"Một con người sinh ra có quyền được sống và làm việc, để được hạnh phúc. Bản thân tôi và các con của tôi là người phụ nữ và những đứa trẻ đều rất mong muốn có một gia đình đầy đủ", bà Lê Hoàng Diệp Thảo nói tại phiên tòa.
Mới đây, tòa TAND TP.HCM mở lại phiên xét xử vụ ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo (SN 1973, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (SN 1971, chồng của bà Thảo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc tập đoàn cà phê Trung Nguyên).
Kết thúc phiên tòa, vụ ly hôn vẫn chưa ngã ngũ bởi khúc mắc liên quan đến việc phân chia khối tài sản tổng cộng lên tới 8.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, nút thắt cao nhất chính là bất đồng trong quan điểm giữa ông Vũ và bà Thảo liên quan đến quan điểm khác nhau về quan hệ vợ chồng.
"Không ai muốn loại cô ý ra khỏi Trung Nguyên này cả. Nhưng có điều ở đây là những người chồng. Chồng phải ra chồng, vợ phải ra vợ. Trên phải ra trên, dưới phải ra dưới, phải có trật tự", ông Vũ chia sẻ khá nhiều lần về quan điểm vai trò vợ chồng trong gia đình với luật sư 2 bên, tại phiên tòa cũng như bên lề phỏng vấn.
Trong một lần khác ông Vũ nói: "Bản chất của kinh tế là "kinh bang tế thế", là lòng người. Chứ không phải đưa cái này, thúc đẩy dịch vụ như kiểu con buôn được. Suốt cả cái tiến trình đó, Trung Nguyên sách lược đã có từ lâu rồi nhưng thắt ở chỗ cô đó. Cô lo về sắp đặt đi. Nãy qua nói 1 lời cô hiểu hết, qua chưa bao giờ đụng tới cái gì hết, tài khoản, két sắt, tất cả mọi thứ,… Qua nói để hiểu.
Tiền bạc đâu có thiếu gì, nhà này thiếu đạo lý, thiếu trật tự, thiếu trên dưới, thiếu tình người, thiếu từ cách nuôi dạy con đến nuôi dạy Trung Nguyên. Nó không phải kiểu như vậy. Cô không chịu nên mới đẩy mọi việc lên, đưa gia đình ra đây. Qua rất đau lòng… Cô muốn lấy gì thì lấy đi để Qua phát triển Trung Nguyên giống như tầm nhìn.
Ngồi như này là nỗi nhục đau đớn. Vậy mà cũng lôi được cả gia đình ra đây. Ở đây cái đạo lý, lương tri là quan trọng. Nếu mất đi lương tri lương tâm thì không còn ý nghĩa gì. Không ai đi giành những thứ như vậy".
Trong phiên đối đáp tại tòa, khi bà Thảo đề nghị cho mỗi người con 5% cổ phần, ông Vũ gay gắt đáp trả:
"Lẽ ra sự nghiệp này là của nó chứ không của ai cả. Còn ở đây đâu có ai vì tiền. Cũng như 20 năm nay vậy, tôi bảo lui về nuôi con cho đúng nghĩa của nó. Đâu có ai đụng đến tiền. 20 năm lớn lắm. Số ngân hàng này chỉ là bề nổi mà thôi. Cô nên hiểu điều này và các con cũng hiểu điều đó. Mẹ, bà nội còn sống bao nhiêu, cần bao nhiêu tiền đâu. Tiền nhiều để làm gì mà ngày hôm nay ngồi như thế này? Tiền và quyền để làm gì?"
Quan điểm đề nghị bà Thảo rút lui hoàn toàn trở về hậu phương được chủ tọa phiên tòa ủng hộ. Ông khuyên bà Thảo rút đơn lại, giao công ty cho ông Vũ quản lý, không tham gia nữa để chồng phục vụ chí hướng. Đồng thời bà Thảo nên về chăm 4 đứa con, rút khỏi HĐQT cho ông Vũ điều hành toàn bộ. Tài sản vẫn là tài sản chung của vợ chồng.
Vị chủ tọa còn cho rằng việc bà Thảo rút lui được ví như "sẽ như bà hoàng, cho ông Vũ bơi. Đại bàng đực tha tiền về cho đại bàng cái nuôi con. Quá được. Hợp với phong tục tập quán".
Khi được phỏng vấn cho rằng suy nghĩ của bà Thảo rất hiện đại và phụ nữ đều đóng vai trò ngang với nam giới, ông Vũ cho biết:
"Hiện đại không phải như vậy. Tôi muốn nói xa hơn. Tạo hóa đã tạo ra đàn ông ra đàn ông, đàn bà ra đàn bà. Ngay cả giao hợp âm dương hợp nhau mới ra đứa con phải không. Về nguyên tắc giao hợp là phụ nữ thường nằm dưới, đàn ông nằm trên, chết đuối cũng vậy. Đàn ông nằm sấp còn phụ nữ nổi nằm ngửa. Phải hiểu trật tự đó là tạo hóa.
Nếu loài người muốn làm đảo lộn nó thì sẽ hỗn loạn. Còn bây giờ là trật tự nào? Ngày hôm nay đưa nhau ra đây, tất cả nhục nhã như thế này. Nảy ra đủ thứ, đâu có ai như vậy".
Về phía bà Thảo, sau nhiều lần được đả kích từ phía ông Vũ, bà cũng chia sẻ quan điểm về vợ chồng cũng như vai trò một người phụ nữ trong gia đình. Bà nói:
"Một con người sinh ra có quyền được sống và làm việc, để được hạnh phúc. Bản thân tôi và các con của tôi là người phụ nữ và những đứa trẻ đều rất mong muốn có một gia đình đầy đủ. Tuy nhiên sự tôn trọng quyền được sống, quyền được làm con người thực sự, quyền được làm những điều mình mong muốn. Thậm chí có những chuyện anh đòi hỏi tôi phải về nhà thay những bộ đồ khác, phải đứng trong nhà bếp, thậm chí đứng để hầu hạ ba má anh và anh đang ăn cơm".
Theo Trí Thức Trẻ