“Sống chết có số, phú quý do trời” - Daiso và triết lý không họp hành, không chiến lược, bán đồng giá vì lám biếng đỡ phải dán nhãn!

Hirotake Yano giải thích chiến lược đột phá “đồng giá 100 Yên” đến từ… sự làm biếng. Cửa hàng lúc đó chỉ có 2 vợ chồng, nên cặp đôi này đã quyết định bán 100 Yên hết để đỡ phải dán nhãn.


Hirotake Yano giải thích chiến lược đột phá “đồng giá 100 Yên” đến từ… sự làm biếng. Cửa hàng lúc đó chỉ có 2 vợ chồng, nên cặp đôi này đã quyết định bán 100 Yên hết để đỡ phải dán nhãn.

Nội dung nổi bật:

Bối cảnh: Nổi tiếng với tính cách "bất cần" khi đổi sang họ vợ chỉ để "nghe cho hay", Hirotake Yano thất bại hết lần này đến lần khác, từ kinh doanh riêng cho đến đi làm thuê.

Kế hoạch: Nhất quyết không bỏ cuộc, ông thành lập một cửa hàng đồng giá 100 Yên vì … làm biếng dán nhãn. Daiso sau đó cũng được thành lập với triết lý của ông chủ: tới đâu hay tới đó.

Kết quả: Trở thành một biểu tượng của ngành bán lẻ, Daiso vẫn đang phát triển mạnh mẽ với doanh thu 740 triệu USD mỗi năm thông qua 3.660 cửa hàng trên khắp thế giới.


Đơn giản như người Nhật

“Sống chết có số, phú quý do trời” - Daiso và triết lý không họp hành, không chiến lược, bán đồng giá vì lám biếng đỡ phải dán nhãn! - Ảnh 2.

Hirotake Yano mỗi ngày vẫn lái chiếc xe 4 bánh cũ đến một tòa nhà xám xịt, không biển hiệu, không tiếp tân, không phòng tiếp khách, điểm nổi bật duy nhất tại đây có lẽ là hàng trăm sản phẩm được bày khắp mọi nơi.

Khu vực "chuyên nghiệp" nhất trong tòa nhà là văn phòng của ông Yano, nằm lọt thỏm trong một góc khuất với khung cửa sổ nhỏ xíu.

Có ai ngờ ông Yano "bình dân" đó lại là Chủ tịch tập đoàn Daiso với tài sản hơn 1,9 tỷ USD, và tòa nhà "bình dị" kia chính là trụ sở đã đem về gần 740 triệu USD trong năm 2018 với hơn 3.660 cửa hàng trên khắp thế giới.

Từ khởi đầu không thể khiêm tốn hơn khi Yano rong ruổi bán hàng đằng sau chiếc xe tải do chính vợ mình lái, Daiso liên tục phát triển mạnh mẽ qua bao cuộc suy thoái để trở thành một trong những thương hiệu thành công nhất của Nhật Bản.

Khác với cửa hàng "99-cent" hay "1 Bảng" chỉ nằm ở những khu vực có thu nhập thấp tại Mỹ và Anh, chuỗi cửa hiệu "100 Yên" Daiso chễm chệ nằm trong những trung tâm mua sắm cao cấp nhất tại Nhật Bản, tự tin cạnh tranh với những thương hiệu xa xỉ khác với tốc độ mở mới gần như 1 cửa hàng/ngày.

Thành công là thế, nhưng Hirotake Yano vẫn luôn coi mình là "một người bình thường như bao người khác". Chủ tịch Daiso tiết lộ rằng đế chế của mình không hề hoạt động theo bất kỳ quy chuẩn nào khi không có chiến lược kinh doanh, không đề ra ngân sách mỗi năm, không họp hành và thậm chí là không công bố kết quả tài chính theo quý.

Hiện tại mọi người chỉ cần biết là gia tăng số lượng cửa hàng đồng nghĩa với gia tăng doanh thu, và cả tập đoàn Daiso cứ tập trung làm theo hướng đó.

"Vận mệnh sẽ đưa tôi tới nơi tôi cần đến", Hirotake Yano trả lời phỏng vấn.

 

Khởi đầu cơ cực

“Sống chết có số, phú quý do trời” - Daiso và triết lý không họp hành, không chiến lược, bán đồng giá vì lám biếng đỡ phải dán nhãn! - Ảnh 3.

Sinh vào năm 1943 trong một gia đình đông con, Hirotake đã làm cho cả nhà sửng sốt khi quyết định đổi sang họ vợ sau khi kết hôn vì "Yano nghe dễ làm ăn hơn Kurihara".

Nhưng việc thay đổi này có vẻ không "linh nghiệm" khi cửa hàng bán cá mà ông kế thừa từ cha vợ nhanh chóng phá sản khi Yano tròn 26 tuổi.

Tháo chạy khỏi Hiroshima, Yano cùng vợ con quyết tâm làm lại cuộc đời ở "vùng đất hứa" Tokyo. Luôn tự ti rằng mình không bao giờ thông minh như hai người anh bác sĩ, Yano quyết tâm theo đuổi nghiệp bán hàng, nhưng công việc bán bách khoa toàn thư đầu tiên của ông cũng nhanh chóng kết thúc trong thất bại chỉ sau 3 tháng.

Mất niềm tin vào khả năng kinh doanh của mình, Yano chuyển sang làm việc trong một nhà máy xử lý rác để trả nợ, nhưng công việc nhàm chán đó cũng đánh dấu thời kỳ thay đổi việc liên tục và mất định hướng trong nhiều năm liền.

Bước ngoặc mở ra khi Yano được một doanh nhân chỉ dạy bí quyết thương mại và quyết định mở cửa hàng tên "Yano Store" vào năm 1972.

Vào năm 1977, Yano quyết định đổi tên thành "Daiso Industries" (với Daiso nghĩa là "tạo nên điều lớn lao"), và đưa ra mức giá 100 Yên cho tất cả sản phẩm.

Nhưng tại sao lại là 100 Yên? Vì cửa hàng chỉ có 2 nhân công là Yano và vợ của ông, để tiết kiệm thời gian dán nhãn trên từng sản phẩm, hai vợ chồng đã quyết định bán mọi thứ với giá 100 Yên.

 

Chất lượng làm nên thương hiệu

“Sống chết có số, phú quý do trời” - Daiso và triết lý không họp hành, không chiến lược, bán đồng giá vì lám biếng đỡ phải dán nhãn! - Ảnh 4.

"Của rẻ là của ôi" là rào cản tâm lý cực kỳ nặng nề mà Daiso phải vượt qua. Ngày qua ngày, cả đội ngũ Daiso liên tục tính toán để nâng cao chất lượng hàng hóa dù giá bán không thay đổi.

Nhưng kế hoạch bất khả thi đó không phải là không có cơ sở với sức mua khổng lồ của Daiso. Nếu mỗi cửa hàng bán 10 ly thủy tinh mỗi ngày, tổng số lượng hàng trong cả nước sẽ là 20.000 ly/ ngày, tương đương với 600.000 ly/ tháng!

Nhiều nhà cung cấp thừa nhận rằng đơn hàng của Daiso thường cao gấp… 30 lần ông hoàng bán lẻ Walmart.

Với giá chỉ 100 Yên (gần 21.000 VNĐ), tất cả sản phẩm đều được coi là "món hời" trong mắt khách hàng. Hàng hóa tại Daiso đến từ khắp nơi trên thế giới, gốm sứ của Ý, thủy tinh từ Anh, lọ đựng từ Áo, giỏ tre của Việt Nam, và hàng trăm sản phẩm khác từ Trung Quốc.

Yano cũng rất tự hào khi Daiso không chỉ là nơi cung cấp sản phẩm giá rẻ: "Giá trị sử dụng và niềm vui mua sắm là những gì khách hàng nhận được từ Daiso".

Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy Daiso hoàn toàn có thể tự tin với thế mạnh của mình. Khách hàng thường quyết định bước chân vào Daiso "cho vui", nhưng đa phần những chuyến đi đó sẽ kết thúc với nhiều món hàng được mua hơn dự tính.

Theo ngôn ngữ tâm lý học, Daiso lớn mạnh là nhờ "hành vi mua sắm bốc đồng" của những thượng đế. Chủ tịch Yano chia sẻ: "Chẳng hạn như nhu cầu mua ly thủy tinh, ở những cửa hàng khác, luôn có một khu vực dành riêng cho ly thủy tinh, khách hàng sẽ đến đấy, so sánh, lựa chọn, và kết thúc chuyến mua hàng.

Nhưng tại Daiso, câu chuyện trên lại có một kết cục khác. Khách hàng đến khu vực ly thủy tinh và chọn ngay được một mẫu ưng ý vì cái nào cũng có giá 100 Yên, do giải quyết được nhu cầu một cách nhanh chóng, các vị thượng đế thường "náng lại" để xem có cái gì hay ho không, và gần như lần nào họ cũng mua thêm 2-3 sản phẩm khác."

“Sống chết có số, phú quý do trời” - Daiso và triết lý không họp hành, không chiến lược, bán đồng giá vì lám biếng đỡ phải dán nhãn! - Ảnh 5.

Không chỉ phát triển mạnh mẽ tại Nhật Bản, Daiso đang dần trở thành một thế lực bán lẻ lớn trên thế giới với hơn 3.660 cửa hàng tại 25 quốc gia. Trong đó có thể kể đến thương vụ hợp tác rất thành công với Ascom Hàn Quốc để mở gần 100 cửa hàng tại quốc gia này.

Theo chủ tịch Yano, chủ trương của Daiso là "từ từ mà tiến", vì ông đã chứng kiến nhiều thương hiệu lớn của Nhật Bản nhanh chóng lụi tàn khi mở rộng quá đà. Chính vì thế, từng nhân viên của Daiso thường xuyên được chủ tịch của mình khuyên nhủ phải luôn khiêm tốn và chuyên cần


Lê Thanh Sang

Theo Trí Thức Trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/song-chet-co-so-phu-quy-do-troi-daiso-va-triet-ly-khong-hop-hanh-khong-chien-luoc-ban-dong-gia-vi-lam-bieng-do-phai-dan-nhan-a80537.html