Ăn nằm với Nicomedes - vị vua xứ Bithynia
Vết nhơ duy nhất cho sự trinh khiết của Caesar là việc sống như vợ chồng với Nicomedes; nó quả thực đã gắn với ông suốt cả cuộc đời, và khiến ông phải chịu nhiều sự chế giễu cay đắng. Tôi sẽ không nói nhiều về những câu thơ nổi tiếng của Calvus Licinius: Bithynia quicquid Et predicator Caesaris unquam habuit (Bất kể vùng Bithynia và vị vua của vương quốc ấy đã sở hữu điều gì Vị chúa tể ấy là người mà Caesar đã âu yếm vuốt ve).
Tượng Caius Julius Caesar. |
Tôi bỏ qua những bài diễn văn của Dolabella, và Curio cha, trong đó Dolabella gọi Caesar là “tình địch của nữ hoàng, và đối tác bí mật trên chiếc giường hoàng gia”, còn người sau gọi ông là “nhà thổ của Nicomedes, ổ điếm của người Bithynia”. Tôi cũng sẽ không nói gì về các sắc lệnh của Bibulus, trong đó ông gọi người đồng nhiệm của mình là “nữ hoàng Bithynia”; còn thêm vào rằng, “trước đây, ông ấy từng phải lòng một vị vua, nhưng giờ đây lại đang thèm muốn một vương quốc”.
Tại thời điểm đó, như Marcus Brutus thuật lại rằng, một gã Octavius đầu óc điên khùng, và do đó, có phần thoải mái hơn trong việc chế nhạo, khi đứng tụ họp trong đám đông, đã chào đón Pompey bằng danh xưng hoàng đế, trong khi gọi Caesar là nữ hoàng.
Caius Memmius1 cũng quở trách Caesar vì đã đứng bên bàn ăn của nhà vua, giữa các cậu điếm trai khác của ông ta, trước sự hiện diện của đông đảo khách khứa, trong đó có một vài thương gia từ Rome mà Memmius đã nhắc tên.
Cicero ghi lại trong một vài bức thư rằng Caesar được những hầu cận của hoàng gia đưa vào phòng ngủ của nhà vua, nằm trên một chiếc giường bằng vàng phủ lụa tím, và vị thiếu niên trẻ tuổi, dòng dõi của nữ thần Venus đã bị làm ô uế ở Bithynia; sau đó khi Caesar đang biện hộ trước Viện Nguyên lão trong vụ kiện tụng của Nysa, con gái của Nicomedes, và nhắc lại lòng tốt của vị vua này đối với mình, Cicero đã đáp lời: “Xin ngài đừng kể thêm gì về chuyện đó với chúng tôi; vì ai cũng biết nhà vua Nicomedes đã trao gửi gì cho ngài, và ngài đền đáp ông ta những gì”.
Sách 12 hoàng đế La Mã. |
Cuối cùng, binh lính của Caesar trong lễ khải hoàn mừng chiến thắng xứ Gaul, trong những câu thơ khác mà họ ca vang vào những dịp đó, khi đi theo sau cỗ xe của chủ tướng, đã đọc thuộc lòng những câu sau mà từ dịp đó đã trở nên vô cùng phổ biến:
"Xứ Gaul đã khuất phục trước Caesar, còn ngài lại quy phục trước Nicomedes/ Nhìn xem! Caesar đang hân hoan vì chiến thắng vinh quang của ngài/ Nhưng người chinh phục ngài lại chẳng có được phần thưởng chiến thắng nào".
Say mê và có con với nữ hoàng Cleopatra
Mọi người đều thừa nhận rằng Caesar rất say mê phụ nữ, cũng như tốn kém rất nhiều cho việc dan díu với họ, rằng ông quyến rũ nhiều phụ nữ thuộc tầng lớp trên; trong đó có Posthumia, vợ của Servius Sulpicius; Lollia, vợ của Aulus Gabinius; Tertulla, vợ của Marcus Crassus; và Mucia, vợ của Cneius Pompey.
Chắc chắn vì điều này mà cả Curio cha lẫn Curio con, cùng nhiều người khác đều mắng nhiếc Pompey rằng, “Để thỏa mãn tham vọng của mình, Pompey đã kết hôn với con gái của một người đàn ông, mà vì người này, ông đã ly dị người vợ đã sinh cho ông ba đứa con; và với một tiếng thở dài, Pompey thường gọi người đàn ông đó là Aegisthus”.
Tuy nhiên, người tình mà Caesar yêu nhất là Servilia, mẹ của Marcus Brutus, người mà vì bà, ông đã mua một viên ngọc trai giá 6 triệu sesterce trong lần đầu tiên ông làm chấp chính quan, sau khi bắt đầu mối quan hệ dan díu này.
Và trong cuộc nội chiến, bên cạnh những món quà khác, ông còn nhượng cho bà một số điền trang giá trị, với mức giá không đáng kể, khi chúng được đem ra đấu giá công khai. Khi nhiều người tỏ ra ngạc nhiên với mức giá thấp này, Cicero đã nhận xét một cách dí dỏm rằng: “Nói riêng với các vị là giá mà các vị biết là đã khấu trừ Tertia rồi,” vì người ta cho rằng Servilia đã dâng con gái bà ta là Tertia cho Caesar.
Tương tự việc Caesar dan díu với nhiều phụ nữ có gia đình trong các xứ đã xuất hiện trong đoạn thơ dưới đây. Đoạn thơ này cũng được nhắc đi nhắc lại trong lễ khải hoàn mừng chiến thắng xứ Gaul:
"Hỡi các cư dân thị thành, hãy trông chừng phu nhân của các vị
Chúng tôi mang đến một người gã hói đầu lão luyện trong việc tán tỉnh Vàng ở Gaul đã phung phí nhiều vào trò chim chuột Dù đã vay mượn thêm, nhưng giờ cũng đã cạn kiệt".
Trong số những tình nhân của Caesar cũng có một vài nữ hoàng; chẳng hạn như Eunoe, một người Moor, vợ của Bogudes, mà theo Naso, Caesar đã tặng rất nhiều món quà lớn cho hai vợ chồng này.
Trích đoạn một bức tranh vẽ Cleopatra xuất hiện trên tấm thảm trong phòng của Caesar. Mối tình của họ là đề tài cho nhiều tác phẩm nghệ thuật sau này. |
Tuy nhiên, vị nữ hoàng ông yêu thích nhất là Cleopatra, ông thường cùng nàng tiệc tùng thâu đêm cho tới rạng sáng. Ông còn cùng với nữ hoàng đi qua Ai Cập trong sự đùa cợt suồng sã, tới tận Aethiopia, trên chiếc thuyền buồm sang trọng của nữ hoàng, khi quân đội của ông từ chối đi theo hộ tống.
Không lâu sau, Caesar mời Cleopatra tới Rome, rồi để nàng trở về với nhiều niềm vinh dự và quà tặng, cho phép nàng được lấy tên ông để đặt cho con trai nàng, người mà theo mô tả của một vài sử gia La Mã, giống Caesar từ ngoại hình tới dáng đi.
Marcus Antonius đã tuyên bố ở Viện Nguyên lão rằng Caesar thừa nhận đứa trẻ đó là con của mình; rằng Caius Matias1, Caius Oppius2, và những bạn bè khác của Caesar đều biết đó là sự thật.
Trong dịp đó, Oppius, như thể coi đó là một sự quy tội mà ông yêu cầu phải bác bỏ, đã xuất bản một cuốn sách nhằm bày tỏ rằng, “đứa con có ngoại hình giống với Caesar của Cleopatra, vốn không phải là con của ông ấy”. Helvius Cinna, bảo dân quan của hội đồng nhân dân, đã thừa nhận với một vài người sự thật rằng ông có một đạo luật sẵn sàng đưa ra, mà Caesar đã hạ lệnh cho ông ban hành khi mình vắng mặt, cho phép Caesar, với hy vọng có người nối dõi, được lấy bất cứ người vợ nào ông chọn, và với số lượng tùy thích.
Không còn nghi ngờ gì về tính cách đồi bại vì thói dâm dục khác thường và tội ngoại tình của Caesar, Curio cha nói trong một bài diễn văn rằng: “Caesar là người đàn ông của mọi phụ nữ, và là người phụ nữ của mọi đàn ông”.
12 hoàng đế La Mã của tác giả Caius Suetonius Tranquillus (sử gia, thư ký riêng của hoàng đế Hadrian trị vì từ năm 117 đến năm 138). Sách dựng chân dung cá nhân về tư cách, sở thích các vị hoàng đế với những câu chuyện gần gũi, sinh động, chân thực. Được sự đồng ý của Omega Plus - đơn vị nắm bản quyền tiếng Việt cuốn sách, Zing.vn trích đăng một phần nội dung.
Trích sách Hoàng đế La mã/Zing