Nếu Trung Quốc tham gia dự án cao tốc Bắc Nam: Nguy cơ "sập bẫy" nợ nần?

Mới đây, thông tin nhà đầu tư Trung Quốc muốn thầu trọn hoặc tham gia từng gói thầu của dự án đường cao tốc Bắc Nam đã gây không ít lo lắng cho người dân. Hệ quả nhãn tiền từ 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của Bộ Công Thương, đến dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là những thực tế đặt ra hoài nghi lớn về hiệu quả của đồng tiền Trung Quốc tại Việt Nam.

12 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ: Đồng tiền hai mặt của Trung Quốc

Năm 2017 - 2018, Bộ Công Thương là nơi bị phanh phui 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ đồng. Trong đó nhiều nhất là các đại dự án khí sinh học Ethanol, đạm, gang thép.

Nếu Trung Quốc tham gia dự án cao tốc Bắc Nam: Nguy cơ sập bẫy nợ nần? - 1
Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 điển hình của đại dự án thua lỗ ở Việt Nam có yếu tố công nghệ, máy móc và vốn Trung Quốc

Trong số dự án dính líu đến nhà đầu tư Trung Quốc có Đạm Ninh Bình, gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Đạm Hà Bắc, một số dự án ethanol cũng được cho là sử dụng công nghệ của Trung Quốc đã bị điểm tên như: Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất; Nhà máy ethanol Đại Việt (Đăk Nông), Nhà máy ethanol Đăk Tô (Kon Tum)...

Hai đại dự án Đạm Ninh Bình và Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 là điển hình nhất của hệ quả sử dụng vốn, hợp tác hoặc được nhà thầu phụ mua, sử dụng công nghệ Trung Quốc. Điều này đã khiến thời gian dài các đại dự án này không thể vận hành hiệu quả, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực sản xuất của ngành, cũng như đất nước.

Ngoài 12 đại dự án tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng vẫn chưa thể gượng dậy; vốn, công nghệ Trung Quốc thời gian trước luôn ẩn hiện trong rất nhiều nhà máy, xi nghiệp và dây truyền công nghiệp nặng của Việt Nam.

Một thời, rất nhiều nhà máy xi măng nhỏ, lẻ của ngành công nghiệp xi măng của Việt Nam nhập khẩu công nghệ của Trung Quốc; tiếp sau là ngành công nghiệp luyện cán phôi và thành phẩm thép, giấy, nhựa... Những nhà máy cũng nhập máy móc, dây truyền thiết bị của Trung Quốc vì chi phí đầu tư rẻ, nhưng máy móc tiêu tốn năng lượng và hiệu quả thấp.

Nếu Trung Quốc tham gia dự án cao tốc Bắc Nam: Nguy cơ sập bẫy nợ nần? - 2
Dự án Đạm Ninh Bình có sử dụng máy móc và tài chính của Trung Quốc

Đáng nói, trong một thập kỷ qua, để hạn chế tăng trưởng nóng của nền kinh tế số 1 thế giới, kế hoạch "Made in China", Trung Quốc loại bỏ hàng loạt nhà máy, dây truyền, công nghệ cũ để tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Điều này đã khiến những cỗ máy, dây truyền "phế liệu" được chuyển đổi qua viện trợ, vay nợ, qua các tổng thầu EPC, thầu phụ, ngân hàng đến nước thứ 3.

Phần lớn công nghệ, máy móc, kỹ thuật này đều được chuyển sang châu Phi, Nam Mỹ, Nam Á và Đông Nam Á theo cùng chiến lược ảnh hưởng và bẫy nợ của nước này dưới nhiều cái tên như: "nhất đới, nhất lộ", "một vành đai, một con đường" hay "con đường tơ lụa mới"... Đây là chiến lược mà Trung Quốc đặt ra tham vọng vươn ra thế giới như một cường quốc phát triển muốn gây ảnh hưởng.

Đường sắt Cát Linh: Đội vốn, đình trệ và bong tróc

Một dự án được coi là điển hình của "tật xấu" vốn Trung Quốc, cũng như cách quản lý thiếu hiệu quả của Việt Nam là đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Khởi công đúng dịp giải phóng Thủ đô ngày 10/10/2011, dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2017. Tuy nhiên, đến nay dự án đã chậm tiến độ, đội vốn và chưa được đưa vào sử dụng.

Ban đầu, tổng mức đầu tư dự án chỉ hơn 552,8 triệu USD, với 419 triệu USD vốn vay ODA (có lãi suất của Trung Quốc). Sau nhiều lần điều trình, dự án tăng vốn lên gần 900 triệu USD cho hơn 13km đi hoàn toàn trên cao.

Nếu Trung Quốc tham gia dự án cao tốc Bắc Nam: Nguy cơ sập bẫy nợ nần? - 3
Trụ đỡ của mái che bậc lên xuống tại nhà ga tuyến đường sắt Cát Linh bị nứt vỡ, bong tróc lộ rõ ốc vít và cát vữa.

Một diễn biến khác, Indonesia vừa khánh thành đường sắt đô thị dài hơn 15,7km tại quốc đảo này với tổng vốn 1,14 tỷ USD vay từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Dự án này có thời gian thi công từ tháng 10/2013 và đến nay đã hoàn thành và đi vào hoạt động.

Điểm khác với đường sắt Cát Linh - Hà Đông là dự án đường sắt đô thị của Indonesia còn có nhiều khu vực đường hầm, vượt đảo. Còn điểm chung là đều là dự án nhận vốn vay ưu đãi của nước ngoài, nhưng thời gian thi công và hoàn thiện của tuyến đường sắt đô thị của Indonesia đã nhanh hơn so với dự án vay vốn của Trung Quốc tại Việt Nam.

Tại Hà Nội, trong các dự án đường sắt đô thị, hai dự án đã khởi công xây dựng là: Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội đều bị đội vốn, chậm tiến độ và gây ảnh hưởng lớn đến kế hoạch phát triển của thành phố cũng như quá trình hiện đại hóa, lớn mạnh của Việt Nam.

Thông tin mới được báo chí cập nhật, tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, dù phải đến tháng 4/2019 mới chính thức đi vào hoạt động nhưng hiện một số hạng mục đường lên xuống của nhà ga, trạm trung chuyển đường sắt bị bong ốc vít, nứt vỡ kính, bong vôi vữa cho dù vẫn trong tình trạng bảo hành bởi chủ đầu tư, các nhà thầu.

Báo chí nước ngoài gần đây cũng đã liên tục đưa thông tin về những dự án lớn do Trung Quốc đầu tư, thi công tại Pakistan, Srilanka và một số nước châu Phi...Một số quốc gia đã không trả nợ và phải trao quyền khai thác cảng biển, sân bay cho Trung Quốc như Srilanka, Zambia...Thủ tướng Malaysia cũng đã quyết liệt hủy bỏ một dự án có qui mô lến tới 20 tỷ USD do Trung Quốc đầu tư vào nước này với cảnh báo nguy cơ sa vào "bẫy nợ" của Trung Quốc.

Do đó, với những dự án qui mô lớn như cao tốc Bắc- Nam, yêu cầu thận trọng trong lựa chọn nhà đầu tư, nơi cung cấp nguồn vốn vay là một trong những yêu cầu hệ trọng hàng đầu trong bối cảnh các nước cũng đang xem xét, định hướng lại trong việc khai thác nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc.

Nguyễn Tuyền/Dân Trí

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/neu-trung-quoc-tham-gia-du-an-cao-toc-bac-nam-nguy-co-sap-bay-no-nan-a81019.html