Bạn đã từng trải qua những tình huống FOBO nào rồi? Chuyện gì dễ khiến bạn rơi vào FOBO nhất? Theo bạn, theo đuổi sự hoàn hảo và chấp nhận "lựa chọn không tệ", thì việc nào khiến con người hạnh phúc hơn?
Lại đến giờ ăn tối rồi… Ăn bún được không nhỉ? Phở cuốn thì sao? Hình như có quán thịt nướng mới mở bên kia đường. Cơm rang cũng không tệ nhỉ. Bạn mở ứng dụng ăn uống ra, ngón tay liên tục lướt lên lướt xuống trên màn hình điện thoại. Đến tận nửa tiếng sau, tiếng "ọc ọc" từ bụng vang lên khiến bạn tự hỏi: Đưa ra lựa chọn tại sao lại khó đến thế này?!
Tình cảnh này có quen thuộc với bạn không? Tim Herrera trong chuyên mục "Sống thông minh hơn" (Smarter Living) của tờ Thời báo New York đã từng nói: Việc này có thể cho thấy bạn và anh ấy đều đang mắc chứng FOBO - "Hội chứng sợ có sự lựa chọn tốt hơn".
Anh cho biết: "Đó là một trạng thái mà bạn không ngừng đi tìm tòi, nghiên cứu tất cả những lựa chọn có thể chỉ bởi vì bạn lo rằng mình sẽ bỏ lỡ lựa chọn "hoàn hảo nhất". Từ đó dẫn đến sự do dự, thiếu quyết đoán, hối tiếc và thậm chí là tụt giảm mức độ hài lòng."
Trong bài phỏng vấn đó, người tạo ra cụm từ này - Patrick McGinnis nói rằng, khi ông còn theo học ở Viện Thương mại, Đại học Havard, ông để ý thấy mình và các bạn luôn cố gắng tối ưu hoá những lựa chọn. Theo quan điểm của ông, chúng ta sống trong một thế giới vô cùng bận rộn - nơi mà mọi thứ có quan hệ mật thiết với nhau. Trong một thế giới như vậy, dường như tất cả đều có thể xảy ra. Kết quả là chúng ta bơi trong vô số các "khả năng" ấy, lúc nào cũng lo lắng lựa chọn mình đưa ra chưa phải là hoàn hảo nhất, dẫn đến việc chúng ta không thể nào đưa ra quyết định cuối cùng.
Các nhà tâm lý học gọi hiện tượng này là "tối đa hoá". Họ cho rằng có thể chia con người ra thành hai loại: "Người tối đa hoá" và "Người dễ thoả mãn". "Người dễ thoả mãn" thì có xu hướng chấp nhận những lựa chọn "tạm được" hơn, dù cho đó không phải là lựa chọn tốt nhất. Kể cả sau đó một lựa chọn tốt hơn xuất hiện đi nữa, thì họ cũng ít có cảm giác hối tiếc. Ngược lại, những "Người tối đa hoá" có khả năng sẽ hối tiếc hơn và bị tổn thương lòng tự trọng. Họ có xu hướng thuộc về những người theo chủ nghĩa hoàn hảo.
Một nghiên cứu phát hiện ra rằng những sinh viên mới tốt nghiệp đại học thuộc nhóm "Người tối đa hoá" dễ dàng tìm được một công việc có mức lương khởi điểm cao hơn 20% so với những sinh viên thuộc nhóm "Người dễ thoả mãn". Thế nhưng, độ hài lòng của họ đối với công việc mình tìm được lại thấp hơn so với "Người dễ thoả mãn". Điều này là là bởi dù họ đã quyết định rồi đi chăng nữa, họ cũng sẽ lo lắng rằng vẫn còn có những lựa chọn tốt hơn.
Đây chính là điểm mâu thuẫn của FOBO: Dù "Người tối đa hoá" có thể đã đưa ra một quyết định rất tốt, trong lòng họ vẫn không thể nào cảm thấy hài lòng. Mục tiêu cuối cùng của họ không thể trở thành hiện thực được, bởi vì trước khi đưa ra quyết định, chúng ta không bao giờ có thể nắm chắc được tất cả các lựa chọn cũng như kết quả mà mỗi lựa chọn đó mang lại.
Vậy làm thế nào để chúng ta có thể ngừng cái vòng luẩn quẩn "tối đa hoá", thoát khỏi FOBO đây? Tim Herrera kiến nghị: Hãy chấp nhận "lựa chọn không tệ" - một lựa chọn khiến bạn cơ bản là hài lòng, dù cho nó chưa chắc đã là lựa chọn tốt nhất.
Ví dụ, khi lựa chọn món ăn cho bữa tối, Tim sẽ cân nhắc xem tiêu chuẩn của anh là gì: không cần chịu đói nữa; không cần tốn quá nhiều tiền; ăn món anh không ghét. Vậy là xong rồi! Anh đã chọn sushi cho bữa tối, còn bạn, bạn sẽ chọn món gì?
Bạn đã từng trải qua những tình huống FOBO nào rồi? Chuyện gì dễ khiến bạn rơi vào FOBO nhất? Theo bạn, theo đuổi sự hoàn hảo và chấp nhận "lựa chọn không tệ", thì việc nào khiến con người hạnh phúc hơn?
Theo Trí Thức Trẻ
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/fobo-hoi-chung-so-co-lua-chon-tot-hon-ban-co-dang-mac-phai-a77886.html