Nghề 'lạ' ở Hà Nội: Khi nhân viên công sở làm việc ở... vỉa hè

Áo trắng, quần tây, giày Âu, hoặc váy juýp, đi giày cao gót, cứ vào khung giờ vàng buổi sáng và chiều, các bạn nam nữ trẻ trung, năng động lại... kê bàn ghế nhựa ra vỉa hè để ngồi. Họ làm công việc văn phòng đích thực, nhưng do sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường bất động sản, và đáp ứng đòi hỏi thông tin của thị trường, những nhân viên kinh doanh 'công sở' này đã dựng bàn ghế trên vỉa hè, ngay trước công trường của dự án xây dựng để sẵn sàng tư vấn cho khách. Nghề 'lạ' của họ được gọi vui là 'nghề công sở không ở trong văn phòng'...

Áo trắng, quần tây, giày Âu, hoặc váy juýp, đi giày cao gót, cứ vào khung giờ vàng buổi sáng và chiều, các bạn nam nữ trẻ trung, năng động lại... kê bàn ghế nhựa ra vỉa hè để ngồi. Họ làm công việc văn phòng đích thực, nhưng do sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường bất động sản, và đáp ứng đòi hỏi thông tin của thị trường, những nhân viên kinh doanh 'công sở' này đã dựng bàn ghế trên vỉa hè, ngay trước công trường của dự án xây dựng để sẵn sàng tư vấn cho khách. Nghề 'lạ' của họ được gọi vui là 'nghề công sở không ở trong văn phòng'...

Mức lương của của những người làm "nghề sale bất động sản" trung bình từ 2-5 triệu đồng/tháng. Nguồn thu nhập chính của họ không phải từ đây, mà từ 1% tiền hoa hồng từ số căn nhà bán được. Bởi vậy, những người làm nghề này sẵn sàng ra vỉa hè, ngồi trước công trường xây dựng để tư vấn cho khách quan tâm.

Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời

Trên trục đường Phạm Văn Bạch (Q. Cầu Giấy, Hà Nội) với 4 dự án bất động sản thì có tới 2 địa điểm tư vấn. Ở vị trí số 2 Phạm Văn Bạch, anh N.Đ.A (24 tuổi) và anh L.V.C (29 tuổi) đang ngồi trực tư vấn khu tổ hợp khách sạn, căn hộ, văn phòng và thương mại.

Những công trường xây dựng như thế này thường được "kèm" thêm một nhóm nhân viên tư vấn dự án ở ngay vỉa hè trước mặt

Hai nhân viên kinh doanh này cho biết, do chi phí chạy quảng cáo trên Facebook, Google,.. quá cao (chủ yếu phải tự chi) nên các anh kết hợp thêm bằng cách truyền thông chủ yếu là “mất sức, mất công” này.

Anh L.V.C (trái) và anh N.Đ.A (phải) trực tư vấn trước công trường dự án

9 giờ sáng, theo lịch trực từ trước nếu không phải gặp khách hàng, hai anh đều cùng trực, hoặc cắt cử nhau trực cho tới 6 giờ tối, nhiều khi đến 8 giờ tối.

"Ban đầu mới tư vấn ở ngoài này, chúng tôi đều ngại. Nhưng dần thành quen, bởi nếu không bán được căn hộ nào thì không có tiền trang trải sinh hoạt, tệ hơn là nguy cơ bị đào thải", anh C. và A. chia sẻ.

Được biết, anh A mới chuyển sang nghề này được 7 tháng (trước làm tin học văn phòng), còn anh C chuyển muộn hơn anh A 4 tháng (trước làm quản lý nhà hàng). Công việc cũ không đủ sống, nên khi chọn nghề này, cả 2 anh đều mong muốn có thể thay đổi bản thân, từ đó thay đổi cuộc sống, có tích lũy để sau này lập gia đình thì vợ con đỡ vất vả.

Anh N.Đ.A chuyển sang nghề này đã được 7 tháng

Mỗi tuần trực, trung bình các anh tiếp cận được 3 - 4 khách, “tuy so với các kênh truyền thông khác ít lượng tương tác hơn, nhưng những người mà chúng tôi tiếp cận họ đều có nhu cầu thực và mong muốn tìm hiểu”, anh A chia sẻ. Trong khi chạy quảng cáo rất tốn kém, nếu không có định hướng thì nhiều tháng cũng không bán được căn nào, không đủ định mức sẽ không đủ sống và có nguy cơ mất việc.

Anh L.V.C hiện đã có gia đình, nên anh mong muốn từ công việc này, có thể tích lũy cho sau này

Anh C cho biết, "nếu bán được một căn, trung bình tôi được hoa hồng 20 triệu đồng”. Song có những lúc gặp phải trường hợp khách hàng muốn mặc cả luôn vào tiền hoa hồng, khiến những người làm nghề này phải lắc đầu, thở dài, bởi chi phí quảng cáo mà họ tự bỏ ra lên tới 10 triệu đồng mỗi tháng.

"Không có ngày nào dành cho tôi!"

Cách chỗ anh A và anh C chừng 15km, nằm trên đường Vành đai 3 là địa điểm tư vấn của chị N.T.T (25 tuổi) về một dự án chung cư khác. Kế chị T còn có 2 bàn tư vấn về dự án nhà liền kề và dự án biệt thự. Các dự án này đều nằm trên trục đường Nguyễn Xiển, lượng xe cộ lưu thông lớn nên bụi bặm rất nhiều, hầu như nhân viên tư vấn nào cũng phải đeo khẩu trang.

Dãy bàn nhân viên tư vấn dự án trên đường Nguyễn Xiển

Chị T. lúc trước học Đại học Luật Hà Nội, sau cảm thấy không phù hợp nên đã chuyển sang nghề này được 2 năm. Chị làm công việc này vì yêu thích kinh doanh, tuy rằng không ổn định nhưng luôn có tiềm năng đem đến thu nhập cao. Điều này còn phụ thuộc vào khả năng tư vấn khách hàng và cách làm thị trường của mỗi người.

Bàn tư vấn dự án của chị N.T.T

Ban đầu mới vào nghề, do chưa thạo nên chị T làm theo nhóm, sau đó, chị tự đứng ra tư vấn riêng. Khác với anh A, anh C chỉ tư vấn theo lịch trực, chị T ngày nào cũng đặt bàn tư vấn ở đây. 8 giờ sáng bày bàn, hôm sớm thì chiều 5h30 nghỉ, có hôm muộn thì 7 giờ tối dọn. Cũng có những hôm, 9 giờ tối khách hàng hẹn đến nhờ tư vấn thì phải tầm 11 - 12 giờ đêm chị T mới về đến nhà.

Chị T chia sẻ, “tuy rằng cách này không tốn chi phí nhưng phải bỏ ra rất nhiều sức lực, bù lại lượng “khách nét” (khách có nhu cầu mua - PV) rất thực tế, vì phần lớn những khách đến đây nhờ tư vấn thì họ đã tìm hiểu dự án từ trước. Trong khi chạy quảng cáo trên Internet mất nhiều tiền mà không chốt được đơn, vì đa phần mọi người quan tâm vì thấy dự án đẹp mà không để ý nhiều đến vị trí, nên khi được tư vấn vị trí, thấy xa thì họ không có nhu cầu mua nữa, hoặc có lúc bán được thì cũng mất hơn một nửa tiền hoa hồng để chạy quảng cáo".

Chọn công việc này, chị T mong muốn cuộc sống sau này sẽ sung túc hơn

Khi không có lượng vốn cố định để duy trì quảng cáo, những người làm nghề "lạ" đã chọn tư vấn trực tiếp ở vệ đường để tiết kiệm chi phí. Công việc của chị T, anh A hay anh C vì vậy có những lúc rất vất vả, không có thời gian dành cho bản thân, “nhưng đã theo nghề thì phải vì nó mà cố gắng, phải sống được với nghề”, chị T tâm sự.

Trường Hùng

Theo ANTĐ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nghe-la-o-ha-noi-khi-nhan-vien-cong-so-lam-viec-o-via-he-a77876.html