Những nữ tướng tầm ảnh hưởng trên TTCK

Nhờ những tiến bộ vượt bậc về vấn đề bình đẳng giới trong những năm gần đây, nhiều phụ nữ đã phát huy được năng lực của mình không chỉ trong các lĩnh vực xã hội, mà còn vươn lên trong lĩnh vực kinh doanh và tạo ra những quyền lực có tầm ảnh hưởng trên TTCK Việt Nam.

Nhờ những tiến bộ vượt bậc về vấn đề bình đẳng giới trong những năm gần đây, nhiều phụ nữ đã phát huy được năng lực của mình không chỉ trong các lĩnh vực xã hội, mà còn vươn lên trong lĩnh vực kinh doanh và tạo ra những quyền lực có tầm ảnh hưởng trên TTCK Việt Nam.

Vẫn biết định kiến và quan niệm xã hội khiến cho nhiều phụ nữ bị thiệt thòi, song điểm chung của những người phụ nữ này là sự mạnh mẽ, giúp họ vươn lên thành công trong lĩnh vực của mình. Họ là những người sở hữu hàng chục đến hàng ngàn tỷ đồng trên TTCK, trong số đó không ít người được mệnh danh là “nữ tướng bày binh bố trận” trong kinh doanh, họ nắm quyền quản lý cao nhất tại các doanh nghiệp chuyên hoạt động trong những lĩnh vực tưởng như chỉ dành cho phái mạnh.

Theo khảo sát của Tập đoàn UBS và PwC vừa công bố về giới tỷ phú trên toàn cầu, trong vòng 2 thập niên qua số tỷ phú nữ đã tăng gấp 6,6 lần, trong đó châu Á hiện đang chiếm 1/5 tổng số nữ tỷ phú trên toàn thế giới. Và số nữ tỷ phú châu Á đã tăng mạnh nhất trong 10 năm qua, tăng tới 8,8 lần.

Tại Việt Nam, vai trò của người phụ nữ trong xã hội nói chung và trên thương trường nói riêng đang ngày càng được đề cao và coi trọng. ĐTTC điểm qua những nhân vật có tầm ảnh hưởng trên sàn CK Việt Nam mà chúng ta có thể nhìn thấy phần nào lượng tài sản mà các “nữ đại gia” đang nắm giữ.

NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO, Phó Chủ tịch thường trực NHTMCP Phát triển TPHCM (HDBank-mã HDB), Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air-mã VJC). Theo thống kê, bà Nguyễn Thị Phương Thảo hiện đang sở hữu 35,9 triệu CP HDB và 39,5 triệu CP VJC.

Ngoài ra, bà Thảo còn gián tiếp nắm giữ 128,9 triệu CP VJC thông qua Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny. Với số CP này, nếu tính theo giá tham chiếu trong phiên giao dịch ngày hôm qua (6-3), tổng tài sản của bà Thảo trên sàn CK lên đến 21.325 tỷ đồng. Bà Thảo hiện đang xếp vị trí thứ 4 trong danh sách những người giàu nhất trên TTCK.

Không chỉ có sức ảnh hưởng trên TTCK, bà Thảo còn được xem là người phụ nữ có sức ảnh hưởng lớn nhất trong các lĩnh vực mà bà đang giữ những vị trí chủ chốt là hàng không, ngân hàng và bất động sản. Câu chuyện thành công của Vietjet, dù là hãng hàng không còn khá trẻ, nhưng đến nay Vietjet đã đóng góp tới 70% vào tăng trưởng chung của ngành.

Cụ thể, trong năm 2018, Vietjet đã đóng góp tăng trưởng hơn 23 triệu lượt khách trong tổng số 49 triệu lượt khách của ngành hàng không, thực hiện 118.923 chuyến bay an toàn với 39 đường bay nội địa, 66 đường bay quốc tế. Tầm ảnh hưởng của bà Thảo đã phần nào được minh chứng qua sự kiện Vietjet ký thỏa thuận mua 100 máy bay Boeing B737 MAX với tổng giá trị lên đến 12,7 tỷ USD. Đặc biệt, lễ ký kết có sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

NGUYỄN HOÀNG YẾN, thành viên HĐQT Masan (MSN), thành viên HĐQT CTCP Hàng tiêu dùng Masan (MCH), thành viên HĐQT CTCP Vinacafe Biên Hòa (VCF). Bà Nguyễn Hoàng Yến là vợ ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan.

So với sự kín tiếng của vợ các đại gia, thì bà Yến khá nổi bật là người nắm giữ chức vụ tại nhiều doanh nghiệp niêm yết và chưa niêm yết.

Ngoài 3 doanh nghiệp niêm yết trên, bà Yến còn là thành viên HĐQT của CTCP Nước khoáng Vĩnh Hảo. Điều đáng nói, những doanh nghiệp bà Yến đang nắm giữ vị trí chủ chốt đều ghi nhận được những kết quả kinh doanh hết sức ấn tượng trong những năm gần đây.

Theo thống kê, bà Yến hiện đang nắm giữ 300 triệu CP MCH và 42,4 triệu CP MSN. Với số CP này, bà Yến hiện giữ vị trí thứ 18 trên TTCK, có giá trị tương đương 3.823 tỷ đồng. Được biết, trước khi bước vào lĩnh vực kinh doanh, bà Yến từng là giáo viên môn ngoại ngữ (tiếng Nga).

MAI KIỀU LIÊN, Tổng giám đốc CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - mã CK VNM). Nhắc đến thành công của Vinamilk không thể không nhắc tới những đóng góp cực kỳ to lớn của bà Mai Kiều Liên ở vị trí Tổng giám đốc.

Bà Liên tốt nghiệp đại học về chế biến thịt và sữa tại Moscow (Nga), và gia nhập vào Vinamilk ở vị trí kỹ sư phụ trách khối sản xuất sữa đặc và sữa chua. Năm 1984, bà Liên được bổ nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc và được giao giữ cương vị Tổng giám đốc từ năm 1992 đến nay.

Dưới sự điều hành của bà Liên, Vinamilk luôn nằm trong danh sách những doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất trên TTCK. Bà Liên là phụ nữ Việt Nam đầu tiên được bình chọn là 1 trong 50 phụ nữ có quyền lực nhất châu Á.

Mới đây, bà Liên được Forbes Việt Nam vinh danh giải thưởng “Thành tựu trọn đời”, nhờ những thành tích nổi bật và đóng góp đã được chứng minh và ảnh hưởng lớn tới một lĩnh vực, xã hội hay quốc gia.

Với việc nắm giữ hơn 4,4 triệu CP VNM, tương đương 584 tỷ đồng, bà Liên hiện đang đứng ở vị trí thứ 91 trong top 100 người giàu nhất trên TTCK.

TRƯƠNG THỊ LỆ KHANH, Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn (VHC). Bà Trương Thị Lệ Khanh được mệnh danh là “nữ hoàng” thủy sản khi doanh nghiệp do bà điều hành đang đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu.

Từ một doanh nghiệp có vốn điều lệ vỏn vẹn 70 triệu đồng và 70 nhân công, nhưng đến thời điểm hiện tại VHC dưới sự điều hành của bà Trương Thị Lệ Khanh, đã gia nhập vào câu lạc bộ những doanh nghiệp có lợi nhuận ngàn tỷ. Năm 2018, VHC đạt doanh thu 9.232 tỷ đồng (tăng 14%), lợi nhuận sau thuế đạt 1.452 tỷ đồng (gấp 2,4 lần lợi nhuận đạt được năm 2017).

Theo thống kê, bà Khanh hiện đang nắm giữ 39,5 triệu CP VHC, tương đương 3.882 tỷ đồng. Bà Khanh hiện đang xếp ở vị trí thứ 17 trong danh sách những người giàu nhất trên TTCK Việt Nam.

ĐẶNG NGỌC LAN, vợ ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên). Bà Đặng Ngọc Lan hết sức đặc biệt trong danh sách những người giàu nhất trên TTCK. Bà Lan được nhiều người biết đến khi xuất hiện tại phiên tòa xét xử chồng bà là ông Nguyễn Đức Kiên.

Phong thái nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, bà Lan đã tạo sức hút đặc biệt trong phần biện hộ cho chồng ngay tại tòa.

Dù không nắm giữ vị trí chủ chốt nào tại các doanh nghiệp niêm yết, nhưng bà Lan vẫn có sức ảnh hưởng trên TTCK, nhất là tại các doanh nghiệp lớn mà nữ đại gia này đang nắm giữ cổ phần.

Bà Lan vừa từ nhiệm ghế thành viên HĐQT tại Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VBB). Theo thống kê, bà Lan hiện đang nắm giữ 53,3 triệu cổ phần tại NHTMCP Á Châu (ACB) và 19,1 triệu cổ phần tại VBB. Số cổ phần này có giá trị là 1.624 tỷ đồng, đưa bà Lan vào vị trí thứ 41 trong danh sách những người giàu nhất trên TTCK.

CAO THỊ NGỌC DUNG, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). Ngay khi ngồi vào “ghế nóng” của PNJ năm 2004, bà Dung đã đặt ra tham vọng đưa PNJ trở thành một tập đoàn bán lẻ trang sức hàng đầu trong khu vực.

PNJ với sự “lèo lái” của bà Dung đã lọt vào top 10 doanh nghiệp kim hoàn hàng đầu khu vực châu Á, và bản thân bà Dung cũng được giới đầu tư mệnh danh là “nữ hoàng vàng bạc”. Để bước lên đỉnh cao như hiện nay, bà Dung đã không ít lần trải qua những biến cố lớn trong đời.

Đó là việc phát hiện mình bị bệnh ung thư và chồng là Chủ tịch NHTMCP Đông Á (EAB) vướng vào vòng lao lý. Tuy nhiên, bà Dung đã không gục ngã, thậm chí còn mạnh mẽ hơn trong công tác điều hành, giúp PNJ duy trì được đà tăng trưởng ấn tượng trong nhiều năm liền. Bà Cao Thị Ngọc Dung hiện xếp vị trí thứ 44 trong danh sách những người giàu nhất trên TTCK, với tổng tài sản đạt 1.512 tỷ đồng.

NGUYỄN THỊ MAI THANH, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Cơ điện lạnh (REE). Dù không còn nằm trong top 10 người giàu nhất trên TTCK, nhưng bà Nguyễn Thị Mai Thanh vẫn có sức ảnh hưởng lớn, đặc biệt là tại REE.

Bà Thanh đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc khi mới 30 tuổi, và REE khi đó chỉ là xí nghiệp nhỏ hoạt động trong lĩnh vực điện lạnh. Một trong những bước ngoặt của REE dưới sự điều hành của bà Thanh là quyết định mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực bất động sản với Tòa nhà văn phòng E-town 1 (quận Tân Bình, TPHCM).

Quyết định này ban đầu gặp nhiều ý kiến phản đối vì vị trí của tòa nhà. Do nằm xa trung tâm thành phố nên sẽ khó thành công, vì khách hàng thường chọn khu vực trung tâm để thuê văn phòng. Tuy nhiên, với mức giá cạnh tranh cùng nhiều dịch vụ tiện ích, E-town 1 đã nhanh chóng lấp đầy.

Tiếp nối thành công của E-town 1, bà Thanh tiếp tục đầu tư xây dựng E-town 2, 3, 4 (hoàn tất vào cuối năm 2006 và 2008) với 90% diện tích đã có khách thuê. Bà hiện đang xếp vị trí thứ 75 trong danh sách những người giàu nhất trên TTCK, khi nắm giữ 22,7 triệu CP REE, tương đương 767 tỷ đồng.

ĐẶNG HUỲNH ỨC MY, thành viên HĐQT CTCP Thành Thành Công Biên Hòa (SBT), Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thành Thành Công. Mệnh danh là “Công chúa mía đường”, Đặng Huỳnh Ức My là con gái ông Đặng Văn Thành, người sáng lập NHTMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Tập đoàn Thành Thành Công.

Cái bóng quá lớn của người cha khiến cho nhiều người nghi ngờ về khả năng của bà My khi nắm giữ các vị trí chủ chốt tại doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Thành Thành Công. Tuy nhiên, bà My đã chứng tỏ năng lực vượt trội khi điều hành doanh nghiệp không chỉ vượt khó, mà còn ghi nhận được những kết quả kinh doanh ấn tượng.

Mới đây, SBT được vinh danh vào top 50 doanh nghiệp có báo cáo thường niên xuất sắc nhất thế giới do Hiệp hội Truyền thông chuyên nghiệp Mỹ (LACP) bình chọn, là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất nhận được giải thưởng quốc tế này và sánh ngang với những thương hiệu danh tiếng toàn cầu như Huyndai Elevator (xếp vị trí thứ 5), Deloitte (21), LG Chem (31), Panasonic Corporation (34), Korea Airports Corporation (49), BMW Group (67), Coca-Cola FEMSA (69), Citigroup (75), Kumho Petrochemical (83), Kia Motors (96), Intel (98). Dù mới 37 tuổi, nhưng bà My hiện là người giàu thứ 53 trên TTCK với tổng tài sản là 1.334 tỷ đồng.

NGUYỄN THỊ NHƯ LOAN, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG). Dù Quốc Cường Gia Lai dưới sự điều hành của bà Nguyễn Thị Như Loan đã qua thời huy hoàng, nhưng sức ảnh hưởng của nữ doanh nhân này vẫn còn rất lớn.

Rất hiếm khi xuất hiện trước công chúng, nhưng mỗi khi có mặt bà Loan luôn tạo ra những sóng gió cho CP QCG sau những phát ngôn của mình. Sức ảnh hưởng của bà Loan với QCG không chỉ qua cách điều hành mà đến từ sự hỗ trợ về vật chất.

Theo báo cáo tài chính quý III-2018, những người trong gia đình bà Loan đã cho QCG vay với số tiền lên đến 1.437 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh không như mong đợi, khiến cho giá CP QCG lao dốc và hiện đang giao dịch dưới mốc 5.000 đồng/CP. Dù vậy, với việc nắm giữ đến 101,9 triệu CP QCG, tương đương 479 tỷ đồng, bà Loan vẫn nằm ở vị trí thứ 114 trong danh sách 200 người giàu nhất trên TTCK.

THÁI HƯƠNG, Tổng giám đốc NHTMCP Bắc Á (BAB), Nhà sáng lập Tập đoàn TH (TH Milk). Tên tuổi của bà Thái Hương được nhắc đến nhiều vào năm 2009, khi bà Hương đưa ra những phát ngôn về việc quyết tâm gia nhập thị trường sữa bằng việc thành lập TH Milk với mục tiêu thay đổi bản chất ngành công nghiệp này tại Việt Nam, vốn chủ yếu dùng bột sữa để sản xuất sữa nước.

Dù ít người biết đến bà Hương ở cương vị Tổng giám đốc BAB, nhưng đây mới là nơi giúp bà Hương có tầm ảnh hưởng lớn trên TTCK. Cuối năm 2017, ngân hàng này lặng lẽ chào sàn UPCoM với giá tham chiếu 20.000 đồng/CP. Việc BAB lên sàn giúp cho bà Hương có tên trong danh sách 100 người giàu nhất trên TTCK.

Tuy nhiên, trong khi nhiều mã CP khác tăng giá, thì BAB vẫn “giậm chân tại chỗ”, nên 21,6 triệu CP BAB mà bà Hương đang nắm giữ hiện chỉ dừng lại ở mức 445 tỷ đồng và hiện xếp ở vị trí thứ 119.

Kim Giang (tổng hợp)

Theo SGĐT

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nhung-nu-tuong-tam-anh-huong-tren-ttck-a82217.html