Đừng nghĩ nghề phi công là “sướng”: Học phí cao, lương thấp, thời gian làm việc kéo dài… đang khiến cả thế giới thiếu hụt phi công!

Phi công trẻ tại Mỹ đang phải đối mặt với một thực tế phũ phàng: Hàng không ngày càng phổ biến khiến nghề phi công ngày càng “tầm thường”, khiến một phi công có mức lương khởi điểm còn thấp hơn cả nhân viên bán thức ăn nhanh.

Học phí, học phí và học phí

Trước khi thực hiện chuyến bay chở khách đầu tiên, các phi công buộc phải có hàng loạt bằng cấp. Hầu hết hãng bay tại Mỹ yêu cầu nhân viên phải có bằng Đại học, ước tính tiêu tốn khoảng 133.000 USD.

Sau đó, họ phải có trong tay Chứng chỉ bay dân sự (Private Pilot) với 35 giờ bay, chi phí thuê phương tiện và học phí cho những giờ bay đầu tiên này là 8.000 USD.

Đừng nghĩ nghề phi công là “sướng”: Học phí cao, lương thấp, thời gian làm việc kéo dài… đang khiến cả thế giới thiếu hụt phi công! - Ảnh 1.

Chứng chỉ bay dân sự (Private Pilot)

Nhưng để bắt đầu sống bằng nghề phi công, mỗi người phải cần thêm 15 giờ Huấn luyện Năng định (900 USD học phí) và 215 giờ bay (23.500 USD học phí). Đó là chưa kể đến sách vở, chi phí ăn ở, di chuyển …

Vị chi tổng học phí để có trong tay Chứng chỉ bay thương mại (Commercial Pilot) sẽ vượt 80.000 USD.

Sau khi chi hơn 213.000 USD cho bằng đại học và Chứng chỉ bay thương mại, tưởng chừng như các phi công đã sẵn sàng vào nghề. Nhưng trên thực tế là nó vẫn chưa đủ, hãng bay lớn luôn yêu cầu thêm Chứng chỉ bay vận chuyển (ATPL - Airline Transport Pilot Licence), bằng cấp này đòi hỏi thêm 1.500 giờ bay với chi phí ít nhất là 136.000 USD.

Để tích lũy đủ 1.500 giờ bay này, các phi công thường chuyển sang những nghề không cần bằng ATPL với máy bay có động cơ nhỏ nhằm chở khách đi tham quan, kéo banner quảng cáo, hay vận chuyển đến các vùng xa xôi.

Đừng nghĩ nghề phi công là “sướng”: Học phí cao, lương thấp, thời gian làm việc kéo dài… đang khiến cả thế giới thiếu hụt phi công! - Ảnh 2.

Sau bao nhiêu khổ luyện và hàng trăm ngàn USD đầu tư cho sự nghiệp, một phi công thương mại đã sẵn sàng gia nhập thị trường lao động "danh giá" với mức lương khởi điểm … 22.000 USD mỗi năm.

Khởi đầu gian nan

Sau khi có bằng ATPL, đa phần phi công trẻ sẽ bắt đầu sự nghiệp với một hãng bay nội địa, trong đó nổi tiếng nhất có thể kể đến Skywest Airlines với mức lương rất thấp.

Đừng nghĩ nghề phi công là “sướng”: Học phí cao, lương thấp, thời gian làm việc kéo dài… đang khiến cả thế giới thiếu hụt phi công! - Ảnh 3.

Top 3 hãng hàng không tại Mỹ

Vì hàng không là một trong những ngành có công đoàn hoạt động mạnh mẽ nhất, nên các hãng lớn như Delta, United và American Airlines phải duy trì một mức lương "công bằng" cho nhân viên có kinh nghiệm, "nhường" công việc với mức lương 20.000 – 30.000 USD/ năm lại cho những hãng với nhiều nhân viên trẻ như Skywest.

Điều đó dẫn đến một sự khác biệt lớn trong mức lương theo giờ của phi công, trong khi American Airlines trả 88 USD mỗi giờ, Skywest chỉ trả… 37 USD/ giờ.

Nhưng khó khăn của những phi công trẻ vẫn chưa dừng lại tại đó.

Chính phủ Mỹ chỉ cho phép một phi công bay 900 giờ mỗi năm, tương đương với 17 giờ mỗi tuần. Nghe có vẻ quá "nhàn hạ" nhưng số giờ này chỉ được tính khi phi công đang điều khiển máy bay, hoàn toàn không tính thời gian đi đến sân bay, làm thủ tục an ninh, họp trước chuyến bay, kiểm tra tình trạng máy bay, đón khách, trả khách, làm thủ tục hành chính và về nhà (hoặc khách sạn) để nghỉ ngơi.

Ước tính một phi công nội địa phải bay hơn 17 chuyến ngắn (mỗi chuyến kéo dài 1 giờ bay) trong suốt 4 đến 5 ngày liên tục mới đủ số giờ bay quy định trên.

Đó chính là lý do các phi công lâu năm được ưu tiên chọn và luôn "xí" các chuyến bay dài, vì chỉ cần 2 chuyến xuyên Đại Tây Dương, họ đã dễ dàng "bỏ túi" 17 giờ bay với rất nhiều thời gian nghỉ ngơi.

Hậu quả nghiễm nhiên

Học phí quá cao, thời gian huấn luyện dài và phải mất nhiều năm "cày cuốc" mới đạt được mức lương tốt khiến số lượng người muốn trở thành phi công sụt giảm một cách báo động.

Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, nước Mỹ sẽ thiếu hụt ít nhất 1.600 phi công vào năm 2020, và khó khăn này đã được thể hiện rõ nét ở hãng bay nổi tiếng Emirates.

Dù một mực khẳng định là mình đang có đủ phi công, vào tháng 4 năm 2018, Emirates đã gửi 36 chiếc Boeing 777 và 10 chiếc Airbus A380 đến sân bay Dubai World Central để … đắp chiếu trong nhiều tháng trời vì không có phi công để lái.

Đừng nghĩ nghề phi công là “sướng”: Học phí cao, lương thấp, thời gian làm việc kéo dài… đang khiến cả thế giới thiếu hụt phi công! - Ảnh 4.

Đáng lo ngại hơn khi Emirates là một trong những hãng bay có mức lương cao nhất khi những phi công mới vào được đãi ngộ hơn 200.000 USD/năm và không phải chịu thuế thu nhập theo luật địa phương.

Chưa dừng lại ở đó, tình trạng thiếu hụt phi công đã khiến Trung Quốc với thị trường hàng không bùng nổ phải nâng mức lương mời chào các phi công nước ngoài lên tới 312.000 USD/năm!

Mức lương khủng tại Trung Đông và Trung Quốc đã thu hút không ít phi công có kinh nghiệm, khiến tỷ lệ thiếu hụt phi công ở Âu-Mỹ ngày một trầm trọng hơn.

Giải pháp

Ai cũng biết vấn đề cốt lõi nằm ở lương và điều kiện làm việc, nhưng với các hãng hàng không, tăng lương và giảm giờ làm là phương án cuối cùng được tính tới trong thời đại cạnh tranh gay gắt hiện nay.

Thị trường bị ảnh hưởng nhiều nhất – Hoa Kỳ đã đưa ra một giải pháp tạm thời khi rút ngắn điều kiện 1.500 giờ bay để đạt Chứng chỉ bay ATPL xuống chỉ còn 1.000 giờ.

Đừng nghĩ nghề phi công là “sướng”: Học phí cao, lương thấp, thời gian làm việc kéo dài… đang khiến cả thế giới thiếu hụt phi công! - Ảnh 5.

Nhưng giải pháp này cũng vấp phải không ít phản đối khi làm thiếu hụt số lượng phi công bay chặng ngắn với động cơ nhỏ (và đồng thời lương cũng thấp).

Sở hữu diện tích quá lớn, Mỹ hiện có hơn 533 sân bay với dịch vụ bay chặng ngắn để phục vụ nhu cầu di chuyển của người dân. Trong năm 2018, United đã hủy ít nhất 3 đường bay ngắn, và RyanAir cũng hủy hơn 1.000 chặng bay ngắn vì thiếu hụt phi công.

Đừng nghĩ nghề phi công là “sướng”: Học phí cao, lương thấp, thời gian làm việc kéo dài… đang khiến cả thế giới thiếu hụt phi công! - Ảnh 6.

Một giải pháp khác đang được cân nhắc là gia tăng số lượng phi công nữ, hiện chỉ có 6,5% phi công trên toàn thế giới là phụ nữ, nếu gia tăng được số lượng này, chắc chắn số lượng phi công mới với mức lương cũ sẽ cải thiện đáng kể.

Một số hãng bay lớn như Lufthansa và Emirates đã áp dụng giải pháp "dài hơi" hơn khi mở trường đào tạo phi công với học phí thấp và đảm bảo học viên có thể làm việc ngay nếu như cam kết trở thành phi công cho các hãng này trong một khoảng thời gian tương ứng.

Nhưng kèm theo đó cũng là một số giải pháp khá "cực đoan", Emirates đã chủ động giảm số lượng phi công trên các chuyến bay dài. Chẳng hạn như chuyến bay 13 giờ từ Dubai đến Sydney, số phi công đã được giảm từ 4 xuống thành 3 người, khiến số giờ nghỉ ngơi trong khi bay của mỗi phi công chỉ còn là 4 giờ so với 6 giờ như lúc trước.

Cũng có một số đề xuất gia tăng sự ảnh hưởng của công nghệ tự động nhằm giảm số phi công của mỗi chuyến bay chỉ còn lại … 1 người duy nhất. Nhưng giải pháp này đón nhận sự chỉ trích nặng nề của cả giới phi công, tiếp viên, cũng như dư luận.

Theo Boeing, các hãng hàng không trên toàn thế giới sẽ cần ít nhất 790.000 phi công mới trong 20 năm tới. Nhưng sự thiếu hụt này cũng đem lại một tin vui, đó là mức lương của phi công có kinh nghiệm đang dần được cải thiện, thu hẹp khoảng cách giữa chi phí, công sức đầu tư và thành quả khi trở thành một phi công.

Thế mới biết, làm phi công không "sướng" như mọi người lầm tưởng.

Theo Trí Thức Trẻ

 

 

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/dung-nghi-nghe-phi-cong-la-suong-hoc-phi-cao-luong-thap-thoi-gian-lam-viec-keo-dai-dang-khien-ca-the-gioi-thieu-hut-phi-cong-a81605.html