Tiếp tục những biến cố lớn tại tập đoàn PVN, cùng tên tuổi của tỷ phú Nguyễn Đức Tài, Nguyễn Nhượng Tống, Hồ Hùng Anh là những sự kiện nóng tuần qua.
Nguyễn Đức Tài: Bán những thứ chưa bao giờ bán
Đồng hồ, rổ rá, bát đũa,... là một trong những nhóm sản phẩm mới Thế giới Di động đưa vào kinh doanh tại các chuỗi cửa hàng của mình trong năm 2019, trong bối cảnh mảng điện thoại đang dần tiến tới điểm bão hòa.
Thực tế, cách thức "bán những mặt hàng chưa bao giờ bán và tiếp cận với nhóm khách hàng chưa tiếp cận bao giờ" này đã đem lại kết quả khả quan cho Thế giới Di động vào những tháng cuối cùng của năm 2018, sau hai quý liên tiếp sụt giảm cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.
Quý 4/2018, MWG đạt 21.038 tỷ đồng doanh thu và 693 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng lần lượt 12% và 21% so với cùng kỳ. Tính cả năm 2018, MWG đạt doanh thu thuần 86.516 tỉ đồng, tăng hơn 30%; lợi nhuận sau thuế đem về 2.880 tỉ đồng, tăng 31% so với năm 2017. Đây cũng là tiền đề để HĐQT MWG trình cổ đông kế hoạch doanh thu gần 4,7 tỷ USD cho năm 2019 trong kỳ đại hội cổ đông diễn ra tuần tới.
Trần Hùng Huy bắt đầu gia tăng thế lực
Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã mua vào gần 3,8 triệu cổ phiếu ACB từ ngày 6/3-11/3/2019. Với mức giá dao động quanh 30.500 đồng/cp, ước tính ông Trần Hùng Huy có thể phải bỏ ra khoảng 115 tỷ đồng cho giao dịch tăng tỷ lệ sở hữu tại ACB nói trên.
Sau giao dịch, ông Trần Hùng Huy nắm giữ tổng cộng 43,8 triệu cổ phiếu ACB, tương đương với khoảng 3,51% vốn tại ngân hàng này.
Trước đó, ông Trần Mộng Hùng, người sáng lập, nguyên chủ tịch ACB và là cha ông Trần Hùng Huy cùng em trai ông Hùng Huy là Trần Minh Hoàng cũng thực hiện chuyển quyền sở hữu cho 2 công ty khác. Trong khi chị gái ông Trần Hùng Huy thoái vốn khỏi ACB.
Ông Trần Hùng Huy gia tăng tỷ lệ sở hữu trong bối cảnh Ngân hàng ACB đã thu hồi thành công hơn 1,6 ngàn tỷ đồng từ nhóm liên quan tới ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) và chứng kiến năm 2018 lợi nhuận sau thuế tăng bùng nổ, tăng thêm khoảng 2,5 lần lên hơn 5,1 ngàn tỷ đồng.
Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái: Trước 30 tuổi hãy cứ vấp ngã
Ông Phạm Đình Đoàn, chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, nhấn mạnh, tại thị trường Việt Nam, 98% startup thất bại. Nhưng nguyên nhân thất bại không phải vì họ thiếu ý tưởng hay thiếu sự tự tin vào bản thân, mà vì những người này chưa có sự chuẩn bị tốt.
"Thường tôi khuyên trước khi làm startup, các bạn trẻ hãy đi làm một thời gian. Với các bạn chủ startup đến gặp tôi, tôi phải biết họ xuất phát điểm từ đâu rồi tôi mới đặt câu hỏi để họ tự tìm ra giải pháp".
Mở rộng quan điểm này, ông Phạm Đình Đoàn khẳng định trong thời đại hiện nay, kiến thức dày lên theo từng ngày. Muốn khởi nghiệp, mỗi cá nhân cần phải có sự trang bị kiến thức đầy đủ, mà theo ông là phải "đủ lông đủ cánh" trước đã.
"Tôi gợi ý trước 30 tuổi, các bạn nên đi làm thợ và học càng nhiều càng tốt, làm càng nhiều càng tốt, va chạm càng nhiều càng tốt,... lấy những điều ấy làm điểm tựa. Trước 30 tuổi hãy vấp ngã, xong bị sốc về mặt tinh thần, bị nhụt chí rồi hẵng khởi nghiệp".
Mẹ, vợ và con trai... quyền lực nhà Hồ Hùng Anh ở Techcombank
Đại gia gốc Thừa Thiên - Huế không chỉ giàu ngang ngửa với nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo mà còn giàu gấp 10 lần so với người đứng vị trí tiếp theo trong lĩnh vực ngân hàng.
Ông Hồ Hùng Anh đang nắm giữ hơn 39 triệu cổ phiếu TCB, gián tiếp sở hữu gần 250 triệu cổ phiếu Masan (MSN) với tổng cộng tài sản quy từ cổ phiếu trị giá khoảng 25 ngàn tỷ đồng.
Vợ và mẹ ông Hùng Anh mỗi người nắm giữ một hơn 174 triệu cổ phiếu TCB, tương đương mỗi người gần 5%. Em gái của ông Hùng Anh sở hữu gần 115 triệu TCB; con trai sở hữu hơn 93 triệu. Đó là chưa kể số cổ phiếu Masan (MSN) mà nhà ông Hùng Anh nắm giữ.
Tổng cộng nhà ông Hồ Hùng Anh có thể nắm giữ khoảng 600 triệu cổ phiếu TCB, trên tổng cộng khoảng 3,57 tỷ cổ phiếu TCB đang lưu hành, tương đương 17% vốn điều lệ của ngân hàng Techcombank.
Tổng giám đốc Sabeco bị thôi chức
Ông Võ Thanh Hà, cựu Chủ tịch HĐQT Sabeco, được điều động, bổ nhiệm giữ chức Thành viên HĐQT Vinachem. Trước đó, tại cuộc họp Đại hội cổ đông bất thường lần 1 vào tháng 4/2018, Sabeco đã có tờ trình về việc miễn nhiệm chức danh thành viên Hội đồng quản trị đối với ông Võ Thanh Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco.
Còn ông Nguyễn Thành Nam, cựu Tổng giám đốc Sabeco - đại diện phần vốn nhà nước tại Sabeco - cũng rời vị trí này từ tháng 7/2018. Ông Neo Gim Siong Bennett được bổ nhiệm thay thế ông Nguyễn Thành Nam, giữ chức Tổng giám đốc Sabeco từ 1/8.
Đến thời điểm hiện tại, website của Vinataba, ông Nguyễn Thành Nam vẫn chưa có tên trong Hội đồng thành viên của Vinataba cũng như Ban Tổng giám đốc đơn vị này. Vị trí tổng giám đốc Vinataba vẫn đang bỏ trống sau khi ông Trần Sơn Châu - Tổng giám đốc - đột ngột qua đời. Hiện nay ông Đặng Xuân Phương, Phó Tổng giám đốc được giao nhiệm vụ phụ trách Ban tổng giám đốc.
Sếp Tổng PVN ngắn ngủi trên ghế nóng
Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đã có đơn xin từ chức gửi Hội đồng thành viên tập đoàn này. Lá đơn của ông Sơn gửi từ nhiều ngày trước, nhưng tới ngày 12/3, Hội đồng thành viên PVN mới thực hiện họp lần cuối để xem xét trường hợp này và chấp nhận đề nghị xin từ chức của ông Sơn.
Theo trình tự thủ tục, việc ông Sơn thôi chức vụ Tổng giám đốc PVN sẽ cần đến sự chấp thuận của cơ quan chủ quản là Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) và Thủ tướng xem xét, quyết định.
Thông tin ông Sơn bất ngờ có đơn xin từ chức Tổng giám đốc PVN được mọi người quan tâm. Đặc biệt, thời điểm này trùng với thời điểm Bộ Công Thương vừa có báo cáo về 13 dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực tham dò khai thác dầu khí. Đáng nói nhất là dự án khai thác dầu nặng Junin 2 tại Venezuela của PVEP trong thời điểm ông Sơn làm Tổng giám đốc doanh nghiệp này.
Bóng hồng cùng sếp nhận hơn 51 tỷ đồng của Hà Văn Thắm
VKSND tối cao vừa ban hành cáo trạng quyết định truy tố Đỗ Văn Khạnh, Tổng Giám đốc; Vũ Thị Ngọc Lan, Phó TGĐ; Nguyễn Tuấn Hùng, Trưởng ban Tài Chính PVEP.
Ông Đỗ Văn Khạnh, nguyên TGĐ PVEP đã có quyết định phân công Vũ Thị Ngọc Lan là người phê duyệt các tờ trình của Ban Tài Chính, ký các Hợp đồng tiền gửi, gia hạn Hợp đồng tiền gửi tại Oceanbank; Nguyễn Tuấn Hùng là người trực tiếp đề xuất, ký tờ trình hợp đồng gửi tiền trình Vũ Thị Ngọc Lan.
Nguyễn Thị Minh Phương đã trực tiếp nhờ Nguyễn Trà My, Nguyễn Hải Hà (làm việc tại Oceanbank) chi tiền lãi ngoài hợp đồng cho Nguyễn Tuấn Hùng số tiền hơn 51 tỷ đồng; Nguyễn Tuấn Hùng đã đưa cho Đỗ Văn Khạnh số tiền hơn 4 tỷ đồng. Vũ Thị Ngọc Lan đã nhận 200 triệu đồng từ Nguyễn Thị Minh Phương.
Bảo Anh (Tổng hợp)