- Cuối năm 2017, sau gần 10 năm gắn bó với TH True Milk, bà đã chia tay ghế chủ tịch HĐQT và chỉ giữ chức vụ cao tại Bắc Á Bank. Tại sao bà lại chọn ngân hàng thay vì sữa?
- Khi tôi bắt đầu ghế chủ tịch của TH thì con đường là rất mới mẻ. Khi đó, ngành sữa đang đối mặt với khủng hoảng nhiễm melamine. Muốn dành những tốt nhất cho con trẻ, chỉ sau một đêm trăn trở, tôi quyết định phải bắt tay vào sản xuất sữa, mà phải là dòng sữa tươi, sạch, kiểm soát được chất lượng.
Lúc đó, tôi phải đứng vào vai trò chủ tịch, để dẫn lối, để cho mọi người hiểu thực sự nó sẽ thành công.
Đến hiện tại, coi như đã đặt nền móng xong xuôi, vững chắc rồi, thương hiệu đã đi sâu vào dân chúng trong nước và trên thế giới. Khi TH chưa có mặt thì đàn bò Việt Nam chưa có trên bản đồ thế giới. Sau 5 năm, Việt Nam đã có trang trại bò lớn nhất châu Á. Giờ tôi ra đi để lại cho lớp trẻ kế thừa con đường đó.
Tại công ty, tôi vẫn đóng vai trò là nhà sáng lập và tư vấn.
Tôi chọn ngân hàng là điều rất đúng bởi nó cũng giống “vai” một nhà tư vấn, như vai trò của tôi từ ngày xưa.
Tư vấn và cấp tín dụng thì tôi cũng rất yêu quý. Hai nghề đó không hề tách rời nhau đâu. Khi làm tư vấn và cấp tín dụng cho các sản phẩm từ nông nghiệp thì tôi vẫn tiếp tục như con đường mà TH đang đi. Tôi vẫn yêu thích nông nghiệp, chứ không phải về ngân hàng mà tôi bỏ đâu.
- Giữa làm ngân hàng và làm sữa, nông nghiệp, bà thấy làm gì dễ hơn, cái nào lãi hơn?
- Nếu nói thế thì không thể rạch ròi được. Nếu mình làm mọi thứ một cách nghiêm túc, bài bản, có chiến lược thì nghề nào cũng có những khó khăn bước đầu. Cái nào cũng có khó khăn trong từng mắt xích của nó, nhưng đều có thú vị riêng của nó.
- Vậy mối liên hệ của Bắc Á Bank và TH True Milk là như thế nào thưa bà?
- Bắc Á Bank đóng vai trò là nhà tư vấn.
- Năm 2018 cũng là tròn 10 năm TH khởi động dự án sữa của mình. Nhìn lại quãng đường dài với nhiều thử thách lớn, điều gì khiến bà tự hào nhất?
- Tôi rất tự hào vì nó giúp thay đổi căn bản phương thức sản xuất trong nông nghiệp. Khi bắt đầu, tôi đã đưa công nghệ cao vào nông nghiệp. Chủ thể của nó là sự thay đổi chính sách, từ đó lôi kéo, lôi cuốn các doanh nghiệp có đủ tâm - chí - lực vào trong nông nghiệp. Và người nông dân là một mắt xích trong chuỗi giá trị này.
Chúng tôi cũng đặt nền móng cho ngành sữa tươi của Việt Nam. Tôi cũng tự hào vì chúng tôi đã thúc đẩy minh bạch thị trường sữa, mang lại sức khỏe cho người Việt Nam.
Trước kia, ngành sữa nước 92% là sữa bột nhập về pha lại, hiện tại con số giảm xuống nhưng vẫn còn xấp xỉ 70%. Tới giờ, người tiêu dùng đều hiểu thế nào là sữa bột pha lại, thế nào là sữa tươi. Các hãng sữa muốn tồn tại là phải từng bước có kế hoạch chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa tươi.
Thứ hai, dòng sữa này tạo thói quen uống sữa cho toàn dân. Ở Việt Nam mới chỉ có cho trẻ em uống sữa mà người lớn thì không. Trẻ em 12 năm đầu đời là lứa tuổi vàng. Khi đó sữa là thiết yếu và tăng chiều cao bật vọt lên. Tôi tự hào về điều này lắm.
- Bà có hối tiếc điều gì không? Nếu được làm lại bà sẽ chọn điều gì?
- Tôi không có gì hối tiếc cả. Anh nhắc thì tôi mới nhớ đến quãng đường 10 năm đó chứ thật sự con đường sao nó nhanh thế. Tôi cảm thấy rất tự hào và không hiểu tại sao mình lại có sức mạnh ghê gớm thế.
Khi mới ra đời, giữa 500-600 nhãn mác sữa và TH tuyên bố là dòng sữa tươi sạch. Người ta bảo tôi chém gió, sữa bà sạch thì sữa ai bẩn.
Tôi đã tìm một cách truyền thông rất đơn giản là mình chọn đi theo một con đường riêng. Tôi nói là tôi không có đối thủ. Tôi cũng cảm ơn các hãng sữa giúp mọi người biết đến tác dụng của sữa, đặc biệt là trẻ em. Tuy nhiên tôi không cùng đi con đường với họ là nhập sữa bột về pha lại. Tôi nhập bò, trồng cỏ, chế biến, bảo quản, tạo ra những sản phẩm tốt nhất cho từng độ tuổi.
- Nhiều người cho rằng sữa ở Việt Nam vẫn còn rất đắt so với thu nhập của người dân. TH lại định vị sản phẩm của mình có giá khá cao. Bà có nghĩ sẽ theo đuổi cả 2 mục tiêu là chất lượng và giá để người dân có thể dùng sữa nhiều hơn hay không?
- Đúng là sữa của tôi có giá cao hơn. Tuy nhiên chuyện đắt hay rẻ là do không so cùng một mặt bằng.
Thực sự tôi đã định vị nó cao hơn 9-10% so với đối thủ. Nhưng cuối cùng người tiêu dùng được gì? Họ được sữa thực chất, được sức khỏe cho con mình và bản thân. Vì thế, không thể nói đắt được. Mình phải nghĩ mình bỏ tiền mình mua cái gì.
Thật may là người tiêu dùng rất thông minh. Chúng tôi luôn thiếu sữa bán ra. Chúng tôi phải phân chia sữa cho những nhà phân phối. Thời đại này thông tin rất minh bạch. Chúng tôi cũng gặp chuyện nọ chuyện kia, nhưng tôi luôn tự tin “vàng thau không lẫn lộn”.
- Vào thời điểm hiện tại, TH đang phát triển rất mạnh với việc triển khai nhiều dự án lớn về sữa và nông nghiệp khắp cả nước, thậm chí là các địa phương vùng sâu vùng xa. Sự phát triển này liệu có quá “nóng” và mạo hiểm hay không?
- Mọi thứ đều có đều có lộ trình hết. Việt Nam vẫn còn đến 70% sữa bột nhập với giá trị hàng tỷ USD. Tôi vẫn tiếp tục với hàng chục nghìn con bò tiếp theo đầu tư ở Phú Yên, Sóc Trăng, Hà Giang… Các trang trại đều làm theo khả năng tiêu thụ và chiến lược cho sức khỏe của cộng đồng. Quá trình thu hồi vốn cũng có chiến lược rất rõ ràng, không có gì nóng cả.
- Bà cũng mới đầu tư sữa tại Nga, một quốc gia có ngành sữa phát triển hơn Việt Nam. Cơ hội và thách thức nào đang chờ đợi ở phía trước thưa bà?
- Trước kia tôi chưa hề sang Nga nhưng rất thích đất nước này, coi như quê hương thứ hai. Khi sang Nga tôi mới biết họ đang rất thiếu sữa. Trước họ nhập chủ yếu từ châu Âu, giờ nguồn này bị hạn chế. Tôi sang đấy xem thực hư câu chuyện thiếu sữa thế nào để đầu tư.
Họ cũng không tin người Việt Nam có thể làm sữa theo công nghệ cao. Tuy nhiên từng thống đốc của các tỉnh đến tham quan trang trại và nhà máy của TH và thấy chúng tôi làm đúng quy trình, quy chuẩn.
Sau đó họ viết thư mời đầu tư. Tôi nói vui rất nhiều thống đốc đang “xếp hàng” mời tôi đầu tư. Vừa rồi tôi đã khánh thành trang trại đầu tiên tại tỉnh Moskva. Chỉ 3 tháng nữa chúng tôi sẽ khánh thành trang trại bò sữa tại tỉnh Kaluga và còn nhiều tỉnh khác.
- Năm vừa qua, TH mạnh dạn ra mắt nhiều sản phẩm mới như nước rau má, gấc… Nhiều người cho rằng cho ra thị trường các sản phẩm này rất mạo hiểm, chỉ phù hợp một tập khách hàng nhỏ, phải thay đổi thói quen dùng người tiêu dùng... Bà đó thấy mình gặp rất nhiều thách thức khi phát triển những sản phẩm đó không?
- Tôi biết chứ. Khi ra sản phẩm thức uống là tôi muốn cân chỉnh thói quen tiêu dùng, không phải điều chỉnh mà mình cân đối để họ hiểu ra rằng trong mỗi con người là cần nước uống, rất nhiều sữa, cơm gạo…
Nhưng con người đang theo thói quen nước uống hóa tổng hợp, không xuất phát từ tự nhiên; cần có thời gian truyền thông để người dân hiểu.
Một thách thức khác là giá thành. Khi sản xuất hoàn toàn từ thiên nhiên này, giá thành bao giờ cũng cao hơn nhóm mà đi theo hóa tổng hợp. Do đó, mình phải chịu xác định thời điểm hoàn vốn dài hơn.
- Tình hình tiêu thụ của các sản phẩm này như thế nào? Đến khi nào các sản phẩm này đem lại lợi nhuận?
- Việc kinh doanh thì không thể chia sẻ ở đây. Tuy nhiên, đã là doanh nghiệp thì đều có lộ trình đi đến điểm hòa vốn. Và tôi tin chắc rằng 5-10 năm nữa thôi, mọi người sẽ thấy con đường tôi đang đi sẽ là xu thế tất yếu của thế giới.
Tôi khẳng định rằng nền sản xuất hữu cơ là văn minh nhất, có lợi cho tất cả muôn loài, cho thiên nhiên, cây cỏ, côn trùng, hệ sinh thái trong đất đai.
Trong quý đầu tiên của năm 2018, chúng tôi sẽ ra mắt sản phẩm mới là sữa hạt. Chúng tôi kết hợp sữa tươi kết hợp với các loại sữa hạt, thảo quả, thảo dược để tạo ra những sản phẩm thực sự tốt cho sức khỏe, không dùng đường. Ngoài ra còn cả thức uống được lên men từ hạt lúa mì đen.
- Là một người làm nông nghiệp quy mô lớn từ khá sớm, ở vị trí một doanh nghiệp, bà thấy việc đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp còn những khó khăn nào?
- Mọi người thường nói khó khăn nhất là đất đai. Tôi thuận lợi hơn khi ngay từ đầu đi từ đất của nông, lâm trường. Ở đó họ thừa quỹ đất rất nhiều, do đó không có gì quá khó khăn.
Cái khó là mình nên tập trung để đưa khoa học công nghệ vào. Để lấy đất cần đưa khoa học công nghệ vào để hỗ trợ người dân hoặc hợp tác xã đó. Làm thế nào đưa ra lộ trình để người nông dân trở thành thành viên của hợp tác xã.
Cái khó thứ 2 là truyền đạt khoa học kỹ thuật. Nông dân Việt Nam rất sáng tạo và thông minh nhưng nên có những hợp tác xã để doanh nghiệp có thể đặt hàng cho sản xuất sản phẩm gì, sản xuất trong điều kiện như thế nào.
Khó khăn nữa là cách thức tổ chức. Hãy để doanh nghiệp dẫn lối, để thông qua hợp tác xã và kết nối với người nông dân, thì nó sẽ thành công.
- Vậy làm thế nào để thu hút được doanh nghiệp vào nông nghiệp?
- Bằng chính sách, đương nhiên như vậy. Doanh nghiệp chưa mặn mà vì chính sách của mình chưa hấp dẫn. Chính sách cần phải thay đổi rất nhiều để khích lệ cộng đồng doanh nhân. Dư địa ngành nông nghiệp còn rất nhiều, đặc biệt khi đất nước ta có khí hậu 4 mùa rất thuận lợi.
- Nông nghiệp hữu cơ là điều được nói đến rất nhiều trong năm qua. Liệu nó có thực sự tạo đột phá cho ngành nông nghiệp trong nước? Liệu những người nông dân bình thường có thể làm được nông nghiệp hữu cơ hay không?
- Nhiều người thực sự không hiểu nông nghiệp hữu cơ là gì. Nông nghiệp hữu cơ chính là việc canh tác mà không dùng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học. Những năm 60 trở về trước, khi đất nước khó khăn, không có điều kiện mua phân bón, mua thuốc trừ sâu, chúng ta đã canh tác kiểu nông nghiệp hữu cơ cả đấy.
Bây giờ cũng như thế, muốn canh tác hữu cơ thì không dùng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Do đó, tôi thấy làm nông nghiệp hữu cơ không khó. Mà cái đó lại có ích lợi cho tất cả người dân, cả hệ sinh thái và muôn loài.
- Là một người mang tuổi Tuất, bà thấy tính cách mình có gì đặc biệt? Giúp ích gì cho quá trình kinh doanh hay không?
- Người Nhật nói con chó thường trung thành nhất. Người mang tuổi Tuất thường trung thành, dũng cảm, tính vì cộng đồng cao, sự hào hiệp rất lớn. Tôi nghĩ con người có những đức tính đó thì đều tuyệt vời và được mọi người quý mến.
- Bà cũng là người rất thẳng thắn, với những phát ngôn gây tranh cãi. Bà có sợ bị mất lòng người khác không?
- Không, tôi không sợ gì bởi làm vì sức khỏe mọi người, đâu vì riêng mình. Nếu làm vì bản thân mình thì sẽ nói rất khéo, đỡ phải va chạm người nọ người kia.
Với con người thì thời gian và sức khỏe là có hạn, con đường ngắn nhất là con đường sự thật.
- Là một người bắt đầu từ 2 bàn tay trắng và trải qua quá trình khởi nghiệp hàng chục năm. Chắc hẳn bà đã đúc rút nhiều kinh nghiệm cho mình? Để cổ vũ cho những bạn trẻ khởi nghiệp, bà sẽ nói điều gì?
- Thời của tôi, ai cũng thế, người Việt Nam đến 80% có bố mẹ là nông dân, cũng đều đi lên từ 2 bàn tay trắng, xuất phát điểm như nhau. Còn bây giờ, các bạn 8x, 9x, có rất nhiều điều kiện bởi đất nước ta đã đổi mới đi lên, cuộc sống ngày càng cao.
Tuy nhiên đừng mất đi tinh thần dân tộc, mất đi ý chí. Sống không có ước mơ là sống vô cảm nhất. Sống phải có ước mơ, hoài bão, khát vọng để cống hiến. Khi đó, thì mới có khát vọng thành công, có khát vọng cống hiến thì sẽ làm được nhiều điều tốt đẹp.
Cuộc sống không đơn giản chỉ có vật chất, mà phải có tinh thần để mang lại những giá trị vật chất vô cùng to lớn.
Các bạn khởi nghiệp đừng ngại khó. Cuộc sống như quy luật tự nhiên, hết mưa lại đến nắng thôi. Trong khó khăn mình cứ bình tĩnh. Chỉ có nước với lửa thì mới gấp gáp, làm bằng mọi cách. Riêng kinh doanh và khởi nghiệp thì cần hết sức bình tĩnh. Trong mọi trường hợp cần bình tĩnh suy xét để đưa ra những bước đi đúng đắn.
Tuổi trẻ thì chắc chắn có sự bồng bột, nhưng nếu mình vội vàng, không có cách nhìn nhận thì sẽ gặp khó khăn. Sự bồng bột phải dựa trên tâm thế vì cái chung, nhưng nếu thất bại thì người đó cũng không nề hà gì đâu. Nhưng sự bồng bột xuất phát từ lợi ích cho bản thân, làm cái này được nhiều tiền, thì rất dễ bị vấp ngã, và sau đó khó đứng dậy được.
- Bà có thể kể lại một khó khăn nào đó trong quá trình khởi nghiệp của mình được không?
- Khó khăn thì chung rồi, tôi không muốn nhắc đến. Nhưng tuổi trẻ thời chúng tôi sống rất tình cảm. Khi đấy tôi đã đăng ký đi bộ đội, nhiều ước mơ, nhiều hoài bão lắm, tính cống hiến rất cao. Tuổi trẻ thời đó hun đúc cho chúng tôi tình cảm đặc biệt với đất nước. Sống yêu thiên nhiên, sống tự nhiên, không bon chen, không đắn đo suy nghĩ...