Hàng trăm dự án chậm tiến độ, bỏ hoang… gây lãng phí nguồn tài nguyên đất khiến dư luận và người dân Thủ đô bức xúc. Trong đó có những dự án ôm đất bỏ hoang cả thập kỷ vẫn không bị thu hồi.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND TP Hà Nội kiểm tra và xử lý phản ánh của báo chí liên quan đến gần 2.000ha đất dự án đô thị bị bỏ hoang tại huyện Mê Linh (Hà Nội).
Những khu đô thị mới, các dự án nhà ở tại huyện Mê Linh (trước đây thuộc tỉnh Vĩnh Phúc - PV) từng gây sốt trên thị trường bất động sản phía Bắc Thủ đô, sau ngày sát nhập về Thủ đô những năm 2008-2009 đến nay vẫn chỉ là những khu đất bỏ hoang, xây dở dang ngổn ngang không một bóng người gây lãng phí nghiêm trọng.
Không chỉ ở huyện Mê Linh, trên địa bàn Thủ đô hiện nay có khoảng 200 dự án chậm tiến độ. Trong đó có những dự án “ôm đất” cả thập kỷ vẫn không bị thu hồi. Thậm chí có đại gia “ôm đất” bỏ hoang dự án từ nội thành ra ngoại thành.
Như trong báo cáo của 8 quận, huyện giám sát trực tiếp và báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội về 211 dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, Công ty CP Bất động sản AIC (công ty AIC) có 2 dự án tại phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) và tại huyện Mê Linh đều chậm tiến độ bỏ hoang đến 10 năm nay.
Theo tìm hiểu của , năm 2010, UBND TP Hà Nội đã có quyết định thu hồi 4.065m2 đất tại lô F1, F2 tại xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm – PV) cho Công ty CP Bất động sản AIC thuê để tiếp tục thực hiện Dự án xây dựng trụ sở, văn phòng kết hợp bãi đỗ xe kinh doanh (dự án AIC Xuân Đỉnh).
Sau đó 1 năm, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tại khu đất hơn 4.000m2 này. Theo đó, điều chỉnh từ chức năng xây dựng công trình Trụ sở, văn phòng kết hợp bãi đỗ xe kinh doanh sang chức năng xây dựng công trình hỗn hợp: Văn phòng kết hợp lưu trú, trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp và bãi đỗ xe kinh doanh với diện tích xây dựng là 2.255m2; tầng cao công trình 30 tầng+ 4 tầng hầm (khối đế cao 5 tầng) (chưa bao gồm tầng kỹ thuật, tầng mái, tum thang).
Thế nhưng đến nay sau 9 năm, dự án AIC Xuân Đỉnh vẫn chỉ là bãi đất trống ngổn ngang. Kỳ vọng về một dự án văn phòng kết hợp lưu trú, trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp và bãi đỗ xe kinh doanh hoành tráng nằm ở vị trí đắc địa của quận Bắc Từ Liêm vẫn chỉ nằm trên giấy. Đây cũng là dự án nằm trong danh sách các dự án có dấu hiệu vi phạm trên địa bàn thành phố giai đoạn năm 2012 – 2017 theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
Không chỉ bỏ hoang dự án ở nội thành, dự án Khu đô thị AIC Mê Linh (huyện Mê Linh) do Công ty CP Bất động sản AIC làm chủ đầu tư cũng đang trong tình trạng “trồng cỏ” cả thập kỷ. Đây cũng là 1 trong 21 dự án vừa qua UBND thành phố Hà Nội yêu cầu thanh tra, kiểm tra.
Dự án Khu đô thị AIC Mê Linh được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt từ tháng 7/2008. Sau khi huyện Mê Linh sát nhập về Hà Nội, ngày 23/9/2011, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký Quyết định 4457/QĐ-UBND về việc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chi tiết Dự án Khu đô thị AIC Mê Linh nằm trên 2 xã Tiền Phong và Mê Linh, thuộc huyện Mê Linh tỷ lệ 1/500 thay cho quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc trước đây.
Theo quyết định điều chỉnh quy hoạch này, khu đô thị AIC có dân số khoảng 16.000 người, tổng diện tích đất nghiên cứu khoảng 943.209m2. Trong đó có 14% là đất đường giao thông đô thị (khoảng 132.100m2), 5% là diện tích cây xanh và bãi đỗ xe (khoảng 47.500m2); Đất dành để xây dựng trường học, nhà trẻ, mẫu giáo chiếm 6,2% (khoảng gần 59.000m2)…
Riêng đất ở chiếm 45,5% (khoảng 428.600 m2), bao gồm: Đất chung cư cao tầng 27.900m2; đất biệt thự 337.796m2; đất nhà liền kề hơn 18.000m2; đường nội bộ gần 45.000m2. Còn lại là diện tích đất hỗn hợp, đất công cộng, nhà văn hóa - TDTT…
Hà Nội kỳ vọng sẽ xây dựng khu chức năng đô thị hiện đại đồng bộ công trình kiến trúc, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, khu đô thị hiện đại vẫn được người dân địa phương tận dụng làm bãi chăn thả trâu bò.
Được biết, Công ty CP Bất động sản AIC thuộc Công ty CP Tiến bộ Quốc tế AIC (AIC Group) do bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc. Bà Nhàn được biết tới là một doanh nhân khá kín tiếng và ít xuất hiện trước truyền thông nhưng “thành tích” của bà và AIC Group thực sự rất đáng nể khi thời gian qua liên tiếp giành được những giải thưởng trong nước và quốc tế đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Tháng 10/2018, nữ viện sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng là người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng xuất sắc nhất “Ý tưởng, mô hình và hệ thống tích hợp về quốc gia thông minh nhất thế giới” cùng danh hiệu “CEO có tầm nhìn xuất sắc nhất về Quốc gia thông minh. Đây là lần đầu tiên giải thưởng độc đáo nhất thế giới này vinh danh một nữ CEO.
Hồng Khanh
Theo VietnamNet
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/dai-gia-cong-nghe-om-dat-bo-hoang-tu-noi-thanh-ra-ngoai-thanh-thu-do-a82070.html