Nỗ lực là cần thiết song kết quả còn quan trọng hơn. Không ai biết rằng bạn đã đổ nhiều mồ hôi, nước mắt thế nào, người ta chỉ tán dương người đứng trên bục vinh quang.
Nhưng bạn sai rồi, thất bại một lần là điều khó tránh khỏi, còn thất bại nhiều lần thì chắc chắn là lỗi của bạn rồi!
Tôi vẫn còn nhớ năm nhất đại học, tôi có cùng một nhóm bạn tham gia cuộc thi hùng biện ở trường. Chúng tôi là một đội ăn ý và chăm chỉ. Mọi thành viên đều nỗ lực hết sức chuẩn bị cho cuộc thi, không một ai dám sao nhãng. Chúng tôi dành mọi khoảng thời gian có thể có để cùng nhau tìm tài liệu, lập ý, bàn luận với nhau rồi luyện tập thuyết trình. Nhưng bạn biết kết quả thế nào không? Chúng tôi không nhận được giải thưởng nào cả. Nghe có vẻ điên rồ, nhưng đó là sự thật.
Ban đầu, nhiều thành viên cảm thấy bất công vì tin chắc rằng chúng tôi là đội đầu tư nhiều thời gian và công sức nhất. Chúng tôi luôn cho rằng giám khảo đã thiên vị đội khác, rồi những đội khác quá lười biếng, không xứng đáng với giải thưởng vì chưa nỗ lực như chúng tôi.
Chúng tôi mang nỗi ấm ức đi gây sự với đội đạt giải nhất, cậu bạn bên đội đó chỉ nói đúng một câu đại ý rằng kẻ mạnh chưa chắc đã thắng, người thắng mới chính là kẻ mạnh.
Lúc đó tôi hiểu ra rằng làm việc chỉ tính hiệu quả, bạn nỗ lực bao nhiêu cũng không quan trọng bằng kết quả như thế nào. Nỗ lực là cần thiết song kết quả còn quan trọng hơn. Không ai biết rằng bạn đã đổ nhiều mồ hôi, nước mắt thế nào, người ta chỉ tán dương người đứng trên bục vinh quang.
Đấy chính là cuộc sống.
Ngày còn học cấp 3, tôi luôn ghen tỵ với My, cô bạn cùng lớp của mình. Cô ấy luôn thảnh thơi trước mỗi kỳ thi trong khi chúng tôi ngập ngụa trong mớ bài tập khó nhằn. Dù cho chúng tôi có nỗ lực cỡ nào thì cuối cùng cô ấy vẫn đứng hạng nhất.
Nhiều bạn trong lớp cho rằng thế thì thật không phải, rõ ràng chúng mình đã rất nỗ lực, cố gắng vậy tại sao vẫn không đạt được hạng nhất. Trong khi đó, My lúc nào cũng nhẹ nhàng vươn lên vị trí cao nhất ấy. Cuối cùng, tôi hỏi My, rốt cuộc là tại sao cô ấy có thể đạt hạng nhất dễ dàng như thế, phải chăng có bí mật gì, hay thậm chí là một sự gian lận nào đó.
Cô ấy bật cười: "Tất nhiên là không phải gian lận. Mình đạt hạng nhất vì mình hiểu bài, mình có cách học tập hiệu quả của riêng mình. Trong lúc các cậu mải mê giải đi giải lại một dạng bài tập, mình tìm đọc những dạng bài mới. Trong lúc cả lớp chỉ chú tâm làm cho đủ những câu hỏi cô giao về nhà, mình chỉ làm những câu mình chưa hiểu rõ, nếu có vướng mắc, mình sẽ tìm gặp cô hoặc các bạn lớp khác để hỏi. Đâu phải cứ học ngày học đêm là sẽ giỏi."
Tôi nhận được một bài học xương máu cho bản thân: dù bạn làm việc chăm chỉ cỡ nào cũng không quan trọng bằng việc bạn làm việc có hiệu quả không. Nếu bạn làm hiệu quả, bạn chỉ cần một giờ trong khi người khác sẽ uể oải làm việc đó trong ba, bốn giờ. Đừng chỉ chăm chăm làm việc cật lực mà quên đi thành công đến từ những cách làm việc thông minh.
Trong công ty hiện tại của tôi đang làm việc, có một đồng nghiệp trẻ có tài ca hát. Ban ngày anh đến công ty làm việc, buổi tối đến các quán cafe hát cho thỏa niềm yêu thích của mình. Được một thời gian, anh xin nghỉ làm tại công ty để tập trung cho sự nghiệp ca hát.
Tất cả đồng nghiệp đều ngỡ ngàng trước quyết định ấy của anh. Sếp cho anh thêm thời gian suy nghĩ, bạn bè cùng công ty cố gắng khuyên anh nên suy nghĩ lại. Anh là người có năng lực, anh đã đảm nhiệm xuất sắc vị trí này và tất nhiên cơ hội thăng tiến luôn rộng mở. Còn ca hát, anh có chắc rằng anh sẽ làm tốt không, ở tuổi này anh có thể cạnh tranh với những ca sĩ trẻ ngoài kia không?
Anh vẫn quyết xin nghỉ việc ở công ty. Anh nói rằng anh muốn sống với đam mê của mình, dù rằng anh cũng yêu công việc hiện tại của mình.
Tôi không thể phủ nhận anh là người dũng cảm, thú thực, nếu là tôi tôi cũng chưa chắc mình có đủ dũng khí như anh.
Nhưng sau một năm, tình cờ tôi gặp lại anh. Trông anh gầy hơn trước nhiều, vẫn là nét phong lưu, lịch lãm ấy nhưng nét mặt anh có chút buồn rầu. Hóa ra, đúng là nghiệp ca hát của anh không thuận lợi. Lúc còn đi làm ở công ty, anh vẫn có thể trang trải cho cuộc sống, nhưng nghỉ việc rồi, đi hát không đủ chi trả cho cuộc sống hiện tại của anh.
Anh vẫn nghĩ mọi chuyện đơn giản. Song cuộc sống vốn dĩ luôn phức tạp: ngành giải trí rất khắc nghiệt, công chúng luôn yêu thích những ca sĩ trẻ mới ra và nhanh chóng quên đi những thần tượng cũ. Chưa kể ca hát chỉ là đam mê của anh, anh không có những kiến thức căn bản về nhạc lý để phát triển. Anh thiếu nhiều thứ, anh chật vật rồi suy sụp. Sức ép từ gia đình, bạn bè cùng tuổi đã lập gia đình và thành công mỹ mãn,... khiến anh càng buồn chán. Bây giờ, đến cả việc hát, anh cũng cảm thấy nặng nề, không thể làm tốt như trước được nữa.
Tôi biết anh nghĩ gì: Anh hối hận.
Nếu anh không nghỉ việc ở công ty, có lẽ mọi chuyện đã khác. Bây giờ anh đã thăng tiến trong sự nghiệp, anh vẫn có thể tiếp tục việc ca hát của mình. Anh không cần phải vứt bỏ thứ gì cả.
Theo đuổi đam mê không có gì sai nhưng hãy tỉnh táo. Đừng tưởng rằng mù quáng chạy theo đam mê không màng đến thực tế là dũng cảm, đừng biện minh rằng thất bại là mẹ thành công. Bởi vậy, giữa thứ bạn có thể làm tốt và thứ bạn yêu thích, hãy chọn điều bạn có thể làm tốt. Thật ra, thành công tạo ra đam mê chứ đam mê chưa chắc mang đến thành công.
Người ta hay tự huyễn chính mình rằng vì cuộc sống này bất công nên mình mới không thể đạt được những điều mình mong muốn, vì người khác may mắn hơn nên họ mới thành công.
Thực ra, cuộc sống vốn dĩ rất công bằng. Bạn là ai, bạn đạt được điều gì, đều do bạn quyết định.
Theo Trí Thức Trẻ