Sau nhiều lần thất bại, 2 chàng trai người Mỹ - Bert và John Jacobs - đã kiếm được hàng triệu USD với những chiếc áo thun in thông điệp “Life is Good”.
Sau nhiều lần thất bại, 2 chàng trai người Mỹ - Bert và John Jacobs - đã kiếm được hàng triệu USD với những chiếc áo thun in thông điệp “Life is Good”.
Bert và John Jacobs là hai con út của gia đình có sáu anh chị em, gia cảnh khó khăn. Mỗi buổi tối, mẹ sẽ yêu cầu các anh em “kể về điều gì đó tốt đẹp đã xảy ra trong ngày hôm nay”. Chính điều này đã trở thành nguồn cảm hứng cho cuộc sống của cả gia đình.
“Thay vì phàn nàn, than trách những vấn đề gặp phải hay mở ra những cuộc khẩu chiến như nhiều gia đình khó khăn khác, mẹ chỉ tập trung cho mọi người hướng vào những điều tích cực”, họ viết trong sách “Life is Good” mà hai anh em đồng tác giả, ra mắt vào năm 2015.
Sự lạc quan càng đặc biệt quan trọng với những đứa trẻ ở độ tuổi tiểu học khi bố mẹ họ cận kề cái chết sau một tai nạn giao thông. Ông bà đã bước qua cánh cửa tử thần trong gang tấc, nhưng người mẹ bị gãy xương và người bố mất khả năng sử dụng cánh tay phải.
Những căng thẳng và khó khăn về thể xác đã khiến ông trở thành một người nóng nảy, thường la mắng mọi người. Nhưng dù rất nhiều điều tồi tệ diễn ra khắp ngôi nhà bé nhỏ, người mẹ vẫn ca hát và kể chuyện cho các con nghe hằng đêm.
“Sự lạc quan luôn tồn tại trong gia đình tôi dù ngoài điều này chúng tôi chẳng còn nhiều những thứ khác”, họ mô tả.
Năm 1988, hai anh em quyết định thực hiện một chuyến đi bảy tuần khởi đầu từ California - nơi John tham gia một khóa học trao đổi, rồi trở về quê hương Boston. Mục tiêu của chuyến đi là tìm cho ra điều họ muốn làm cả cuộc đời này. Thời điểm đó, Bert 23 tuổi, còn John vừa mới 20.
Anh em nhà Jacobs bắt đầu chuyến đi với một xấp tiền mỏng, một chiếc bản đồ nước Mỹ và lên đường mà không có kế hoạch định sẵn. Nhưng cuộc hành trình đã có tác dụng. Họ không chỉ bơi lội ở những bờ biển đẹp nhất miền Nam nước Mỹ mà còn gặp gỡ những người bạn thú vị, chơi bóng chuyền ở bãi biển Venice, Los Angeles. Hai anh em đã tìm ra được mục tiêu của cuộc đời mình là cùng nhau kinh doanh một thứ gì đó thật sáng tạo.
“Chuyến đi đã giúp chúng tôi khám phá những vùng đất, con người và trải nghiệm mới. Nhờ đó, hai anh em mở rộng tư duy để nghĩ rằng chẳng lý do gì mà không thử kinh doanh với nhau, dù điều này có vẻ rất điên rồ trong mắt mọi người”.
Khi quay về Boston, họ trở lại sống cùng bố mẹ và bắt đầu bán những dạng áo thun có thiết kế khác nhau với tên “Jacob's Gallery” tại các khu nhà cho sinh viên và khắp các hội chợ đường phố ở Boston.
Cả hai cho rằng sinh viên là đối tượng khách hàng mục tiêu nhưng trên thực tế, sự kết nối lại không hề có. Không muốn quay đầu lại, họ quyết định mua một chiếc xe Plymouth Voyager cũ với giá 2.100 USD, đi xuống vùng biển phía Đông và đến những trường đại học gần đó mỗi đêm để bán hàng.
“Chúng tôi thử và thất bại hàng nghìn lần”, Bert mô tả. Họ tự đánh giá những thiết kế của mình không có gì đặc sắc và sinh viên thì không có nhiều tiền cho những chiếc áo thun rất bình thường. Nơi ngả lưng mỗi đêm của hai anh em là trên chính chiếc xe bán hàng của mình.
Trong hành trình khởi nghiệp gian nan, Bert bị bạn gái nói lời chia tay bởi những lời răn đe của người thân. “Cậu ấy đã gần 30 tuổi rồi mà còn phải sống trong một chiếc xe cùng em trai. Con cần phải nhìn nhận thực tế này”, người mẹ của cô gái đưa ra lý lẽ.
Đó không phải người duy nhất ngờ vực về con đường của anh em nhà Jacobs. Tuy nhiên, cải hai biết rằng nếu nghe những điều đó thì buộc phải trở lại với hiện thực, lựa chọn một con đường an toàn và bỏ lỡ những tiềm năng thật sự của mình.
Suy nghĩ này đã tiếp thêm động lực cho họi tổ chức một buổi tiệc sau khi trở về từ mỗi chuyến đi, bất chấp kết quả doanh số là thế nào đi nữa. Ở đó, Bert và John mời mọi người uống bia miễn phí và kể những câu chuyện thú vị, đổi lại họ nhận những phản hồi chân thành của bạn bè về ý tưởng của những chiếc thun.
Sau một chuyến đi thất bại đến nỗi tài khoản ngân hàng chỉ còn 78 USD, họ vẫn quyết định tổ chức một bữa tiệc và xem nó có lẽ là lần cuối. Hai anh em chia sẻ một mẫu áo thực hiện trên đường trở về và trình bày quan điểm rất ghét những chuyện tiêu cực. Họ kể cho mọi người những khó khăn khi phải cố gắng thật tích cực trong một thế giới đầy những chuyện tiêu cực.
“Nhưng sẽ thế nào nếu có ai đó luôn luôn vui vẻ bất kể chuyện gì đang xảy ra”, họ tự hỏi. John ngay lập tức vẽ ra nhân vật là một chàng trai tên Jake có vẻ ngoài du mục đội chiếc mũ nồi, mang kính và nở nụ cười to. Thiết kế trở thành điểm nhấn của bữa tiệc ngày hôm đó.
Một người than dự bình luận: “Cậu chàng này có cuộc sống thật thật vô ưu”. Hai anh em nhanh chóng nghĩ ra câu “Life is Good” (cuộc sống tươi đẹp), in 48 chiếc áo thun và bán tại một hội chợ đường phố ở Cambridge, Massachusetts vào năm 1994.
Tất cả những chiếc áo đã được bán hết trong vòng một giờ, ngay cả hai chiếc mà Bert và John đang mặc trên người. Cuối cùng, họ đã tìm được thông điệp muốn chia sẻ và được mọi người yêu thích. Anh em nhà Jacobs giải thích thông điệp của mình không có nghĩa cuộc sống là dễ dàng và hoàn hảo, câu nói đó “chỉ đơn giản là cuộc sống tươi đẹp”.
“Kết quả đã xác nhận tất cả những điều mà chúng tôi hy vọng: Mọi người muốn được sống trong một thế giới tràn đầy những điều tích cực. Khi cố gắng, bạn có thể thành công hoặc học hỏi được những bài học đáng giá. Một khi đã có cả hai, bạn sẽ là người chiến thắng”, họ trải lòng.
Khi anh em nhà Jacobs tìm ra thiết kế gây được tiếng vang với khách hàng, việc kinh doanh ngày càng thăng hoa. Chỉ trong ba năm, công ty tạo ra doanh thu một triệu USD. Đến năm 2007, họ chạm mốc doanh số 100 triệu USD. Công ty không chỉ bán áo thun mà sau đó phát triển thêm các sản phẩm khác như đồ ngủ, phụ kiện và đồ thiết kế trong nhà.
Life is Good từ chối tiết lộ doanh thu năm 2017, chỉ nói rằng việc kinh doanh đang ở “giai đoạn khỏe mạnh”. Công ty đã trích 10% lợi nhuận hằng năm cho các hoạt động từ thiện giúp đỡ các trẻ em còn khó khăn và thiếu thốn trong cuộc sống.
Đến nay anh em Jacobs vẫn là chủ sở hữu kiêm những người vận hành công ty có trụ sở tại Boston với 178 nhân viên. Các sản phẩm của họ được bán ở 2.500 cửa hàng tại Mỹ, Canada và giao hàng khắp thế giới.
Mặc dù việc kinh doanh đã mở rộng hơn rất nhiều so với ban đầu, Bert Jacobs nói mục tiêu của họ vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu là lan tỏa thông điệp tích cực.
“Đó là sứ mệnh quan trọng hơn bất cứ thứ gì”, Bert nhấn mạnh.
Theo Báo Doanh Nhân Sài Gòn
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/kiem-trieu-usd-tu-ao-thun-in-thong-diep-tich-cuc-a80284.html