Ông vừa nói, lần này mình tới Davos là để “săn cá voi”. Thực hư câu chuyện này như thế nào, thưa ông?
WEF là nơi quy tụ các tập đoàn tỷ USD, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Nếu đồng hành với các doanh nghiệp này, Việt Nam nói chung và FPT nói riêng sẽ có cơ hội bứt phá, tạo nên một vị thế khác cho Việt Nam cả về công nghệ và các chỉ số kinh tế trên sân chơi toàn cầu.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ (đứng giữa) cùng với Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình, Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng đã có cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Tập đoàn công nghệ Qualcomm và trao đổi về kế hoạch hành động cho Công nghiệp 4.0 tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos 2018. |
WEF cũng là nơi để cập nhật các xu hướng mới nhất về công nghệ. Chẳng hạn, WEF 2016 bàn đến câu chuyện Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đây thực sự là cơ hội để Việt Nam vươn lên nhóm dẫn đầu trên thế giới trong lĩnh vực này, bởi chúng ta có thể đi thẳng vào những công nghệ tiên tiến nhất thế giới, làm việc với những tập đoàn lớn nhất thế giới, những việc mới nhất thế giới. Đó là cơ hội rất đặc biệt, chưa từng xuất hiện: một hoặc nhiều công ty Việt Nam có thể trở thành tên tuổi hàng đầu thế giới trong những lĩnh vực mới.
Cũng từ sau WEF 2016, FPT đã đặt ra mục tiêu chiến lược là đồng hành với các tập đoàn sở hữu công nghệ nền (Technology Platform), tiên phong chuyển đổi số. Và chính chiến lược này đã giúp FPT tiếp cận được với những tập đoàn toàn cầu có quy mô doanh thu cỡ vài chục tỷ USD, mà chúng tôi gọi tắt là “cá voi”.
WEF hiện là một trong những kênh quan trọng để FPT tiếp cận với lãnh đạo các tập đoàn toàn cầu. Bởi thế, tôi đã nói rằng, chúng tôi đi “săn cá voi” ở Davos. Năm ngoái, 50 cuộc gặp tại Davos đã mang lại cho chúng tôi 20 khách hàng, đối tác. Tôi kỳ vọng năm nay, FPT sẽ tiếp tục đạt được nhiều thỏa thuận hơn nữa.
Những mối quan hệ tại Davos thực sự đã ngày càng được tăng cường và nhiều doanh nhân tôi gặp đã trở thành bạn bè. Họ hứa sang Việt Nam. Đây là điều quan trọng, bởi kinh nghiệm cho thấy, nếu như không mời được lãnh đạo cao cấp của các tập đoàn lớn sang Việt Nam thì không thể có hợp đồng với họ.
Vậy vì sao FPT và cá nhân ông lại nghĩ tới chuyện săn cá voi? Dường như không chỉ tại Davos năm nay, mà trong năm 2017 vừa qua, FPT cũng đã có những cuộc tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp lớn trên toàn cầu, tại Mỹ, tại Nhật Bản, thậm chí còn thu xếp các cuộc gặp của nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác với các đại gia này. Phải chăng ông cũng muốn các doanh nghiệp Việt Nam khác cùng săn cá voi với mình…?
Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, những tập đoàn tên tuổi như Infosys, Tata Consultant, Wipro, Cognizant có quy mô doanh thu trên dưới chục tỷ USD. Chúng tôi cũng đã vượt qua mốc doanh thu 1 tỷ USD, nhưng để “lớn” được như họ, FPT phải có được những hợp đồng quy mô vài chục, vài trăm triệu USD.
. |
Dồn sức cho “cá to” thì FPT mới có thể “vượt vũ môn”, dồn sức cho cá nhỏ thì mãi chỉ là “tồn tại”. Hiện chúng tôi cũng đã có được những hợp đồng quy mô cỡ vài chục triệu USD trở lên. Năm 2017, FPT ký hợp đồng 35 triệu USD với tập đoàn chuyên làm các gói giải pháp ERP cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Nhật Bản. Mới đây, ngày 25/1/2018, chúng tôi đặt bút ký hợp đồng quy mô 100 triệu USD với tập đoàn năng lượng hàng đầu châu Âu, innogy SE.
Trong bài phát biểu khai mạc Davos 2018, Chủ tịch WEF Klaus Schwab nói một trong những lý do khiến các doanh nghiệp, chính khách tham dự WEF là muốn trở thành một phần của cộng đồng. Đây là năm thứ hai, chúng tôi tổ chức buổi làm việc và ăn sáng giữa chính khách của Việt Nam với các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới, với mục tiêu quảng bá hình ảnh Việt Nam là quốc gia có nhiều triển vọng hợp tác đầu tư và đang phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực chuyển đổi số; kết nối cơ hội hợp tác đôi bên.
Không chỉ FPT cần, mà tôi nghĩ rằng, các doanh nghiệp Việt Nam khác muốn phát triển, muốn giành được cơ hội trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng đều cần “săn cá voi”. Bắt tay được với những con cá lớn này, như tôi đã nói ở trên, là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, góp phần tạo nền tảng để đất nước Việt Nam ta lớn mạnh.
Nhưng rõ ràng, ở vị thế như các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, thương hiệu gần như mới chỉ bó hẹp trong phạm vi Việt Nam mà chưa vươn ra tầm thế giới, không dễ để có được các cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo của các tập đoàn lừng lẫy để mà “săn cá voi”. Ông có bí quyết nào chăng?
Điểm lý thú ở WEF là sự tin cậy. Và để có được sự tin cậy này thì các cuộc gặp cần được xếp lịch tối ưu, mọi tài liệu đều phải được chuẩn bị kỹ càng từ rất lâu trước đó. Các cuộc gặp thường diễn ra rất ngắn gọn, khoảng 15 phút, đi nhanh vào chủ đề chính, tôi cần gì và bạn làm được gì. Phải tranh thủ từng phút tại Davos.
Cuộc trò chuyện tay đôi với các lãnh đạo doanh nghiệp tầm cỡ toàn cầu không thể nào là câu chuyện “xã giao, tầm phào”. Chắc chắn không có chuyện bạn đang giải lao ngoài sảnh, hút thuốc hoặc uống cà phê, mà có thể nói chuyện riêng tư với lãnh đạo một tập đoàn quốc tế.
WEF 2018 là lần thứ 7 FPT tham sự sự kiện này, ngoài việc tổ chức buổi làm việc và ăn sáng giữa Phó thủ tướng Vương Đình Huệ với 20 tập đoàn lớn trên thế giới, chúng tôi còn hẹn gặp 1:1 với khoảng 20 lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn khác. Chúng tôi kỳ vọng con số hợp đồng có được sau các cuộc gặp tại Davos cũng sẽ tương ứng với số lượng các cuộc gặp.
FPT đang là tập đoàn công nghệ hàng đầu ở Việt Nam, song thời gian gần đây, một số ý kiến cho rằng, Tập đoàn đang đi chậm lại, 10 năm qua gần như không có tăng trưởng đột biến. Phải chăng vì lý do đó mà ông phải lặn lội đi săn cá voi?
Trong 10 năm trở lại đây, doanh thu và lợi nhuận của FPT luôn đạt mức tăng trưởng bình quân hai con số. Với quy mô doanh thu vượt mốc một tỷ USD thì tốc độ tăng trưởng như vậy là ổn. Tuy nhiên, tham vọng của chúng tôi là tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận phải cao hơn nữa. Và những hoạt động như ở Davos là để đạt được mục tiêu này.
Ông là một trong những doanh nhân đầu tiên ở Việt Nam đề cập đến Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sau khi trở về từ Davos mấy năm về trước. Theo ông thì kinh doanh thời cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có FPT phải làm thế nào để thành công?
Một số dữ liệu thống kê cho thấy, các công ty “bậc thầy” về công nghệ vượt trội hơn 9% về doanh thu; 26% về lợi nhuận và 12% về giá trị thị trường so với các doanh nghiệp khác.
Trong cuộc cách mạng số, mọi tổ chức, doanh nghiệp sẽ trở thành tổ chức số, doanh nghiệp số; mọi lãnh đạo trở thành lãnh đạo số, ngân sách trở thành ngân sách số, mỗi công dân đều có thể trở thành một doanh nghiệp số.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần liên tục cập nhật các xu hướng công nghệ mới, hoặc bắt tay với các công ty công nghệ lớn để không bị lạc hậu.
Bên cạnh đó, lãnh đạo doanh nghiệp cần tăng cường đào tạo, cung cấp cho nhân viên các kiến thức công nghệ mới, kỹ năng cần thiết để ứng phó với làn sóng thay đổi.
Là một trong những doanh nghiệp Việt Nam tiên phong trong cuộc cách mạng số, FPT đã và sẽ dựa trên nền tảng nghiên cứu và phát triển các công nghệ cốt lõi như IoT, Mobile, Big Data, Trí tuệ nhân tạo… để nắm bắt các cơ hội từ cuộc cách mạng này. Một là thực hiện chuyển đổi số trong nội bộ Tập đoàn. Hai là FPT đồng hành với các doanh nghiệp sở hữu công nghệ nền về IoT, IIoT để tạo ra các dịch vụ/giải pháp mới giúp các tập đoàn hàng đầu trên thế giới thay đổi phương thức hoạt động, mô hình kinh doanh trong nền kinh tế số; đẩy mạnh chuyển đổi số cho doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam và trên toàn cầu…
Tôi tin là làm được điều đó, cộng thêm việc “săn cá voi” thành công, chúng ta sẽ tận dụng được cơ hội của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chu-tich-fpt-va-chuyen-san-ca-voi-o-davos-a7748.html