Cạnh tranh liều mạng ở nơi làm việc là phương thức để nhiều người thăng tiến trong công việc, nhưng đó không phải cách duy nhất để giành chiến thắng. Ngược lại, việc rút lui và thỏa hiệp hợp lý, đúng lúc có thể giúp bạn tránh được khả năng đi vào những ngõ cụt.
Cuộc sống của mọi người đều ngắn ngủi, và tuổi trẻ thì có hạn, vậy nên sau khi bước chân vào làm việc, nhiều người muốn thể hiện tài năng của mình ở nơi làm việc bằng cách cạnh tranh liều mạng. Tuy nhiên cuộc cạnh tranh khốc liệt nơi công sở, chủ nghĩa anh hùng đôi khi sẽ không mang lại chiến thắng như mong muốn cho bạn.
Liều mạng tiến về phía trước không khiến đối thủ của bạn sợ hãi
Sự can đảm và tinh thần liều mạng tiến lên của bạn thực sự có thể áp đảo đối thủ trong giai đoạn đầu. Mặc dù vậy, đối thủ của bạn có thể bị lấn át một thời gian, nhưng bạn sẽ không đánh bại được họ bởi nhanh thôi, họ sẽ có phương sách đối phó ngược lại.
Ở nơi làm việc, những người ồn ào, hay nói nhiều sẽ không phải là những người phát triển được dài lâu. Ngược lại, những người có vẻ trầm lặng nhưng thực sự hiểu các quy tắc ngầm của nơi làm việc mới có thể tồn tại, tiến xa hơn.
Trên thực tế, nơi làm việc có rất nhiều kiểu người, và hầu như ai cũng có một chút tính ghen tị. Bất kể họ có nói ra hay không, trong lòng họ cũng khó có thể thoải mái, vô tư trước những thành tựu của đồng nghiệp.
Nếu có ai dám đứng trước mặt bạn chỉ tay, sai việc và tìm lỗi sai, mặc dù bạn có thể tỏ vẻ tiếp thu và làm theo, nhưng trong lòng vẫn có chút hậm hực. Nhiều người sẽ tìm cách "trả đũa" bằng cách này hay các khá. Bởi vậy, thay vì liều mạng cạnh tranh, thể hiện bản thân ở nơi làm việc, một phương án tốt hơn là hãy tôn trọng sự thông minh của người khác, khiêm tốn về bản thân hơn một chút, bớt kiêu ngạo và hung hăng...
Trong những cuộc chiến ngầm nơi công sở, nếu không biết cách "lùi một bước để tiến 3 bước", bạn sẽ bị va đập đến chảy máu
Liều mạng không có gì là sai, và không phải tất cả mọi người đều có đủ dũng khí, sự can đảm và tinh thần dám nghĩ dám làm để tiến lên phía trước. Tuy nhiên, đôi khi kết quả mà nó mang lại cho con người không phải là chiến thắng. Giống như khi hai đội quân giao chiến, những người tiên phong sẽ hứng chịu mũi tên đầu tiên.
Một triết gia đã từng nói: "Để có bước nhảy vọt thì cách tốt hơn là lùi lại một bước”. Thật vậy, đôi khi lùi lại sẽ là một lựa chọn tốt hơn. Cây cung nào không thể kéo trở lại thì không thể bắn mũi tên bay xa, tương tự, nắm đấm khi vươn ra để đánh người thì trước tiên chúng ta phải đưa tay về để có thể lấy đủ sức mạnh trên nắm tay và giáng cho đối thủ một đòn chí mạng. Ngược lại, nếu chúng ta vì quá muốn đánh gục phía bên kia mà không lấy đủ lực nắm đấm, thì không có đủ sức mạnh để làm người khác thua.
Trong cuộc sống, có những lúc bạn sẽ bị đẩy vào đường cùng khi phải đối mặt với những khó khăn trở ngại hay sự đối đầu mạnh mẽ từ phía đối thủ. Sự rút lui lúc này là một cách suy nghĩ thông minh, thể hiện bản lĩnh của một trí tuệ trưởng thành. Trong quá trình rút lui, những bất lợi được biến thành lợi thế, nhờ đó bạn có thể thu được thành công một cách đáng ngạc nhiên.
Những người biết cách thỏa hiệp sẽ không luôn tìm cách tối đa hóa lợi ích. Họ sẽ tuân thủ nguyên tắc "cho đi để nhận lại", và điều này có vẻ ngu ngốc trong mắt một số người. Tuy nhiên, “không có kẻ thù vĩnh viễn, cũng không có bạn bè vĩnh cửu” ở nơi làm việc, “cho đi để nhận lại” không chỉ là nhằm bảo vệ lợi ích của người khác, mà còn cho phép bản thân được hưởng lợi từ đó.
Lùi lại vừa có thể tránh mũi nhọn của nhau, vừa bảo vệ chính bạn và có thể làm tê liệt đối phương, để họ trở nên tự mãn khi đang tạm thời dẫn đầu và cho phép bạn nắm bắt cơ hội sau này.
Nếu cứ khư khư cố chấp, có lẽ bạn sẽ may mắn là người chiến thắng, nhưng đồng thời sẽ mất đi một đồng minh và thêm một đối thủ. Họ có thể không có bất kỳ động thái nào sau khi thua, nhưng về lâu dài, những người như vậy là mối nguy hiểm tiềm tàng đối với chúng ta.
Thỏa hiệp không thể giải quyết tận gốc vấn đề, linh hoạt mới là người khôn ngoan
Mặc dù sự liều mạng có thể khiến bạn trở thành mục tiêu của sự chỉ trích công khai; mặc dù biết rằng đôi khi một bước lùi lại có thể giải quyết nhiều vấn đề, song điều đó không có nghĩa là bạn có thể coi thụt lùi và thỏa hiệp như một thói quen, thậm chí không thể coi đó như là cách giải quyết cho mọi vấn đề.
Đừng nghĩ rằng bạn không chiến đấu hay chống lại người khác thì họ sẽ có lương tâm và nương tay với bạn. Cho dù tại nơi làm việc hay trong các mối quan hệ xã hội bên ngoài, miễn là có xung đột lợi ích giữa bạn và người khác, cho dù có thỏa hiệp nhiều như thế nào, tỏ ra khổ sở đến đâu thì cũng sẽ không ai có lòng thương xót bạn.
Ngược lại, sự nhượng bộ và thỏa hiệp lặp đi lặp lại sẽ khiến người khác cảm thấy rằng họ được quyền bắt nạt và coi bạn như một "quả hồng mềm", khi nào muốn sẽ nhéo bạn một cái.
Phải biết rằng rút lui và thỏa hiệp tự nó không thể giải quyết bất kỳ vấn đề nào, nó chỉ có thể cho phép mọi người tránh khỏi các vấn đề và việc có thể giải quyết vấn đề đến cùng hay không phụ thuộc vào hành động của bạn sau đó. Thỏa hiệp một cách mù quáng chắc chắn không phải cách làm của một người có năng lực cũng như lòng tự trọng và sẽ chỉ đem đến nhiều sự bắt nạt và áp bức hơn đối với bạn mà thôi.
Có lẽ theo quan điểm của một số người, thỏa hiệp và rút lui đồng nghĩa với sự yếu đuối. Thực tế, đây chỉ là một định kiến chống lại sự thỏa hiệp. Ngược lại, thỏa hiệp là một loại trí tuệ, một sự khôn ngoan để trao đổi những gì bạn muốn trên cơ sở thực hiện nhượng bộ nhất định.
Bởi vậy, nếu sự thỏa hiệp hay việc lùi một bước tạm thời có thể giúp giành chiến thắng tiếp theo, thì tại sao chúng ta lại không thực hiện? Điều quan trọng là bạn có biết cách thức để rút lui và thỏa hiệp đúng lúc hay không mà thôi.
Theo Trí Thức Trẻ