Cuộc chiến chân gà giữa Mỹ và Trung Quốc: Khi "miếng ngon" trở thành nguyên nhân châm ngòi cho những mâu thuẫn thương mại

Vốn là món ăn được ưa thích ở Trung Quốc nhưng lại vô giá trị ở Mỹ, chân gà là một ví dụ điển hình và rất thú vị về lợi nhuận thương mại.

Chân gà - một bộ phận vô dụng ở Mỹ lại là "món ngon" đối với người Trung Quốc

Người Mỹ cực kỳ ưa thích thịt gà, một người tiêu thụ với số lượng hơn 45 kg mỗi năm. Tuy nhiên, có một phần của các loài gia cầm mà nhiều người thường bỏ qua: phần chân. Chân gà là một món ăn được rất nhiều nơi trên thế giới ưa chuộng, có thể kể đến Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam. Nếu có một nơi được gọi là "thiên đường chân gà" thì đó chính là Trung Quốc. Người dân trên khắp đất nước này đều ăn chân gà, nó phổ biến đến mức xuất hiện cả ở những bữa tiệc sang trọng cho tới những quầy đồ ăn trưa.

Paul Aho, một nhà kinh tế và tư vấn về gia cầm, ước tính có tới hơn 75% lượng thịt gà nhập khẩu hàng năm của Trung Quốc đều là phần chân, hầu hết đều đến từ nhà sản xuất thịt gà lớn nhất thế giới: Mỹ. Nhưng bất chấp nhu cầu khổng lồ đến vậy, những căng thẳng trên chiến trường thương mại của cả 2 nước khiến cho "dòng chảy" chân gà tới Trung Quốc trở đang dần nhỏ giọt.

Cuộc chiến chân gà giữa Mỹ và Trung Quốc: Khi miếng ngon trở thành nguyên nhân châm ngòi cho những mâu thuẫn thương mại - Ảnh 1.

Phần lớn lượng nhập khẩu gà của Trung Quốc đều là chân gà.

Bộ phận gồm có gân và da này còn được gọi với cái tên hết sức mỹ miều là "fèng zhǎo" có nghĩa là "móng vuốt phượng hoàng". Mỗi địa phương khác nhau ở Trung Quốc đều có cách chế biến riêng và rất đặc biệt. Một món ăn phổ biến đó là dim sum, nó nổi tiếng cả ở Trung Quốc và ở Mỹ. Chân gà được chiên để phần da phồng lên, sau đó đem ninh trong vài giờ, cuối cùng được chế biến với nước sốt làm từ bột đậu đỏ lên men và hấp trong lồng.

Hầu hết các công thức chế biến chân gà đều được kết hợp 2 hoặc nhiều phương pháp nấu ăn để phần da và gân được làm mềm hoàn toàn. Các món ăn từ chân gà có thể dùng nóng hoặc lạnh, cay nhẹ, nấu súp hoặc hầm. Món ăn này thường là một loại đồ ăn nhẹ ở các cửa hàng tiện lợi, được bọc bằng giấy bóng nhựa để tiện sử dụng.

Cuộc chiến chân gà giữa Mỹ và Trung Quốc: Khi miếng ngon trở thành nguyên nhân châm ngòi cho những mâu thuẫn thương mại - Ảnh 2.

Chân gà chế biến sẵn được bày bán ở khắp các siêu thị trong nước.

Ngoài hương vị thơm ngon, người Trung Quốc cực kỳ ưa thích chân gà bởi những lợi ích về sức khoẻ mà nó mang lại. Món ăn nhẹ này giàu collagen và rất tốt cho da. Chân gà thường được ăn lạnh nên nhu cầu đối với món ăn này tăng mạnh vào những tháng ấm áp, thường là từ tháng 4 cho tới tháng 10. Chân gà được yêu thích đến mức nó còn có giá đắt đỏ hơn cả thịt gà. Thực tế, ngành chăn nuôi gia cầm trong nước lại không thể đáp ứng nhu cầu cao đến vậy.

Mỗi năm, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 1 tỷ USD gia cầm, một số lượng đáng kể trong đó là đến từ Mỹ. Ông Aho cho hay: "Chúng tôi xuất khẩu rất nhiều chân gà đến Trung Quốc, khoảng 400 nghìn tấn mỗi năm." Chân gà Mỹ cực kỳ hấp dẫn bởi nó có kích cỡ lớn. Các nhà kinh tế thường lấy đây là ví dụ điển hình về lợi nhuận hương mại: Một bộ phận được cho là vô dụng ở quốc gia này lại là "miếng ngon" tỷ USD khi kinh doanh ở một thị trường khác. Các công ty Mỹ có thể thu về thêm khoản loại nhuận từ mỗi con gà, còn người Trung Quốc lại được thưởng thức nhiều món ngon hơn.

Chân gà - chủ đề "nóng hổi" gây tranh cãi trước khi chiến tranh thương mại diễn ra

Chân gà là một trường hợp thú vị về việc thương mại quốc tế ảnh hưởng như thế nào đến giá thành sản phẩm. Trong khi Trung Quốc sản xuất rất nhiều loại gia cầm, thì số lượng lớn chân gà được xuất khẩu sang các nước Đông Á phát triển như Hàn Quốc hay Nhật Bản. Điều này cho phép họ điều chỉnh giá ở mức cao hơn, nhà nghiên cứu Xiaosi Yang nhận định. Trong khi đó, hàng tỷ cái chân gà ở Mỹ lại chẳng có giá trị gì ở ngay tại quốc gia nó được sản xuất. Tuy nhiên, khi được bán ở Trung Quốc, thương nhân buôn bán lại có thể "bỏ túi" một khoản lợi nhuận từ sản phẩm vô giá trị ấy.

Nhìn vào bề nổi, chân gà có thể là "cú ăn điểm" trong thương mại tự do. Dẫu vậy, đây cũng là chủ đề ngoại giao gây khá nhiều tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề thương mại, thuế quan đáp trả nhau hay thập chí họ còn gửi khiếu nại cho WTO. Nhiều năm trước khi chiến tranh thương mại là chủ đề "nóng" như hiện nay, chân gà chính là yếu tố "khuấy động" mỗi cuộc tranh luận trên mạng xã hội về các hoạt động thương mại không công bằng.

Cuộc chiến chân gà giữa Mỹ và Trung Quốc: Khi miếng ngon trở thành nguyên nhân châm ngòi cho những mâu thuẫn thương mại - Ảnh 3.

Chân gà trở thành chủ đề "nóng" tại WTO.

Từ trước tới nay, Mỹ và Trung Quốc thường đóng cửa thị trường thịt và gia cầm của nhau, do những lo ngại về an toàn thực phẩm. Ví dụ, thị trường thịt bò của Trung Quốc đã bị đóng cửa tại Mỹ sau khi bang Washington báo cáo về một trường hợp bò điên hồi năm 2003 và phải đến năm 2017 mới được mở lại. Tuy nhiên, khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001, họ nhanh chóng nhập khẩu chân gà từ Mỹ, con số này đã tăng tới hơn 50% mỗi năm, ngay sau khi Mỹ ra lệnh cấm nhập khẩu thịt gà Trung Quốc hồi năm 2004 do lo ngại về bệnh cúm gà. Đến năm 2009, gần 80% chân gà nhập khẩu ở Trung Quốc đều đến từ Mỹ.

Năm đó, Trung Quốc đưa ra quyết định: Như thế đã là quá đủ! Chính quyền Trung Quốc đã đệ đơn khiếu nại với WTO, hy vọng sẽ buộc Mỹ phải mở cửa thị trường trở lại cho thịt gà Trung Quốc. Họ cũng đánh thuế với chân gà Mỹ ở mức khá cao, với lý do chân gà Mỹ phá giá thị trường nước này và các nhà sản xuất trong nước không thể cạnh tranh được. Sau đó, lượng nhập khẩu gà của Trung Quốc giảm tới 80% và chính phủ Mỹ cũng khơi mào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc tại WTO. Thế nhưng, chân gà nhập khẩu vào Hồng Kông lại tăng vọt bởi hàng nhập lậu vẫn thường xuyên đi qua đặc khu hành chính này để vào Trung Quốc.

Cuộc chiến chân gà giữa Mỹ và Trung Quốc: Khi miếng ngon trở thành nguyên nhân châm ngòi cho những mâu thuẫn thương mại - Ảnh 4.

Trung Quốc đóng cửa thị trường thịt gà của Mỹ khiến số lượng tồn đọng hiện đang rất lớn.

Năm 2013, WTO đưa ra phán quyết có lợi cho Mỹ. Nhưng Trung Quốc vẫn chưa giảm mức thuế quan và năm 2016 Mỹ lại tiếp tục khiếu nại. Về cơ bản, hai nước bắt đầu thực hiện một thoả thuận cho phép tiếp cận thị trường đối ứng. Một giải pháp tiềm năng được đưa ra đó là Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu gia cầm và Mỹ sẽ đồng ý nhập khẩu một số sản phẩm thịt gà từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, mọi thứ vẫn chưa hề bằng phẳng, họ lại "vấp" phải dịch cúm gà một lần nữa. Đại dịch cúm lan tràn ở Mỹ khiến hàng chục quốc gia, trong đó có Trung Quốc, ra lệnh cấm khẩu thịt gà. Trong khi nhiều thị trường khác đã mở cửa trở lại cho thịt gà Mỹ, thì phía Trung Quốc vẫn chưa đưa ra động thái nào. Theo ông Aho, Trung Quốc dự kiến chỉ nhập 375 nghìn tấn các sản phẩm thịt gà vào năm 2019, thấp hơn nhiều so với con số 400 nghìn tấn chân gà đã nhập khẩu trước lệnh cấm này. Kết quả là, chân gà Mỹ không xuất khẩu được lại trở thành thức ăn cho động vật.

Hiện tại, thị trường Trung Quốc vẫn chưa mở cửa trở lại cho thịt gà Mỹ, nhưng các chuyên gia cho biết điều này sẽ sớm thay đổi. Mỹ hiện đang thúc đẩy Bắc Kinh dỡ bỏ lệnh cấm này khi thực hiện các cuộc đàm phán về chiến tranh thương mại. Các chuyên gia trong ngành còn tự tin rằng chân gà "cỡ bự" của Mỹ có thể vượt qua nhiều đối thủ cạnh tranh, nhưng hiện tại thì Mỹ vẫn đang đối mặt với hàng trăm tấn chân gà đang tồn đọng vì không thể xuất khẩu.

theo Gastro Obcura/ Trí Thức Trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/cuoc-chien-chan-ga-giua-my-va-trung-quoc-khi-mieng-ngon-tro-thanh-nguyen-nhan-cham-ngoi-cho-nhung-mau-thuan-thuong-mai-a78820.html