Công ty Thái Dương, nhà phân phối heo giống có quy mô lớn ở miền Bắc đã áp dụng công nghệ 4.0 vào chăn nuôi và đang tạo ra sản phẩm cách mạng trong ngành bằng công nghệ sinh học.
Trang trại heo của công ty cổ phần thức ăn chăn nuôi Thái Dương tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An là một tòa nhà trắng dọc một bờ sông. Bước vào cổng, không có vẻ như bạn được vào một trang trại đang hoạt động, bởi không có tiếng heo kêu inh ỏi, không có mùi hôi phảng phất khó chịu trong thời tiết nóng nực 340C của miền Trung. Thậm chí, không thấy người giữ chuồng đi lại bên trong.
Đến giờ ăn, một lượng thức ăn lỏng được tính toán trên máy tính thông qua công nghệ liquid feeding (chăn nuôi bằng thức ăn hóa lỏng giúp tiết kiệm thức ăn 10%) bơm trực tiếp vào các ống xi lanh đi vào các máng ăn. Khi đàn heo nái gần 6.000 con ăn xong, hệ thống tự động rửa sạch chuồng. Hiếm hoi lắm người ta mới bắt gặp vài nhân viên đi bảo trì máy móc. Toàn bộ nhất cử nhất động ở đây đều được quan sát và điều khiển bằng một hệ thống công nghệ thông tin đặt tại trụ sở công ty ở Hà Nội.
“Sản phẩm nông nghiệp mà không đưa công nghệ cao vào thì sẽ rất khó để tiến nhanh trong tương lai. Tỉ lệ áp dụng công nghệ trong chăn nuôi heo như Thái Dương rất ít, khoảng 1/1.000, hầu hết của nước ngoài,” ông Lê Quang Thành, 47 tuổi, sáng lập kiêm tổng giám đốc công ty Thái Dương nói với đoàn khách gồm các quan chức nhà nước đang tham quan nhà máy sản xuất cao nấm men làm thức ăn cho heo ở cùng khu trong trang trại.
Sau khi áp dụng thành công công nghệ cao để quản lý trang trại, nhà phân phối heo giống lớn nhất miền Bắc có doanh thu khoảng 3.000 tỉ đồng năm ngoái đang áp dụng công nghệ sinh học để tạo khả năng cạnh tranh trong ngành. “Doanh nghiệp tồn tại hay không tồn tại phụ thuộc vào cuộc cách mạng sản phẩm. Việc gắn nghiên cứu với đầu tư công nghệ là bước đi tiên quyết để tồn tại và phát triển,” ông Thành chia sẻ về định hướng phát triển dựa trên công nghệ ở công ty cung cấp 10.000 con heo giống mỗi năm, thuộc loại lớn nhất miền Bắc xét theo số lượng.
Bằng vài thao tác nhanh gọn trên máy tính, ông Thành hiển thị trên màn hình chuồng trại nuôi heo nái. Mỗi con có diện tích 3m2 theo tiêu chuẩn châu Âu, được cho là đủ để heo đi lại thoải mái. Công nghệ quản lý trang trại trực tuyến (farm online) duy trì nhiệt độ làm mát cho heo từ 17-220C, tự động điều chỉnh hoàn toàn về độ ẩm, nhiệt độ, tốc độ gió. Công nghệ này giúp Thái Dương giảm một nửa lượng điện năng tiêu thụ và tăng năng suất chăn nuôi lên 20%, theo dữ liệu báo cáo.
Hệ thống trang trại gồm nhiều khu chia theo cân nặng và số tuổi của heo để dễ quản lý, do công nghệ nhận dạng và phân tách. Đến cả việc lấy tinh heo để phối giống cũng do một thiết bị thực hiện, sau đó chuyển cho kỹ sư ngồi trong phòng lab xử lý tinh heo, chọn ra tinh tốt nhất dùng cho việc nhân giống. Ông Thành nhấn mạnh: “Ở trang trại này mọi thứ đều được điều khiển từ xa.”
Ở các cột bên phải hình ảnh từng con heo, các thông tin hiển thị đầy đủ, từ lượng thức ăn ở bữa gần nhất đến lý lịch xuất thân như ngày tháng năm sinh, bố mẹ, quốc tịch. Công nghệ Herdsman của Mỹ giúp Thái Dương quản lý huyết thống, giá trị Index (chỉ số thể hiện giá trị giống heo trên thế giới) để chọn lọc các giống nhập khẩu và lai tạo giống đạt năng suất tốt.
Hệ thống này có thể lưu lại thông tin đến 20 năm sau. “Truy xuất nguồn gốc ở đây hàm nghĩa quản lý theo chuỗi thời gian xa như vậy. Mỗi con heo có một chứng minh thư điện tử. Chứ không phải đeo cho nó cái thẻ và truy xuất nguồn gốc chỉ tới trại thôi,” ông Thành nói, và cho biết thêm công nghệ quản lý huyết thống mới giúp tính toán được giá trị cận huyết để khi lai tạo giống không bị ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và sinh trưởng của thế hệ heo sau.
THEO ÔNG NGUYỄN VĂN LÝ, trưởng phòng khoa học của vụ Khoa học và Công nghệ phát triển nông thôn thuộc bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cả nước có 500.000 doanh nghiệp thì chỉ có 0,5% doanh nghiệp có nghiên cứu khoa học trong công nghệ. Năng suất sinh sản của heo Việt Nam hiện được đánh giá khá thấp, khoảng 16-18 heo con/nái/năm so với thế giới 28-30 con/năm. Hầu hết các công ty chăn nuôi ở Việt Nam đều đang nhập giống heo có nguồn gen chất lượng tốt ở nước ngoài như Đan Mạch, Pháp, Mỹ, Canada...
Thái Dương chọn mua 20% giống heo có giá trị Index cao nhất tại Đan Mạch và Pháp mang về, giúp heo của họ đạt năng suất sinh sản bằng thế giới 30 heo con/nái/năm. Giá nhập 60 triệu đồng/con heo giống cái, hơn 100 triệu đồng/con heo giống đực.
Ông Lý cho biết, dựa vào các công nghệ của Thái Dương hiện có, bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang giao cho công ty nghiên cứu tạo ra các tổ hợp lai giữa heo nái Landrance và Yorkshire nhập khẩu từ Đan Mạch với một số heo đực giống trong nước và nghiên cứu xây dựng chuỗi nhân giống cho bốn giống heo cao sản.
Mục tiêu của bộ đặt ra cho công ty này là xây dựng đàn heo hạt nhân gồm các giống: Landrace, Yorkshire, Duroc và Pietrain có năng suất đàn heo cụ kỵ dòng cái đạt 26-28 con cai sữa/nái/năm, năng suất heo đực cuối cùng có tỉ lệ heo nạc trên 59% và tăng khối lượng trên 850 gram/ ngày.
“Thái Dương đi đầu trong đầu tư công nghệ về giống và quản lý giống đúng hướng thế giới. Chắc chắn sản phẩm heo giống của công ty Thái Dương sẽ đóng góp cho sự phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam trong thời gian tới,” ông Lý nói.
Giáo sư Đặng Vũ Bình, nguyên giám đốc học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, ba yếu tố cần giải quyết để tăng năng suất heo Việt Nam trong tương lai là con giống tốt, thức ăn dinh dưỡng và chế độ chăm sóc tại chuồng trại tốt. Tính riêng trang trại Nghệ An của Thái Dương có khoảng 6.000 con, họ đang có “kho hàng” trị giá khoảng 500 tỉ đồng.
Andrew Brown, chuyên gia của tổ chức Năng suất châu Á (APO), đang giúp Thái Dương triển khai Global GAP cho hay, Thái Dương là công ty chăn nuôi heo đầu tiên ở Việt Nam mà ông biết đang triển khai theo tiêu chuẩn này. Ông đánh giá, trong ngành chăn nuôi nói chung, hiện chỉ có De Heus, công ty nước ngoài và Anova, công ty trong nước có Global GAP về nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi heo, Vinamilk có Global GAP về chăn nuôi bò sữa.
Ông Thành, cùng với gia đình đang nắm giữ 86% cổ phần công ty Thái Dương, được những người làm việc chung nhận xét là kiểu người cởi mở và làm việc không ngừng nghỉ vì đam mê. Ông khởi nghiệp bằng việc kinh doanh nhập khẩu nông sản từ năm 1994. Ông cho biết đã sang thị trường mua bán nông sản Chicago để tìm hiểu cách mua bán theo thông lệ quốc tế: “Mỗi chuyến đi học hàng tỉ đồng. Tôi quan điểm muốn học cái gì cứ đến đúng nơi tốt nhất trên thế giới để học”.
Sau đó ông chuyển sang sản xuất thức ăn gia súc, cũng nhập các nguyên liệu nông sản như bắp, bã đậu bành, bánh dầu hạt cải… Thức ăn chăn nuôi chiếm 70% chi phí sản xuất của ngành chăn nuôi heo, trong khi đó hầu hết là nguyên liệu nhập khẩu. “Lúc đó, Việt Nam mới mở cửa nên siêu lợi nhuận. Từ năm 2001-2007, năm nào Thái Dương cũng tăng trưởng gấp bốn lần”.
Ông Thành đi nhiều chuyến sang các nước tiên tiến về nông nghiệp như Mỹ, Pháp để tìm hiểu cách thức làm nông trại. “Lúc đầu, tôi nghĩ Việt Nam không thể làm được vì hạ tầng thấp. Sau khi làm một thời gian, tôi nghĩ Việt Nam đi sau nên chúng ta có thể sử dụng công nghệ tối tân hơn.”
Năm 2008 khủng hoảng kinh tế xảy ra, tạo bước ngoặt Thái Dương chuyển sang nông nghiệp công nghệ cao. Ông Thành kể lại: “Khi cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu, tôi muốn xây dựng lại công ty và tôi muốn công ty có thể tồn tại và phát triển ít nhất là 40 năm.” Để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe về an toàn thực phẩm, Thái Dương bắt buộc phải đổi mới. Chẳng hạn tỉ lệ chất tồn dư ngày nay tính đến phần ngàn tỉ nên công nghệ đóng vai trò quan trọng.
Đầu tiên, nó giúp tạo ra một sản phẩm giải quyết tất cả các khuyết điểm mà con người không quản lý được. Thứ hai, Thái Dương phải tạo ra sản phẩm để đứng vững không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới. “Mình phải có một nền móng để có thể bước ra toàn cầu. Tôi nghĩ chỉ có công nghệ sinh học.”
Ông Thành kể, khi xây dựng trang trại tại Nghệ An, ông đã “bỏ toàn bộ tiền kiếm được và vay thêm để đầu tư công nghệ”. Trang trại có vốn đầu tư 1.200 tỉ đồng, so với các trang trại quy mô tương tự mà không cần công nghệ như Thái Dương, tầm 200-500 tỉ đồng.
Ông Phùng Quốc Điền, tổng giám đốc công ty Lysaght Agrished, cung ứng giải pháp chuồng trại cho Thái Dương cho biết: “Thường sau 5-7 năm, tất cả vật liệu thép trong chuồng trại sẽ bị rỉ. Khi làm việc, Thái Dương đặt ra yêu cầu nan giải là thay thế toàn bộ kết cấu thép. Chúng tôi thay kết cấu chuồng trại ở Thái Dương bằng lớp mạ kẽm nên kết cấu bền hơn và có hiệu quả đầu tư trong vòng 20 năm. Thứ hai, nó không xài năng lượng điện cho ánh sáng mà lấy sáng tự nhiên. Ngoài ra, họ yêu cầu đó là chuồng kín, không kẽ hở để tối ưu cho vật nuôi.”
Ngoài hạ tầng chuồng trại, sử dụng công nghệ cao để quản lý trang trại và quản lý giống, công ty đang sở hữu nhà máy sản xuất cao nấm men, sử dụng công nghệ sinh học lần đầu tiên trong thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.
Ông Thành, tốt nghiệp học viện Nông nghiệp Việt Nam (Hà Nội), trong một lần đi tìm hiểu về các giải pháp chăn nuôi mới tại Tiệp, một nhà khoa học hỏi ông: “Tương lai thế giới sẽ ăn gì?”. Thời điểm 2007, lương thực trên thế giới thiếu dẫn đến suy nghĩ giải quyết câu chuyện đất canh tác. Ông Thành chia sẻ: “Có một công nghệ nào đó có thể cắt giảm diện tích nông nghiệp? Làm sao mà ngay trên biển cũng có thể sản xuất ra lương thực cho con người ăn được? Chúng ta cần tăng cường sản phẩm mà con người ăn vào có thêm các chức năng chống lại các điều kiện bất lợi. Công nghệ sinh học có thể làm được.”
Tại Thái Dương, công ty đã thử nghiệm sản xuất công nghệ sinh học tạo ra sinh khối protein nhân lên nhanh chóng trong các bể. Chỉ 1m3 sinh khối lên men có thể bằng 300 héc ta trồng đậu nành. “Đây là công nghệ có thể tồn tại hàng trăm năm. Phát triển công nghệ sinh học cho phép tôi sử dụng đa dạng những nguồn nguyên liệu khác nhau,” ông Thành nói với nhóm quan chức nhà nước chứng kiến sản phẩm cao nấm men dùng công nghệ sinh học đầu tiên tại Việt Nam.
Cao nấm men được cho là có tác dụng đáng kể trong việc giảm mùi hôi chuồng trại. Khách tham quan nhà máy cao nấm men của Thái Dương đi trên một hành lang trên cao, dễ dàng có thể quan sát nhà máy bên dưới qua lớp kiếng ngăn cách khu vực sản xuất, ý tưởng mà ông Thành lấy từ chuyến thăm nhà máy ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất con men dùng cho bánh mì tại thành phố Lyon của Pháp năm 2012.
Xây dựng giải pháp phát triển, ông Thành sau đó thuê các giáo sư nước ngoài và phòng lab tại đại học nước ngoài để nghiên cứu cách sản xuất cao nấm men từ các thùng sắn và lúa mạch gửi từ Việt Nam, đầu tiên thông qua quan hệ với nhà khoa học người Tiệp từng có kinh nghiệm trong chế tạo máy móc lên men sinh học. “Mỗi tháng vài chục ngàn đô la Mỹ,” ông Thành trả lời câu hỏi của Forbes Việt Nam về chi phí. Khi có kết quả, ông sang đánh giá, nghiệm thu và trực tiếp làm lại trước khi mời các nhà khoa học trong nước tham gia.
Theo ông Thành, hiện có rất ít nhà máy sản xuất được cao nấm men: “Những công ty cung cấp thiết bị cho anh rất muốn tư vấn cho các công ty trong ngành. Chuồng trại thì được. Nhưng cao nấm men thì không. Tôi biết nhiều đại gia rất lớn tò mò lắm. Ngay cả những người tư vấn của tôi không phải một người. Không ai có thể tư vấn cho họ được”.
Cuối năm ngoái, Thái Dương sản xuất ra mẻ cao nấm men đầu tiên, với giá ước tính chỉ bằng 1/20 so với các nước khác và đã công bố việc này với bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. “Sản phẩm cao nấm men là sản phẩm khoa học có tiềm năng xuất khẩu,” theo ông Nguyễn Đăng Vang, chủ tịch hội Chăn nuôi Việt Nam. Ông Vang cho biết thêm, bộ đang khuyến khích các giải pháp giúp “nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi” như Thái Dương.
Ngành chăn nuôi heo của Việt Nam tăng trưởng rất nhanh. Cuối năm 2016, tổng đàn heo thường xuyên lên 29 triệu con, 70% tiêu thụ nội địa, còn lại xuất sang Trung Quốc. Chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình. Nghịch lý lớn nhất của ngành là giá thành quá cao do chi phí đầu vào cao.
Ông Nguyễn Đăng Vang cho biết, giá một ký thịt heo hơi tại Tây Ban Nha khoảng 27.000 đồng, Hà Lan là 29.000 đồng, Hungary là 31.000 đồng, trong khi thịt heo xuất khẩu của Việt Nam khoảng 45.000 đồng. “Nước ngoài không thể mua với giá đó,” ông Vang nói.
Việt Nam có thể xuất heo sang Trung Quốc do chi phí vận chuyển không quá cao. 17 tháng qua, Trung Quốc ngưng nhập thịt heo từ Việt Nam, cung thịt heo vượt cầu khiến giá thịt heo vốn đã giảm trong vài năm qua lại càng giảm thêm. CP, sở hữu năm triệu con heo, theo ông Vang, lần đầu tiên trong 30 năm đầu tư tại Việt Nam, tuyên bố bị thua lỗ năm ngoái. Thậm chí, thịt heo trong nước còn đang bị người tiêu dùng quay lưng, chuyển sang sử dụng thịt heo nhập do lo ngại về an toàn thực phẩm như dư lượng kháng sinh trong thịt…
Ông Vang cho rằng, ngành chăn nuôi heo Việt Nam như hiện nay khó cạnh tranh được với thế giới, nếu như không quản lý được chất lượng thịt heo và giảm chi phí chăn nuôi xuống để giá thành chỉ còn 28 ngàn đồng/kg heo hơi. Đây là một bài toán khó nhưng có thể giải được nếu có thể cắt giảm các chi phí trung gian như lãng phí thức ăn thừa, chi phí bao bì, sử dụng protein nấm men thay cho nhập khẩu nguyên liệu đầu vào; quản lý chăn nuôi tốt để chống dịch bệnh bằng cách ứng dụng công nghệ...“Thái Dương có tầm nhìn xa về sức cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam với nông nghiệp trong khu vực,” ông Vang nhận xét.
Bước đi kế tiếp trong hành trình 40 năm chứng minh lợi thế khác biệt của Thái Dương dựa trên công nghệ sinh học, chuyển từ sản xuất thức ăn chăn nuôi truyền thống sang protein nấm men cho heo trong bối cảnh ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi đang diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt với sự tham gia của ngày càng nhiều công ty trong và ngoài nước như CJ Vina Agri (Hàn Quốc), Masan (thâu tóm Proconco và Anco), Hòa Phát, Kinh Đô (thâu tóm một công ty con của công ty CP Dabaco Việt Nam năm 2017)…
Thái Dương, công ty ở quy mô vừa trong ngành, có cơ sở lạc quan đầu tiên: sản phẩm sinh học cao nấm men của họ đang được một đối tác nước ngoài đặt hàng và dự kiến bán ra thị trường cuối năm 2018.
Theo Minh Thiên/Forbes Việt Nam
(*) Tựa theo báo in: Nuôi heo thời công nghệ (tạp chí Forbes Việt Nam số 59, tháng 4.2018)
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chuyen-nuoi-heo-thoi-cong-nghe-o-cong-ty-thai-duong-a80801.html