đã gặt hái thành công không phải dựa vào việc họ mạnh tới đâu, mà là bởi họ có khả năng huy động sự trợ giúp và sử dụng nguồn lực đó một cách thông minh.

Câu chuyện thứ hai: Dùng kế "thuyền cỏ mượn tên", Khổng Minh được địch thủ tương trợ

 Gia Cát Lượng mượn lực của Tào Tháo và 3 bài học về nghệ thuật nhờ vả ai cũng nên áp dụng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Tác phẩm "Tam Quốc diễn nghĩa" từng xây dựng tình tiết Chu Du yêu cầu Gia Cát Lượng phải chế tạo mười vạn mũi tên để chuẩn bị cho chiến trận.

Trước nhiệm vụ tưởng chừng như bất khả thi ấy, Gia Cát Lượng đã thản nhiên nói rằng nội trong 3 ngày là có thể hoàn thành yêu cầu.

Thế nhưng không ai ngờ rằng, Khổng Minh chẳng những không mất công chế tạo ra số mũi tên ấy mà lại khéo léo "mượn" toàn bộ chúng từ phía đối thủ là Tào Tháo.

Bấy giờ, ông đã dùng 20 chiếc thuyền chất những hình nộm làm từ rơm rạ để tung hỏa mù, vờ làm như tấn công vào doanh trại Tào quân.

Kẻ đa nghi như Tào Tháo quả thực trúng kế, liền hạ lệnh cho thủ hạ dùng nỏ bắn tên ồ ạt vào thuyền địch, thậm chí còn liên tục tiếp thêm nỏ và tên. Kết quả là những mũi tên ấy đều bắn trúng vào rơm rạ trên thuyền.

Chưa tới một canh giờ sau đó, Gia Cát Lượng quả thực đã thu về đủ 10 vạn mũi tên. Đây chính là kế "thuyền cỏ mượn tên" nổi danh thời Tam Quốc.

Bài học rút ra: Có đôi khi, sự trợ giúp không nhất thiết phải đến từ những người thân thiết mà có thể bắt nguồn từ chính đối thủ cạnh tranh của ta.

Chỉ cần bạn dám đột phá giới hạn của bản thân, bạn sẽ thấy thế giới xung quanh có rất nhiều nguồn lực mà chúng ta có thể tận dụng.

Chuyện thứ ba: Tình nguyện cho đi sẽ nhận lại được sự tương trợ ngay khi cần

 Gia Cát Lượng mượn lực của Tào Tháo và 3 bài học về nghệ thuật nhờ vả ai cũng nên áp dụng - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Thư viện British tại vương quốc Anh là một thư viện nổi tiếng trên thế giới với số lượng sách vô cùng phong phú, đồ sộ.

Có lần, chủ thư viện muốn chuyển địa điểm. Thế nhưng mới chỉ tính sơ qua, số tiền phải chi cho việc chuyên chở tài liệu đã vượt xa ngân sách của họ.

Bấy giờ, người quản lý ở nơi này liền đăng một quảng cáo với nội dung như sau: Từ hôm nay, mỗi người dân trong thành phố có thể mượn miễn phí 10 quyển sách tại thư viện.

Ngay ngày tiếp theo, rất nhiều người bản địa đã nô nức tới đây mượn sách. Không tới mấy ngày, toàn bộ sách vở trong thư viện British đều đã được mượn hết.

Và thế là những người làm việc tại đây chỉ cần nhàn nhã thu dọn một số đồ đạc để chuyển sang chỗ mới, sau đó lại đăng một thông báo chuyển địa điểm, mọi người nghiễm nhiên đem số sách đã mượn tới đây trả đầy đủ.

Như vậy, thư viện này chẳng những không mất một khoản tiền khổng lồ cho việc chuyên chở tài liệu mà còn được quảng bá tên tuổi của mình một cách miễn phí.

Bài học rút ra: Chìa khóa cho kỹ năng tìm kiếm sự trợ giúp chính là nghệ thuật nhờ vả mà thư viện British đã từng áp dụng.

Chỉ cần bạn có thể nhìn ra ưu điểm nổi bật của mình, hơn nữa lại sẵn sàng dùng chúng để đem tới lợi ích cho người khác, vậy thì mỗi khi gặp bất kỳ khó khăn nào, bạn đều sẽ nhận được sự giúp đỡ. Có đôi khi, biết cho đi mới chính là "chìa khóa" để có được sự tương trợ.

Câu chuyện thứ tư: Giàu hay nghèo phụ thuộc vào cách tận dụng những nguồn lực xung quanh mình

 Gia Cát Lượng mượn lực của Tào Tháo và 3 bài học về nghệ thuật nhờ vả ai cũng nên áp dụng - Ảnh 3.

Một trong số những yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo chính là cách họ tận dụng những nguồn lực của bản thân và xung quanh mình. (Tranh minh họa: Nguồn Internet).

Một ngày nọ, Thượng đế cho một người giàu và một người nghèo định cư ở hai ngọn núi cạnh nhau, cũng nói cho họ biết rằng trên núi có than đá, mỗi ngày chỉ cần đào than lên để bán là sẽ có tiền ăn ở.

Cứ như vậy, Thượng đế cho hai người thời hạn 1 tháng để đào hết tất cả số than trong núi. Ngay sau đó, người nghèo và người giàu đã nhanh chóng bắt tay vào làm việc.

Người nghèo thường ngày đã quen làm việc nặng, lại coi việc đào than làm kế sinh nhai. Ngay vào ngày thứ nhất, anh ta đã đào được một xe than rồi kéo vào chợ bán lấy tiền, sau đó dùng số tiền ấy mua thức ăn ngon cho mình và sắm sửa cho vợ con.

Người giàu từ trước tới nay chưa từng làm qua việc nặng nhọc, đào được một lúc lại phải nghỉ giữa chừng, tới lúc chiều muộn mới miễn cưỡng đào được một xe than.

Anh ta cũng đem số than này tới chợ bán, nhưng chỉ mua vài cái bánh bao nguội lót dạ rồi cất đi toàn bộ số tiền còn lại.

Ngày thứ hai, người nghèo cũng thức dậy từ sáng sớm để đào than một cách chăm chỉ. Còn người giàu thì đi lại mấy vòng trong chợ, sau đó thuê hai người làm công và đưa họ lên núi đào than cho mình.

Ngày hôm đó, người nghèo vẫn đào được một xe than giống hôm trước, còn người giàu lại thu về tới mấy xe than.

Người nghèo vẫn tiếp tục cuộc sống bán than lấy tiền ăn cơm như thường lệ, còn người giàu tiếp tục tích cóp để thuê nhân công làm việc.

Một tháng chớp mắt đã trôi qua, người nghèo chỉ đào được một góc trong số than trên ngọn núi của mình. Số tiền mỗi ngày kiếm được đều đã đổ vào tiền ăn uống sinh hoạt, cho nên chung quy nghèo vẫn hoàn nghèo.

Ngược lại, người giàu từ sớm đã huy động được một đội công nhân đào sạch toàn bộ sốt than trên ngọn núi. Số tiền rủng rỉnh kiếm được từ việc bán than lại tiếp tục được anh ta dùng vào việc buôn bán làm ăn, cuối cùng lại ngày càng giàu thêm.

Bài học rút ra: Kết quả cuối cùng không chỉ phụ thuộc vào năng lực và lòng kiên trì của bản thân mà ít nhiều còn liên quan tới khả năng tận dụng những nguồn lực đang có trong tay.

Có đôi khi, thành công không nằm ở việc bạn có thể làm ra bao nhiêu mà nằm ở chỗ bạn làm cách nào để huy động được những nguồn lực trợ giúp cho mình.


Theo Trần Quỳnh

Trí thức trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/gia-cat-luong-muon-luc-cua-tao-thao-va-3-bai-hoc-ve-nghe-thuat-nho-va-ai-cung-nen-ap-dung-a71158.html