Vua cà phê Việt Đặng Lê Nguyên Vũ: “Mình có thực sự… khác người?”

Người đàn ông ít cười nhất tôi từng gặp. Nhưng khi cười, thì lại cười hết cỡ và sảng khoái hơn bất kỳ ai. Một người nổi tiếng dễ gần hơn ta tưởng, để không có câu hỏi nào bị khước từ. Nhưng cũng lại cho cảm giác khó gần hơn bất kỳ ai, vì có những câu nói, lại kiên quyết không song hành cùng nét mặt. Ở đâu đó, những ý nghĩ trong đầu ông vua cà phê vẫn là thứ thực sự khó nắm bắt, như chính anh, có lúc cũng phải tự hỏi: “Mình có thực khác người?”

Những buổi sáng M’Drak. Sương dâng từ mặt sông phả khói, hay chính là mây núi đang sà xuống? Thật khó phân biệt. Hàng hiên, nơi Vũ ngồi uống ngày ít nhất 10 tách cà phê, tính từ cái mốc 3 giờ sáng, lại có không khí của một trà thất: Những cột gỗ tuồng như sơ sài nhưng tinh tế, những vách ngăn chấm phá, mơ màng, trông ra “non xa xa, nước xa xa”, tĩnh lặng tuyệt đối. Sáng nào cũng vậy, cứ sang nơi, đã thấy Vũ ngồi ở đấy, khăn áo tươm tất, dáng vẻ đăm chiêu khiến vẻ mặt vốn dĩ quắc thước của anh dường như trở nên “mềm” và sâu hơn.

Nhưng chỉ cần khi bạn tiến lại, và phá tan sự yên tĩnh đó, thì gương mặt ấy lại ngay lập tức lấy lại vẻ quắc thước, tinh anh, rồi Vũ bắt đầu “mở máy” nói. Những ý tưởng ngồn ngộn, được nung nấu không chỉ hàng đêm mà là tích tụ hàng bao năm trời ở một người đàn ông thường xuyên mất ngủ vì bị “trời hành” này lắm lúc khiến người nghe cảm thấy ngộp thở, nhưng không thể không bị cuốn hút.

Những buổi sáng ở M’Drak. Không rõ vì sao chúng tôi lại dễ dàng dậy sớm đến thế. Hẳn vì biết bên kia Vũ đã ngồi chờ? Hay cái chính là vì đã quá kỳ công cho cuộc tiếp xúc này: người viết đánh đường từ Hà Nội vào, êkíp chụp hình từ Sài Gòn lên, gặp nhau ở sân bay Buôn Ma Thuột rồi từ đó, đi sâu vào M’Drak. Mất một thôi đường khá dài tuyền đất đỏ bazan, hôm đó lại vừa trộn mưa, khiến bánh xe có lúc bị dọa nuốt, mới vào được đến “thủ phủ” của vua café, nơi năm vài lần Vũ lên đấy “ở ẩn”, để tạm thoát ra khỏi cái ồn ã, bề bộn ở Sài Gòn. Những đoạn đường Vũ thừa sức rải nhựa, nhưng tài xế của anh bảo, Vũ thích “để mộc” thế, chạy xe gầm cao mới đã. Về miền rừng mà còn chạy đường nhựa thì nói làm gì.

Vua cà phê thường tự thích làm khó mình bằng những con đường khó (cứ nghe bản “Trung Nguyên ca” – “Con đường của chúng ta” do Vũ viết lời thì biết). Hẳn vì thế mà tóc Vũ giờ chả còn sợi nào (đó là lý do Vũ có nhiều mũ?). Nhưng lạ là anh thường chỉ đội vào lúc sáng sớm, lúc còn sương, và nắng lên thì thôi. Ngặt nỗi, nắng lên thì cái đầu không tóc ấy lại bóng lên, đe dọa… những bức hình. Và đó là lúc tôi ngỡ ngàng vì thấy vua cà phê lại… ngoan ngoãn đến vậy, khi anh dễ dàng cúi đầu xuống để cô bé stylist của chúng tôi xoa lên đầu (một thứ dầu chống bóng thì phải) rồi cười phá lên khi nghe tôi bảo: “Xoa đầu anh hóa ra cũng dễ nhỉ!”.

Cà phê Trung Nguyên - Đặng Lê Nguyên Vũ

Tim và phổi đều quan trọng như nhau!

– Tôi rất thích nhìn đàn ông quàng khăn. Hình ảnh đó thường cho cảm giác… bao dung. Thực ra, anh có bao dung không?

– Cũng có chứ! Chẳng gì cũng mang tiếng là thằng đàn ông được ăn học đàng hoàng, không lẽ…

– Phẩm chất quan trọng nhất của đàn ông là gì, theo anh?

– Hoài bão lớn.

– Bao dung, thì sao?

– Đàn ông, cần nhất là mạnh mẽ. Còn bao dung thì hãy để cho phụ nữ. Tốt nhất, đàn ông thì chỉ nên là đàn ông, và phụ nữ thì chỉ nên là phụ nữ.

– Tham công tiếc việc như anh thì cũng cần cái “món” bao dung đấy lắm nhỉ?

– Ờ, nói chung là cần!

– Có bao giờ anh nghĩ: Người phụ nữ của anh thật thiệt thòi?

– Có. Trên một nghĩa nào đó.

– Câu này, nếu anh thấy… “ghê” thì thôi vậy: Lục phủ ngũ tạng, anh thấy thứ gì quan trọng hơn: Tim hay phổi?

– Với tôi thì tim và phổi đều quan trọng như nhau.

– Tôi tưởng… dạ dày?

– Thế mà vẫn cầm cự được đấy, trong một chừng mực nào đó!

– Một người như thế nào thì bị anh coi là khùng?

– Là ngồi trước mặt nhau còn… chụp ảnh nhau rồi post cho nhau xem.

– Không chừng còn comment và like nữa nhé!

– Thấy chưa, công nghệ thông tin quả thực đã làm hỏng chúng ta! Tưởng là kết nối, nhưng thực ra, cắt đứt. Khi phương tiện bị biến thành mục đích, thì đó là khùng!

– “Quốc gia khởi nghiệp” là cuốn sách anh đã chung tay với hy vọng góp phần thay đổi. Từng có người nói rằng: Thực ra, để được thế, thì cần tới 1000 cuốn sách kia – nhất thiết phải được dịch ở VN?

– Không nghĩa lý gì hết! Quan trọng là phải biết cái mình đang thiếu. Nếu không biết mình đang thiếu thì một nghìn cuốn chứ một triệu cuốn cũng không ăn thua.

– Vùng đất nào anh muốn lý giải nhất?

– Israel. Tôi nghĩ là nếu ai đó kêu việc này việc kia không làm được vì hoàn cảnh này kia thì hãy thử qua Israel đi! Ở một nơi mà đất không, nước không (đúng hơn là nước tưới nhỏ giọt), người cũng không nốt (người thực ra đâu bao nhiêu đâu: 7 triệu dân đối đầu với 350 triệu thù địch có tính chất tôn giáo))… Thế nhưng, kỳ diệu là thứ cá nuôi trên sa mạc, thứ bò không nuôi bằng cỏ ấy lại là những sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của họ, và ớt, cà chua… trồng bằng thứ nước nhỏ giọt ấy thì to bằng cả bắp tay. Rất là lạ! Trong khi, mình: đất đầy ra đấy, nước đầy ra đấy, người đầy ra đấy, mà nghèo!

– Chúng ta đang xóa nghèo đấy thôi?

– Nếu đặt mục tiêu xóa nghèo, thì cứ nghèo mãi. Còn nếu đặt mục tiêu làm giàu, thì cái nghèo tự khắc sẽ biến mất lúc nào không biết. Hãy nhớ lại chiếc ôtô đầu tiên của người Nhật: một cục sắt đen thùi lụi thôi chứ gì, và cả thế giới cười vào mặt họ. Nhưng sau đó, thì sao? Cái đó, nó gọi là tư duy đột phá, thay vì tư duy trình tự…

– Những người nào, anh muốn lý giải nhất?

– Đương nhiên, người Do Thái.

– Chứ không phải là những bức tượng danh nhân thuộc bộ sưu tập của anh sao?

– Họ thực ra không hẳn là thần tượng của tôi. Mà ở mỗi người, chỉ cần có một cái gì đó khiến mình bị cuốn hút. Nhưng mà, phụ nữ mà sống với mấy ông này (Beethoven, Mozart… – PV) là mệt à nha! Tại họ dễ… bất thường lắm! (cười).

– Sống với… anh thì không thế chắc?

– (cười nhẹ) À, tôi thì không bất thường! Nhưng nếu có, thì… phải cố gắng thôi!

Cà phê Trung Nguyên - Đặng Lê Nguyên Vũ

Không cần phi thường – Chỉ cần đồng cảm

– Nghe nói, anh mê phim hành động?

– Tính chính xác của sự phối hợp. Tính tổ chức. Những người làm được việc nhưng ít nói. Những việc rất khó làm nhưng không bao giờ căng thẳng, mà thậm chí, hài hước. Đó là lý do.

– Ồ, toàn những phẩm chất cần có của một… nhân viên! Nhưng, anh có biết nhân viên của anh cần gì ở một ông chủ?

– Câu này, tôi nghĩ là chị nên hỏi họ. Có điều, tôi chưa bao giờ nói với nhân viên của tôi rằng tôi là chủ của họ.

– Là vì thế này, tôi có quen một người vừa rời Trung Nguyên. Họ vẫn dành những lời hết sức tôn trọng về anh, vì những gì họ nhận được, trước, trong và sau khi rời “nhà anh”. Nhưng họ bảo: Chỉ là, đôi khi họ thấy ngợp, vì anh có quá nhiều ý tưởng. Anh có biết điều đó không?

– Có chứ! Nhưng dù sao tôi vẫn mong họ trở về. Vì dù họ có đi đâu, tôi vẫn coi họ là người của Trung Nguyên, nơi mà – như đã nói – tôi chưa bao giờ nói với họ tôi là chủ.

– Vậy, anh có đánh giá những người ở lại là phi thường?

– Không. Không cần phi thường. Chỉ cần đồng cảm. Dĩ nhiên tôi là người nghiêm khắc, nhưng tôi cũng là người sẵn sàng tin và dám chấp nhận trả giá. Mong anh em chia sẻ. Bởi cái lý của một người làm việc lớn nó khác với cái lý của người làm việc nhỏ. Và điều đó sẽ khiến họ trưởng thành lên rất nhanh, so với làm chơi…

– Nghe nói anh thường dậy lúc 3h? Và có những cuộc họp lúc… 1h? Ai chịu được?

– Không, thực ra tôi không hề buộc anh em phải ngủ ít như mình. Buộc sao được! Mong muốn ít lắm! Rất là buồn. Vì cái đó, nó còn là sản phẩm xã hội. Nhiều khi anh em chịu không nổi, tôi biết. Có anh em còn… chửi thề. Nhưng thôi, chửi hay không là việc của họ. Việc mình mình làm. Bây giờ, biết làm sao. Mình đeo đuổi thì mình phải chịu. Có những việc phải chịu khó. Hy vọng với thời gian, áp lực…, dần dần, họ sẽ tin điều mình nói là sự thật.

– Hoặc nếu không, thì tốt nhất là “yếu thì không nên ra gió”, không nên… làm Trung Nguyên?

– Nghĩ sao mà không “ra gió”? Con người ta, biết thế nào là yếu? Nó cũng như cái bộ phim kể về con ốc sên trên đường đua thôi, ai mà ngờ có ngày nó sẽ chộp được một năng lượng. Dù cái giây phút đầu tiên đặt chân lên đường đua, có thể nó cũng run bắn. Phải, cái đứa yếu đầu tiên ra gió thì sẽ bị bệnh, nhưng cái “gene” đó sẽ được truyền lại. Vậy, tại sao lại phải làm việc nhỏ? Tại sao lại phải tự tước đi sức mạnh của mình?

– Để có sức mạnh, thay vì “ra gió”, tôi lại hay nói thế này: Nhìn lên không bằng ai, nhìn xuống không ai bằng. Có… sao không?

– Không ổn chút nào! Đó chỉ là thứ tư duy tiêu cực, tự sướng, tự AQ. Nhìn lên là nhìn ai mới được? Phải có kẻ thù vĩ đại thì mới có một dân tộc vĩ đại.

– Tương tự, phải có những… “phát ngôn vĩ đại” thì mới có một “doanh nhân vĩ đại”? Anh có biết là người ta bảo anh “đại ngôn” không?

– Nói thế là còn nhẹ đấy! Dạo trước, người ta còn bảo tôi là hoang tưởng nữa kìa, sau thấy tôi làm được, thì mới “hạ” dần: bảo là “lãng mạn cách mạng”, rồi “tư duy đột phá”… Không biết tới đây người ta sẽ dùng từ gì.

– Có bao giờ anh đọc các comment nhân các phát ngôn (lắm lúc gây sốc) của anh không? Cảm giác của anh khi bị “ném đá”?

– Cái này, thực ra, tôi chia làm 4 nhóm. Nhóm thứ nhất, là của những kẻ chỉ muốn lật đổ Trung Nguyên, chỉ suốt ngày rình có dịp là “chơi xấu” Trung Nguyên, thôi thì nhóm đó ta quan tâm làm gì. Nhóm thứ hai, có những anh em không hẳn quan tâm đến tính cạnh tranh, mà chỉ muốn chứng minh “sức mạnh comment”, “anh hùng bàn phím” của mình, thì thôi, cũng chẳng quan tâm làm gì. Nhóm thứ ba, là nhóm những “thầy bói xem voi”, đơn giản chỉ là do góc nhìn có phần phiến diện của họ, thì những người đó cần được giải thích, bằng một cái nhìn rộng hơn, tổng thể hơn. Còn nhóm thứ tư, là những con người thực sự uyên thâm và đầy thiện chí, thì cái đó, mình nhất thiết phải nghe. Nghe ngay lập tức.

– Đám đông có quan trọng với anh không?

– Tùy vào mỗi nhóm, như đã nói, ở trên. Nhưng nên nhớ, lịch sử đâu phải thuộc về đám đông, đâu được kiến tạo từ đám đông mà là do những cá nhân, hay một nhóm người nào đó, có tầm nhìn rộng hơn, xa hơn và chứa đựng nhiều ưu tư hơn, đúng không…

– Đêm, với anh, có quá dài?

– Không. Chỉ là, lắm lúc, mình cảm thấy óc mình tụ khí sao đó, dường như luôn có một dòng điện chạy qua mình, khiến mình nằm mà như đang bay. Không chừng đó cũng là một thứ bệnh: bệnh trời hành. Giờ thì chịu được, không biết lâu dài sẽ ra sao.

– Thường, anh có mong trời sáng?

– Không. Vì mình không mong trời cũng sáng mà!

– Ông chủ Tân Việt, bạn anh, từng có lần “than” trên báo rằng: thường bị anh gọi điện lúc… 2, 3 giờ sáng. Sao anh “chơi ác” bạn mình vậy?

– (cười) Thì những lúc đó, ý tưởng thì tràn ngập, mà mình chỉ có một mình, chẳng hạn. Nhưng dù vậy, tôi cũng có một nguyên tắc: nếu chuông đổ 3 lần, mà không có người nghe, thì thôi. Và ông Việt là người ít bị tôi “hành” nhất đấy, chưa đủ “khổ” để… lên báo đâu!

– Nổi nóng nghe đâu là “gót chân Achilles” của anh?

– Ừ, đôi khi tôi tức giận lắm. Có lẽ đó là điểm yếu. Có thể tôi nên cười nhiều hơn.

Cà phê Trung Nguyên - Đặng Lê Nguyên Vũ

Nên sẵn sàng cho một điều gì đấy

– Nghe đâu, anh thường có thói quen đi thọ giáo, nếu như trót nghe tiếng một ai đó?

– Đúng.

– Không phải “thấy sang bắt quàng”, mà đơn giản, những người “sang” thì phải chơi với nhau?

– Tôi thường bị hấp dẫn bởi những người có tiếng nói. Điều nối kết, điều tôi muốn biết, là để xem xem tư tưởng của họ, đường hướng của họ, sự ưu tư của họ về thời cuộc ra sao…, để từ đó, tìm bạn tri giao và mở rộng trường liên tưởng của mình. Không ngoại trừ, cũng còn là để trả lời câu hỏi: Mình có thực… khác người?

– Vậy làm sao để tìm được những người giống mình?

– Đầu tiên là tôi lắng nghe họ đã. Sau đó, sẽ đặt một vài câu hỏi. Như là những phép thử. Dù thực ra, để biết ai đó giống mình, thường ra chỉ cần chưa tới 5 phút, và rất ít khi nhầm.

– Thẳm sâu, anh có cho là mình thuộc “giới tinh hoa của đất nước”?

– Tôi không ảo mộng đâu. Đương nhiên tôi biết mình là ai. Nhưng nếu để định nghĩa, thì tôi cho rằng, giới tinh hoa của đất nước, trước nhất và trên hết, phải là: những nhà chính trị đích thực, những trí thức đích thực và những doanh nhân đích thực.

– Nghe nói, anh chơi máy ảnh? Chơi lúc nào được?

– Bất cứ cái gì thuộc về hi-tech. Không phải vì đam mê. Mê gì đâu, xét cho cùng, nó chỉ là phương tiện. Nhưng phải nói, cái gì ở đỉnh cao, bao giờ nó cũng có lý do của nó, và mình phải tìm hiểu vì sao chứ! Có hai thứ tôi thích: hoặc là nó mạnh (chẳng hạn, những “món’ thuộc về tốc độ như xe, ngựa…), hoặc là nó phải tinh tế (những bức tượng, những chiếc máy ảnh, bộ đồ nghề của dân chơi xì gà…). Dù thực sự là tôi không đủ thời gian dành cho chúng. Nhưng tôi nghĩ, nếu có thể, thì tốt nhất vẫn nên là có sẵn. Nên sẵn sàng cho một điều gì đấy. Như cái này, chẳng hạn (cầm một trong những chiếc ống kính Leica lên), tôi thực sự không hiểu nó làm bằng gì mà lại có thể nặng trình trịch thế này…

– À, nhân tiện, nghe nói, năm kia, anh từng bị hút chết? Và rốt cuộc, người ta không hiểu đầu vua cà phê làm bằng gì mà… cứng thế?

– Ờ, ấy là lúc tôi đang trên đường ra sân bay, thì bị một cái xe máy bất thần tông vào. Kinh khủng lắm: Trán toác ra, mặt khuyết mất một mảng, vỡ sọ, mà vẫn tỉnh như không, thế mới sợ. Mà tôi thì lại là thằng học y khoa ra, nên biết chắc số mình đến đây chắc hết. Dọc đường chạy tới chỗ cấp cứu, tôi đã phải tranh thủ nói bằng hết với hai người bạn của tôi những gì tôi đang ấp ủ và vẫn chưa kịp làm xong… Vậy mà cuối cùng, tôi chỉ mất hơn một năm để bình phục. Lúc đó tưởng đâu là xong rồi chứ! Kể từ đó, tôi tin là có số phận, và chắc hẳn, mình có một “sứ mệnh” nào đó đối với cuộc đời này…

– Trở lại với hi-tech. Cái hộp đựng xì gà này chẳng hạn, theo anh, có đáng được xếp vào diện… hi-tech?

– Chị đã bao giờ tự hỏi: Tại sao đất nước người ta, họ lại không đi đóng tủ, đóng giường… xuất khẩu, mà lại đi làm cái bé xíu này? Bé xíu nhưng thế giới nhất định phải tìm đến họ. Hay như Vinashin của ta, biết đâu sẽ là một câu chuyện khác, nếu như thay vì đóng tàu, chúng ta đóng du thuyền xuất khẩu. Tại sao? Phải lựa chọn chứ! Thường ra, phải lấy tiền của nhà giàu thì mới nhanh giàu được!

– Như vậy là ngay cả khách hàng, cũng phải lựa chọn “giới tinh hoa”?

– Không, thì đó là tâm lý thuần túy. Nhà giàu dùng cái gì, người nổi tiếng dùng cái gì, đám đông sẽ tin cái đó…

– Đó là lý do Trung Nguyên nhất thiết phải đến được Mỹ?

– Đúng vậy! Vì có đến được Mỹ thì mới ra được thế giới.

Cà phê Trung Nguyên - Đặng Lê Nguyên Vũ

 

Q&A
Vua cà phê nói về… phụ nữ
– Chất lượng sống, với cá nhân anh là gì?– Là mình ăn gì, nghe gì, hít thở cái gì, những phương tiện mà mình sử dụng, những cái đích mà mình ngắm nghía…– Thiếu một thứ, thì phải: Người mình yêu, là ai?

– (cười lớn, vẻ như… sực nhớ) Không, thì cái đó, đúng là chắc chắn rồi!

– Anh có thích phụ nữ thông minh không?

– Chắc chắn là phải có chứ!

– Nhưng anh cũng nói: Phụ nữ thì chỉ nên là phụ nữ?

– Ô, phụ nữ thông minh thì càng cần phải biết mình nên là phụ nữ!

– Anh thấy sao, việc Bill Gates, Sergey Brin, Mark Zuckerberg…, thay vì chọn vợ đẹp, lại chọn bạn học, hoặc chính “người làm thuê”cho mình?

– Mấy tay đó là khôn đó! Vì họ muốn tập trung tối đa vào sự nghiệp, có người lo hậu cần, lại không bị phân tâm quá nhiều vào chuyện… giữ vợ.

– Nếu mô tả hạt cà phê, anh sẽ chọn so sánh nào?

– Não trái, não phải, tim, vành tai.

Bài: Thư Quỳnh
Photo: Cafe Trầm
Stylist: Hạnh Nguyên

Theo Đẹp

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/vua-ca-phe-viet-dang-le-nguyen-vu-minh-co-thuc-su-khac-nguoi-a71978.html