Chuyện thật như đùa: Tung clip lên mạng, mỗi tháng thu hàng tỷ 'không thèm' nộp thuế

Giới kiếm tiền online cho rằng, với lượng người theo dõi và lượt xem lớn, những tài khoản YouTube như Khá 'bảnh' có thể kiếm thu nhập tới 5-6 tỷ đồng/tháng, thế nhưng, thuế thu được từ những cá nhân này rất khiêm tốn.

Giới kiếm tiền online cho rằng, với lượng người theo dõi và lượt xem lớn, những tài khoản YouTube như Khá 'bảnh' có thể kiếm thu nhập tới 5-6 tỷ đồng/tháng, thế nhưng, thuế thu được từ những cá nhân này rất khiêm tốn.

Đây là một trong những thông tin đáng chú ý tuần qua.

Khá "bảnh” thu nhập khủng nhờ Youtube: Đau đầu quản lý luồng tiền của các triệu phú online

Ngô Bá Khá tại cơ quan điều tra

Trước khi bị tắt tính năng kiếm tiền, kênh YouTube của Khá "bảnh" có khoảng gần 2 triệu người theo dõi, với 410 video đã đăng tải cùng gần 400 triệu lượt xem. Trung bình mỗi ngày kênh của Khá Bảnh có thêm 11,5 nghìn subcriber và 2,17 triệu lượt xem.

Theo giới kiếm tiền online, với thứ hạng cao, lượng người theo dõi và lượt xem lớn, số tiền mà YouTube trả cho Ngô Bá Khá có thể vào khoảng từ 15.300 USD - 244.700 USD, tương đương với khoảng trên 350 triệu đồng cho tới cả 5-6 tỷ đồng mỗi tháng. Con số mà Khá khai với công an là khoảng 22.000 USD/tháng (tương đương khoảng 500 triệu đồng tiền Việt Nam)

Giống như nhiều cá nhân nhận thu nhập từ Facebook, Google, YouTube, Khá "bảnh" được xếp vào dạng cá nhân kinh doanh và phải nộp thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp có doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, trên thực tế con số thuế thu được từ những cá nhân kinh doanh như Khá "bảnh" chưa phải là nhiều.

Để xác định dòng tiền luân chuyển, cơ quan quản lý cho rằng cần có sự phối hợp thông qua ngân hàng và cơ quan thuế. Song hai đơn vị này vẫn chưa có sự liên kết đủ để kiểm soát vấn đề. Đây cũng là một trong những khó khăn chính đối với việc quản lý thuế của những cá nhân kinh doanh qua mạng, nhất là khi những cá nhân này nhận tiền từ những trang web không phải của Việt Nam.

Sẽ cấp phép thí điểm cho vay ngang hàng

Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng phương án thí điểm loại hình kinh doanh cho vay ngang hàng và dự kiến đưa vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Trả lời câu hỏi về việc quản lý hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending), tại cuộc họp báo về chính sách tiền tệ ngày 1/4, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (Nguyễn Thị Hồng) cho biết: Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng phương án thí điểm loại hình kinh doanh này và dự kiến đưa cho vay ngang hàng vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Do đây là hình thức kinh doanh mới chưa có cơ quan nào quản lí nên Chính phủ đang giao cho NHNN hoàn thành đề án này. "Chúng tôi cũng đã giao cho các vụ, cục chức năng tham khảo cách thức quản lý của các nước và sẽ đề xuất thí điểm hoạt động này, coi đây là ngành kinh doanh có điều kiện", bà Hồng nói.

Trong 40 công ty P2P Lending đang hoạt động ở nước ta thì có 10 công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số công ty từ Indonesia và Singapore. Một số công ty trong số 40 doanh nghiệp này đã xuất hiện những hoạt động biến tướng, vi phạm pháp luật về ngân hàng và tín dụng.

Giá xăng dầu đồng loạt tăng mạnh gần 1.500 đồng/lít

Giá xăng dầu đồng loạt tăng mạnh từ chiều ngày 2/4.

Theo thông báo của liên Bộ Công Thương – Tài chính, từ 17h ngày 2/4, điều chỉnh tăng giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường: Xăng E5RON92 tăng 1.377 đồng/lít; Xăng RON95-III tăng 1.484 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S tăng 1.219 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 1.086 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 1.127 đồng/kg.

Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường cụ thể như sau: Xăng E5RON92 không cao hơn 18.588 đồng/lít; Xăng RON95-III không cao hơn 20.033 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S không cao hơn 17.087 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 15.971 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 15.210 đồng/kg.

Giá xăng dầu tăng mạnh mặc dù đã chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Cụ thể, xăng E5RON92 là 2.042 đồng/lít (kỳ trước chi 2.801 đồng/lít); Xăng RON95 là 1.304 đồng/lít (kỳ trước chi 2.061 đồng/lít); Dầu diesel 0 đồng/lít (kỳ trước chi 1.343 đồng/lít); Dầu hỏa 0 đồng/lít (kỳ trước chi 1.065 đồng/lít); Dầu mazut 362 đồng/kg (kỳ trước chi 1.640 đồng/kg).

Một quyết định cấp quyền khai thác khoáng sản, Nhà nước thu về hơn 5 tỷ đồng

Mỗi giấy phép cấp quyền khai thác tài nguyên, Nhà nước chỉ thu về hơn 5,2 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho biết, số tiền thu về cấp quyền khai thác tài nguyên của hơ 536 quyết định thu được về cho ngân sách hơn 2.800 tỷ đồng, bình quân, mỗi giấy phép cấp quyền khai thác tài nguyên , Nhà nước chỉ thu về hơn 5,2 tỷ đồng.

Bộ Tài chính khẳng định, cơ quan thuế đã nắm chắc số phát sinh phải nộp hàng năm, số còn lại sẽ có nhiều biện pháp đôn đốc để thu vào cho ngân sách Nhà nước.

Hiện hai công ty đang tồn đọng số tiền phải nộp năm 2018 và năm 2017 là Công ty sắt Thạch Khê hơn 300 tỷ đồng, Công ty cổ phần đầu tư khoáng sản An Thông hơn 60 tỷ đồng và Công ty cổ phần khoáng sản Sài Gòn - Ninh Thuận hơn 40 tỷ đồng.

Bộ này khẳng định, năm 2018 hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại trong xuất khẩu khoáng sản được kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Cơ quan hải quan đã chủ động ngăn chặn và bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới các mặt hàng khoáng sản.

Chuyên gia Phạm Chi Lan: "Đừng cố cứu những doanh nghiệp... chết"

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng

Bà Phạm Chi Lan chia sẻ, trước đây, doanh nghiệp Nhà nước là “mũi nhọn” chính để thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia. Thế nhưng, càng ngày thì càng rõ câu chuyện của doanh nghiệp nhà nước, bởi đây là những doanh nghiệp sử dụng nhiều nguồn lực nhất nhưng cũng là những đơn vị nợ nần nhiều nhất.

Cũng theo bà Lan, những nước kém phát triển thường duy trì, níu giữ những mô hình cũ vốn đã từng có tiềm năng. Thế nhưng, những thành công của quá khứ không thể đảm bảo cho thành công của tương lai, nhất là trong thời kỳ thế giới liên tục thay đổi.

“Có những người thành công trong quá khứ nhưng không thể phát triển được trong tương lai nếu không chuyển đổi được. Không thể cứ mãi cố cứu những “ông chết rồi” như vậy được”, chuyên gia kinh tế nhận định.

Lấy ví dụ cho những nhận định nói trên, bà Lan cho biết, 12 dự án “thoi thóp” của Bộ Công Thương 3 năm nay không giải quyết được. Mỗi năm phải tốn hàng ngàn tỷ đồng để duy trì một nhà máy. Trong khi đó, thực chất thì những nhà máy này đã “chết” và nên để chúng “chết” hẳn , bởi việc duy trì chúng làm lãng phí rất nhiều nguồn lực.

(Theo Dân trí)

Theo VietnamNet

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chuyen-that-nhu-dua-tung-clip-len-mang-moi-thang-thu-hang-ty-khong-them-nop-thue-a82480.html