Có người thì chọn áp dụng công nghệ vào công ty truyền thống, có người chọn big data, có người lại gợi ý là nên đầu tư vào y tế, games nếu khởi nghiệp tại Việt Nam tại thời điểm hiện tại.
Đó là ý kiến của các diễn gia khi người điều phối chương trình hỏi: Nếu khởi nghiệp ở thời điểm hiện tại tại Việt Nam, ông/bà sẽ chọn ngành nào?
Nguyễn Trung Tín, CEO Tập đoàn Trung Thủy (TTG Holding), là người điều phối chương trình. Ông Tín cùng các diễn giả tại sự kiện. Ảnh: TTG
“Tôi sẽ đầu tư vào các công ty truyền thống và áp dụng công nghệ vào các công ty đó”
Ông Max Scheichenost - đồng sáng lập hơn 15 Startup tại Việt Nam và trên toàn cầu, nhận định Việt Nam đang ở trong giai đoạn bùng nổ tương tự như châu Âu vào những năm 2010 – 2011.
“Tại Việt Nam sẽ có trung bình khoảng 600.000 người dùng/1 ứng dụng mobile. Chứng tỏ đây là một thị trường rất tiềm năng. Bất cứ doanh nghiệp nào cũng nên nghĩ lớn hơn, thay vì 1 - 2 triệu người dùng thì nó có thể phát triển đến 600 triệu. Việt Nam có rất nhiều cơ hội vì các bạn đang sở hữu rất nhiều tài năng công nghệ nhưng đó cũng chính là rào cản vi các Startup đang tập trung quá nhiều vào công nghệ thay vì các vấn đề cuộc sống. Các bạn trẻ cần đi ra ngoài nhiều hơn, để nhìn thấy các vấn đề đó và nghĩ đến việc sử dụng công nghệ để giải quyết chúng. Càng nhiều vấn đề thì càng nhiều cơ hội cho các Startup”, ông Max nói.
Ông Max khẳng định Việt Nam là thị trường hết sức màu mỡ đối với khởi nghiệp. Và nếu khởi nghiệp tại Việt Nam vào thời điểm hiện tại, chuyên gia này sẽ chọn các công ty truyền thống vốn đã có sẵn các sản phẩm tốt nhưng thiếu công nghệ để đầu tư công nghệ vào.
CEO Coco Sin, Fiber chọn đầu tư vào phần mềm
Bà Trần Mai Hương - Người sáng lập các thương hiệu Coco Sin, Fibér, 8870 Link, chia sẻ, lĩnh vực phần mềm sẽ là thị phần tiếp theo bà sẽ khởi nghiệp nếu có cơ hội.
Trần Mai Hương - Người sáng lập các thương hiệu Coco Sin, Fibér, 8870 Link.
“Tôi cũng có sự quan tâm đặc biệt đến Big data. Với những dữ liệu khổng lồ về hành vi người dùng, bạn sẽ phải sử dụng Big data để hiểu khách hàng. Big data sẽ giải quyết đc rất nhiều bài toán: ví dụ cần sản xuất bao nhiêu sản phẩm, vòng đời của 1 mùa sản phẩm…”, bà Hương bày tỏ quan điểm.
Cựu kiến trúc sư trưởng đầu tiên tại Microsoft: Tôi chọn y tế, bóng đèn, tia laser
Ông Edward Jung - đồng sáng lập Window NT, Office and Microsoft Research, top 12 nhà phát minh trong lịch sử thế giới với hơn 1000 bằng sáng chế cho rằng, công nghệ sẽ là xu hướng chủ đạo tại Việt Nam trong thời gian tới. Ông cũng chia sẻ một số ngành nghề có thể là cơ hội lớn tại Việt Nam như các công nghệ về camera, phim ảnh, radio, bóng đèn, y tế, games, xe, hàng không, điện thoại, vac-xin, công nghệ tia X, quy trình công nghiệp, tia laser, máy tính, tài chính…
Ông Edward Jung cho biết, chúng ta đang ở thời kỳ công nghệ và một số người nghĩ rằng thế giới đang bị chi phối bởi các tập đoàn công nghệ lâu đời nhưng điều đó chưa chính xác.
Ông Edward Jung.
“Ở Việt Nam có những công nghệ rất mới, ví dụ như công nghệ bán dẫn dây tóc bóng đèn. Chúng ta không nên coi nhẹ những doanh nghiệp đơn giản như thế này. Vì nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đã bắt đầu nền công nghiệp mũi nhọn của mình từ những điều đơn giản như vậy, và hoàn toàn có thể trở thành doanh nghiệp tỷ USD. Việt Nam là một phần của nền công nghệ thế giới và hội nằm ở tất cả mọi nơi, ở thế hệ trẻ của các bạn với tốc độ thay đổi chóng mặt”.
Về các cơ hội của Việt Nam trên đấu trường quốc tế, ông Edward Jung đánh giá: “Việt Nam dù có sự phát triển thấp hơn một số quốc gia trên thế giới nhưng lại là sự phát triển bền vững. Các mối quan hệ song phương quốc tế của Việt Nam tương đương Singapore, đây chính là 1 lợi thế cạnh tranh”.
Theo Trí Thức Trẻ