“Tay không bắt giặc”, “bán lúa non” chỉ hai trong số rất nhiều chiêu trò các doanh nghiệp bất động sản tại Đà Nẵng sử dụng để chiếm dụng vốn của khách hàng.
Đủ chiêu trò huy động vốn
Khoảng 1 tháng qua, thị trường bất động sản Đà Nẵng, Quảng Nam “nóng như lửa”. Ở mọi ngóc ngách, người ta đều nghe thấy những lời bàn tán về giá đất, chuyện đặt cọc, giữ chỗ, sổ đỏ,... Những vùng quê yên bình ven đô bỗng nhiên nườm nượp người về chỉ trỏ, ngã giá từng thửa đất còn nguyên cả bụi tre, vườn tược.
Cùng thời gian này, thị trường đón nhận những "gáo nước lạnh", tuy không đủ để dập đi cái nóng hừng hực của cơn sốt đất nhưng cũng khiến nhiều nhà đầu tư giật mình.
Đất Đà Nẵng sau Tết Nguyên đán sốt nóng, người dân đổ đến các phòng giao dịch để hỏi mua |
Thứ nhất, đó là thông báo của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế (CA Đà Nẵng) liên quan đến nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức bán đất nền, cụ thể là việc doanh nghiệp “tay không bắt giặc”, chiếm dụng tiền của khách hàng. Hậu quả đau đớn, dù trước đó mấy ngày các nhà đầu tư lũ lượt mang cả bao tải tiền đến đặt cọn thì nay nguy cơ mất trăng chỉ sau 1 đêm say máu
Thông tin từ công an cho thấy, thời gian qua, Công ty CP đầu tư và phát triển Quảng Đà đã nhận tiền đặt cọc, giữ chỗ dự án Khu dân cư nam Cẩm Lệ và 121 lô đất mặt tiền đường Đô Đốc Lân (phường Hòa Xuân, Cẩm Lệ). Tuy nhiên, đây chỉ là “dự án ma”. Khu đất ở vị trí nêu trên lâu nay vẫn do Trung tâm phát triển quỹ đất TP Đà Nẵng quản lý mà không bàn giao cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào thực hiện dự án có tên như trên.
Hay mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam cũng đã yêu cầu dừng tất cả các giao dịch tại 3 dự án tại khu đô thị nam Đà Nẵng do Công ty CP Bách Đạt An làm chủ đầu tư và Công ty Hoàng Nhất Nam phân phối. Trước đó, khoảng 1.000 khách hàng đặt chỗ, mua đất tại các dự án này đã phản ứng quyết liệt vì không được giao sổ đỏ theo đúng hợp đồng. Hiện chủ đầu tư và đơn vị phân phối các dự án đang xảy ra tranh chấp.
Các dự án đất nền nam Đà Nẵng được quảng cáo rầm rộ, mời gọi đặt chỗ với số tiền lớn, chiết khấu khủng |
Các vụ việc trên là ví dụ điển hình cho thấy việc huy động vốn đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại ở Đà Nẵng và khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc (thuộc TX. Điện Bàn, Quảng Nam) đang rất phức tạp, đặc biệt khi chính các khu vực này cũng là nơi diễn ra tình trạng sốt nóng.
Khách hàng tỉnh táo kẻo rước “của nợ”
Theo dõi trên các sàn giao dịch và diễn đàn bất động sản hiện nay, có thể nhận thấy các chủ đầu tư đang huy động vốn rầm rộ cho nhiều dự án tại khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc.
Đặc biệt theo ghi nhận, các chủ đầu tư đang mời gọi khách hàng đặt chỗ số tiền rất lớn, từ 300-500 triệu đồng/lô thay vì chỉ 20-30 triệu/lô như trước đây. Để thêm phần hấp dẫn, có chủ đầu tư còn tặng thêm 3% chiết khấu so với giá ngày mở bán, ngoài ra còn kèm các ưu đãi khác như được chọn lô đẹp, được trả theo lãi ngân hàng nếu không mua sản phẩm đó nữa.
Ngoài phương thức nhận đặt chỗ truyền thống như trên, một vài chủ đầu tư các dự án đất nền nam Đà Nẵng còn dùng nhiều chiêu bài để thu hút nguồn tiền của khách hàng.
Những lời mời chào đặt chỗ ưu đãi khủng được quảng cáo rầm rộ trên các diễn đàn bất động sạn ở Đà Nẵng |
Ông P.H.C., Giám đốc một sàn giao dịch ở Đà Nẵng, cho hay, một số doanh nghiệp chưa hoàn thiện pháp lý, chưa đủ điều kiện mở bán, đặt chỗ thì tìm cách huy động vốn bằng việc ký kết với khách hàng biên bản xác nhận “tiền đầu tư”, “chính sách đầu tư”,... vào dự án. Số tiền khách hàng góp vào theo các biên bản này cũng rất lớn, tương đương các hợp đồng đặt chỗ, các ưu đãi kèm theo cũng vậy.
“Nam Đà Nẵng có hàng loạt dự án đất nền đã và đang mời gọi đặt chỗ, đầu tư nhưng không phải dự án nào cũng đã hoàn thiện về pháp lý. Các nhà đầu tư, nhà phân phối muốn bán lúa non thì vẽ ra các chính sách với ưu đãi khủng. Khách hàng không tỉnh táo, thiếu thông tin thì sẽ nếm quả đắng”, ông C. nói.
Ông C. cho rằng với những nhà đầu tư nhỏ lẻ, tài chính ít hoặc vay mượn thì rủi ro càng cao, bởi một khi “mắc kẹt” vào các dự án có tranh chấp pháp lý thì có khi cả năm trời cũng chưa thể giải quyết.
Trong bối cảnh bát nháo như hiện tại, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân, nhà đầu tư cần tỉnh táo kẻo mua phải các dự án chưa đủ điều kiện về pháp lý.
Ngày 8/3, Phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Nguyễn Văn Nam đã ký công văn 1667 khuyến cáo người dân khi thực hiện giao dịch mua bán, hợp đồng đặt cọc giữ chỗ để mua nhà ở hình thành trong tương lai hoặc đất nền trong các dự án phát triển đô thị cần phải tham khảo đầy đủ các quy định pháp luật về nhà ở, pháp luật dân sự trước khi thực hiện các giao dịch để tránh thiệt hại có thể xảy ra.
Cao Thái