5 năm trước, dư luận bắt đầu đặc biệt quan tâm về chất lượng dịch vụ của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất khi cảng hàng không lớn nhất Việt Nam góp mặt trong danh sách 10 sân bay tệ nhất châu Á theo khảo sát của website Sleeping in Airports.
Từng lọt top 10 sân bay tệ nhất thế giới năm 2015
Sleeping in Airports được thành lập từ năm 1994 và giúp người dùng tiết kiệm chi phí du lịch bằng nhiều cách, trong đó có ngủ lại tại sân bay. Hàng năm, website này lại tổ chức khảo sát chất lượng dịch vụ các sân bay trên toàn thế giới do người dùng trực tiếp bầu chọn.
Sân bay Tân Sơn Nhất đứng thứ 8 trong top 10 sân bay tệ nhất ở châu Á trong bảng xếp hạng của Sleeping in Airports năm 2014 với mô tả "cơ sở vật chất ở mức trung bình và độ sạch sẽ dao động".
Một năm sau, Tân Sơn Nhất thậm chí "thăng hạng" lên vị trí thứ 4 trong danh sách 10 sân bay tệ nhất châu Á năm 2015 của Sleeping in Airports với phàn nàn về việc bị nhũng nhiễu khi làm thủ tục hải quan. Cùng với đó là sự không hài lòng về chất lượng mạng wifi, phòng tắm bẩn và có ít nhà hàng ở sân bay.
Tân Sơn Nhất đồng thời còn đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng 10 sân bay tệ nhất thế giới trong năm 2015.
Cảnh đông đúc tại ga đến quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất dịp lễ, Tết. Ảnh: Lê Quân. |
Tuy nhiên, đây cũng là lần cuối cùng Tân Sơn Nhất bị liệt vào danh sách sân bay bị xếp hạng thấp nhất của Sleeping in Airports. Đến năm 2017, sân bay lớn nhất Việt Nam còn đứng thứ 21 trong top 25 sân bay "ngủ ngon" nhất thế giới do chính trang web này xếp hạng.
Các tiêu chí đánh giá của Sleeping in Airports dựa trên sự thoải mái của hành khách khi chợp mắt; các khu vực nghỉ ngơi, yên tĩnh trong sân bay; buồng ngủ, khách sạn cho khách quá cảnh nối chuyến; số lượng, độ thoải mái của các chỗ ngồi miễn phí; chăn, gối được cung cấp cho hành khách kẹt lại sân bay qua đêm vì hủy chuyến.
Cũng trong năm 2017, Tân Sơn Nhất đứng vị trí thứ 19 trong số 25 sân bay tốt nhất thế giới cho hành khách nối chuyến của Sleeping in Airports. Năm 2018, website này không tiến hành cuộc khảo sát thường niên về các sân bay trên thế giới.
Chưa bao giờ 'chen chân' vào top 100 sân bay tốt nhất
Còn theo bảng xếp hạng World Airport Awards năm 2018 của tổ chức xếp hạng hàng không thế giới Skytrax, Tân Sơn Nhất giữ vị trí thứ 10 trong số những sân bay tốt nhất thế giới có công suất phục vụ 30-40 triệu lượt hành khách mỗi năm.
Tuy nhiên, Tân Sơn Nhất lại không có mặt trong danh sách 100 sân bay tốt nhất thế giới nói chung của Skytrax từ năm 2012 đến nay.
Đại diện duy nhất của Việt Nam góp mặt trong top 100 là sân bay Nội Bài với vị trí 82-83 trong các năm 2016-2018. Theo Skytrax, khảo sát của tổ chức này năm 2018 thu hút hơn 13,7 triệu phiếu trả lời hợp lệ đánh giá về 550 sân bay trên toàn cầu.
Khu vực làm thủ tục ga quốc tế tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Lê Quân. |
Skytrax cũng xếp hạng Tân Sơn Nhất là sân bay 3 sao đánh giá trên trải nghiệm đi, đến và nối chuyến.
Một số tiêu chí cụ thể bao gồm cơ sở vật chất của sân bay, mức độ sạch sẽ và thoải mái của nhà ga, mua sắm, đồ ăn và thức uống, dịch vụ của nhân viên, an ninh và nhập cảnh. Thang điểm cao nhất của Skytrax là 5 sao. Trong khi đó, chưa có sân bay nào bị Skytrax đánh giá 1 và 2 sao.
Với đánh giá 3 sao, Tân Sơn Nhất bằng điểm với Nội Bài và một số sân bay của Đông Nam Á như Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan, Soekarno-Hatta ở Jakarta hay Ngurah Rai ở Bali, Indonesia. Một số sân bay trong khu vực được xếp hạng cao hơn Tân Sơn Nhất và Nội Bài là Kuala Lumpur ở Malaysia (4 sao); Palembang, Pekanbaru ở Indonesia (4 sao) và đặc biệt là Changi của Singapore (5 sao).
Mới đây, Cục Hàng không công bố kết quả khảo sát mức độ hài lòng của hành khách về chất lượng dịch vụ năm 2018 tại 6 sân bay trong nước là Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc và Cát Bi được tiến hành trong tháng 10-12/2018. Kết quả là sân bay Tân Sơn Nhất xếp cuối về điểm trung bình chất lượng.
Trong 7 nhóm tiêu chí là ga đi, khu vực làm thủ tục hàng không, khu vực soi chiếu an ninh, khu vực xuất nhập cảnh, khu vực phòng chờ ra máy bay, ga đến và phương tiện giao thông công cộng, Tân Sơn Nhất đứng cuối ở 6 tiêu chí và chỉ cao hơn sân bay Phú Quốc tại mục phòng chờ sân bay.
Các tiêu chí ga đến, ga đi, phương tiện giao thông công cộng và khu vực phòng chờ ra máy bay của Tân Sơn Nhất giảm nhẹ trong khi 3 tiêu chí còn lại tăng điểm so với năm 2017. Điểm trung bình tất cả các tiêu chí năm 2018 của sân bay Tân Sơn Nhất đạt 3,96 điểm, không thay đổi so với cùng kỳ năm trước.
Theo Cục Hàng không, đây là điểm đáng ghi nhận với Tân Sơn Nhất trong bối cảnh sân bay quá tải khi lượt hành khách qua Tân Sơn Nhất năm ngoái là hơn 38 triệu lượt, tăng 6,4% so với năm 2017 trong khi công suất thiết kế hiện tại chỉ phục vụ 25 triệu khách.
Zing.vn đã liên hệ với cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất tuy nhiên đại diện sân bay không bình luận về kết quả khảo sát của Cục Hàng không.
Việt Đức/Zing