Không chỉ cho HAGL mượn hàng ngàn tỷ, Bầu Đức còn cam kết có đủ khả năng tự thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trong vụ kiện với FPT Capital

Ghi nhận tại BCTC hợp nhất kiểm toán 2018 vừa công bố, ban lãnh đạo Tập đoàn HAGL tiếp tục nhấn mạnh rằng các điều khoản của các hợp đồng và cam kết thanh toán với FPT Capital có các nội dung vi phạm pháp luật dẫn đến vô hiệu hợp đồng cam kết.

Vẫn đang là bị đơn trong vụ kiện với FPT Capital

CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HAG) vừa công bố BCTC hợp nhất 2018 kiểm toán, trong đó xác định Tập đoàn đang là bị đơn của việc kiện liên quan đến việc góp vốn với FPT Capital. Đáng chú ý, cá nhân Chủ tịch HAGL - Bầu Đức - cam kết có đủ khả năng thực hiện toàn bộ các nội dung trong hợp đồng tuỳ thuộc vào phán quyết, theo yêu cầu từ phía FPT Capital là mua lại toàn bộ số cổ phiếu HNG với giá trị 141 tỷ đồng.

Trước đó vào tháng 10/2018, Tòa án Nhân dân Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai đã thụ lý giải quyết vụ án kinh doanh thương mại về việc tranh chấp về hợp đồng góp vốn. Các đối tượng bao gồm, nguyên đơn là CTCP Quản lý quỹ Đầu tư FPT – FPT Capital; bị đơn là ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) và HAGL; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HNG) – tiền thân là Tổng CTCP Cao su Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Rubber).

Nội dung, FPT Capital khởi kiện và yêu cầu HAGL mua lại toàn bộ 2.242.500 cổ phần HAG Rubber mà công ty nắm giữ với giá trị yêu cầu hơn 141 tỷ đồng. Theo các nội dung trong các Hợp đồng góp vốn có yêu cầu, trong mọi trường hợp và vào bất kỳ thời điểm nào sau 6 tháng kể từ ngày HAGL Agrico (HAGL Rubber) thực hiện niêm yết (ngày 10/7/2015), Tập đoàn có nghĩa vụ mua lại toàn bộ số cổ phần HAGL Agrico mà FPT Capital nắm giữ trong trường hợp ông Đoàn Nguyên Đức không thực hiện cam kết này.

Ngày 19/10/2018, HAGL đã gửi đơn phản tố để yêu cầu Toà án Nhân dân Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai tuyên vô hiệu Hợp đồng. Phía HAGL cho biết, do hai bên chưa tìm được tiếng nói chung nên FPT Capital khởi kiện ra tòa án, Tập đoàn cũng đã cử luật sư đại diện cho HAGL và Bầu Đức tham gia tố tụng.

Điểm lại chi tiết vụ việc, ngày 19/12/2011, FPT Capital và HAGL Agrico (HNG) đã ký với nhau Hợp đồng góp vốn cổ phần với tổng giá trị 76,5 tỷ đồng; theo đó FPT Capital mua vào 1,5 triệu cổ phiếu HNG với mức giá 51.000 đồng/cp. Ghi nhận tại BCTC hợp nhất năm 2011 của FPT Capital, tính đến 31/12/2011, FPT Capital có khoản đầu tư dài hạn 500.000 cổ phiếu HNG với giá trị 25,5 tỷ đồng.

Đến tháng 6/2015, HAGL Agrico phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, qua đó lượng cổ phiếu của FPT Capital tăng lên 2.242.500 cổ phiếu.

Đến ngày 3/9/2015, FPT Capital có gửi thông báo đề nghị Tập đoàn và Bầu Đức mua lại toàn bộ 2.242.500 cổ phiếu HNG tại ngày 21/1/2016 với tổng giá trị xấp xỉ 113 tỷ đồng, tức hơn 50.000 đồng/cp. BCTC quý 1/2016 của FPT Capital thể hiện, từ cuối 2015 đến 31/3/2016, mục các khoản đầu tư tài chính dài hạn đã không còn ghi nhận nắm giữ cổ phiếu HNG.

Được biết, cổ phiếu HNG đã niêm yết trên HoSE vào ngày 20/7/2015 và tại thời điểm đầu tháng 9/2015 có thị giá khoảng 30.000 đồng/cp. Hiện nay, thị giá cổ phiếu HNG dao động quanh mức 15.000-16.000 đồng/cp.

Theo đó, đơn phản tố của HAGL cho rằng giá trị cổ phiếu HNG mà FPT Capital yêu cầu mua lại theo cách tính toán của FPT Capital là chưa hợp lý, trong khi Hợp đồng đang có một số vấn đề pháp lý chưa phù hợp với quy định của pháp luật nên công ty chưa chấp nhận.

Bầu Đức cam kết có đủ khả năng thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trong vụ kiện với FPT Capital mà không liên quan đến HAGL

Ghi nhận tại BCTC hợp nhất kiểm toán 2018 vừa công bố, ban lãnh đạo Tập đoàn HAGL tiếp tục nhấn mạnh rằng các điều khoản của các hợp đồng và cam kết thanh toán nêu trên có các nội dung vi phạm pháp luật dẫn đến vô hiệu hợp đồng cam kết.

Và, cũng tại báo cáo này ghi nhận Bầu Đức cam kết có đủ khả năng thực hiện các nội dung trong hợp đồng tuỳ thuộc vào phán quyết của Toà án mà không yêu cầu Tập đoàn phát sinh thêm nghĩa vụ nào khác liên quan đến hợp đồng cam kết này.

Như vậy, dù kết quả cuối cùng phía FPT Capital thắng kiện, Bầu Đức sẽ tự chi tiền mua lại số cổ phần HNG mà không khiến HAGL phải phát sinh bất kỳ giao dịch nào. Được biết, tính đến cuối năm 2018, HAGL còn ghi nhận nợ cá nhân Bầu Đức giá trị tiền khá lớn. Bao gồm:

+ 136 tỷ đồng: Mượn tiền thông qua nhận vốn góp BCC, hiện ghi nhận tại khoản phải trả ngắn hạn, đồng thời phát sinh hơn 4 tỷ chi phí phải trả ngắn hạn cho Bầu Đức;

+ 180 tỷ đồng: Nhận vốn góp BCC, hiện ghi nhận tại khoản phải trả dài hạn, đồng thời phát sinh gần 2,4 tỷ chi phí phải trả dài hạn cho Bầu Đức;

+ 613 tỷ đồng vay ngắn hạn, tín chấp;

+ 130 tỷ đồng vay dài hạn

Tổng cộng, số tiền Bầu Đức chi cá nhân cho HAGL vay mượn hiện lên đến hơn 1.000 tỷ đồng (cả ngắn và dài hạn). Chưa kể, Bầu Đức còn dùng tài sản riêng đứng ra bảo lãnh tất cả các khoản phải thu liên quan đến nhóm An Phú với trị giá tính đến cuối năm 2018 lên đến 7.796 tỷ đồng, cùng tài sản của một số cá nhân, công ty liên quan khác.

Không chỉ cho HAGL mượn hàng ngàn tỷ, Bầu Đức còn cam kết có đủ khả năng tự thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trong vụ kiện với FPT Capital - Ảnh 2.

Giao dịch bầu Đức với HAGL năm 2018 (đv: nghìn đồng)

Theo Trí thức trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/khong-chi-cho-hagl-muon-hang-ngan-ty-bau-duc-con-cam-ket-co-du-kha-nang-tu-thuc-hien-toan-bo-nghia-vu-trong-vu-kien-voi-fpt-capital-a81529.html