Cho đến thời điểm trút hơi thở cuối cùng thì sức ảnh hưởng của nữ doanh nhân này vẫn nguyên vẹn đối với thương trường, dù xuất phát điểm của bà từ con số không.
Bà Trần Thị Hường, người được biết đến nhiều hơn với tên gọi thân mật Tư Hường, chưa bao giờ vắng mặt trong danh sách các cuộc bình chọn về những người phụ nữ tiêu biểu, quyền lực của Việt Nam.
Sinh năm 1936 tại Bình Định, doanh nhân Tư Hường là một hiện tượng hiếm có về khả năng làm việc phi thường. Tuổi đời trên 80, bà là một doanh nhân thế hệ đầu vẫn trực tiếp điều hành doanh nghiệp.
Tập đoàn Hoàn Cầu của nữ doanh nhân này kinh doanh nhiều lĩnh vực, từ bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, đến trung tâm thương mại, ngân hàng và khu công nghiệp…
Sau nửa thế kỷ lăn lộn trên thương trường, tất cả cơ đồ đều được tạo dựng từ bàn tay một người phụ nữ xuất thân lam lũ với 12 lần sinh nở.
Trong một lần chia sẻ với tạp chí Forbes Việt Nam, bà kể rằng mình chưa học hết lớp 5 và đã phải đi làm thuê từ nhỏ, rồi làm đủ nghề từ buôn dầu dừa, đậu phộng, nhuộm đồ, đến máy may, buôn vải, mối rượu… để có tiền lo cho gia đình.
Sự nghiệp của bà bắt đầu rẽ lối năm 1979, khi gia đình chuyển vào TP.HCM. Với sự nhanh nhạy vốn có, bà tạo lập mối quan hệ kinh doanh khắng khít với Tổng công ty thủy sản Việt Nam (Seaprodex).
Vào thời điểm đó, tư nhân không được phép kinh doanh, bà tư vấn cho Bình Định thành lập hợp tác xã mua bán và thay mặt hợp tác xã này cung ứng thủy sản cho Seaprodex. Cách làm là ứng trước tiền cho ngư dân, sau đó thu mua lại sản phẩm.
Trong sự nghiệp kinh doanh của mình, bà Tư Hường tham gia vào rất nhiều ngành. Lĩnh vực nào trên thị trường có cơ hội sinh lời và được phép kinh doanh đều có sự góp mặt của bà.
Hiện nay, bà và các thành viên gia đình vẫn nắm giữ cổ phần chi phối tại Ngân hàng Nam Á. Và ở tuổi 80, bà vẫn là cố vấn của ngân hàng này. Ngoài ra, bà còn là chủ tịch của Tập đoàn Hoàn Cầu - chuỗi doanh nghiệp mạnh về bất động sản cao cấp.
Cách đây vài năm, nữ đại gia gần 80 tuổi này còn khiến cái tên Hoàn Cầu nổi đình đám với việc lần đầu tiên đưa cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ về Việt Nam, và mời nữ ca sĩ Lady Gaga đến biểu diễn.
Cùng với sự kiện nổi tiếng này là sự ra đời của khu resort Diamond Bay nổi tiếng ở Nha Trang.
Tham gia rất nhiều ngành nghề từ sớm, nhưng bước ngoặt lớn nhất trong kinh doanh của bà Tư chỉ diễn ra khi đất nước mở cửa, kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài. Nắm bắt thời cuộc, bà thành lập công ty, xin cấp giấy phép kinh doanh một số ngành hàng, sau đó bán cho nước ngoài.
Nổi bật nhất là thương vụ đầu tư dây chuyền nhà máy bia. Đầu thập niên 1990, bà nhờ con trai cả lúc đó đã định cư Canada, mua một dây chuyền sản xuất bia cũ, chuyển về Việt Nam.
Bà Tư Hường từng chia sẻ trước đây: “Đáng ra nhà máy phải đặt ở Bình Định, nhưng địa phương này coi mình là tư thương, không nhận. Sau đó, tôi đành chuyển nhà máy ra Khánh Hòa, nơi thủ tục thông thoáng hơn.”
Những năm 2006-2007, giới đầu tư Việt Nam dậy sóng trước bong bóng chứng khoán. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm của mình, bà Tư Hường và Hoàn Cầu đã đứng ngoài xu hướng và vẫn đứng vững trước những biến động của thị trường.
Công ty TNHH bia Khánh Hòa ra đời. Bà góp 45% vốn, phần còn lại là vốn của phía chính quyền địa phương bằng giá trị đất đai. Vài năm sau, bà bán nhà máy này lại cho tập đoàn San Miguel (Philippines) với giá 24 triệu USD. Bà tiết lộ riêng mình lãi 5 triệu USD.
Từ thành công này, chiến lược tiếp theo của bà Tư Hường được định hình rõ ràng, là xây dựng công ty và chuyển nhượng.
Không lâu sau đó, bà xây dựng nhà máy Sài Gòn Cola (Thủ Đức, TP.HCM). Sau đó, nhà máy này được bán cho Tập đoàn Coca-Cola với giá 15 triệu USD, bà cũng thu về khoảng 2 triệu USD tiền lãi.
Thị trường trong giai đoạn mở cửa, các nhà đầu tư nước ngoài chọn cách mua lại công ty có sẵn thay vì xây dựng. Vì vậy, thương vụ tiếp theo thành công của “lão bà” Tư Hường là bán lại nhà máy nhà máy sản xuất nước tăng lực Lipovitan thu về hàng triệu USD.
Sự nắm bắt nhanh nhạy xu thế là bí quyết để chiến lược kinh doanh của người đàn bà quyền lực này luôn được tối ưu về lợi nhuận.
Nếu lĩnh vực M&A cho thấy khả năng linh hoạt xoay chuyển trước những khó khăn của thị trường, thì bất động sản lại là việc tính toán tốt điểm rơi của thị trường để tìm kiếm lợi nhuận.
Không phải ngành nghề khởi nghiệp nhưng tài sản lớn nhất của bà Tư Hường hiện nay tích tụ ở địa ốc. Giới kinh doanh bất động sản xem bà như “bà trùm” nhờ khối bất động sản tích lũy suốt 3 thập kỷ qua.
Bà đã biết mua thu gom bất động sản ở những vị trí mà nhiều người không ngờ được là về sau trở thành đắt giá. Đó là cơ sở khiến số lượng bất động sản đại gia này sở hữu đang có một con số không lồ về lợi nhuận gia tăng từ đất.
“Bà trùm địa ốc” từng tiết lộ quá trình tích tụ địa ốc bắt đầu rất sớm. Có thể kể đến tòa nhà trụ sở ngân hàng Nam Á, mặt tiền ngang 100 m (quận 3, TP.HCM) được gộp từ căn nhà số 201 và 203 đường Cách Mạng Tháng 8. Cả hai được mua cách đây trên 30 năm với giá chỉ vài chục cây vàng.
Tại Khánh Hòa, bên cạnh Diamond Bay, Hoàn Cầu có triển khai 10 dự án khác với quỹ đất lên tới 1.600 ha. Hầu hết giá vốn đất đai của Hoàn Cầu rất thấp do được đầu tư sớm. Chẳng hạn, cách đây hơn gần 20 năm gia đình bà đã bỏ ra 22 tỷ đồng (khoảng 4.200 lượng vàng) để mua 2.365 ha đất tại Long An.
Theo các thống kê nội bộ của Hoàn Cầu khắp các tỉnh thành từ Bắc-Trung-Nam, khối tài sản gia đình bà Tư Hường sở hữu hiện nay như cao ốc Kim Mã (Hà Nội), Trung tâm thương mại Quy Nhơn (Bình Định), Daimond Bay và Nha Trang Center (Nha Trang), khu biệt thự Núi Nhỏ (Vũng Tàu) rồi ở Gia Lai, Bình Phước…
Tại TP.HCM, ngoài việc liên doanh liên kết với một số đơn vị phát triển dự án Hoàn Cầu Cantavil, tập đoàn cũng phát triển các dự án dân cư tại quận 7 (Tân Thuận Tây), Gò Vấp… chưa kể địa ốc ở nhiều vị trí đắc địa thuộc khu trung tâm.
“Có một nghịch lý ở ngành địa ốc, nhiều doanh nhân được liệt vào hàng đại gia nhưng rất ít sản phẩm. Bà Tư Hường trong số này”, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành nói.
Nhờ tiềm lực tài chính mạnh, bà Tư Hường còn đấu thầu, chấp nhận trả trước 5 năm một lần cho Công ty yến sào Khánh Hòa để thu mua sản phẩm trên toàn tỉnh.
Những năm trước, bà đã về Bình Định đấu thầu khai thác đảo yến, với cam kết sau 5 năm nâng sản lượng khai thác lên 2 tấn, gấp 4 lần lúc bà ký hợp đồng.
Bà từng cho biết: “Tài sản của chúng tôi là thật, không bong bóng” và nổi tiếng là người không thích thanh toán qua ngân hàng mà muốn nhận bằng vàng, tiền mặt.
Sự nghiệp kinh doanh lẫy lừng với hàng loạt thương vụ lớn cùng quỹ tài sản trải dài trên nhiều tỉnh thành, bà Tư Hường là nhân vật được kính nể trong giới kinh doanh.
Kín tiếng với truyền thông, trong lần chia sẻ hiếm hoi của mình, "lão bà thép" từng khẳng định sản nghiệp được gây dựng bấy lâu nay đều nhờ công sức của bà mà có.
"Tôi đi lên là nhờ buôn bán bất động sản. Khi bước vô nghề, rất chông gai, phải chịu khó đủ chuyện".
Bà cũng khẳng định sự nghiệp của mình được gầy dựng từ bản thân, không lợi dụng ai hay quan chức nào.
"Bước chân tôi đi từng bước, ngoài ra không lợi dụng ai, ông nào. Tự tôi đi, thấy chân không vững thì không đi. Nếu có nhờ là khi tôi thấy việc đó đúng thì yêu cầu Nhà nước ký cho tôi, đó là nhờ về giấy tờ thôi."
Bình Nguyên - Quang Thắng
Theo Zing
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/doanh-nhan-tu-huong-hoc-lop-5-dung-de-che-nghin-ty-a79011.html