Khi người trẻ Mỹ nhiều tiền, họ ký hợp đồng hôn nhân

Hôn nhân khởi nguồn từ tình yêu đẹp đẽ, nhưng đến lúc chia tay lại phải mệt mỏi chạy theo “cuộc chia chác” là điều không ai muốn và cũng không ai vui. Vậy nên chăng trước khi quyết định về chung một nhà, chúng ta nên có một bản hợp đồng hôn nhân để tránh những mệt mỏi nếu lỡ đường ai nấy đi?

Vụ ly hôn của vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên đang là "trend" trên mạng xã hội. Sự quan tâm đổ dồn từ con số tài sản phân chia hàng trăm nghìn tỷ, đến mỗi câu phát biểu của cặp vợ chồng này tại tòa.

Có lẽ nhiều người cùng chung cảm giác tiếc nuối khi hai người từng gắn bó bên nhau thưở hàn vi, tới lúc thành công, giàu có lại kéo nhau ra tòa, dùng lời lẽ nặng nề tranh giành tài sản.

Nhìn lại bài học từ Tổng thống Mỹ Donald Trump khi khôn ngoan bảo vệ được khối tài sản khổng lồ của mình nhờ hợp đồng hôn nhân, dễ dàng nhận thấy vị chính trị gia kiêm doanh nhân này chỉ mất số tiền rất nhỏ so với tài sản hàng tỷ USD đang sở hữu sau 2 cuộc ly hôn.

Hôn nhân khởi nguồn từ tình yêu đẹp đẽ, nhưng đến lúc chia tay lại phải mệt mỏi chạy theo “cuộc chia chác” là điều không ai muốn và cũng không ai vui.

Vậy nên chăng trước khi quyết định về chung một nhà, chúng ta nên có một bản hợp đồng hôn nhân để tránh những mệt mỏi nếu lỡ đường ai nấy đi?

Khi nguoi tre My nhieu tien, ho ky hop dong hon nhan hinh anh 2
Vụ ly hôn nghìn tỷ của ông Vũ - bà Thảo liệu có "dễ thở" hơn nếu có một bản thỏa thuận tiền hôn nhân? Ảnh:

Ngày càng nhiều người trẻ chọn hợp đồng hôn nhân

Thế hệ Y (hay còn gọi là thế hệ Millennials, sinh năm 1981 – 1991) đã tự mình tích lũy tài sản bằng nhiều cách khác nhau: Từ chương trình 401k (Quỹ hưu trí tư nhân - Retirement Savings Account - thường có ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản…), bằng chứng khoán hoặc bất động sản. Vậy nên họ muốn đảm bảo rằng tài sản vẫn là của họ nếu có vấn đề xảy ra.

Nhất là khi kinh doanh bằng cách xây dựng công ty khởi nghiệp xu hướng phát triển, không ít người trẻ ngày nay nhanh chóng giàu có bằng các công ty khởi nghiệp kinh doanh, sở hữu trí tuệ (ứng dụng, phần mềm…).

Họ không muốn mất đi “đứa con” mà mình tâm huyết gây dựng sau một cuộc hôn nhân đổ vỡ. Không gì tốt hơn một bản hợp đồng hôn nhân (prenuptial agreement, viết tắt prenup) để bảo vệ “giấc mơ lớn” của ấy trước sự đe dọa phân chia tài sản khi ly hôn.

Khi nguoi tre My nhieu tien, ho ky hop dong hon nhan hinh anh 3
Ngày nay, hợp đồng hôn nhân dần trở nên phổ biến và phù hợp với tất cả mọi người chứ không riêng gì giới tài phiệt. Ảnh:

Hợp đồng hôn nhân đặc biệt phù hợp với phụ nữ hiện đại - những người ngày có sự độc lập tài chính hơn so với thế hệ trước.

Theresa Viera, luật sư của công ty Sodoma Law, nhận định với Business Insider: "Vai trò của phụ nữ trong các mối quan hệ và cấu trúc gia đình đang thay đổi. Họ có bằng đại học danh giá, tiếp cận mức lương cao hơn bao giờ hết và số phụ nữ độc thân mua nhà hơn đàn ông độc thân. Điều đó càng khiến phụ nữ muốn bảo vệ lợi ích tài chính của họ khi kết hôn”.

Ở Mỹ, thứ người ta "đóng góp" cho một cuộc hôn nhân đôi khi không chỉ là tài sản mà có thể đó là một khoản nợ sinh viên khổng lồ. Nếu không có hợp đồng hôn nhân, một người có thể phải gánh một nửa số nợ chưa trả đó của vợ hoặc chồng sau khi ly hôn.

Theo một báo cáo của Student Loan Hero, việc cân nhắc vấn đề đó khi ký hợp đồng hôn nhân có thể không phải là ý tưởng tồi, vì hơn 10% người từng vay vốn sinh viên khi ly hôn đã đổ lỗi chính khoản nợ ấy làm tan vỡ hạnh phúc gia đình mình.

Theo thống kê của Viện hàn lâm Luật sư Hôn nhân Mỹ, số lượng người trẻ thuộc thế hệ Y yêu cầu những bản thỏa thuận tiền hôn nhân đã tăng vọt.

Hơn một nửa số luật sư được khảo sát đã chứng kiến các bản hợp đồng hôn nhân được ký, 62% người nhận thấy sự tăng vọt trong giai đoạn 2013-2016.Một nghiên cứu của hãng luật AAML (Mỹ) cho thấy tỷ lệ thực hiện hợp đồng hôn nhân tại quốc gia này đã tăng 63% trong khoảng 2010-2013 và có đến 80% số người được hỏi cho rằng các thỏa thuận này là để bảo vệ tài sản riêng.

Ngay cả những người trẻ không có tài sản gia đình để bảo vệ và những người kết hôn lần đầu tiên cũng đang tính đến hợp đồng hôn nhân.

Một trong những lý do đằng sau sự tăng vọt của số lượng hợp đồng hôn nhân là do người trẻ kết hôn ngày càng muộn. Điều tra dân số Mỹ cho thấy kể từ năm 2005, độ tuổi kết hôn trung bình tại Mỹ đã tăng từ 27 lên gần 30 đối với nam và từ 25,5 lên 28,1 đối với nữ.

Người trẻ hiện đại cũng hẹn hò lâu hơn trước khi quyết định trở thành vợ chồng, trung bình họ chờ đến 4,9 năm mới kết hôn.

Thêm nữa, đối với những người là con của các cặp đã ly hôn, cha mẹ họ có khuynh hướng dạy con bảo vệ quyền lợi của mình trong một cuộc hôn nhân.

Hợp đồng hôn nhân không xấu xí

Hợp đồng hôn nhân là một hợp đồng ràng buộc về mặt pháp lý mà hai người ký trước khi kết hôn, bao gồm các vấn đề tài chính và phân chia tài sản trong trường hợp ly hôn, luật sư Kelly Frawley nói với Business Insider.

Bởi tính chất nhạy cảm của nó, bản hợp đồng này đã trở thành thứ gì đó rất xấu xí trong mắt các cặp vợ chồng hoặc những đôi đang muốn tiến đến hôn nhân.

Định kiến thể hiện rõ trong một bài viết trên New York Times từ năm 2013 với nhan đề “If you want a prenup, you don’t want marriage” (tạm dịch: Muốn ký hợp đồng hôn nhân nghĩa là bạn không muốn làm đám cưới).

Trong bài viết, ông W. Bradford Wilcox, giám đốc Dự án Hôn nhân Quốc gia Mỹ của Đại học Virginia, bày tỏ: "Nếu đang suy nghĩ về một bản hợp đồng hôn nhân, hoặc tệ hơn là muốn ký nó, bạn có thể hủy đám cưới của mình luôn là vừa. Bởi có một cách dễ dàng hơn để tách biệt tài sản và thu nhập của bạn là sống thử”.

Song ngày nay, hợp đồng hôn nhân đang dần mất đi những định kiến, hình ảnh xấu xí mà người ta gắn mác cho nó.

Trong cuốn Nghĩ lớn để thành công, Tổng thống Trump - người đã trải qua 3 cuộc hôn nhân - từng viết: "Hôn nhân là một loại hợp đồng không giống như bất kỳ hợp đồng nào khác trong cuộc sống. Bạn kết hôn vì tình yêu. Nhưng chữ ký của bạn trên giấy chứng nhận kết hôn bao gồm tất cả về quyền, nghĩa vụ và tài sản. Đó là một hợp đồng ràng buộc về mặt pháp lý, nó không liên quan gì đến tình yêu".

Chính nhờ những thỏa thuận từ trước, ông Trump đã bảo vệ được khối tài sản khổng lồ của. Ông chỉ mất số tiền rất nhỏ so với khối tài sản hàng tỷ đô đang sở hữu.

Sau ly dị, người vợ đầu tiên là Ivana được nhận 14 triệu USD tiền mặt, 350.000 USD tiền lãi hàng năm và các khoản thanh toán hỗ trợ nuôi con 300.000 USD/năm cho ba đứa con của họ. Người vợ thứ hai Marla nhận được khoảng 2 triệu USD tiền mặt, và những khoản chi tiền học phí trường tư cho con gái họ (Tiffany Trump), chi phí bảo mẫu và bảo hiểm y tế khi chia tay.

Ngay cả với người vợ hiện tại là Đệ nhất Phu nhân Mỹ Melania, họ cũng đã ký vào bản hợp đồng hôn nhân trước khi làm đám cưới vào năm 2005.

Cuộc ly hôn giữa tỷ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos và vợ MacKenzie với khối tài sản tranh chấp lên đến 131 tỷ USD từng khiến nhiều người nuối tiếc. Vậy là ngay cả hạnh phúc 25 năm của ông chủ Amazon - người vẫn được mọi người ngưỡng mộ khi kể chuyện ngày ngày vào bếp giúp vợ rửa bát - cũng không tránh khỏi đổ vỡ.

Có thể một ngày nào đó, chính chúng ta cũng rơi vào hoàn cảnh đó. Khi người chồng không còn muốn đứng trong bếp rửa bát giúp người phụ nữ của mình nữa, còn người vợ chỉ nhìn chồng quấn chiếc khăn quàng cũng cảm thấy bí bách, họ quyết định ly hôn.

Lúc ấy, bản hợp đồng hôn nhân có lẽ là giải pháp để họ không phải tranh cãi mệt mỏi về chuyện tài sản, dùng lời lẽ mạt sát người mình đã từng yêu thương.

Theo Zing

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/khi-nguoi-tre-my-nhieu-tien-ho-ky-hop-dong-hon-nhan-a81068.html