"Tôi không cần làm việc chăm chỉ, tôi đủ thông minh rồi" là câu trả lời khá tệ khi xin việc theo CEO Daniel Schwartz của Restaurant Brands International, công ty mẹ của Burger King.
Daniel Schwartz là CEO của Restaurant Brands International, công ty mẹ của Burger King, Tim Hortons và Popeyes. Anh Schwatrz trở thành CEO khi mới 32 tuổi và có quan điểm khá thú vị về việc tuyển dụng lao động. Khi muốn chọn những nhân viên chăm chỉ vào làm việc, phần lớn số ứng cứ viên được hỏi lại cho rằng họ đủ thông minh để không phải chăm chỉ, một điều khiến anh Schwartz ngạc nhiên.
Dưới đây là bài phỏng vấn đầy đủ của New York Times với nhà quản lý trẻ tài năng này:
- Hãy nói qua về thời niên thiếu của bạn?
Tôi trưởng thành tại Long Island và bản thân tôi khi đó thấy cuộc đời thật tẻ nhạt, nhưng nhìn lại tôi lại cảm ơn về quãng thời gian niên thiếu đó. Tôi có một gia đình bình thường khi cha mẹ tôi đối xử tốt với con cái cũng như coi trọng việc giáo dục chúng tôi. Cha mẹ tôi sẵn sàng dành thời gian hay đầu tư cho những sở thích của tôi, cho dùng chúng có kỳ quặc đến đâu. Khi tôi còn bé, tôi hay thu thập những hòn đá và khoáng vật, nhưng phần lớn thời gian tôi hay tụ tập với bạn bè, chơi bóng rổ. Mặc dù đó quãng thời gian đó khá yên bình nhưng tôi nghĩ vậy là ổn.
- Cha mẹ của anh làm nghề gì?
Mẹ của tôi là một luật sư. Bà ấy cũng nằm trong nhóm thiết kế đề thi luật cho các trường. Cha của tôi là nha sĩ và họ luôn bận rộn với công việc.
- Nói về phong cách lãnh đạo, anh thấy phong cách của mình như thế nào?
Tôi cho rằng đặc điểm lớn nhất trong phong cách lãnh đạo của mình là luôn tôn trọng người khác. Phong cách của tôi không thiên hướng chỉ đạo đoàn đội hay tổ chức nhưng lại luôn cố gắng đối xử tốt, có văn hóa với mọi người và cố gắng để trở thành một con người tốt.
Tôi luôn ghi nhớ điều này trong đầu bất kể khi nào tôi nói chuyện với ai đó. Thế giới khá nhỏ trong khi cuộc đời lại ngắn, do đó bạn nên đối xử tốt với mọi người. Tôi không bao giờ to tiếng ở nơi làm việc và cũng không hay giận dữ với nhân viên.
- Ông có nhận ra mình muốn điều gì khi còn đi học không?
Tôi có một quan điểm khá thoáng khi còn trẻ. Tôi theo học một số lớp về y học, khoa học và thậm chí là cả lớp kinh doanh. Tôi đọc khá nhiều sách về kinh doanh và Phố Wall, tôi thực sự thích cuốn "Finance 101". Từ đó tôi quyết định đi theo ngành ngân hàng đầu tư.
Tôi học thêm một số môn để có thể tốt nghiệp trong vòng 3 năm. Một khi đã quyết định điều mình muốn thì tôi muốn bắt đầu thật nhanh. Sau vài năm, tôi gia nhập quỹ đầu tư 3G Capital. Ở đó họ có văn hóa đầu tư vào những người mà họ cho là có tiềm năng hoặc có thể phát triển trong tương lai.
- Chức vụ quản lý đầu tiên của anh là gì
Tôi gia nhập 3G khi mới chỉ 24 tuổi nên không thực sự được làm quản lý ở đó. Tôi chỉ trở thành giám đốc tài chính khi công ty thu mua lại Burger King và đó là chức vụ quản lý đầu tiên của tôi ở tuổi 30.
Giám đốc 3G là ông Alex Behring đã cho tôi vài lời khuyên trong buổi đầu làm quản lý. Ông ấy nói rằng tôi cần quản lý con người chứ không phải công việc kinh doanh. Ban đầu, tôi đã cố tự làm rất nhiều việc và cảm thấy có chút quá tải. Thế rồi tôi nhớ đến những gì ông Alex nói và bắt đầu để nhân viên quản lý công việc, còn tôi thì quản lý mọi người.
- Ngoài điều đó ra thì anh còn học được gì nữa?
Nếu bạn muốn thay đổi điều gì đó hoặc thực sự muốn ảnh hưởng đến ai đó, bạn cần hiểu rõ người đó và nói chuyện trực tiếp. Bạn không thể điều hành công ty xuyên quốc gia mà chỉ ngồi bàn giấy. Bạn không thể chỉ gọi điện cho mọi người và bảo rằng mọi thứ cần phải thay đổi.
Nếu bạn mất công đến tận nơi nói chuyện, điều đó cho thấy bạn đang đầu tư công sức và mọi người sẽ trân trọng nó, đồng thời cảm thấy thoải mái với đề nghị thay đổi của bạn hơn. Bạn cũng sẽ được tôn trọng nhiều hơn khi trực tiếp theo dõi quá trình kinh doanh và hiểu được những nhân viên của mình đang làm gì.
- Có điều gì đặc biệt trong văn hóa công ty mà anh quản lý không?
Điều đặc biệt là không ai trong tòa văn phòng này thực sự có văn phòng riêng. Chúng tôi có khu làm việc mở, nó tạo môi trường cho mọi người di chuyển nhanh hơn. Trên bàn làm việc của tôi có dán các mục tiêu và bất kỳ nhân viên nào đi qua cũng có thể thấy chúng. Chúng sẽ được bôi xanh nếu làm tốt, vàng nếu không thực sự ổn và đỏ nếu chúng tôi đang gặp rắc rối. Tất cả mọi người biết mục tiêu của tôi như thế nào và họ cũng làm điều tương tự với mục tiêu của chính họ.
Chúng tôi cũng xóa bỏ chế độ chức danh cách đây 1 năm bởi chúng khiến mọi người tốn thời gian ganh ghét, bàn tàn về nhau. Bạn sẽ gặp hiện tượng này khi hạ tiêu chuẩn để thăng chức cho ai đó. Chức danh trong công ty chúng tôi hiện nay thiên về mô tả công việc hơn là dựa trên cấp bậc.
- Anh đã trở thành CEO từ khi rất trẻ, vậy anh có những khoảng thời gian khó khăn thời kỳ đầu nào không?
Ban đầu tôi hơi hồi hộp, nhưng tôi đã cố gắng suy nghĩ cặn kẽ về vai trò này. Nếu chẳng may kết quả tệ, mọi người có thể cho rằng tôi còn non trẻ nhưng kiểu gì thì tôi cũng sẽ gặp rắc rối nếu điều đó xảy ra. Nếu kết quả tốt, mọi người đều vui vẻ, bởi vậy tôi nên đảm bảo rằng mọi chuyện đều được hoàn thành tốt đẹp.
Hơn nữa, bởi tôi còn trẻ hơn rất nhiều những cộng sự làm cùng nên tôi nhận ra rằng mình còn phải học rất nhiều từ những người đã tham gia mảng kinh doanh này từ rất lâu.
- Chiến lược thuê nhân viên của anh như thế nào?
Tôi thích những người có sự đâm mê, kiên trì, khiêm tốn và không kiêu ngạo. Việc tự tin là tốt nhưng bạn không nên kiêu ngạo. Tôi thích những nhân viên đang tìm kiếm dự án làm việc hơn là tìm việc đơn thuần. Chúng tôi tìm những người muốn trở thành một phần của tập thể lớn chứ không phải những người coi chúng tôi chỉ là bước đệm sự nghiệp.
Tôi cũng thích những người sẵn sàng làm bất cứ công việc nào được yêu cầu. Họ khao khát được tham gia vào công ty. Tôi cũng có thái độ làm việc như vậy khi bắt đầu sự nghiệp. Tôi không quan tâm mình rồi sẽ phải làm gì, tôi chỉ muốn được tham gia vào những dự án thú vị và làm việc với những người tuyệt vời.
- Câu hỏi phỏng vấn hay nhất của anh là gì?
Tôi đã từng hỏi: "Bạn thuộc nhóm nhân viên làm việc thông minh hay làm việc chăm chỉ?". Rõ ràng ai cũng muốn nhân viên làm việc chăm chỉ nhưng bạn sẽ phải ngạc nhiên khi nhiều người trả lời rằng: "Tôi không cần làm việc chăm chỉ, tôi đủ thông minh rồi".
Tôi cho đây là một câu trả lời có phần quá khoe khoang về bản thân. Thật vậy sao? Bạn cần phải biết rằng khiêm tốn là điều hết sức quan trọng.
- Anh có lời khuyên gì về sự nghiệp lẫn cuộc sống cho những sinh viên mới ra trường?
Đầu tiên hãy làm việc thật chăm chỉ. Đừng đòi hỏi phần thưởng quá sớm. Thế rồi các bạn sẽ tiếp xúc với rất nhiều người có tính cách và đặc điểm khác nhau. Khi đó hay học tập những thứ tốt nhất mà bạn muốn học chứ đừng học những cái xấu.
Theo Thời Đại
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ceo-burger-king-loai-luon-nguoi-khi-phong-van-noi-khong-can-cham-chi-thong-minh-la-duoc-a7126.html