Cú đòn chí mạng: Boeing thảm hại, Airbus mừng thầm

Boeing và Airbus là một trong những cặp 'kỳ phùng địch thủ' cạnh tranh quyết liệt nhất trong thế kỷ qua.

Boeing và Airbus là một trong những cặp 'kỳ phùng địch thủ' cạnh tranh quyết liệt nhất trong thế kỷ qua.

Lao đao sau cú sốc

Nhiều hãng hàng không đang tìm cách hủy đơn hàng bay Boeing 737 Max sau tai nạn thảm khốc ở Ethiopia làm 157 người thiệt mạng.

Vụ tai nạn của Boeing 737 Max đang là một cú sốc khiến cho hàng loạt đơn hàng trong tương lai của Boeing gặp rắc rối. Theo lãnh đạo của Lion Air, hãng này đã đặt hàng 222 chiếc máy bay Boeing các mẫu 737 Max 8, 9 và 10 trị giá 22 tỷ đô la Mỹ, dự kiến giao hàng trước năm 2035. Vào tháng 10/2018, chiếc máy bay của hãng Lion Air cũng gặp tai nạn, 189 người có mặt trên chuyến bay đã không còn ai sống sót.

Hãng bay lớn nhất của Brazil, Gol Linhas Aereas Inteligentes, cũng đặt mua 100 chiếc 737 MAX 8 của Boeing. Hãng đang vận hành 7 chiếc máy bay loại này, đầu tuần rồi đã phải dừng khai thác. Korean Air Lines cũng có đơn hàng lớn đặt mua những chiếc 737 MAX 8.

Trung Quốc đang là khách hàng lớn nhất của Boeing. Nước này chiếm tới 20% tổng đơn đặt hàng hiện tại của dòng 737 đang được chuyển giao trên toàn thế giới trong tháng 1. China Southern Airlines có 16 chiếc, còn 34 chiếc khác vẫn đang hoàn thiện theo đơn đặt hàng (theo dữ liệu đến tháng 1 trên trang web của hãng Boeing). China Eastern Airlines có 13, trong khi Air China có 14. Các hãng hàng không Trung Quốc khác cũng mua dòng máy bay này còn có Hhai Airlines và Shandong Airlines.

Theo Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), trên thế giới hiện có khoảng 350 chiếc Boeing 737 Max hoạt động, thuộc sở hữu của 54 thực thể. Theo tính toán của Reuters, khoảng 2/3 số máy bay trong đó hiện đang ở mặt đất.

Sau tại nạn, Ethiopian Airlines đã ra lệnh cấm bay với tất cả máy bay Boeing 737 Max 8. Hàn Quốc cũng cho kiểm tra an toàn khẩn cấp với hai máy bay Boeing 737 Max 8 của nước này. Các hãng hàng không như China Southern Airlines và Na Uy Air đã hủy bỏ các chuyến bay của 737 Max ra khỏi kế hoạch bay.

Singapore Airlines Ltd, có chi nhánh SilkAir trong khu vực vận hành 737 MAX cho biết, họ cũng đang theo dõi "chặt chẽ" tình hình, dù các máy bay của hãng vẫn tiếp tục hoạt động như dự kiến.

Tại Việt Nam, hãng hàng không tư nhân Vietjet Air đã ký hợp đồng đặt mua 200 chiếc máy bay 737 MAX, dự kiến chiếc đầu tiên sẽ về vào tháng 10 tới. Đại diện Vietjet Air cho hay đang theo dõi sát sao vụ việc và sẽ có các quyết định về việc khai thác dòng máy bay này sau khi có các kết luận chính thức và hướng dẫn từ các cơ quan chức trách hàng không thế giới và Cục Hàng không Việt Nam.

Boeing đã “vượt mặt” Airbus

Máy bay tầm trung đang ngày càng trở thành lựa chọn hàng đầu của các hãng hàng không giá rẻ vốn được coi là đối tượng khách hàng chủ chốt của cả 2 tập đoàn chế tạo máy bay Boeing và Airbus.

Boeing và Airbus là một trong những cặp “kỳ phùng địch thủ” cạnh tranh quyết liệt nhất trong thế kỷ qua. Boeing 737 MAX là thế hệ dòng 737 thứ tư, với thay đổi chính so với các thế hệ trước ở chỗ sử dụng động cơ CFM International LEAP-1B lớn hơn, hiệu quả hơn và có một số điều chỉnh thân máy bay. Dòng này có 4 biến thể, với 138-230 chỗ ngồi, tầm bay 5.954 - 7.084 km. 737 Max 7, Max 8 và Max 9 lần lượt thay thế 737-700, -800 và -900. 737 Max 10 là biến thể có thân dài nhất.

"MAX là một chương trình rất quan trọng với Boeing trong thập kỷ tới. Nó chiếm 64% sản lượng của công ty tới năm 2032 và đem về lợi nhuận lớn", Michel Merluzeau, giám đốc công ty Phân tích Thị trường Hàng không Vũ trụ và Quốc phòng, nói. "Nó cũng là một công cụ thiết yếu với giao thông vận tải toàn cầu".

Dòng 737 của hãng Boeing vô cùng được ưa chuộng khi ra mắt và liên tục thiết lập kỷ lục về tính an toàn trong mỗi thập kỷ. Tuy nhiên, với dòng cải tiến 737 MAX, mọi sự lại trắc trở hơn rất nhiều khi 737 MAX liên tục là cái tên đứng sau những vụ tai nạn nghiêm trọng.

Trong khi đó, mẫu Airbus A380 gây tiếng vang lớn khi xuất hiện vì là mẫu máy bay dân dụng lớn nhất trên thế giới. Với sải cánh lớn và nhiều tầng vận chuyển, Airbus A380 vượt trội với số lượng hành khách có thể chở.

Nhưng khác với những đối thủ trên thị trường, một thời gian dài trôi qua kể từ khi xuất hiện, Airbus A380 tuy vẫn tiếp tục cạnh tranh trong phân khúc vận chuyển hành khách nhưng vẫn không được các hãng vận tải trọng dụng và thậm chí chưa có phiên bản nào dành riêng cho vận tải hàng hóa.

Chiếc Airbus A380 có thể tích lớn hơn tới 60% nhưng chỉ chở được khối lượng hơn 28%. Cộng thêm số lượng nhiên liệu để vận hành cao hơn, hiệu quả vận chuyển của A380 kém hơn rất nhiều so với các mẫu Boeing thông dụng.

A380 đang khiến Airbus chịu thất thoát rất lớn khi mất đi cơ hội khai thác được mảng vận tải hàng hóa. Số lượng hành khách đường không được dự đoán sẽ phát triển 3,4% mỗi năm. Trong khi đó, số chuyến bay vận tải được dự đoán sẽ tăng trưởng tới 4,7% mỗi năm trong vòng 20 năm tới.

Nam Hải

Theo VietnamNet

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/cu-don-chi-mang-boeing-tham-hai-airbus-mung-tham-a77945.html