CEO nên làm gì khi biết người khác không thích, ghét hay xem thường mình?

Việc không thích/không được thích hoặc ghét/bị ghét trong kinh doanh sẽ có thể dẫn đến những thiệt hại vật chất khó lường.

 

CEO nên làm gì khi biết người khác không thích, ghét hay xem thường mình?

Yêu, ghét, thích, không thích là chuyện vốn tồn tại và xảy ra tự nhiên trong xã hội con người. Ai cũng biết điều hiển nhiên này. Và đa số đều thừa nhận rằng họ thích được yêu, được thích và không thích, thậm chí ghét khi không được thích hoặc bị ghét. Điều này cho thấy trong mỗi con người chúng ta luôn ẩn chứa những cảm giác tự nhiên trái ngược nhau về yêu, ghét, thích và không thích đối với người khác.

Sự thật, mặc dù chấp nhận quy luật trên nhưng về tâm lý, sẽ không đơn giản đối với ai đó khi biết người khác không thích hoặc ghét mình. Những cảm giác thông thường của chúng ta lúc ấy sẽ là sự bực bội, muốn "làm rõ" câu chuyện, muốn giải thích, phân trần, vv. để sau đó mình không còn bị người khác ghét nữa. Và cảm giác cùng những hành động muốn thể hiện này cũng là điều tự nhiên của con người.

Theo cựu CEO tập đoàn Thiên Long Võ Văn Thành Nghĩa, không thích/không được thích hoặc ghét/bị ghét trong quan hệ con người không dừng lại với hậu quả về mặt tình cảm, việc không thích/không được thích hoặc ghét/bị ghét trong kinh doanh sẽ có thể dẫn đến những thiệt hại vật chất khó lường.

Theo ông, những thỏa thuận mua bán, hợp tác có giá trị cao sẽ có thể bị hủy bỏ hay những cơ hội làm ăn đầy tiềm năng có thể vuột mất do sự không thích hoặc ghét nhau giữa các đối tác mà ra.

Trầm trọng hơn, trong một số trường hợp, việc hợp tác giữa đôi bên có thể bị gián đoạn một thời gian dài do chuyện ganh ghét gây nên. Đã có hãng lữ hành bị mất khách do thể hiện sự không thích đối với một vài quốc tịch của du khách trong quá trình phục vụ. Một số nhà máy bị mất nhiều đơn hàng lớn do mâu thuẫn cá nhân giữa khách hàng với người chủ nhà máy.

Có trường hợp vì sự ghét nhau giữa hai nhà cung cấp trong xây dựng mà doanh nghiệp phải gánh chịu thiệt hại về tiền bạc và thời gian hoàn thành dự án, gây ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh tổng thể.

CEO nên làm gì khi biết người khác không thích, ghét hay xem thường mình? - Ảnh 1.

Khác với sự không thích hoặc ghét, việc xem thường nhau là một câu chuyện khác. Dù cũng là một tính cách tự nhiên và bình thường của con người nhưng những hậu quả do chuyện xem thường gây ra thường liên quan đến danh dự, phẩm giá và hình ảnh của người bị xem thường.

Đặc biệt, khi người bị xem thường là người đang đứng đầu một doanh nghiệp. Những câu chuyện về người đứng đầu của một số doanh nghiệp Việt Nam bị vướng vào vòng lao lý do làm ăn phi pháp, can tội hối lộ hoặc tệ hại hơn do đánh bạc... không chỉ tạo ra hình ảnh cực kỳ xấu cho bản thân họ đối với cộng đồng xã hội mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thanh danh, uy tín của doanh nghiệp trên thương trường. Và việc này khó có thể hoặc không thể chấp nhận được, khác hẳn với việc chấp nhận chuyện người khác không thích hoặc ghét mình.

"Nói như vậy để thấy rằng chúng ta không thể xem thường việc bị xem thường, một khi nhân biệt của CEO đi đôi với thương hiệu của doanh nghiệp", ông Võ Văn Thành Nghĩa kết luận.

Vì  vậy theo cựu CEO Thiên Long, CEO cần tinh tế trọng đối nhân xử thế và hãy mở lòng với người không thích hoặc ghét mình dù tâm lý rất khó vượt qua. CEO phải hết sức cẩn trọng đối với Công việc chung của doanh nghiệp cũng như những việc làm cá nhân để cá nhân và doanh nghiệp không bị xem thường.

Thảo Nguyên

Theo Trí Thức Trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ceo-nen-lam-gi-khi-biet-nguoi-khac-khong-thich-ghet-hay-xem-thuong-minh-a80648.html