'Bảo làm nông nghiệp dễ là chuyện cũ rích, xưa rồi, làm nông nghiệp bây giờ mà không biết công nghệ, chế biến, marketing… thì sập tiệm'- Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ tại diễn đàn thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019, ngày 5/3.
Thua thiệt khi thiếu liên kết, không thương hiệu
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Nafoods, doanh nghiệp hiện chiếm 10% trị giá xuất khẩu chanh leo của thế giới cho rằng, Việt Nam có dư địa rất lớn để tăng kim ngạch xuất khẩu rau quả cao hơn mốc 3,8 tỷ USD của năm ngoái.
“Cách đây 10 năm, xuất khẩu chanh leo chưa có tên Việt Nam, nay Việt Nam đã xuất chanh leo đi EU và nhiều thị trường khác. Tiềm năng là rất lớn, bởi ở Thụy Sỹ 1 kg chanh leo có giá tới 17 Euro”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, cách đi của Nafoods đầu tiên là tìm thị trường, sau đó mới tổ chức vùng nguyên liệu. Nafoods đã ký thỏa thuận với người trồng tại 13 tỉnh thành, diện tích liên kết tới 70.000 ha trồng chanh leo, dừa và bơ. “Năm nay, các công ty liên kết, công ty con, đối tác Nafoods có thể đạt doanh thu 250 triệu USD, chủ yếu là từ hoa quả tươi. Tuy nhiên, để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tốt hơn, vai trò của hệ thống tham tán, xúc tiến thương mại rất quan trọng. Hơn 100 tỷ đồng cho hoạt động xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương cần tập trung vào thị trường, mặt hàng trọng điểm, không nên làm tràn lan”, ông Hùng nói.
“Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đi theo hướng phát triển các chuỗi nông sản, từ nguyên liệu, chế biến, phát triển thị trường thành một thể hoàn chỉnh, với cả 3 trục sản phẩm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia với các mặt hàng 1 tỷ USD trở lên, nhóm sản phẩm cấp tỉnh và nhóm đặc sản địa phương- mỗi làng một sản phẩm”.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường
Nhắc đến thực trạng xuất nông sản thô, PGS TS Nguyễn Quốc Thịnh, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đặt vấn đề: “với 1 USD xuất khẩu thì nông dân được bao nhiêu trong đó”. Ông cho rằng, nông sản Việt xuất ra thế giới chỉ biết là xuất xứ ở Việt Nam, chứ không biết ai sản xuất, như thực trạng ngành cà phê, gạo…
Theo ông Thịnh, mới đây, Việt Nam mới xây dựng dấu hiệu nhận diện cho thương hiệu gạo Việt, trong khi đó, 10 năm trước, chúng ta cũng bàn về thương hiệu cá tra, nhưng đến nay vẫn chưa làm được gì. Như vậy, khi không có thương hiệu, giá trị sẽ thấp, rủi ro cao. Trong 100 DN xuất khẩu, chỉ cần 1 lô hàng của DN có vấn đề, có thể mang tiếng cả Việt Nam.
Không có thị trường nào dễ tính
Là địa phương nơi có cửa khẩu giao thương với Trung Quốc, ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho rằng, xuất khẩu hiện nay không có thị trường nào gọi là dễ tính nữa, mà khó cả rồi, nên phải đi theo hướng sản xuất nông sản sạch. Nhắc đến những thay đổi, yêu cầu truy xuất nguồn gốc, bao bì, chính sách biên mậu… của Trung Quốc với nông sản Việt Nam gần đây, ông Thiệu kiến nghị Bộ NN&PTNT cần hoàn thiện quy hoạch vùng, sản phẩm, ngành hàng để đáp ứng các yêu cầu thị trường tốt hơn. Cùng với đó là tổ chức sản xuất bài bản, tránh tình trạng ùn ứ, đổ bỏ rau quả ở cửa khẩu rất lãng phí.
“Xuất tiểu ngạch chẳng khác gì mang hàng ra chợ bán, rủi ro rất cao. Các cửa khẩu ở Lạng Sơn chỉ đủ khả năng thông quan được 250 xe/ngày, nhưng nhiều ngày lượng xe về 1.000- 1.500 xe/ngày, nên ùn ứ là khó tránh”, ông Thiệu nói.
Ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán Kinh tế Thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cho biết, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đã đạt gần 150 tỷ USD. Việt Nam là bạn hàng lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN. Tuy nhiên, trong khoảng 150 tỷ USD đó, phần lớn các DN FDI hưởng lợi, DN Việt Nam, nhất là DN thuộc lĩnh vực nông sản hưởng lợi rất khiêm tốn.
Theo ông Cẩm, năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu trên 40 tỷ USD, trong đó 30% xuất sang Trung Quốc. Năm 2018, Trung Quốc cũng nhập khẩu nông sản tới 100 tỷ USD, nhưng nhiều mặt hàng Việt Nam có lợi thế như sữa, thịt lợn, thịt bò…chưa xuất chính ngạch sang Trung Quốc.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nói: “Bảo làm nông nghiệp dễ là chuyện cũ rích, xưa rồi, làm nông nghiệp bây giờ mà không biết công nghệ, chế biến, marketing…thì sập tiệm”. Nhắc đến thực trạng phát triển nóng hồ tiêu, quy hoạch đến năm 2020 chỉ 50.000 ha, nhưng nay đã vượt 152.000 ha, giá tiêu đang thấp dưới giá thành, Bộ trưởng Cường cho rằng, đây là điển hình của sản xuất chế biến không ăn nhập gì với tiêu thụ.
Ông Cường đã yêu cầu các đơn vị của Bộ cùng với hiệp hội, 5 tỉnh Tây Nguyên, 4 tỉnh Đông Nam bộ rà soát giảm diện tích trồng tiêu, đầu tư cho chế biến. Theo Bộ trưởng Cường, mục tiêu xuất khẩu nông sản 43 tỷ USD năm 2019 là một thách thức rất lớn.
Theo Tiền Phong
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/bo-truong-nguyen-xuan-cuong-lam-nong-nghiep-khong-biet-marketing-la-sap-tiem-a76156.html