LTS: Anh Hoàng Văn Hùng (26 tuổi) từng là sinh viên ngành Sinh học trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), quê ở Nghệ An, anh được thầy giáo mời ở lại trường làm nghiên cứu. Tuy nhiên, ngay sau khi ra trường, chàng trai xứ Nghệ đã lựa chọn con đường khởi nghiệp bằng đồ chơi gỗ khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Sau 3 năm khởi nghiệp, hiện anh đang làm chủ doanh nghiệp sản xuất đồ chơi gỗ mang nhãn hiệu G.Happy tại TP.HCM. Trung bình mỗi tháng cơ sở của anh sản xuất được 3 nghìn sản phẩm, doanh thu một năm khoảng vài tỷ đồng.
Sản phẩm đồ chơi gỗ của anh nhìn mộc mạc, đơn giản nhưng được xuất khẩu đi các tỉnh và một số nước. Hiện cơ sở của anh tạo được công ăn việc làm cho hàng chục lao động.
Nhadautu.vn: Là cử nhân sinh học, cũng không qua một trường lớp kinh doanh nào, vậy điều gì đã thôi thúc anh kiên quyết rẽ ngang con đường học vấn để theo nghiệp kinh doanh?
Anh Hoàng Văn Hùng: Nỗi buồn năm 2012 mà tôi và một số cộng sư thấy được thực trạng đồ chơi nhựa Trung Quốc tràn lan trên thị trường, ít nhiều làm ảnh hưởng tới sức khỏe của các em nhỏ.
Xuất phát từ suy nghĩ đó, tôi và cộng sự trăn trở rất nhiều và mong muốn tìm giải pháp để tạo ra những sản phẩm đồ chơi an toàn cho các em nhỏ. Đúng lúc đó tôi đang làm thêm tại một xưởng sản xuất bàn ghế xếp cho sinh viên bằng gỗ, lượm nhạt gỗ dư nhỏ tại xưởng tôi đã tận dụng làm một số ô tô bằng gỗ cho mấy đứa trẻ hàng xóm chơi và tụi nó rất thích thú sản phẩm này.
Có lẽ đó là động lực giúp tôi quyết định rẽ sang con đường khởi nghiệp bằng đồ chơi gỗ và đồ chơi gỗ mang tên G.Happy ra đời từ đó.
Nhadautu.vn: Gia đình anh phản đối hay ủng hộ quyết định này?
Anh Hoàng Văn Hùng: Nói về con đường học hành, ba mẹ tự hào về tôi nhiều lắm vì tôi học cũng thuộc vào loại khá, suốt quá trình đại học tôi đều nhận được học bổng khác nhau. Chính vì điều đó mà ba mẹ tôi không tin rằng, tôi có thể kinh doanh, thậm chí đứng ra lề đường bán hàng như mấy người bán hàng rong. Tới giờ ba mẹ vẫn rất giận tôi. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn chứng minh cho ba mẹ thấy, quyết định của tôi không phải là sai lầm.
Nhadautu.vn: Hiện trên thị trường, đồ chơi ngoại nhập vẫn đang chiếm số lượng lớn và thu hút không ít người tiêu, hàng made in Việt Nam dường như không có được chỗ đứng hay muốn có chỗ đứng phải cạnh tranh rất lớn với hàng ngoại nhập. Với 1 doanh nghiệp có thể nói còn rất trẻ trên thương trường, để thương hiệu đồ chơi của mình được người dùng chọn lựa nhiều hơn, anh đã làm gì để người tiêu dùng biết đến sản phẩm của mình?
Anh Hoàng Văn Hùng: Thực lòng mà nói, khi bắt tay vào làm mới biết nó “CHUA” cỡ nào, làm một món đồ chơi đã khó (vì nó yêu cầu tay nghề thủ công phải cao) mà bán 1 món đồ chơi lại càng khó hơn.
Thời gian đầu 2016, khi mang sản phẩm đồ chơi gỗ ra thị trường bán, dường như sản phẩm đồ chơi gỗ cho trẻ còn quá xa lạ tại Việt Nam, giá lại cao gấp 2-3 lần đồ chơi nhựa. Nên làm ra mà bán không ai mua, không có tiền để tiếp tục sản xuất. Khi đó tôi quyết định phải lao ra lề đường bán sản phẩm trong suốt 2 năm trời tại các nẻo đường sài gòn (“hi hi” vừa ra trường là lăn ra đường luôn).
Tuy nhiên thì, cũng có nhiều phụ huynh thấy đồ chơi của tôi lạ mắt nên mua thử về cho con chơi, thấy chơi bền, an toàn cho các con nên họ tiếp tục mua. Những người mua rồi lại giới thiệu anh chị em, đồng nghiệp mua. Cứ thế sản phẩm của tôi dần dần được nhiều người biết đến.
Tôi có quan điểm bán hàng là “Chất lượng sản phẩm, dịch vụ phải tốt trước cái đã rồi khách hàng sẽ ở mãi với mình” thì lúc đó không sợ dân mình không xài đồ chơi Việt nữa.
Nhadautu.vn: Anh từng chia sẻ với báo chí, điều anh trăn trở là nhận thức của người Việt về đồ thủ công mỹ nghệ khác với người nước ngoài. Nói như vậy, có nghĩa là nhận thức đồ chơi của người Việt chưa sành bằng người nước ngoài?
Anh Hoàng Văn Hùng: Khi ra đứng ở lề đường bán hàng tôi mới nhận thấy sự khác biệt đó.
Người nước ngoài nào đi qua chỗ tôi bán đều đứng lại ngắm rất lâu, họ khen đẹp, khéo tay và sẵn sàng mua. Vì ở nước ngoài cái gì cũng làm bằng máy móc hiện đại nên những sản phẩm làm thủ công bằng tay họ rất thích.
Còn người tiêu dùng Việt thích sản phẩm màu mè, giá rẻ vài chục nghìn. Trong khi sản phẩm đồ chơi gỗ của tôi có giá đắt gấp 2 - 3 lần.
Còn nhớ, lúc tôi đứng bán ở lề đường, có những khách hàng sau khi hỏi mua sản phẩm, trả giả, họ bĩu môi, miệt thị và nói rằng: “Thứ đồ nhỏ xíu này mà tới vài chục ngàn thì ai mua?”. Nhưng một số người tiêu dùng chứ hiều được giá trị của thủ công mỹ nghệ là thứ khó có thể đong đếm.
Nhadautu.vn:: Như anh chia sẻ ở trên, thời điểm khi mới khởi nghiệp để mọi người biết đến sản phẩm của mình anh phải ra lề đường bán. Với thời đại công nghệ như hiện nay, tại sao anh không chọn hình thức bán hàng online, bán hàng qua các đại lý bán đồ chơi ?
Anh Hoàng Văn Hùng: Lúc đó vào mùa mưa, đại lý bán đồ chơi ở cửa hàng đều không bán được nên khiến cho tình hình lưu thông hàng hóa của tôi càng tệ hơn.
Lúc đó tôi chỉ nghĩ làm sao để bán được hàng thật nhanh, để giải quyết bài toán quay vòng sản xuất nên chọn hình thức lề đường là nhanh nhất, vì bán hàng online cần thời gian, sản phẩm không bán ngay được.
Nhadautu.vn: Thường đồ chơi của trẻ em sẽ có rất nhiều màu sắc bắt mắt, nhưng sản phẩm đồ chơi gỗ của anh thì không sơn màu, dường như hoàn toàn màu gỗ tự nhiên. Đây có phải là điều anh muốn làm sản phẩm của mình khác biệt?
Anh Hoàng Văn Hùng: Đồ chơi trẻ con nhiều màu sắc thì cũng là một lợi thế nhưng thực sự thời điểm đó tôi không sơn màu được, vì tôi đặt tiêu chí sản phẩm an toàn lên hàng đầu nên khi sơn màu mình cũng phải tìm loại sơn phải an toàn mình mới sơn lên.
Tuy nhiên, để sản phẩm đa dạng, được người tiêu dùng đón nhận nhiều hơn, trong năm nay chúng tôi sẽ có nhiều dòng sản phẩm sơn màu. Điều quan trọng nhất của món đồ chơi mang lại cho bé bài học gì? Nên giá trị “trí tuệ cảm xúc” chỉ số EQ vẫn là chú trọng nhất.
Nhadautu.vn:: Anh có thể chia sẻ kỉ niệm nhớ nhất của anh trong quá trình khởi nghiệp? Khó khăn anh gặp phải?
Anh Hoàng Văn Hùng: Có lẽ kỷ niệm nhớ nhất của tôi trong suốt thời gian khởi nghiệp vừa qua là khi sản phẩm của mình được khách quốc tế biết đến. Cụ thể là khi tôi có được đơn hàng xuất khẩu sang Úc đầu tiên.
Thời điểm đó tôi, không nghĩ rằng có ngày đồ chơi gỗ G.Happy lại được ra nước ngoài. Tôi hồi hộp và lo lắng giống như chờ kết quả xổ số vậy, không biết sản phẩm của mình ra nước ngoài được đón nhận như thế nào, có bán được không? Có gặp vấn đề gì trong quá trình vận chuyển không ?,..vvv… có rất nhiều câu hỏi đặt ra khiến tôi lo lắng.
Nhưng cuối cùng mọi thứ đều ổn thỏa cả, sản phẩm xuất khẩu sang Úc thành công, tôi mừng rơn luôn và thở phào nhẹ nhõm.
Nói về khó khăn trong quá trình khởi nghiệp suốt mấy năm qua, thì phải nói là rất nhiều, thiếu vốn, kinh nghiệm kinh doanh,… Tuy nhiên, tôi luôn thấy mình may mắn khi có cộng sự và anh em tin tưởng vào con đường mình chọn và họ luôn sát cánh để vượt qua khó khăn.
Những ngày đầu khởi nghiệp, công ty khó khăn, họ sẵn sàng không nhận lương, chỉ ứng chút tiền ăn để trang trải cuộc sống.
Nhadautu.vn: Như anh chia sẻ, ban đầu khởi nghiệp anh không có nhiều vốn, kinh nghiệm kinh doanh cũng không có. Vậy thị trường đã dạy cho anh những gì để vượt qua được những điều đó?
Anh Hoàng Văn Hùng: Mình tay ngang nên làm gì cũng khó: không biết nhiều về gỗ, sơn, máy móc, đến bán hàng, thị trường, quản lý, tiền bạc... Đụng đến khâu nào cũng gặp khó, nhưng tôi khắc phục bằng cách, chạy đi học hỏi những người có kinh nghiệm.
Nhadautu.vn: Hiện sản phẩm của anh được người tiêu dùng đón nhận như thế nào?
Anh Hoàng Văn Hùng: Hiện tại, G.Happy được người tiêu dùng ở khắp cả nước biết tới và ủng hộ sản phẩm.
Hiện sản phẩm của G.Happy không chỉ xuất hiện ở các gia đình có con nhỏ, mà còn xuất hiện ở trường học để làm giáo cụ dạy cho bé, người thì đưa sản phẩm giới thiệu cho nước ngoài để xuất khẩu.
Đặc biệt, sản phẩm của G.Happy cũng đã xuất khẩu qua được 1 số nước như: Úc, Singapore, Hàn Quốc, Pháp...đó là những cột mốc lớn đối với đồ chơi gỗ G.Happy.
Nhadautu.vn: Anh có kế hoạch phát triển sản phẩm của mình trong thời gian tới và tương lai như thế nào?
Anh Hoàng Văn Hùng: Mục tiêu của tôi và hướng tới năm 2020 là đẩy mạnh xuất khẩu qua những thị trường khó tính như Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.
Về sản phẩm thì G.Happy đang cố gắng đa dạng hóa các chủng loại cho bé gái, thêm màu sắc bắt mắt mà an toàn cho sản phẩm đồ chơi với mô hình thông minh. “Trí tuệ cảm xúc” là giá trị tăng thêm lớn nhất mà G.happy hướng tới.
Nhadautu.vn: Quan niệm của anh về “tiền”?
Anh Hoàng Văn Hùng: Với startup tiền đúng là vấn đề muôn thuở, suốt ngày đau đầu vì nó (cười). Nhưng nó cũng chỉ là công cụ để mình thực hiện được giấc mơ của mình thôi. Càng nhiều tiền mình làm được nhiều thứ cho xã hội này. Mình nghèo thì “muốn” làm gì cũng rất khó, đặc biệt trong xã hội như bây giờ.
Quan điểm của mình là “Càng tạo ra nhiều giá trị, tiền sẽ đuổi theo mình, chứ mình không theo đuổi nó”.
Nhadautu.vn: Công việc của anh khá là bận rộn, vậy anh bố trí qũy thời gian cho công việc/cá nhân ra sao?
Anh Hoàng Văn Hùng: Mình dành 80% quỹ thời gian cho công việc, 20% còn lại cho giải trí thể thao và đọc sách, đi học tiếng Anh, đàn Piano...
Theo Nhà Đầu tư
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/tu-chang-trai-dung-duong-thanh-chu-doanh-nghiep-do-choi-go-an-toan-duoc-the-gioi-biet-den-a81835.html