Chuyện buồn của đại gia ngành kềm một thời: Không biết ngoại ngữ nên để vợ giao dịch, cuối cùng mất cả vợ lẫn công ty vào tay nhà đầu tư người Hoa

Thậm chí, trong vòng 5 năm sau đó, người đàn ông này cũng không thể quay lại ngành kềm vì những thoả thuận đã xác lập sau khi bán công ty.


Thậm chí, trong vòng 5 năm sau đó, người đàn ông này cũng không thể quay lại ngành kềm vì những thoả thuận đã xác lập sau khi bán công ty.

Hai vợ chồng cùng "song kiếm hợp bích", hỗ trợ nhau trong các công ty gia đình là kịch bản không hề mới ở Việt Nam. Với nhiều trường hợp, việc này không gây ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, thậm chí còn thúc đẩy hoạt động kinh doanh của công ty diễn ra trơn tru, thuận lợi hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều câu chuyện ngoại lệ.

Ví như câu chuyện ly hôn đầy tranh cãi giữa vợ chồng "vua cà phê" Đặng Lê Nguyên Vũ trong thời gian gần đây; câu chuyện buồn của vợ chồng ông chủ tiệm bánh Đức Phát nức tiếng ở Sài Thành. Hay cũng buồn không kém là câu chuyện của một vị đại gia ngành kềm nổi danh một thời, ông Trần Vĩnh Bảo.

Trong một cuộc phỏng vấn với chúng tôi, ông Bảo kể ông quê gốc ở Cần Thơ, sau đó ông lên Sài Gòn làm thợ sản xuất kềm. Nhờ đam mê với ngành, cộng thêm khả năng nắm bắt cơ hội và học hỏi nhanh, năm 2000, ông Bảo thành lập Kềm ViBa, viết tắt của Vĩnh Bảo.

Đến 2006, Kềm ViBa bước vào giai đoạn huy hoàng khi xây dựng hệ thống với khoảng 400 nhân sự. Cùng với một hãng kềm khổng lồ đang rất thành công hiện nay, ViBa trở thành thương hiệu sản xuất kềm nổi tiếng nhất nhì Việt Nam.

Lúc này, ông Bảo nghĩ đến chuyện gọi vốn đầu tư. Ông bán 30% cổ phần cho một nhà đầu tư Singapore, còn mình giữ lại 70%. Chỉ có điều về sau ông chia thêm 35% cổ phần cho vợ và đây cũng chính là lúc bị kịch bắt đầu.

"Nhà đầu tư đó là người Hoa nói tiếng Anh, tôi không biết tiếng nên nhờ bà xã tôi làm việc. Đâu ngờ hai người đó phát sinh tình cảm. Ông đầu tư muốn chiếm đoạt luôn công ty, nên tôi phải ra đi…", ông Bảo chia sẻ khi tham gia chương trình gọi vốn trên Shark Tank Việt Nam mùa 1.

"Ông gài tôi phải bán công ty, kèm cam kết không làm kềm trong vòng 5 năm kể từ ngày bán công ty. Lúc đó danh dự tôi lớn lắm, tôi chỉ nghĩ đến cái chết thôi. Nhưng tôi nghĩ mình phải quyết tâm đứng lên làm lại, lấy lại danh dự đó".

Chuyện buồn của đại gia ngành kềm một thời: Không biết ngoại ngữ nên để vợ giao dịch, cuối cùng mất cả vợ lẫn công ty vào tay nhà đầu tư người Hoa - Ảnh 1.

Giữ đúng cam kết, trong 5 năm, ông Bảo không bước chân trở lại ngành kềm. Nhưng ông đã tận dụng 5 năm đó để nghiên cứu thị trường kềm trên toàn thế giới, tìm cách lấy lại danh dự ngày nào.

Ông nhận thấy cách sử dụng cây kềm ở nước ngoài và Việt Nam không giống nhau. Nhân viên làm móng (nail) ở Mỹ phải kỳ công giữ vệ sinh cây kềm sau một lần sử dụng, bị phạt 500 - 1000 USD nếu quên bảo quản kềm. Để giải quyết bất cập cho họ, ông Bảo nghĩ đến một mô hình sản xuất kềm sạch, đồng thời tự mày mò, chế tạo máy móc cho riêng mình.

Năm 2015, ông chủ ViBa ngày nào tiếp tục tái khởi nghiệp, sản xuất kềm ở tuổi gần 60 với thương hiệu kềm sạch TekNails. Đồng thời, ông vẫn cho ra đời những cây kềm truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu của một số khách hàng trong và ngoài nước.

Ông đã từng mang mô hình kềm TekNails lên gọi vốn trong Shark Tank Việt Nam mùa đầu tiên và nhận được sự quan tâm đặc biệt của Shark Trần Anh Vương. Tuy nhiên vì số vốn ban đầu đặt ra quá cao nên startup của ông phải ra về tay trắng.

Ở thời điểm cuộc phỏng vấn của chúng tôi diễn ra, nghĩa là ngay sau khi TekNails lên sóng truyền hình, CEO Trần Vĩnh Bảo cho biết ông đang nỗ lực đang mở rộng, hoàn thiện quy trình sản xuất bằng công nghệ. Ông đặt mục tiêu cho ra đời 9 triệu sản phẩm/tháng.


Nhật Anh

Theo Trí Thức Trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chuyen-buon-cua-dai-gia-nganh-kem-mot-thoi-khong-biet-ngoai-ngu-nen-de-vo-giao-dich-cuoi-cung-mat-ca-vo-lan-cong-ty-vao-tay-nha-dau-tu-nguoi-hoa-a72557.html