Cha đẻ Ví Việt: Gom tỷ USD từ 1 USD

Đừng quá tham lam, chỉ cần thu về từ mỗi người dùng 1 USD, từng USD nhỏ lẻ đó có thể giúp các fintech xây nên đế chế tỷ USD. Đó là nguyên tắc kinh doanh của fintech, theo chuyên gia phần mềm hàng đầu Việt Nam - ông Nguyễn Đình Thắng - cha đẻ của Ví Việt, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Chủ tịch Ủy ban Công nghệ LienVietPostBank.

Tôi sẽ đưa Ví Việt ra thế giới

Với dân công nghệ, không ai là không biết “Thắng Hồng Cơ”. Còn đối với những người làm công nghệ ngân hàng, sản phẩm Ví Việt của ông đang là đối thủ đáng gờm khi vừa ra đời đã thu hút hơn 2 triệu người dùng. Tại sao đang là chuyên gia phần mềm nổi danh hàng đầu, ông lại có hứng thú với lĩnh vực ngân hàng?

Có lẽ đó là cái duyên. Thực ra, từ mấy chục năm trước đây, tôi đã tham gia lĩnh vực ngân hàng, là một trong những cổ đông đầu tiên sáng lập Techcombank.

Tuy nhiên, thời điểm đó, tôi chưa hứng thú làm việc trong lĩnh vực ngân hàng. Mãi sau này,  khi góp vốn thành lập LienVietPostBank (năm 2009) với anh Dương Công Minh, nguyên Chủ tịch LienVietPostBank, tôi mới chính thức tham gia HĐQT vì trong bối cảnh mới, ngân hàng rất cần có người am hiểu công nghệ.

Vậy ông thấy lĩnh vực ngân hàng thế nào?

Quả thực khi đã tham gia, tôi mới thấy, lĩnh vực ngân hàng quả cũng rất thú vị. Tôi vẫn thường nói với các bạn trẻ, lĩnh vực ngân hàng đang là mảnh đất vô cùng hấp dẫn cho sự sáng tạo của các kỹ sư công nghệ.

Thanh toán điện tử đang bùng nổ, các ngân hàng đua nhau bắt tay với các fintech để ra mắt các ví điện tử. Tại sao ông vẫn muốn LienVietPostBank tự phát triển ví riêng, thay vì bắt tay với fintech?

Hiện trên thị trường có hai loại ví, loại thứ nhất là ví điện tử của các cổng thanh toán, chỉ có thể dùng để thanh toán mà không thể sử dụng các dịch vụ ngân hàng như huy động, cho vay. Loại thứ hai là ví của ngân hàng, có thể sử dụng nhiều dịch vụ ngân hàng, tiêu biểu là Ví Việt.

Tôi không muốn Ví Việt chỉ là một ví điện tử như các loại ví đơn thuần có trên thị trường, mà muốn biến Ví Việt thành một ngân hàng số, đáp ứng tất cả nhu cầu của người dùng, không chỉ sử dụng để thanh toán, mà còn gửi tiền, vay tiền, quản lý tài sản…

Từ đầu năm 2018, Ví Việt đã trở thành ví điện tử đầu tiên có dịch vụ gửi tiết kiệm và vay vốn online. Tới đây, chúng tôi sẽ tiến hành cho vay tiêu dùng tín chấp với các doanh nghiệp trả lương qua Ví Việt, cho vay thấu chi thỏa thuận trả theo tháng, cho vay thấu chi với công chức…

Chúng tôi đang phấn đấu, Công ty cổ phần Phát triển công nghệ Liên Việt không chỉ làm ra các sản phẩm phục vụ LienVietPostBank, mà còn phục vụ các ngân hàng khác, thậm chí chuyển giao ra thế giới…

Có vẻ như tham vọng của ông với Ví Việt không chỉ ở thị trường Việt Nam? Ông đang định đưa Ví Việt ra thế giới?

Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định xây dựng Ví Việt theo chuẩn thế giới, nên đã hợp tác với hai đối tác của Nhật Bản là Công ty TNHH Mitsui Knowledge Industry (MKI) và Công ty TNHH Doreming.

Hiện nay, các đối tác ở Mỹ và Australia đang đề nghị chúng tôi gửi bản chào tiếng Anh của Ví Việt để bán sang các thị trường này. Mới đây, đối tác Ấn Độ cũng đặt vấn đề hợp tác với Ví Việt để phát triển ngân hàng số thông minh (Intelligent Digital Bank).

Tôi tự tin có thể đưa Ví Việt ra thế giới, bởi tôi đã đi rất nhiều nước, làm việc với nhiều fintech lớn trên thế giới và thấy rằng, sản phẩm của fintech Việt Nam không hề thua kém, thậm chí còn tốt hơn rất nhiều.

Năm 2017, lần đầu tiên Việt Nam mang sản phẩm fintech đi tranh giải APICTA 2017 - được coi là giải Oscar trong lĩnh vực công nghệ - và Ví Việt đã mang về cho Việt Nam giải Nhì. Đầu năm 2018, Ví Việt lại được The Asian Banker trao giải Ngân hàng Di động tốt nhất Việt Nam. Rõ ràng, khả năng, trí tuệ người Việt Nam không hề thua kém thế giới.

Alipay, Wechat Pay: Đừng sợ hãi mà hãy hợp tác

Khi fintech Việt chưa ra được thế giới, thì nhiều fintech sừng sỏ của thế giới như Alipay, Wechat Pay sắp đổ bộ vào Việt Nam. Ông có sợ không?

Nhiều người đang nói đến việc Alipay, Wechat Pay, Amazon Pay… có thể vào Việt Nam. Tôi đã từng sang Trung Quốc làm việc với Tencent, Wechat Pay. Tôi cũng đã gặp Jackma, đã làm việc với Giám đốc kinh doanh của Alibaba. Nói sợ thì không hẳn, nhưng e ngại thì có.

Nếu Chính phủ không có chính sách giúp doanh nghiệp trong nước cạnh tranh, mà lại mở toang cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài tràn vào, thì khả năng doanh nghiệp nội bị đè bẹp là chắc chắn.

Tuy nhiên tôi tin rằng, sẽ không có việc mở toang cửa cho Alipay, Wechat Pay… vào Việt Nam. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước biết rất rõ nên mở cửa mức nào để vừa đảm bảo cam kết quốc tế, vừa không triệt tiêu sự phát triển của doanh nghiệp trong nước.

Mà dù các fintech trên có vào Việt Nam, thì họ cũng chỉ được phép cung cấp dịch vụ thanh toán vượt biên giới.

Bản thân các fintech này không phải là ngân hàng, không thể huy động và cho vay được. Họ không thể lấy “sân” của chúng tôi. Hơn nữa, thay vì sợ, chúng ta có thể nghĩ tới chuyện hợp tác.

Như vậy là ông có tính tới việc hợp tác với ngân hàng, fintech nước ngoài?

Chúng tôi đã trao đổi với Webank (ngân hàng ảo đầu tiên của Trung Quốc, thuộc Tập đoàn Tencent) và thấy rằng, có rất nhiều tiềm năng hợp tác giữa hai bên.

Mỗi năm có gần 3 triệu khách Trung Quốc đi du lịch Việt Nam, nếu họ có ví của Webank, trong trường hợp LienVietPostBank và Webank ký kết hợp tác, chỉ cần vào đến địa phận Việt Nam, khách du lịch Trung Quốc sẽ được thông báo mời đổi tiền từ nhân dân tệ sang tiền đồng vào Ví Việt để chi tiêu theo hạn mức quy định.

Khi khách về đến Trung Quốc, số tiền còn lại sẽ được tự động chuyển sang nhân dân tệ vào ví Wepay. Tương tự, khách du lịch Việt Nam sang Trung Quốc cũng như vậy.

Theo tôi, cách thức hợp tác này rất có lợi cho người sử dụng mà Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể kiểm soát được. Quan trọng là phải có hành lang pháp lý.

Giấc mơ tỷ USD không phải là quá khó

Ví điện tử quả thực rất tiện ích, song hiện trên thị trường có tới 25 loại ví khác nhau. Ví Việt sẽ cạnh tranh như thế nào giữa một thị trường ví bùng nổ như vậy?

Việc có nhiều loại ví điện tử trên thị trường là điều dễ hiểu, vì ngân hàng nào cũng muốn có ví riêng của mình. Tuy nhiên, ví điện tử có sống được hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: sản phẩm có tốt không, hệ sinh thái có đa dạng hay không. Xây dựng sản phẩm thường rất lâu, nhưng mất đi có thể chỉ trong một tuần.

Với Ví Việt, như đã nói, khác biệt của chúng tôi là không đơn thuần một loại ví dùng để thanh toán, mà còn là một ngân hàng số. Ngoài ra, chúng tôi hiểu rằng, với fintech, sự sống còn phụ thuộc vào hệ sinh thái.

Vì vậy, chúng tôi đang tập trung xây dựng hệ sinh thái đủ mạnh cho fintech này, đặt mục tiêu tăng gấp đôi điểm chấp nhận thanh toán trong năm 2018, tăng kết nối với các đơn vị sản xuất - kinh doanh, bán lẻ…

Với 2 triệu người dùng, chi phí đầu tư cho công nghệ không nhỏ, trong khi mức phí sử dụng hầu như không đáng kể. Câu chuyện hiệu quả được ông tính toán ra sao?

Đó là bài toán kinh doanh, giống như con gà - quả trứng. Nếu vừa ra mắt sản phẩm mà đã đòi thu phí, chắc chắn khách hàng sẽ không sử dụng. LienVietPostBank cũng vậy, ban đầu chúng tôi miễn phí, giúp người dùng làm quen.

Trong tương lai, khi đã được người dùng chấp nhận, chúng tôi mới thu phí, nhưng chỉ thu với mức phí rất nhỏ để bù đắp chi phí bỏ ra, chắc ban đầu cũng chỉ thu 1.000 đồng/tháng, sau đó nếu có tăng cũng chỉ 3.000 đồng/tháng (tức chỉ trên dưới 1 USD/năm).

Tôi hy vọng, với dịch vụ ngày càng đa dạng, người dùng sẽ cảm thấy hài lòng với số tiền bỏ ra, nếu người dùng chưa hài lòng, chúng tôi sẽ chưa thu phí.

Thu mỗi người dùng chỉ khoảng 1 USD/năm, có vẻ fintech khó có thể giúp ngân hàng “làm giàu”?

Đừng coi thường 1 USD. Tôi thường nói với các bạn trẻ, đang là cơ hội vàng cho các bạn trẻ kiếm tiền. Chỉ cần một vài ý tưởng dành cho cộng đồng, fintech có thể kiếm cả triệu, cả tỷ USD.

Nhưng đừng quá tham lam, nguyên tắc là 1 USD/người dùng. Như với Ví Việt, sau này, chúng tôi có thể thu của người dùng 1.000 - 2.000 đồng/tháng, số tiền rất nhỏ với từng cá nhân, nhưng chúng tôi có 2-3 triệu khách hàng, thì đã có 2-3 triệu USD.

Tôi thường nói với lớp trẻ, cơ hội để fintech đạt 1 tỷ USD không khó, người ta làm được thì mình làm được, nhưng xây dựng fintech tỷ USD phải bắt đầu từ những đồng 1 USD như vậy.

Hơn nữa, với chúng tôi, phát triển Ví Việt không phải để thu phí. Hiện nay, ngân hàng nào thu hút được nhiều khách hàng nhỏ lẻ nhất, chiếm lĩnh thị trường huy động và cho vay nhỏ lẻ cao nhất, ngân hàng đó sẽ chiếm vị trí bán lẻ số 1. Ví Việt đang là “vũ khí” để chúng tôi chiếm lĩnh thị phần nhỏ lẻ này, hiện thực hóa mục tiêu biến LienVietPostbank thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Theo Thùy Liên
baodautu.vn

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/cha-de-vi-viet-gom-ty-usd-tu-1-usd-a7157.html