Trên thực tế, không phải mọi công việc bạn đã chọn đều là nghề nghiệp lý tưởng cho bạn nhưng hằng tháng bạn vẫn phải đóng tiền hoá đơn, lấy kinh nghiệm, mua bảo hiểm... Khi bạn ghét bỏ và coi công việc như một hình thức tra tấn, bạn nên nhớ rằng mình đã chọn nó để có khả năng đáp ứng những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của bạn.
Việc thức dậy và đến nơi làm việc sẽ rất dễ dàng nếu bạn hào hứng với công việc của mình. Còn nếu bạn coi việc đi làm như một cực hình thì chuyện có động lực như vậy là bất khả thi. Điện cáo ốm gửi sếp với tần suất dày hơn. Lười biếng ở chỗ làm, chơi game, xem phim cũng nhiều hơn. Chuỗi việc vô bổ này giải phóng bạn tự do tức thì khá là hiệu quả nhưng về lâu dài bạn sẽ phải đối mặt với vòng tuần hoàn không có điểm dừng: Công việc của bạn sẽ càng ngày càng tệ nếu bạn chán nản và nghĩ mình không làm được việc.
Đây chưa hẳn đã là một dấu hiệu báo hiệu bạn cần nhảy việc, đôi khi những công việc lý tưởng nhất cũng có những giai đoạn hết sức gian nan. Tuy nhiên, bạn có thể tính đến trường hợp này trong trường hợp quá mệt mỏi và không còn cách giải quyết. Nhưng trước bước đường cùng này, bạn vẫn nên hoàn thành nhiệm vụ của mình với công việc hiện tại. Trong khi bạn cân nhắc các phương án (hoặc cố hâm nóng lại nhiệt huyết đã mất của mình), có lẽ bạn sẽ cần một số chú ý nhỏ để duy trì động lực. Sau đây là một số cách để mỗi ngày đi làm của bạn trôi qua dễ dàng hơn.
Xác định nguyên nhân làm bạn chán ghét công việc
Chán việc thường là triệu chứng do một nguồn gây stress nào đó. Có thể bạn không hợp với phong cách quản trị của sếp, bạn đang bế tắc trong một dự án nào đó hoặc bàn làm việc của bạn được xếp ở một góc quá tối, bạn không nhận đủ ánh sáng mặt trời nên sinh cáu bẳn.
Bất kể nguyên nhân là gì, bạn phải tìm ra nó trước khi bắt tay cải thiện tình hình. “Để lấy lại hứng thú trong công việc, bạn cần loại bỏ những nhân tố làm bạn căng thẳng và quyết định xem mình có thể thay đổi chúng hay không”, nhà tâm lý học Susan Krauss Whitbourne, nguyên giáo sư tại Trường đại học Massachusetts, Amherst chia sẻ.
Theo bà Whitbourne: “Có thể bạn không ưa thích những nhiệm vụ cụ thể mà công việc đòi hỏi bạn phải làm - chẳng hạn bạn ghét phải nói trước đám đông vì bạn là một người hướng nội nhưng công việc lại buộc bạn phải trở thành một người hướng ngoại. Trong trường hợp này, bạn không thể thay đổi bản chất của công việc. Nhưng nếu nguyên nhân là một yếu tố không liên quan chặt chẽ đến bản chất công việc, nó có thể được thay đổi hoặc sửa và bạn có thể kiểm soát nó, bạn sẽ tìm lại hứng thú với công việc dễ dàng hơn.
Bạn phải tự hỏi ‘Tại sao ngày xưa mình lại chọn việc này, mình thay đổi điều mình ghét thì có sao không?’.
Nếu bạn đang cảm thấy bế tắc vì góc làm việc của bạn quá tù túng, giờ làm cứng nhắc, quãng đường đi làm quá xa xôi hay đồng nghiệp bàn bên nói quá to, bạn đang đối mặt với những vấn đề có thể giải quyết. Bạn có thể vui vẻ với công việc của mình hơn nếu bạn không tập trung nhiều vào những yếu tố ngoại cảnh khiến bạn mệt mỏi. Những rắc rối này có thể được tháo gỡ, ví dụ bạn xin đổi chỗ ngồi đến một nơi khác, mua một chậu cây và trang trí lại góc làm việc của mình.”
Còn nếu những nhiệm vụ hằng ngày đang làm bạn chán nản, vấn đề của bạn rắc rối hơn nhiều. Trong trường hợp này…
Nhớ lại lý do bạn lựa chọn công việc hiện tại
Về mặt lý thuyết, bạn nên chọn một hướng đi sự nghiệp mà bạn thấy hứng thú và phù hợp với khả năng của mình. Nói rộng ra, mỗi công việc trong định hướng nghề nghiệp đó phải thú vị và tạo thuận lợi cho người thực hiện được phô diễn hết khả năng của họ.
Trên thực tế, không phải mọi công việc bạn đã chọn đều là nghề nghiệp lý tưởng cho bạn nhưng hằng tháng bạn vẫn phải đóng tiền hoá đơn, lấy kinh nghiệm, mua bảo hiểm... Khi bạn ghét bỏ và coi công việc như một hình thức tra tấn, bạn nên nhớ rằng mình đã chọn nó để có khả năng đáp ứng những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của bạn.
Theo nhà trị liệu tâm lý Bryan Robinson, tác giả cuốn #Chill: Turn Off Your Job and Turn On Your Life (tạm dịch #Bớt nóng: Thôi việc và bắt đầu cuộc sống) chia sẻ: “Khi chúng ta nói với mình rằng ‘Mình không phải làm việc này cả đời. Mình chỉ làm hôm nay thôi. Là mình đã chọn công việc này’ bên trong bạn sẽ có sự thay đổi. Nhiều người khi chán ghét công việc của mình, họ quên luôn lý do tại sao họ có mặt ở đây và cách họ đạt được nó. Hãy nhắc mình rằng đó là thứ bạn đã chọn. Mới nghe có vẻ kỳ lạ nhưng việc này giúp thay đổi góc nhìn của bạn.”
Còn theo nhà tâm lý Goali Saedi, chuyên gia trị liệu cá nhân về các vấn đề liên quan đến công việc: “Thường thì công việc của bạn luôn có những lợi ích hoặc điểm nổi bật gì đó. Chẳng hạn ‘Ừm, tôi làm việc này vì nó không quá áp lực, tôi có thể dành nhiều thời gian hơn cho sở thích viết lách.’ Bạn có thể đã nhận công việc hiện tại vì giờ giấc linh hoạt hoặc vì chế độ bảo hiểm hấp dẫn.”
Rất dễ để quên những lợi thế công việc đem lại giữa bộn bề áp lực hằng ngày nhưng việc bạn nhớ về chúng sẽ gợi nhớ cho bạn về mục đích ban đầu của mình. Saedi Bocci nói: “Đôi khi bạn bị sao nhãng và bạn quên mất ý định ban đầu khi bạn lựa chọn công việc hiện tại.”
Đối mặt với nỗi sợ
Có một hiện tượng khá phổ biến ở những viên chức ngày đi làm 8 tiếng thường được gọi là “sợ thứ Hai”, một niềm chán nản cuộn trào khi nghĩ đến việc phải quay lại với guồng quay công việc sau 2 ngày cuối tuần. Nỗi ám ảnh này không dễ chịu chút nào và như Robinson chỉ ra, phần lớn đó chỉ là suy nghĩ trong đầu bạn. Có thể tuần trước trôi qua rất buồn tẻ nhưng biết đâu sang tuần này bạn sẽ được nhận một dự án hay ho, được sếp khen ngợi hoặc có một buổi đi chơi vui vẻ với người đồng nghiệp. Theo Robinson: “Cách chúng ta nghĩ về công việc của mình chính là chìa khoá. Nếu bạn để sự ghét bỏ, nỗi sợ lấn át thì lời tiên tri đó trúng phóc.”
“Mọi chuyện không diễn ra như thế. Chỉ là bạn đang làm mọi thứ trở nên như thế.” Vậy thì bạn cũng có thể làm nó không xảy ra.
Nếu bạn cứ giữ tâm trạng chán nản khi thứ Hai cận kề, hãy tự nhắc mình rằng tuần làm việc tới của bạn sẽ tệ đúng như bạn dự đoán. Robinson chia sẻ: “Trên khía cạnh sức khoẻ tinh thần, chúng tôi động viên người đến trị liệu tâm lý nói chuyện với chính con người bên trong họ. Trò chuyện với thứ bạn ghét. Bảo nó thả lỏng và hãy rời đi.”
Chọn ra một điều về công việc của mình mà bạn thấy thích
Ngay cả khi bạn ghét công việc đang làm, vẫn phải có ít nhất một điều mà bạn có thể chấp nhận được. Nếu bạn tập trung vào khía cạnh này, sự chú ý của bạn sẽ chuyển khỏi những yếu tố gây khó chịu khác trong công việc. “Đó không cần là một điều gì quá to tát. Có thể là một người bạn rất yêu quý, thời gian nghỉ trưa, gì cũng được”, Robinson nói.
Anh ấy cũng nói: “Việc bạn sợ hoặc chán ghét một điều gì đó giống như khi bạn đang phóng ống kính máy ảnh lên vậy, bạn không thể nhìn ra những thứ xung quanh điểm bạn phóng gần vào. Nhưng nếu bạn lùi lại và nhìn toàn cảnh, về mặt tâm lý, bạn sẽ gạt được một số cảm xúc tiêu cực. Khi bạn nhận ra bạn yêu những bồn hoa đặt trên lối đi vào cửa chính, yêu bài hát được bật vào giờ nghỉ ở chỗ làm, suy nghĩ của bạn sẽ thay đổi. Điều này không giải quyết triệt để vấn đề nhưng nó sẽ khiến bạn dễ chịu hơn trong giai đoạn cân nhắc để đưa ra quyết định nên đi hay ở.”
Dành thời gian cho những đam mê khác của bạn
Không hiếm những người thực sự thành công dành cả ngày của mình để theo đuổi các mục tiêu sự nghiệp, họ bận rộn đến nỗi dường như mọi sở thích đều được gạt qua một bên. Tuy nhiên thì nhìn chung, ai cũng nên có cho mình một thú vui nào đó. Theo nhà tâm lý Daedi Bocci, một sở thích “có thể đem đến cho bạn niềm vui, năng lượng và cân bằng mọi chuyện (ở chốn công sở).”
Thậm chí bạn còn có thể muốn kiếm thu nhập từ sở thích của mình để bạn có thêm một con đường khi quá mệt mỏi với công việc hiện tại. “Khi bạn cảm thấy bế tắc, việc có một nghề tay trái khiến bạn lạc quan hơn vì ít ra bạn cũng làm được việc gì đó tạo ra giá trị và nó cân bằng lại sự chán chường của bạn”, Daedi chia sẻ. “Tôi thấy nhiều người kinh doanh các mặt hàng handmade. Một trong những khách hàng đến trị liệu tại chỗ tôi còn kinh doanh thêm với nghề in áo phông.”
Tìm kiếm một công việc mới
Đôi khi công việc bạn đã chọn không phải là một sự lựa chọn đúng đắn. Nếu bạn đã thử tất cả những phương pháp kể trên mà bản thân vẫn chưa thể tìm lại hứng thú với công việc, đây là lúc bạn đi tìm một công việc mới. Điều này hoàn toàn có cơ sở nếu nỗi sợ bắt đầu ảnh hưởng đến bạn về mặt thể chất. Theo Robinson, một số triệu chứng cần cảnh giác là: “Lo lắng và/hoặc trầm cảm, gặp ác mộng, mất ngủ. Chắc chắn là cả những bệnh lý về tâm lý như các vấn đề về đường tiêu hoá, hoảng loạn.”
Việc tìm kiếm một công việc mới có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của những triệu chứng kể trên. Theo bà Whitbourne, “Bạn nên lập cho mình một thời gian biểu, chăm chút cho bộ hồ sơ, tham khảo ý kiến của người quen, đặt cho mình một số deadline khi nào cần hoàn thành những đầu việc cụ thể. Bạn sẽ thấy mình kiểm soát mọi việc tốt hơn thay vì chìm nghỉm trong cảm giác bất lực.”
Sau cùng, tác giả Bryan Robinson của cuốn #Chill: Turn Off Your Job and Turn On Your Life chốt lại rằng, điều quan trọng nhất, dù không phải là tuyệt đối trong mọi trường hợp, là bạn được quyền lựa chọn công việc của mình. “Bạn chọn mình sẽ bắt đầu với công việc nào. Nó không tự xảy ra. Là bạn biến mọi chuyện diễn ra theo cách đó.” Bạn cũng có thể làm nó không xảy ra nếu muốn.
Phương Thảo
Theo Trí Thức Trẻ