Ngày 25/3, ông Lê Minh Quốc, người vừa bị Hội đồng quản trị Eximbank ra quyết định bãi nhiệm chức Chủ tịch HĐQT 3 ngày trước đó đã chính thức lên tiếng về việc bầu tân Chủ tịch HĐQT tại Eximbank là bà Lương Thị Cẩm Tú - nguyên CEO Nam A Bank.
Bất ngờ thay Chủ tịch HĐQT Eximbank
Theo công bố của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã: EIB), HĐQT đã họp và ra Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQQ-HĐQT ngày 22/3/2019 về việc thay đổi nhân sự thành viên HĐQT.
Theo đó, HĐQT Eximbank đã thông qua bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Minh Quốc kể từ ngày 22/3/2019.
Đồng thời, HĐQT Eximbank đã bầu bà Lương Thị Cẩm Tú giữ chức Chủ tịch HĐQT thay cho ông Quốc kể từ ngày 22/3/2019.
Ông Quốc có trách nhiệm bàn giao đầy đủ công việc, tài liệu và các vấn đề có liên quan của HĐQT cho Chủ tịch HĐQT mới vừa được bầu, hoàn tất trong vòng 5 ngày kể từ ngày nghị quyết có hiệu lực.
Động thái thay đổi Chủ tịch HĐQT Eximbank diễn ra ngay trước thềm Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 (dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 26/4/2019 tới đây tại TP.HCM).
Trước đó, tháng 12/2015 sau khi họp ĐHCĐ bất thường, các thành viên HĐQT Eximbank đã thống nhất bầu ông Lê Minh Quốc làm Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 6 (2015 - 2020).
Ông Lê Minh Quốc khi đó, được cho là ứng viên do nhóm cổ đông sở hữu 11,28% cổ phần Eximbank đề cử chạy đua vào HĐQT, trong đó có 8,19% cổ phần EIB thuộc sở hữu của Vietcombank - nơi ông Quốc từng làm Giám đốc chi nhánh Biên Hoà.
Lê Minh Quốc làm Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 6 (2015 - 2020). Ông Lê Minh Quốc là thành viên độc lập do HĐQT đề cử. Ông Quốc sinh năm 1951, quốc tịch Việt Nam và Canada, tốt nghiệp cử nhân ngành Quản trị kinh doanh của một trường tại Thụy Sĩ.
Kinh nghiệm làm việc của ông Lê Minh Quốc: nhân viên, chuyên viên, Trưởng phòng, giám đốc, Phó tổng giám đốc Ngân hàng BNP Canada (Canada); Giám đốc phụ trách tài trợ thương mại vùng châu Á, Úc và Ấn Độ của Ngân hàng BNP Nationale de Paris (Pháp); Giám đốc phụ trách tài trợ thương mại vùng châu Á, Úc và Ấn Độ của Ngân hàng BNP Paribas (Singapore); Giám đốc điều hành BNP Paribas Đài Loan; Tổng giám đốc BNP Paribas Việt Nam; Phó Tổng giám đốc, Phó trưởng ban kiểm soát Ngân hàng TMCP Phương Đông; Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Âu Lạc.
Câu chuyện trên đưa tới dự báo rằng, kỳ họp đại hội cổ đông tới đây của Eximbank sẽ “nóng bỏng” không kém kỳ họp hồi năm 2015 khi thực hiện bầu nhân sự, phân chia quyền lực tại đây.
Cựu Chủ tịch Lê Minh Quốc nói gì?
Trước quyết định bất ngờ bị phế truất khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT và thay bằng “sếp cũ” của Nam A Bank, ông Lê Minh Quốc đã có “Tâm thư” gửi báo chí và chia sẻ thêm thông tin về những “hiện tượng lạ” đang diễn ra trong hoạt động điều hành của Eximbank.
Theo ông Quốc, trong vòng 3 năm qua (từ năm 2016 đến nay), Eximbank hoạt động trong bối cảnh khó khăn, song vẫn đạt được kết quả và tăng trưởng nhất định.
Đặc biệt, “trong công tác quản trị Ngân hàng, HĐQT Eximbank luôn chủ trương tuân thủ các quy định của pháp luật và tuân thủ Điều lệ Eximbank nên đã giữ được sự ổn định và phát triển qua rất nhiều biến cố”, ông Quốc viết.
Cũng theo ông Quốc, ngày 22/3/2019, một nhóm thành viên HĐQT họp và đưa ra quyết định miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Quốc để bầu bà Tú làm Chủ tịch HĐQT.
Trước đó, ông Quốc cho biết, ngày 11/3/2019, ông đã có Đơn xin cứu xét gửi lên Ngân hàng Nhà nước để phản ánh tình hình bất ổn trong thành viên HĐQT Eximbank và các sai phạm của nhóm thành viên HĐQT, nhằm xin can thiệp “khẩn cấp và triệt để nhằm bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật, giúp ổn định hoạt động của Eximbank nói riêng và đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia nói chung”.
“Ngày 19/3/2019, tôi nhận được email từ Văn phòng HĐQT gửi tài liệu kèm Thư triệu tập phiên họp HĐQT ngày 22/3/2019 (Thư triệu tập đề ngày 15/3/2019 và do 5 thành viên HĐQT ký tên). Cũng trong ngày này, tôi đã nhận được văn bản của Chánh Thanh tra, Giám sát ngân hàng đã yêu cầu Chủ tịch HĐQT, HĐQT Eximbank gửi toàn bộ hồ sơ tài liệu (liên quan đến nội dung của Đơn cứu xét của tôi) về Cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng để được xem xét và giải quyết”, ông Quốc viết trong nội dung thông báo gửi đến báo chí.
Ông Quốc cho biết, ngày 20/3/2019, ông đã có văn bản yêu cầu không thực hiện cuộc họp HĐQT vào ngày 22/3/2019 do nhóm 5 thành viên HĐQT triệu tập. Nhưng cuộc họp này vẫn diễn ra, thông qua việc bãi nhiệm ông và bầu bà Tú đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT.
"Tôi cho rằng, trong phiên họp ngày 22/3/2019 của nhóm thành viên HĐQT Eximbank không có giá trị pháp lý, những nghị quyết của nhóm thành viên HĐQT Eximbank ban hành tại phiên họp ngày 22/3/2019 không có hiệu lực pháp luật. Bằng trách nhiệm của mình, tôi sẽ hợp tác với các cơ quan để làm rõ", ông Quốc viết.
Đến nay, Eximbank vẫn có cổ phần của nhà nước do Vietcombank sở hữu 8,19% vốn điều lệ, cùng với cổ đông chiến lược Nhật Bản là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) sở hữu 15%…, đã hỗ trợ hoạt động ngân hàng qua cơn khủng hoảng.
Nói về cổ đông lớn chiến lược nước ngoài lớn nhất của Eximbank là SMBC có ủng hộ Chủ tịch mới không, ông Lê Minh Quốc cho hay “điều này chỉ SMBC mới hiểu”, bởi ông nhiều lần yêu cầu trao đổi trực tiếp với lãnh đạo SMBC Tokyo nhưng “họ đã né tránh” một cách khó hiểu…
"Từ trước tới nay, tôi luôn tin tưởng SMBC là cổ đông nước ngoài, sở hữu 15% và có hai thành viên trong HĐQT Eximbank. Nhưng gần đây, tôi thực sự không hiểu động thái của họ khi mà một thành viên HĐQT là ông Saitoh đột nhiên xin từ chức, trong khi ông Saitoh có tinh thần trách nhiệm rất cao và đóng góp vào sự phát triển của hệ thống, kéo theo các biến động trong các phiên họp mà không có đầy đủ thành viên, dẫn đến một số ủy quyền và điều này vô hình chung tạo cơ hội cho việc tổ chức ra phiên họp trái phép, sai thủ tục như trong thời gian qua", ông Quốc cho biết thêm.
Theo ông Quốc, vài tháng trước, SMBC đề xuất thuê tư vấn để hỗ trợ quy trình đánh giá năng lực của thành viên HĐQT Eximbank, sẽ giúp đỡ cho Chủ tịch HĐQT trong việc đánh giá hoạt động của các thành viên HĐQT theo luật định.
Sau đó SMBC lại đề xuất thành lập một ủy ban độc lập để giám sát quá trình triển khai dự án cũng như kết quả khuyến nghị của các đơn vị tư vấn.
“Nhưng thành phần của ủy ban độc lập lại chủ yếu là người của SMBC và của một nhóm cổ đông, không đại diện cho đa số cổ đông dẫn đến kết quả đánh giá thiên vị cho một nhóm cổ đông và gây bức xúc cho nhiều cổ đông khác về mục đích triển khai dự án cũng như tính minh bạch, khách quan của các khuyến nghị”, ông Quốc nói.
Nguyên Chủ tịch Eximbank cũng nhắc lại tin đồn xuất hiện hồi năm 2015 rằng Nam A Bank sẽ sáp nhập vào Eximbank và giữa các nhóm cổ đông của Eximbank có sự mâu thuẫn.
Cá nhân ông cũng có nghe tin đồn về việc Nam A Bank và các nhóm liên quan có tỷ lệ sở hữu lớn Eximbank và có ý định sáp nhập hai ngân hàng.
Trên thực tế, trong 3 năm qua, Eximbank và Nam A Bank chưa có bất cứ động thái hay xác nhận thông tin về chủ trương sáp nhập hai ngân hàng.
Tuy nhiên, vào tháng 4/2018, bà Lương Thị Cẩm Tú (nguyên Tổng giám đốc Nam A Bank) bất ngờ được bầu vào Thành viên HĐQT Eximbank, gây xôn xao thị trường ngân hàng.
Cũng theo ông Quốc, từ khi bà Tú tham gia vào HĐQT Eximbank thì công tác điều hành hoạt động của HĐQT gặp nhiều trở ngại.
Ông Lê Minh Quốc cho rằng, cuộc họp HĐQT ngày 22/3/2019 về việc bãi nhiệm chức Chủ tịch HĐQT đối với ông là “không có giá trị pháp lý”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán về "tâm thư" của ông Quốc, bà Lương Thị Cẩm Tú, tân Chủ tịch HĐQT Eximbank cho biết, việc HĐQT Eximbank họp bầu bà vào ghế Chủ tịch Eximbank là theo quy định và hợp pháp. Eximbank sẽ sớm gửi thông báo đến truyền thông hôm nay để làm rõ về vụ việc ông Lê Minh Quốc nêu ra như trên.
Đầu tư Chứng khoán
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ong-le-minh-quoc-nguyen-chu-tich-hdqt-eximbank-buc-xuc-vi-bi-mat-nghe-dot-ngot-a80466.html