Diễn biến “lạ” tại gia đình quyền lực bậc nhất giới ngân hàng Việt Nam

 Ba người nhà của ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch HĐQT ACB đã thực hiện chuyển nhượng xong gần 52 triệu cổ phiếu ngân hàng này cho 3 tổ chức. Điều đáng nói là cả 3 doanh nghiệp này mới chỉ được thành lập vào tháng 11/2018. Chưa rõ việc chuyển quyền sở hữu này nhằm mục đích gì. >>Cổ phiếu rớt giá đầu tuần, gia đình Chủ tịch “soái ca” của ACB vẫn có gần 4.200 tỷ đồng >>“Banker” Trần Mộng Hùng rút lui khỏi Hội đồng quản trị ACB


Ba người nhà của ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch HĐQT ACB đã thực hiện chuyển nhượng xong gần 52 triệu cổ phiếu ngân hàng này cho 3 tổ chức. Điều đáng nói là cả 3 doanh nghiệp này mới chỉ được thành lập vào tháng 11/2018. Chưa rõ việc chuyển quyền sở hữu này nhằm mục đích gì.

Bất chấp những lo ngại của giới phân tích về sự điều chỉnh của chỉ số chính trong sáng nay (25/2) vì hoạt động chốt lời của nhà đầu tư sau chuỗi tăng dài sau Tết, song VN-Index vẫn “kiên trì” tăng thêm 6,85 điểm tương ứng 0,69% lên 995,76 điểm. Bên cạnh đó, HNX-Index cũng tăng 0,61 điểm tương ứng 0,57% lên 107,42 điểm.

Độ rộng thị trường nghiêng về các mã tăng giá với 294 mã tăng, 33 mã tăng trần so với 233 mã giảm và 23 mã giảm sàn.

Thanh khoản thị trường sáng nay ở mức cao. Thống kê cho thấy có tới 127,21 triệu cổ phiếu được giao dịch trên HSX tương ứng 2.978,37 tỷ đồng và 19,44 triệu cổ phiếu giao dịch trên HNX tương ứng 295,96 tỷ đồng.

Phiên này, VNM, MSN và VCB là những mã có tác động tích cực nhất đối với VN-Index. VNM đóng góp 1,59 điểm, MSN đóng góp 1,17 điểm và VCB đóng góp 1,02 điểm cho chỉ số chính. Bên cạnh đó, HPG, NVL, VJC, CTG, DHG cũng tăng giá và ảnh hưởng tích cực đến VN-Index, ngược lại, VRE, BVH, SAB, ROS lại giảm.

tran hung huy.png
Cha ông Trần Hùng Huy - ông Trần Mộng Hùng chính là nhà sáng lập của ACB

Trên sàn Hà Nội, ACB là mã có tác động lớn nhất đến chỉ số HNX-Index. Mã này đóng góp 0,48 điểm trong mức tăng chung của chỉ số này, kế đến là SHB với đóng góp 0,1 điểm.

Cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu sáng nay tăng 400 đồng tương ứng 1,31% lên 30.900 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu ACB diễn biến tích cực trong bối cảnh tại ngân hàng này vừa diễn ra hoạt động chuyển nhượng cổ phần quy mô lớn của các cổ đông cá nhân trong gia đình Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy.

Cụ thể, theo thông báo của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, cơ quan này đã hoàn thành chuyển quyền sở hữu trên 51,7 triệu cổ phiếu ACB của 3 cá nhân trong gia đình ông Trần Hùng Huy.

Cụ thể, bà Trần Đặng Thu Thảo, chị gái ông Huy, chuyển quyền được 13 triệu cổ phiếu ACB trong số 15 triệu cổ phiếu đăng ký cho Công ty CP Đầu tư Thương mại Vân Môn. Ông Trần Mộng Hùng, cha ruột ông Huy, chuyển quyền toàn bộ gần 23 triệu cổ phiếu ACB cho Công ty CP Đầu tư Thương mại Giang Sen.

Ông Trần Minh Hoàng, em ruột ông Huy, chuyển quyền sở hữu của toàn bộ 16 triệu cổ phiếu ACB đang nắm giữ cho Công ty CP Đầu tư Thương mại Bách Thanh với mục đích góp vốn. Ngày có hiệu lực chuyển quyền sở hữu của số cổ phiếu này từ 22/2.

Trước đó, ông Trần Hùng Huy cũng đã phát biểu trên báo chí, cho biết gia đình ông không bán ra thị trường bất kỳ cổ phiếu nào mà đây chỉ là việc cơ cấu lại sở hữu và hình thức trong nội bộ gia đình. Bản thân ông Trần Hùng Huy trong đợt này cũng đăng ký mua vào thêm 4 triệu cổ phiếu ACB nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính cá nhân, dự kiến sẽ nâng sở hữu tại ngân hàng này lên 44 triệu đơn vị.

Theo các thông tin ban đầu mà PV Dân trí nắm được, các doanh nghiệp nhận chuyển nhượng cổ phần ACB từ các thành viên trong gia đình Chủ tịch ACB vừa mới được thành lập cách đây không lâu.

Cụ thể, Công ty CP Đầu tư Thương mại Bách Thanh được thành lập vào ngày 13/11/2018; Công ty CP Đầu tư Thương mại Vân Môn thành lập ngày 30/11/2018 và Công ty CP Đầu tư Thương mại Giang Sen thành lập ngày 9/11/2018.

Trở lại với thị trường chứng khoán, theo báo cáo chiến lược tuần này của VCBS, tâm lý của nhà đầu tư nhìn chung đang ở trạng thái khá hưng phấn, thể hiện qua khối lượng giao dịch khớp lệnh trong phiên được cải thiện rõ rệt so với giai đoạn trước kỳ nghỉ Tết Âm lịch.

Tuy nhiên, việc những chỉ báo kỹ thuật đang dần đi vào vùng quá mua có thể sẽ khiến cho áp lực chốt lời ngắn hạn trên thị trường gia tăng trong những phiên tới.

Mặc dù vậy, VCBS vẫn cho rằng, nhà đầu tư hoàn toàn có thể tận dụng những phiên điều chỉnh của thị trường để cơ cấu lại danh mục theo hướng tích lũy những cổ phiếu vốn hóa lớn hoặc trung bình có tiềm năng tăng trưởng tốt và nền tảng tài chính lành mạnh.

Mai Chi

Theo Dân Trí

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/dien-bien-la-tai-gia-dinh-quyen-luc-bac-nhat-gioi-ngan-hang-viet-nam-a72204.html