Trong khu đất vàng giữa Sài Gòn, người đàn ông lớn tuổi trồng rau, nuôi cá. Mùa mưa tới, ông gieo mạ, xới đất trồng vụ hè thu.
Cánh đồng lúa rộng hàng ngàn m2 giữa khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi (quận 2, TP.HCM) tồn tại mấy chục năm nay. Xa xa, từng đàn cò trắng từ đâu bay về sà xuống tìm mồi. Mấy căn chòi nhỏ nằm giữa cánh đồng, dựng tạm bằng bạt và lá dừa nước, bên cạnh là giàn mướp, vài tấm biển viết chữ: "Ao đang nuôi cá".
Sau đợt thu hoạch lúa hồi Tết Nguyên đán, hầu hết các đám ruộng đều bỏ không, đất nứt nẻ. Chỉ một vài thửa có nước được tận dụng để trồng rau, nuôi cá.
9 giờ sáng, trời nắng chang chang. Đội chiếc mũ, mang ủng, mặc quần áo lao động, ông Nguyễn Văn Năm (58 tuổi) ra ruộng giăng lưới bắt cá, hái rau chuẩn bị đồ ăn cho bữa trưa.
Ông cho biết, hiện thành phố đang mùa nắng nóng, mực nước sông Sài Gòn thấp vì thế việc trồng lúa phải chờ đến tháng 5, khi mùa mưa tới mới gieo mạ cho vụ hè thu. Tranh thủ mấy tháng “ăn chơi” ông tận dụng những đám ruộng sâu, nước nhiều để nuôi cá rô phi, cá chép, trồng rau muống, rau đắng, bòn bon cho vợ mang ra chợ bán kiếm thêm thu nhập.
“Những năm trước, chúng tôi trồng 2-3 vụ lúa/năm. Bây giờ, trồng lúa phải phụ thuộc nguồn nước và thời tiết, vì thế chỉ được 1-2 vụ thôi. Năng suất giờ cũng không ăn thua nhưng bỏ trống đất, phí lắm”, người đàn ông 58 tuổi nói.
Tính đến nay, ông Năm đã có hơn 20 năm làm nông dân ở thành phố. Ban đầu, ông chỉ đưa vợ con từ Trà Vinh lên Sài Gòn làm thợ hồ.
Năm 1995, đi câu cá ở khu đất trống trên đường Trương Gia Mô, phường Thạnh Mỹ Lợi, hiện là cánh đồng thẳng cánh cò bay, ông thấy, nơi đây có tiềm năng để trồng lúa. Vậy là, ông về quê mang cuốc xẻng, máy cày lên làm nông dân giữa khu đất vàng.
“Ngày trước, công thuê thấp, đất còn màu mỡ, trồng lúa có lời lắm. Bây giờ, thuê công đắt, khí hậu cũng khắc nghiệt hơn. Đất ở đây cũng đã được quy hoạch, đền bù, chúng tôi làm mà không biết khi nào phải “bỏ xứ” mà đi”, ông Năm tâm sự.
Cách đó không xa, căn chòi nhỏ của ông Nguyễn Văn Tư (76 tuổi) nằm giữa cánh đồng. Đang loay hoay cào rơm ngoài ruộng, người đàn ông có nước da ngăm đen, đôi tay chai sạn vì thời gian dài cầm dụng cụ làm lúa cất tiếng: “Tui đang dở tay, chờ một chút nghe”.
Ông Tư trước đây làm ruộng bên phường An Lợi Đông, quận 2. Khi đô thị hóa phát triển, đất ruộng chuyển thành đất thổ cư hết, ông chỉ biết nơi nào có ruộng là tới.
“Tôi đến đây thuê đất trồng lúa hơn 4 năm rồi. Nhìn tôi già vậy nhưng tay chân còn mạnh khỏe lắm. Mấy đứa con cứ bắt nghỉ cho khỏe mà tui làm ruộng quen rồi. Ngày nào được mang ủng lội xuống ruộng là tôi khỏe re”, ông Tư cười vang.
Thời gian này, lúa đã thu hoạch, mạ chưa gieo nên ông có thời gian rảnh đi thăm bạn bè, vào rừng dừa nước bên cạnh bắt chim sâu, hái trái ăn. Những ngày vào mùa, công việc bận rộn ông chỉ biết quanh quẩn với đồng ruộng. Hết nhổ cỏ, bỏ phân, ông lại canh nước.
“Ở thành phố, không kiếm được thợ gặt đâu. Lúa chín, tôi phải về quê kêu công, nhờ người quen lên phụ giúp. Lúc đó, căn chòi của tôi vui lắm”, người đàn ông năm nay 76 tuổi nói.
Ông Tư cho biết, việc làm ruộng ở khu đất vàng này đã được phía ủy ban phường tạo điều kiện. Tuy nhiên, việc không biết sẽ phải bỏ nghề lúc nào vì đất nơi đây đã được quy hoạch, đền bù xong làm ông lo lắng.
“Nhiều khi tôi muốn gieo nhiều để lấy số lượng bù chất lượng, nhưng sợ lắm. Mình cứ thoải mái làm, đang lỡ cỡ bị thu lại thành công cốc”, ông Tư giãi bày.
Cũng vì quá quen với công việc “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, dù đã có nhà cửa đầy đủ trong khu dân cư sầm uất, vợ chồng ông Năm vẫn ra ruộng, dựng chòi ở.
Điện nước phải đi xin về dùng. Đêm đến muỗi vo ve, côn trùng kêu inh hỏi. Thế nhưng, đi đâu ông cũng muốn về đây để được hưởng một không gian làng quê giữa lòng thành phố.
“Vài năm nữa chúng tôi sẽ được “nghỉ hưu”, vì nơi đây sẽ bị xóa bỏ, thay vào đó là những căn nhà cao tầng, các khu trung tâm thương mại sầm uất”, hướng mắt ra cánh đồng có đàn cò bay lượn trên không trung, ông Năm nói.
Bà trần Thị Phương Thảo, phó chủ tịch UBND phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM xác nhận, đất ruộng ở phường đã có từ lâu, do những người nông dân đến đây thuê đất trồng lúa. Sau này, khu đất này nằm trong diện quy hoạch, nhưng đã giải tỏa, đền bù xong. Phía công ty sở hữu đất đã có dự án nhưng chưa triển khai, đất còn trống nên họ cho nông dân tiếp tục sản xuất lúa kiếm thu nhập. Khi dự án khởi công người nông dân sẽ phải trả lại đất.
Phía Ủy ban phường cũng yêu cầu, các hộ trồng lúa phải theo phương pháp truyền thống. Việc bón phân, phun thuốc trừ sâu phải theo đúng quy định để đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường và chất lượng nông sản.
Tú Anh - Hoài Nam
Theo VietnamNet
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/dat-vang-xay-biet-thu-trieu-do-ke-nha-giau-cu-ong-van-dung-choi-cay-lua-a76973.html