"Luật rừng" này đã khiến không ít phi tử hậu cung bị "xếp xó" ngay cả khi còn đang ở độ tuổi xuân sắc.
Vào thời nhà Thanh, hậu cung nhà vua sẽ tiến hành tuyển tú định kỳ 3 năm một lần. Đây cũng là lý do mà số lượng thê thiếp của các Hoàng đế Thanh triều được xem là tương đối đông đảo.
Thế nhưng chung quy hậu cung là nơi chẳng thiếu mỹ nhân, giai lệ. Bản thân nhà vua cũng không thể nào dành thời gian quan tâm tới tất cả phi tần nơi hậu cung. Vậy vì sao Thanh triều vẫn tổ chức tuyển tú nữ một cách liên tục như vậy?
Thực tế, việc liên tiếp tuyển thêm mỹ nữ vốn có liên quan tới một điều lệ kỳ lạ của Thanh cung. Đó chính là quy định về giới hạn độ tuổi thị tẩm đối với các phi tần, mỹ nữ.
Quy định kỳ lạ của Thanh triều khiến các phi tần 25 tuổi đã bị... xếp xó
Hậu cung Thanh triều vốn là nơi "sóng sau xô sóng trước" với những đợt tuyển tú định kỳ diễn ra 3 năm một lần. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).
Mặc dù sở hữu trong tay cả hậu cung tương đối đông đảo, thế nhưng sự thực các Hoàng đế Thanh triều lại không có mấy người ham mê tửu sắc mà bỏ bê việc triều chính.
Sở dĩ có được cục diện này là bởi vương triều Đại Thanh từ khi lập quốc đã đặt ra vô số quy định ngặt nghèo liên quan tới việc thị tẩm. Quá trình lâm hạnh phi tần của nhà vua cũng được giám sát chặt chẽ bởi cơ quan có tên là Kính Sự phòng.
Đánh giá một cách khách quan, hầu hết các Hoàng đế Thanh triều đều là những người chăm chỉ và tương đối bận rộn. Thời gian biểu hàng ngày của nhà vua chủ yếu xoay quanh công việc triều chính, học tập, bên cạnh đó là thỉnh an hoặc tiếp kiến các hoàng thân quốc thích.
Với cường độ làm việc cao như vậy, việc nhà vua có thể chiếu cố tới tất cả phi tần chốn hậu cung dường như là điều không thể. Đối với Thiên tử mà nói, vai trò chủ yếu của những thê thiếp này chung quy vốn chỉ là để duy trì huyết thống hoàng tộc.
Quy định về độ tuổi được phép thị tẩm và mang long thai đối với các phi tần cũng là một trong những công cụ phục vụ cho mục đích nói trên.
Khác với những màn sủng ái bất chấp tuổi tác trên phim ảnh, những phi tần quá tuổi 25 trong hậu cung Thanh triều gần như đã trở thành những người bị "xếp xó" và rất ít khi được triệu đi thị tẩm. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).
Theo ghi chép của các tài liệu chính sử, những cung tần, mỹ nữ của nhà vua chỉ được hầu hạ Thiên tử thường xuyên cho tới trước năm 25 tuổi. Từ sau độ tuổi này trở đi, họ sẽ hạn chế được đưa vào danh sách thị tẩm.
Về luật lệ kỳ lạ này của Thanh triều, các chuyên gia đưa ra 3 lý do giải thích dưới đây:
Nguyên nhân thứ nhất: Người cổ đại thường có tuổi thọ không dài
Nhìn lại điều kiện sống vào thời cổ đại, không khó để nhận thấy bất luận là môi trường hay thực phẩm đều sạch sẽ, an toàn hơn ngày nay rất nhiều. Thế nhưng sự thực là hầu hết cổ nhân lại không trường thọ như người hiện đại.
Vào thời bấy giờ, người bước sang độ tuổi 50 đã được xếp vào hàng cao niên. Đây cũng là lý do mà chế độ phong kiến thịnh hành việc cưới gả, thành thân từ năm mới 14, 15 tuổi và thường sinh đẻ trước tuổi 25.
Nguyên nhân thứ hai: Yếu tố liên quan tới thể chất của các phi tần
Đối với phi tử Thanh triều mà nói, tuổi 25 được xem là cột mốc quan trọng trong cuộc đời họ. Bởi theo quan điểm y học thời bấy giờ, người phụ nữ một khi đã bước qua độ tuổi này thì khi mang thai và sinh con sẽ phải chịu mức độ rủi ro, nguy hiểm cao hơn rất nhiều.
Nếu năng lực mang thai bị giảm sút, họ sẽ nghiễm nhiên mất đi ý nghĩa tồn tại trong hậu cung. Đây cũng là lý do mà phần lớn những phi tần khi bước qua độ tuổi này đều sẽ ít xuất hiện trong danh sách được phép thị tẩm.
Nguyên nhân thứ ba: Đảm bảo sức khỏe và tinh thần cho Hoàng đế
Một trong những yếu tố khiến các phi tử quá 25 tuổi ít được thị tẩm là để tránh cho Thiên tử phải phí hoài tinh lực cho việc lâm hạnh những người khó có khả năng thụ thai.
Trong trường hợp những người này may mắn có được long thai, việc họ có thể an toàn mà sinh hạ con cái hay không vẫn là điều chẳng mấy ai dám nói trước.
Vào thời phong kiến, y học cổ đại tuy có phát triển nhưng ít nhiều vẫn còn tương đối thô sơ, lạc hậu. Hơn nữa mỗi lần sinh đẻ thường được ví như bước một chân vào cửa tử, do đó mà tuổi tác của phi tần càng lớn thì khả năng đảm bảo tính mạng cho cả mẹ lẫn con càng thấp.
Vì vậy để tránh Hoàng đế phải buồn đau do mất đi thê tử hoặc con cái, các phi tần trên 25 tuổi sẽ bị đưa vào danh sách hạn chế thị tẩm.
Ngoại lệ hiếm hoi của Thanh cung: Tuổi lục tuần vẫn hầu hạ Hoàng đế
Mặc dù có quy định ngầm về độ tuổi của tần phi được thị tẩm, thế nhưng hậu cung của Thanh triều cũng từng ghi nhận một số trường hợp ngoại lệ về những thê thiếp được nhà vua sủng ái từ lúc còn trẻ cho tới khi đã lớn tuổi. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).
Nếu tuổi 25 được xem là cột mốc đánh dấu việc phi tần bị đưa vào danh sách hạn chế thị tẩm thì khi bước sang tuổi 50, họ sẽ chính thức ngừng hầu hạ Hoàng đế về chuyện chăn gối.
Nguyên nhân khiến những phi tần tuổi ngũ tuần không còn được lâm hạnh phần là bởi đa số họ không còn khả năng sinh đẻ, phần là bởi dung nhan của những người này từ sớm đã già nua và không còn vừa mắt Hoàng đế.
Tất nhiên, nếu một mỹ nhân nào đó được Hoàng đế sủng ái lâu dài, quy định về tuổi tác nói trên ít nhiều cũng có thể cho qua.
Sự thực là hậu cung Thanh triều từng ghi nhận một số phi tần được xem là ngoại lệ khi được hầu hạ Thiên tử ngay cả lúc tuổi tác đã cao. Đức phi Ô Nhã thị - phi tần của Hoàng đế Khang Hi và là mẹ ruột của Ung Chính cũng nằm trong số đó.
Đức phi Ô Nhã thị nhập cung năm 14 tuổi và sinh hạ Ung Chính đế khi mới bước sang tuổi 19. Bà cũng là phi tần đã sinh hạ 6 người con cho Khang Hi, trong đó Thập Tứ a ca Dận Đề ra đời vào năm Ô Nhã thị đã 28 tuổi.
Đức phi là một trong số ít những phi tần của Thanh triều được Hoàng đế cả đời sủng ái. Ngay cả khi đã bước và tuổi ngũ tuần, tình cảm của bà và Khang Hi vẫn rất mặn nồng.
Bà cũng là người đã hầu hạ vị Hoàng đế này thẳng tới lúc ông qua đời ở tuổi 68. Không lâu sau đó, Ô Nhã thị cũng buông tay trần thế ở tuổi 63 và được con trai truy phong làm Hoàng Thái hậu.
*Dịch từ các báo nước ngoài
Theo Trần Quỳnh
HELINO
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/luat-thi-tam-ky-la-o-hau-cung-thanh-trieu-phi-tan-qua-25-tuoi-bi-e-vi-3-ly-do-oai-oam-a72744.html