Theo thông tin cập nhật mới nhất về tình trạng sở hữu cổ phiếu ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritimebank, MSB) thì đến ngày 30/6/2013, tỷ lệ cổ phiếu đang nắm giữ của ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Maritimebank đối với MSB là 151.898 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 0,01%. Và từ đó đến nay không thấy có những giao dịch mua bán cổ phiếu MSB nào liên quan tới ông Trần Anh Tuấn.
Trao đổi với đại diện truyền thông MSB được biết, có lẽ vì lượng sở hữu cổ phiếu quá nhỏ nên Chủ tịch cũng không có giao dịch gì từ thời điểm đó tới nay.
Với tỷ lệ sở hữu cổ phần ngân hàng nhỏ như vậy, ông Trần Anh Tuấn đang đi một con đường khác, có "chiến lược" khác hẳn với các vị Chủ tịch HĐQT, ông chủ các ngân hàng khác, khi họ đều cố gắng để tìm cơ hội, tranh thủ tích cực mua vào cổ phiếu ngân hàng mình nhằm nâng tỷ lệ sở hữu, khẳng định vai trò "ông chủ" của mình tại ngân hàng.
Ví như, ông Đỗ Minh Phú, đang là đại diện cho Doji nắm giữ 44,4 triệu cổ phiếu TPBank, chiếm tỷ lệ 8% cổ phiếu ngân hàng này; ông Dương Công Minh đang nắm giữ hơn 62 triệu cổ phiếu STB, chiếm 3,47% cổ phiếu ngân hàng Sacombank; ông Đỗ Quang Hiển đang nắm 33 triệu cổ phiếu SHB, chiếm tỷ lệ 2,74% cổ phiếu ngân hàng này; ông Ngô Chí Dũng đang nắm trên 70 triệu cổ phiếu VPBank, chiếm tỷ lệ 4,69% cổ phiếu ngân hàng; hay ông Đặng Khắc Vỹ, đang nắm 28 triệu cổ phiếu VIB, chiếm tỷ lệ 6,14% cổ phiếu ngân hàng Quốc tế....
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước thì mỗi cổ đông là cá nhân không được nắm giữ quá 5% cổ phần của một ngân hàng, cổ đông là tổ chức thì không được nắm giữ quá 15% cổ phần. Vì thế mà hầu hết các chủ tịch HĐQT, người thuyền trưởng đều nỗ lực nắm giữ tối đa mức cổ phần con thuyền ngân hàng mà mình đang chèo lái để vừa khẳng định vị thế ông chủ trong ngân hàng, vừa đánh tiếng khẳng định với cổ đông về giá trị cổ phiếu ngân hàng đó.
Tuy nhiên, lẽ tự nhiên, thường thấy ấy lại không đúng với trường hợp của ông Trần Anh Tuấn - thuyền trưởng còn thuyền Maritimebank. Một trong những thông tin mới nhất về hoạt động mua bán cổ phiếu MSB là việc VNPT muốn thoái 71 triệu cổ phiếu MSB, chiếm tỷ lệ 6,09% vốn ngân hàng với giá khởi điểm 11.900 đồng/cp. Tuy nhiên, sau 3 lần chào bán thì đều thất bại do không đủ điều kiện tổ chức đấu giá, vì không có nhà đầu tư đăng ký tham gia.
Trên thực tế, ông Tuấn được coi là vị thuyền trưởng có tài đưa con tàu Maritimebank vượt sóng gió từ những năm 2008 đến nay. Năm 2007, VID Group (bà Nguyệt Hường, vợ ông Trần Anh Tuấn là Chủ tịch HĐQT VID khi đó) mua cổ phần chi phối tại Maritimebank từ Vinalines và các cổ đông khác (trên 80% cổ phần). Vốn điều lệ của Maritimebank năm đó đã tăng gấp đôi từ 700 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng. Đây có thể là số vốn bổ sung từ VID và ông Trần Anh Tuấn được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng. Đến tháng 10/2008, ông trở thành Tổng Giám đốc Maritimebank và tới đầu năm 2012, ông giành được ghế Chủ tịch HĐQT ngân hàng.
Về Maritimebank, việc mà ông Tuấn làm được đánh giá cao là mạnh tay cắt giảm nhân sự và giải quyết vấn đề nợ xấu thời gian mới tiếp quản ngân hàng. Trải qua không ít sóng gió, những vụ việc gây "bão" trong dư luận đến mức Ngân hàng Nhà nước phải lên tiếng trấn an người gửi tiền, Chủ tịch HĐQT - ông Tuấn trực tiếp viết tâm thư cho nhân viên, con thuyền Maritimebank rồi cũng dần đi vào hoạt động ổn định và tập trung phát triển mạng lưới, công nghệ. Theo báo cáo của ngân hàng, năm 2017, tổng tài sản của MSB đã tăng 21% so với năm 2016 lên mức hơn 112.000 tỷ; Cho vay khách hàng tăng 3% so với năm 2016; lợi nhuận trước thuế đạt 164 tỷ đồng và tuyển thêm 600 nhân sự.
Theo NHÀ ĐẦU TƯ
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/dai-gia-tran-anh-tuan-co-bao-nhieu-tien-tai-ngan-hang-maritimebank-a8103.html