Khi Việt kiều giật mình giá nhà mặt tiền ở Việt Nam

Giá nhà quá cao so với thu nhập của người Việt Nam là câu chuyện ai cũng biết. Tuy nhiên, có một điều khiến bạn tôi, Việt kiều Mỹ, phải kinh ngạc khi về nước, là giá nhà mặt tiền quá cao, trong khi ở Mỹ thì ngược lại.

Điều trái ngược giữa nhà mặt tiền ở Việt Nam và Mỹ

Để sở hữu được một căn nhà mặt tiền đường ở Việt Nam là mơ ước của rất nhiều người. Bởi giá có thể gấp từ hai đến năm lần, thậm chí đến hàng chục lần so với nhà trong ngõ, hẻm. Vậy nhưng ở một đất nước phát triển như Mỹ, những căn nhà càng ở xa đường thì giá thành càng đắt đỏ.

Người Mỹ chọn một căn nhà với mục tiêu duy nhất là để ở, điều đó có nghĩa là căn nhà phải đảm bảo các yếu tố an toàn, an ninh, yên tĩnh, có tính riêng tư, môi trường sống trong lành. Một căn nhà ở gần đường, với tốc độ lái xe cho phép ở Mỹ, không thể đảm bảo được sự an toàn, và dĩ nhiên không thể nào yên tĩnh, riêng tư, trong lành với mật độ giao thông của những con đường lớn.

Thế nhưng ở Việt Nam, tiêu chí chọn nhà không như vậy. Người Việt, đặc biệt là những người sống ở những thành phố lớn, họ chấp nhận ô nhiễm khói bụi và tiếng ồn như một điều hiển nhiên. Họ chọn những căn nhà càng gần đường càng tốt, để có được nhiều điều thuận tiện hơn.

Thuận tiện đầu tiên phải nói đến là giao thông đi lại. Việc di chuyển, giao nhận hàng hóa chắc hẳn ở gần đường sẽ thuận tiện hơn nhiều lần, so với những căn nhà trong những ngõ ngách chật chội, khó đi, chưa kể việc đánh số nhà mới - cũ lẫn lộn. Thuận tiện tiếp theo là ứng cứu trong các trường hợp khẩn cấp, những căn nhà gần đường sẽ dễ dàng được các cơ quan chức năng tiếp cận hơn là những căn nhà xa đường, trong những con hẻm nhỏ, không đủ để hai xe máy tránh nhau.

Ngoài những thuận tiện thì một lợi ích mà ai cũng biết của những căn nhà gần đường đem lại là lợi ích về kinh tế. Nếu có được một căn nhà gần những con đường lớn ở Việt Nam, chủ nhà thường nghĩ đến việc kinh doanh hoặc cho thuê một phần hay toàn bộ căn nhà của mình. Trong những tin rao bán nhà tại Việt Nam, cụm từ “tiện kinh doanh” được sử dụng để tăng giá bán của căn nhà. Lợi ích này không nằm trong các tiêu chí chọn nhà của người Mỹ bởi lẽ họ không được phép kinh doanh tại căn nhà họ ở.

Câu chuyện tầm nhìn về quy hoạch

Ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, những căn nhà siêu mỏng, siêu méo, những ngõ nhỏ chỉ đủ một người đi bộ không phải là chuyện khó tìm. Đó là kết quả của quy hoạch thiếu đồng bộ, thiếu chuẩn.

Khi tắc đường trở thành nỗi ám ảnh của dân thành phố thì xu hướng người dân ngày càng muốn chen chúc vào mua nhà đất gần trung tâm. Điều này khiến đô thị ngày càng nén chặt và bài toán giao thông ngày càng nan giải.

Vòng luẩn quẩn này rất khó gỡ nếu như thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn về giao thông và quy hoạch. Câu chuyện giãn dân đã được các chuyên gia cũng như chính quyền đưa ra trao đổi khá nhiều nhưng vẫn chưa thực sự triển khai hiệu quả trên thực tế.

Bên cạnh xu hướng tiến vào trung tâm là câu chuyện chen ra mặt đường. Vừa ở vừa kinh doanh, nhất cử lưỡng tiện là điều ai cũng thấy. Tuy nhiên sự tiện lợi này cũng gây ra nhiều hệ lụy như: Lấn chiếm vỉa hè, gây tắc đường cục bộ, đường phố nhếch nhác… Đây cũng là lý do mà Bắc Kinh đã thí điểm quy định 1 số tuyến phố, nhà mặt tiền không được kinh doanh mà chỉ để ở.

Việc di chuyển từ những những căn nhà trong khu vực hẻm hóc đến chỗ làm việc, trung tâm thương mại hay các cơ sở dịch vụ công ích, dĩ nhiên là khó hơn rất nhiều so với những căn nhà gần đường, do quy hoạch giao thông thiếu khoa học, thiếu đồng bộ. Vì vậy, giá một căn nhà ở gần đường cao hơn hẳn những vị trí xa đường là điều hiển nhiên ở Việt Nam.

Ngược lại ở Mỹ, việc quy hoạch và tầm nhìn về quy hoạch hiệu quả hơn hẳn. Những con đường nội bộ trong các khu dân cư luôn đảm bảo đủ rộng cho hai ô tô có thể tránh nhau. Điều này giúp xe cảnh sát, cứu thương, cứu hỏa có thể tiếp cận dễ dàng khi cần. Trong mỗi khu dân cư đều được quy hoạch đầy đủ khu thương mại, và dịch vụ công ích đi kèm. Quy hoạch giao thông cũng rất khoa học và chỉn chu. Người Mỹ không phải lo ngại việc di chuyển từ nhà đến nơi làm việc dù họ ở xa đường bởi lẽ họ có hệ thống giao thông công cộng được quy hoạch tốt.

Rõ ràng, câu chuyện giá nhà mặt tiền trái ngược giữa Việt Nam và Mỹ chỉ là câu chuyện bề nổi. Đằng sau đó là nhiều vấn đề đặt ra đối với những người có trách nhiệm trong việc quy hoạch và phát triển đô thị ở Việt Nam.

Theo Vietnamnet

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/khi-viet-kieu-giat-minh-gia-nha-mat-tien-o-viet-nam-a72992.html